Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Tư bản Anh kỷ niệm 70 năm Y tế Xã Hội Chủ Nghĩa

Tư bản Anh kỷ niệm 70 năm Y tế Xã Hội Chủ Nghĩa
Nguyễn Hùng 27/07/2018 VOA - NHS của Anh là định chế được người dân ưa chuộng tới mức các nhà bình luận coi niềm tin của người dân vào hệ thống y tế như niềm tin tôn giáo. Họ không chỉ tin suông mà sẵn sàng đóng thuế để nuôi NHS, vốn mỗi năm tiêu tốn gần 150 tỷ bảng trong thời điểm hiện nay và trên 10 tỷ bảng hồi mới thành lập vào tháng 7/1948. Quyết định khiến mọi người dân đều được quyền khám chữa bệnh miễn phí được Bộ trưởng Y tế Anh Aneurin Bevan công bố chỉ ba năm sau khi Thế Chiến II kết thúc.
Hình minh họa.
Tháng 7/2018 nước Anh có hàng loạt sự kiện đánh dấu 70 năm ngày thành lập hệ thống y tế quốc gia gọi tắt là NHS. Đây thực sự là hệ thống đóng góp theo khả năng và người dân không phải trả bất kỳ chi phí khám chữa gì khi tới bệnh viện – một sản phẩm xã hội chủ nghĩa tại quốc gia tư bản hàng đầu.
Khác với hệ thống y tế tại các nước tự nhận là theo xã hội hay cộng sản chủ nghĩa như Việt Nam và Trung Quốc, NHS cũng như nhiều hệ thống y tế của các nước tư bản phát triển khác trừ Hoa Kỳ đều chăm sóc bệnh nhân như nhau thay vì khám chữa tuỳ vào số tiền mà họ có. Không có chuyện người bị bệnh tim có nguy cơ chỉ được đặt một nửa số ống thông tim cần thiết vì không kiếm đâu được thêm vài chục triệu đồng hay nhẹ hơn là phụ nữ sinh con phải cầm vài phong bì để hối lộ cho nhân viên của các ca trực khác nhau.

Tôi đã từng trải qua các ca phẫu thuật ở cả Anh và Việt Nam và không thực sự nhận thấy có khác biệt quá lớn về dịch vụ. Tuy nhiên ca phẫu thuật cắt khối u ở cổ của tôi tại Bệnh viện Quân y 103 do một người quen của người quen thực hiện và tôi đủ tiền để trang trải mọi chi phí. Giờ tôi cũng nhận ra khi đó tôi không đóng góp nhiều để cải thiện dịch vụ y tế qua thuế thu nhập. 

Còn với ca phẫu thuật ở Anh nhằm loại bỏ một khối u khác, mà chỉ khi đã phẫu thuật xong họ mới phát hiện ra nó đã có mầm ung thư, tôi được đối xử như nửa triệu bệnh nhân tới dùng dịch vụ của NHS mỗi ngày. Sau ca phẫu thuật là nhiều ngày xạ trị khác tại một bệnh viện chuyên khoa ở London và trong cả quá trình này tôi không phải trả bất kỳ một xu nào. Trong đầu tôi cũng không có ý nghĩ phải có phong bì cho bác sỹ hay y tá.

NHS của Anh là định chế được người dân ưa chuộng tới mức các nhà bình luận coi niềm tin của người dân vào hệ thống y tế như niềm tin tôn giáo. Họ không chỉ tin suông mà sẵn sàng đóng thuế để nuôi NHS, vốn mỗi năm tiêu tốn gần 150 tỷ bảng trong thời điểm hiện nay và trên 10 tỷ bảng hồi mới thành lập vào tháng 7/1948. 

Quyết định khiến mọi người dân đều được quyền khám chữa bệnh miễn phí được Bộ trưởng Y tế Anh Aneurin Bevan công bố chỉ ba năm sau khi Thế Chiến II kết thúc.

Ngày nay NHS là nhà tuyển dụng lớn nhất ở Anh với 1,7 triệu nhân viên. Hệ thống y tế này phục vụ nửa triệu bệnh nhân mỗi ngày với các bác sỹ kê hơn một tỷ đơn y tế và hơn 700,000 trẻ em ra đời tại các bệnh viện khác nhau trên toàn nước Anh. Nhưng NHS cũng bị chỉ trích vì số người phải chờ từ vài ngày tới nhiều tuần để dùng dịch vụ y tế hàng năm cũng lên tới bốn triệu và NHS không có mặt trong danh sách 10 hệ thống y tế tốt nhất thế giới cho việc chữa trị một số bệnh ung thư. 

Một số nhà chỉ trích cũng nói chính niềm tin của người dân vào NHS đã khiến hệ thống y tế Anh trở nên bảo thủ và bị một số hệ thống y tế khác, chẳng hạn y tế của Đức, qua mặt. Để cải thiện NHS, chính phủ Anh mới đây cam kết sẽ tăng ngân sách cho hệ thống y tế với mức tăng sau lạm phát là 3,4% trong năm năm tới. Với mức tăng này, theo chính phủ Anh, ngân sách của NHS mỗi năm sẽ tăng thêm 20 tỷ bảng kể từ năm thứ năm của kế hoạch cải thiện y tế.

Trong đợt kỷ niệm 70 năm ngày thành lập NHS hồi đầu tháng Bảy, kênh truyền thông Anh BBC đã phỏng vấn một bệnh nhân sinh cùng ngày 5/7/1948 với NHS và là bệnh nhân của hệ thống y tế này trong suốt 70 năm qua vì vừa ra đời đã mắc một chứng ung thư. Bệnh nhân này, bà Jean Jones, nói:

“Trước khi có NHS, người ta phải trả tiền cho mọi thứ. Tôi được chữa trị nhiều trong rất nhiều năm. Tôi không biết tôi có thể cáng đáng được chi phí không [nếu không có NHS].”

Nếu có điều gì Việt Nam có thể học được từ Anh đó chính là việc xây dựng một hệ thống y tế mà trong đó không có sự phân biệt giàu nghèo và ai cũng được quyền chăm sóc sức khoẻ miễn phí. Hệ thống y tế đầy phân biệt đối xử và chất lượng dịch vụ không đồng đều ở Việt Nam khiến có người bạn tôi nói “mỗi lần vào viện chỉ mong lại có cách mạng”.


Nguyễn Hùng
Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook – https://www.facebook.com/haynhi3005/.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét