Tổng bí thư: 'Người nghệ sĩ phải dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống'
25/7/2018 - Tổng bí thư nói Đảng không áp đặt cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ “chính trị” giản đơn, nhất thời mà đó là sứ mệnh, sức mạnh vốn có. Ngày 25/7, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (1948-2018) và đón nhận Huân chương Sao vàng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trần Hoàng.
Phát biểu tại đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương và cảm ơn về những cống hiến to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ, của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam". Nhấn mạnh việc đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác là chức năng tự thân của văn học, nghệ thuật, Tổng bí thư nói điều này "không có bất cứ một áp lực nào từ trên hay từ bên ngoài vào".Theo ông, Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ "chính trị" khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay.
Tổng bí thư cho rằng, xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới khác nhiều so với trước đây trong chiến tranh và thời kỳ quan liêu, bao cấp. Điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay.
"Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng", ông nói.
Theo Tổng bí thư, người nghệ sĩ cũng phải đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực...
Trao đổi, tâm tình thêm với văn nghệ sĩ trẻ, Tổng bí thư chia sẻ: "Nhiều người thường bảo văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người".
Ông mong muốn các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân, "đừng để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình".
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao tặng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Huân chương Sao Vàng, ghi nhận những cống hiến to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất, diễn ra từ ngày 25 đến 27/7/1948, tại làng Dộc Phát, Yên Kỳ, Hạ Hòa, Phú Thọ, được coi là Đại hội đầu tiên của tổ chức văn nghệ cách mạng Việt Nam.
70 năm qua, Hội Văn nghệ Việt Nam đã 3 lần đổi tên để phù hợp với sự lớn mạnh về đội ngũ, trưởng thành về tổ chức qua các thời kỳ. Từ năm 1995, Hội chính thức mang tên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Qua 9 kỳ đại hội toàn quốc, Liên hiệp hiện có 10 hội thành viên, ở mỗi tổ chức hội đều ghi nhận những tên tuổi và tác phẩm sáng giá.
Viết Tuân
https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tong-bi-thu-nguoi-nghe-si-phai-dam-di-vao-nhung-mui-nhon-cua-cuoc-song-3783142.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét