Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Trương Minh Tuấn: Ngã, rũ bùn đứng dậy sáng lòa !!!

Ông Trương Minh Tuấn: 'Ngã gục tiếp tục đứng dậy'
28 tháng 7 2018 - Trở lại Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trương Minh Tuấn, người bị kỷ luật và mất chức bộ trưởng nói ông có tinh thần 'ngã gục ở đâu thì tiếp tục đứng dậy ở đó'. Dù vụ việc được nói là gây ra thiệt hại lớn, ông Trương Minh Tuấn vẫn trở lại làm Phó Ban Tuyên giáo TW, cơ quan chuyên chấn chỉnh hệ thống truyền thông, văn hóa và giáo dục của Việt Nam. Nguyên Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói ông có tinh thần của một người lính
Trưởng Ban Võ Văn Thưởng nói ông Trương Minh Tuấn "không có gì xa lạ với Ban Tuyên giáo Trung ương, nay được phân công về Ban cũng là trở về nhà", theo báo Thanh Niên tường thuật hôm 27/07/2018. Ông Võ Văn Thưởng cho hay tuần sau lãnh đạo Ban "sẽ họp để phân công mảng việc cụ thể đối với ông Tuấn".

Trở lại Ban Tuyên giáo Trung ương sau hơn 4 năm rưỡi, ông Trương Minh Tuấn bày tỏ lời "cảm ơn tập thể lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã dang rộng vòng tay để đón ông trở về".

Vốn từng là bộ đội, ông xin hứa thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao với 'tinh thần của người lính", và nói "dù có ngã gục ở đâu thì tiếp tục đứng dậy ở đó".

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, quyết định điều động, phân công các chức vụ cao nhất là do Đảng Cộng sản đưa ra.

Theo các báo Việt Nam, vào ngày 16/7, Bộ Chính trị bố trí lại công việc cho ông Trương Minh Tuấn, một ủy viên Trung ương Đảng.

Theo đó, ông Trương Minh Tuấn thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông để giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Người hiện được giao giữ chức quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông và nắm Ban Cán sự Đảng của bộ này là thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, CEO và chủ tịch tập đoàn Viettel.

Trước đó, hồi tháng 6/2018, Ủy ban Kiểm tra TW Đảng kết luận về thương vụ MobiFone của Bộ Thông tin Truyền thông mua AVG với giá gần 9.000 tỉ đồng, và cho rằng đây là vụ việc có "vi phạm rất nghiêm trọng".

Cả hai người, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và đương kim Bộ trưởng khi đó là ông Trương Minh Tuấn phải chịu trách nhiệm và bị đề nghị kỷ luật.

Nhưng cuối cùng, hai người cấp thấp hơn, các ông Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng lại bị nặng hơn cả và vì khai trừ khỏi Đảng Cộng sản sau vụ MobiFone/AVG.

Hai ông Phạm Đình Trọng và Lê Nam Trà đều đã bị bắt.

Một người khác là Cao Duy Hải bị "cách hết mọi chức vụ trong Đảng CS".
Chiến sỹ, tiến sỹ và nhà lý luận

Theo tiểu sử chính thức, ông Trương Minh Tuấn sinh năm 1960 ở Đồng Hới, từng đi bộ đội và học trường sỹ quan chính trị, rồi đi lên từ chức chính trị viên cấp đại đội.

Là giảng viên môn triết học Marx-Lenin trong quân đội, ông lên làm tuyên huấn ở tỉnh ủy Bình Trị Thiên (cũ), rồi Ban Tuyên giáo Quảng Bình.

Từ 1998 ông làm chuyên viên, rồi phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tư tưởng, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Ông lên làm Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương tại Thành phố Đà Nẵng, rồi làm việc tại Ban Tuyên giáo Trung ương .

Từ 2014 ông làm Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và từ 2016 làm Bộ trưởng Bộ này kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (từ tháng 7/2016).

Hồi cuối 2016, một Phó Ban Tuyên giáo Trung ương khác, ông Nguyễn Thế Kỷ đã trao giải thưởng Đào Tấn truy tặng cho cố nhạc sỹ, nhà viết kịch Trương Minh Phương, cha của ông Trương Minh Tuấn.

Sang tháng 7/2017, Bộ Chính trị đã quyết định, thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Điều này có nghĩa là ông Trương Minh Tuấn chắc chắn không thể giữ chức Bộ trưởng nữa.

Image captionSách của tiến sỹ Trương Minh Tuấn

Nhưng việc đưa một bộ trưởng bị luật về lại làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương hiện đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.

Nhà báo Quốc Phương của BBC News Tiếng Việt bình luận:

Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức trong chính quyền ở trong tình trạng bị hay được điều chuyển sang vị trí khác của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Trương Tấn Sang từng phải rời Đảng bộ TPHCM ra làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương sau một số vấn đề xảy ra trên địa bàn thành phố.

Nhưng sau đó ông Sang đã 'trở lại mạnh mẽ' và lên tới chức Chủ tịch Nước.

Về các vụ việc có 'vấn đề' bị Đảng kỷ luật và được điều về một cơ quan Đảng thì gần đây được biết tới nhiều là ông Đinh La Thăng.

Sau khi từ chức Bí thư thành ủy TPHCM, ông được điều chuyển về làm Phó Ban Kinh tế Trung ương.

Nhưng sau đó ông Thăng đã bị tước hết mọi chức vụ và cả tấm thẻ Đảng, và phải ra tòa, trở thành bị cáo và bị kết những mức án ông cho là 'nặng nề, không phục', và kêu gọi Tòa án và Nhà nước nên đối xử với ông 'như với một con người'.

Chính vì thế hiện chưa rõ ông Trương Minh Tuấn sau này sẽ thăng, hay giáng, hay đi ngang trong hệ thống cầm quyền tại Việt Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44985230

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét