Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Những đứa trẻ đói...chữ

Những đứa trẻ đói...chữ
Bùi Thanh Xuân - 12 tuổi - nằm nghiêng, quay mặt ra rạch Bà Bướm (P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM), ôm ấp một hàng bốn con búp bê nhỏ xíu đặt gọn trong lòng. Phía sau lưng em, bóng đêm đã kịp phủ xuống dù chiều chỉ mới nhập nhoạng phía bên ngoài. Con thuyền cũ được quây lại để làm thành một mái nhà đã không còn một ánh sáng nào lọt vào, ngoài luồng sáng yếu ớt phản chiếu từ mặt sông, hắt ngang qua người đứa trẻ đang nằm ngang lại chỗ mũi thuyền. Chỗ đó là thế giới của Xuân.

ÁNH SÁNG LÀ MỘT MÓN QUÀ
Bữa ấy là rằm tháng Tư, vợ chồng chị Thúy chèo cái ghe nhỏ xíu về đến cái ghe nát dựng sát mé sông thì Xuân chồm dậy, nói với ra khoe: "Ngày nay con ăn được ba gói mì đó mẹ". Anh Thành quăng mái chèo, cười: "Giỏi quá hén! Rồi có học được chữ nào không?". Giọng đứa nhỏ ỉu xìu: "Cái đèn hết pin rồi, tối quá nên con xếp tập cất rồi". Chuyện học hành của đứa nhỏ mong manh như ánh đèn cứ dăm bữa lại chực tắt, mà chủ nhân của nó thì lại quá bận bịu để lặn lội ra ngoài lộ thay pin.

Sài Gòn vừa vào mùa mưa. Mới 18g, "xóm ghe" đã tối mịt. Cái rậm rạp u tối của những lùm cây trước mặt như phủ lên những "mái nhà" tạm bợ mà dưới là con ghe cũ, trên là tấm bạt xanh lẫn chìm trong bóng tối. Xóm có chừng 5 "nhà", mỗi nhà là chiếc ghe được níu lại mặt đất bằng một vài miếng gỗ cũ, vừa cố định, vừa làm giàn để lót một cái "sàn nhà", làm căn bếp. Nhưng người ta chỉ ở đó để làm cá, đến tối, cả xóm về hết, chỉ gia đình anh Thành, chị Thúy trong căn nhà ghe - cũng là nơi "thường trú" duy nhất suốt 15 năm trời. Nhìn về phía trước, mặt nước vẫn lấp lóa ánh sáng rọi xuống từ cầu Phú Mỹ đang xây dựng bên kia sông. Nhưng ở phía sau, bụi cây dại um tùm như quây giữ mái nhà tạm bợ khỏi một khu đất trống bạt ngàn im lặng của một siêu công trình về đêm. Cách xa thành thị, xa cả ánh đèn.


Góc giường của Thanh Xuân là nơi ấm cúng, lành lặn và cao ráo nhất con thuyền.

Trước và sau nhà là cách mà Xuân quy ước, vì nó thích nhà nó nhìn ra sông hơn là cái bụi cây um tùm với con đường đất cứ 10 ngày thì hết 9 ngày nhão nhoẹt. Nhà không có điện. Cái đèn hết pin mà Xuân vừa nhắc là quà sinh nhật của các bạn trong lớp tình thương tặng. Hôm đó, chị Thúy làm một bữa tiệc ngọt, rồi ra ngoài lộ, dắt từng đứa trẻ băng qua khu công trình, xuống chơi với Xuân. Biết nhà bạn không có điện, đứa trẻ nào cũng mang đến một món quà "bật sáng được". Buổi tiệc không đèn vô tình trở thành "sân khấu" thần kỳ của những món quà phát sáng. Bọn trẻ vui như hội. Lúc chị Thúy vụng về miêu tả cho bằng được cái "quả cầu có công tắc bật đèn màu xanh đỏ" hay cái "que sáng hình cây bút", Xuân lẳng lặng về chiếc "giường" cao ngay mũi ghe, đem hết từng món quà ra bật lên, khoe. Cái đèn pin kiểu công chúa, dăm bảy cái móc chìa khóa hình quả cầu phát sáng màu xanh đỏ cộng lại, rực cả một con ghe không đèn, lấp lóa dòng nước mắt trên gương mặt người đàn bà đang cơn mủi lòng.

"Bạn bè", "lớp học", "ánh sáng" là những nỗi ám ảnh mà hễ vô tình nhắc đến, người ta lại dễ nhận ra cái ngọng nghịu, run rẩy trong giọng nói của chị Thúy. 5 năm Xuân học ở lớp học tình thương là 5 năm trời chị Thúy có mặt cùng con trên mọi bước đường đến lớp. Trời nắng, chị cột thúng cá phía sau, chở con đến thả xuống trước lớp xong mới vòng về con hẻm trên đường Gò Ô Môi, bán hết mớ cá sông mà vợ chồng vừa gỡ được trong đêm, rồi vòng qua, rước con về. Nhà ở trong khu ngập của P.Phú Thuận, lại cách đường phố cả một khu đất trống bạt ngàn nên hễ trời mưa, gia đình chị Thúy như bị cô lập sau một con đường dài lầy lội. Những ngày đó, Xuân lại đến trường trên vai mẹ. Anh Thành phải bỏ một buổi ra vá lưới, bưng thúng cá ra ngoài lộ, đợi chị đưa con đến lớp rồi quay về bán. Buổi trưa, mẹ tan chợ, con tan học, dắt díu về đến nhà có khi đã ướt sũng sau đoạn đường đầm mình dưới những vũng nước sâu ngang nửa người đứa nhỏ.


Trò chơi ánh sáng

Đường học quá gian nan. Mấy buổi chiều con xong việc thi cử, chị Thúy thường đưa Xuân theo để phụ gỡ lưới cá. Đứa nhỏ lúc đầu còn luống cuống mừng vì được theo mẹ. Phải đến hôm có gió, đường sông tròng trành, sóng quật như muốn lật úp con thuyền mà cái lưới chỉ trơ trọi một nắm cá lòng tong, chị Thúy mới ôm đứa nhỏ đang xanh lè vì say sóng và sợ hãi vào lòng, dặn: "Phải ráng học cho đỡ khổ nghe con".

Tưởng đã gieo được vào con một niềm tin về con chữ, nhưng về sau, câu nói đó cứ làm chị ân hận khi nhìn đứa trẻ nằm vật ra khóc sau cái tin giải tán lớp học. Cuộc mưu sinh 15 năm trời vừa gánh vác cuộc sống lay lắt của hai người lớn và một đứa nhỏ ở mom sông, vừa phải chăm lo cho đứa con lớn đang sống với ngoại ở quê nhà An Giang vốn đã chòng chành giữa bữa no bữa đói, nói gì đến chuyện học hành? Đã đành là không có tiền cho con vào cấp II, nhưng sau chừng đó năm trời sống không giấy tờ, không giấy khai sinh, không một liên hệ nào với địa phương, anh Thành dăm lần làm liều ra trường dò hỏi cách đăng ký cho con nhập học, đều bất thành. Ngoài lòng ham học, mọi thủ tục nhập học Xuân đều không thể đáp ứng. Vậy nên, bữa tiệc sinh nhật hôm cuối tháng Tư đó, chị Thúy bạo gan mời cả lớp học về mái nhà hẻo lánh của mình là để mừng tuổi con, mà cũng để tạo cho con một kỷ niệm đẹp cuối cùng về trường lớp, bạn bè. Bữa tiệc để lại những món quà lấp lánh sáng, cùng thông tin giải tán lớp học làm đứa nhỏ vừa được mừng tuổi đã thu mình bật khóc.
TIẾNG KHÓC ĐÒI CHỮ

Tiếng khóc đòi chữ đó còn rấm rứt thâu đêm ở căn nhà trọ của một xóm lao động Q.7, trở thành nỗi ám ảnh của người đàn bà ngoài 80 tuổi Huỳnh Thị Cúc. Đợt đó, dắt đứa nhỏ 14 tuổi đi khắp các trường trung học cơ sở ở Q.7 đều nhận được câu trả lời là những khoản học phí, bà đành dắt cháu về. Đứa cháu vốn sống hướng nội lại càng thêm khép kín. Ngoài những chuyện trò trên đường đi xin nhập học, Tú chỉ lẳng lặng phụ việc nhà rồi về nằm một góc phòng, để đến đêm, khi cả xóm lặng tăm, bà Cúc lại nghe tiếng khóc.


Chị Thúy rưng rưng khi nhắc đến đoạn đường đến trường của Thanh Xuân

Sáng 27/5, ở quán cơm Nụ Cười 3 (1.276 Huỳnh Tấn Phát, Q.7), sau buổi họp phụ huynh về chương trình bảo trợ học tập do quán cơm tổ chức cho các em nhỏ đặc biệt khó khăn như Tú, như Xuân, bà Cúc cứ chép miệng mà nói với nước mắt lưng tròng: "Hồi đó có nằm mơ tui cũng không nghĩ thằng Tú lại được đi học". Bà cẩn thận giải thích thêm, "hồi đó là tính cả cái hồi tui còn lột tỏi thuê, kiếm mỗi ngày hai, ba chục ngàn đồng để nuôi cháu". Người đàn bà đang vẻ mãn nguyện chợt mếu máo. Cái đoạn "lột tỏi thuê" như đã làm ký ức của bà trôi về đoạn đời trước đó nữa. Một ngày giữa năm 2008, bà lặn lội từ Q.7 xuống Thủ Thiêm (Q.2), đem thằng Tú mới 4 tuổi lem luốc, ngơ ngác về nuôi sau khi ba mẹ nó bị bắt vì bán ma túy.

Vài năm sau, được tin con ra tù, niềm khấp khởi khiến bà trót gieo vào Tú niềm hy vọng rằng, nó "sắp có mẹ". Đến khi người mẹ biệt tăm không về, đứa trẻ kiệm lời càng như rơi vào một hố sâu cách biệt, mọi ý chí đều dồn hết vào mục tiêu "phải học". Bước cùng cháu qua một đoạn dài để theo đuổi chuyện học, lúc trút được một phần gánh lo khi Tú được bảo trợ học phí, bà mới như vừa nhìn thấy những hành trang bấy lâu của mình: "Tui là người bảo hộ duy nhất của thằng Tú, mà lúc hết cách, tui đành phải dắt nó đi khắp nơi, tự nhận vào cái tiếng "trẻ mồ côi" để mong nó được xét cho đi học. Nhiều lúc mình bất lực tới nỗi tiếng mồ côi cũng trở thành vốn liếng được, tủi buồn lắm cô".


Khu nhà tạm bợ dựng lên từ những con thuyền cũ rách, cách con lộ gần 1km sau một 
khu đất trống bạt ngàn

TỰ LỰC MƯU SINH ĐỂ NUÔI CON CHỮ

“Nếu không gọi được cho em thì chị có thể liên hệ với ai?” - tôi hỏi Bá Vương, rồi thấy em ngập ngừng: "Dạ em không có ai, từ lúc vào được đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.7 để học tiếp, em chỉ còn một mình". Tôi chợt thấy bẽ bàng, giống như cảm giác tôi từng có khi đối diện Bích Liên - sinh năm 1997, cô gái cũng một mình dứt khỏi vùng quê Tịnh Biên (An Giang) để lên thành phố, đi học. Cả Liên và Vương đều đang học cấp II ở độ tuổi 21, 22. Hai đứa trẻ xa lạ, ở vùng quê khác nhau, nhưng cùng chịu cảnh ly tán vì cha mẹ chia tay, phải nương nhờ nhà ngoại. Cả hai đều bỏ học lần đầu sau khi học hết tiểu học, sau 5 năm liền là học sinh xuất sắc. Ở Vĩnh Long, Vương theo các chú trong xóm lên Sài Gòn, phụ quán rồi xuống làm công nhân ở khu công nghiệp Nhơn Trạch 5. Còn ở An Giang, Liên lên Bình Dương, làm công nhân may giày trong một công xưởng của người Hàn Quốc.


Bùi Thanh Xuân

Lúc lên Sài Gòn phục vụ cho một quán cóc, rồi lại vòng xuống Đồng Nai làm công nhân, từ một đứa trẻ chỉ bôn ba kiếm từng bữa cơm, Vương đăng ký làm mỗi ngày hai ca, kiếm hơn 3 triệu đồng/tháng để có thể vừa phụ cấp cho người dì từng cưu mang mình, vừa dành dụm đặng "tìm đường đi học". Lúc gọi điện về quê báo tin vui về công việc, nghe người thân kể "thầy hiệu trưởng vào tìm mày, kêu mày ra trường đặng thầy lo cho đi học", Vương mừng đến cuống cuồng, lập tức nghĩ đến việc từ bỏ công việc để về quê. Đến khi gọi điện lại để xác nhận thông tin, Vương mới nghe cặn kẽ câu chuyện qua một tràng cười xuê xoa của người thân: "Chuyện đã 3 năm rồi, ổng vô tìm mày hồi mày mới đi Sài Gòn kia, nhưng cả nhà thấy mày đang đi làm có tiền nên không dám nói. Giờ thì thôi chứ, về làm gì nữa".

Vương "thôi", chấp nhận ở lại phân xưởng giày da đó gần 3 năm. Dành dụm được vài triệu đồng, Vương quyết về Sài Gòn, xin vào học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.7. Hy vọng học hành vừa lóe lên thì Vương được gặp mẹ. Lần đầu tiên sau 17 năm tồn tại trên đời, Vương được mẹ cung cấp cụ thể địa chỉ của cha ruột ở Hà Nội, rồi dặn "đi tìm nhận lại cha". Công cuộc nhận cha cần thêm một cuộc dành dụm khác nữa. Vương gác việc nhập học, xin đi làm phục vụ cho đến khi đủ tiền ra Hà Nội, nhận họ hàng bên nội. Cuộc đoàn viên vừa diễn ra thì ở TP.HCM, mẹ Vương qua đời. Vương trở về với giấc mơ thật thà nhất về việc học, ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.7.

Bích Liên đang làm việc trong nhà hàng.

Đoạn đời lẽ ra chỉ đơn thuần là chuyện sách vở dưới một mái trường, trong vòng tay người thân và bè bạn lại quá đỗi cô độc trước những diễn tiến dồn dập, trớ trêu. Nhưng trớ trêu kia phải đâu là cá biệt? Ở Q.7, Q.4, hay bất kỳ quận nào có những quán xá cần lao động giá rẻ của thành phố phồn hoa này, người ta cũng dễ dàng bắt gặp một câu chuyện tương tự, một giấc mơ học hành nhọc nhằn tương tự. Có điều, những "nữ sinh", "nam sinh" ấy đang miệt mài trong vai phục vụ, công nhân, hay một người rửa chén, một đứa bé nhặt ve chai mà chỉ cần nghỉ tay là sự học, hay cả sự sống cũng cùng đường.


Bích Liên tất bật dọn dẹp dù nhà hàng đang vắng khách.

Gặp nhau trong một nhà hàng ở đường Nguyễn Thị Thập, thấy Bích Liên quần quật dù quán đang vắng khách, tôi hỏi "dọn dẹp suốt từ 14g đến 23g có quá sức không", Liên cười: "Dạ cũng có lúc mệt, nhưng không ngừng được vì đây là tất cả mọi nguồn sống của em". Liên làm việc đến 23g, rồi sáng sớm mai lại học đến hơn 11g trưa. Guồng quay này đã "chạy" từ 10 năm nay, ngay cả khi em chưa đến trường. Chỉ có khác là từ khi em kiên quyết cầm 4 triệu đồng, bắt xe lên bến xe Miền Tây, rồi đi xe ôm sang Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.7 để xin nhập học, thì ca làm buổi sáng được chuyển sang buổi đêm, nhường chỗ cho giờ học.


Buổi họp với phụ huynh các em

Tôi rời nhà hàng đang vào giờ tất bật đón khách, để Liên trở lại "guồng quay không được phép dừng lại" sau khi nghe em chia sẻ dự định "làm thêm vào buổi sáng trong hè". Ngoài đường phố, thế giới tuổi thơ vốn đã rộn rã vào hè. Nhưng, khi guồng quay mưu sinh hà khắc và bất tận, khi những ánh sáng yếu ớt chực chờ hết pin, khi vốn liếng sống là sự bấu víu vô vọng vào chính sự thiệt thòi của số phận, còn khát khao học hành cứ cuồn cuộn, mãnh liệt như thế thì mùa hè có khi lại là một nỗi ám ảnh, nỗi ám ảnh mang tên “lớp học tình thương đóng cửa", hay một quỹ học bổng ngưng hỗ trợ.

Thực hiện: Minh Trâm
Kỹ thuật: Ngô Tới
http://phunuonline.com.vn/longform/nhung-dua-tre-doi-chu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét