Ố kìa, “hiệp sĩ”!
Tuấn Khanh, 17-5-2018 - Ở Việt Nam, chuyện hiệp sĩ bắt cướp trên đường phố đang được bàn tán khắp nơi, nhất là trong cái xứ bạo lực đang lên ngôi, mà những người có trách nhiệm thi hành pháp luật thì như đang nhượng quyền không cần ký giấy.
Bà Dương Thị Tân cho biết, bà đã bị “hiệp sĩ”
Nguyễn Sin đánh khi biểu tình phản đối Formosa
Nhưng đến hôm nay, lại có thêm chuyện mới phát sinh đáng bàn hơn nữa. Chị Dương Thị Tân, một người hoạt động xã hội quen mặt ở Sài Gòn bất ngờ nhận ra đúng mặt của “hiệp sĩ” Sin Nguyễn, là một trong những thành phần tích cực tham gia bắt và đánh đập người biểu tình vì nạn cá chết. Trong sự kiện mới đây có người dân đã thiệt mạng vì bắt cướp giúp người, người ta nhìn thấy Sin xuất hiện ngay ở đầu các trang truyền thông. Anh tự xưng trên facebook của mình là Hiệp sĩ đường phố, tức loại người hùng trừ gian diệt ác, là batman hay spiderman trong trí tưởng huy hoàng của con người.
Nhưng từ chuyện kể của chị Dương Thị Tân, anh Sin (tên của “hiệp sĩ”) chính là người tham gia hăng hái vai trò tay sai, bắt và đánh đập những người biểu tình chống Formosa gây ô nhiễm vào những ngày tháng 5-2016 tại Sài Gòn.
Sin chính là người đã đấm liên tiếp vào mặt chị Dương Thị Tân, một người phụ nữ đáng tuổi mẹ của Sin. Lúc đó, khi chị Tân đang trên xe bus, bị đưa về sân Hoa Lư, Sin “hiệp sĩ” đã đánh chị để thị uy và lập công với một loạt công an trên xe.
Chuyện không chỉ vậy. Có những chi tiết chị Tân nhớ rất rõ.
Ngay khi bị đánh đập và nói qua lại với những người trên chiếc xe bus ấy, chị Tân nhớ rằng mình đã bấm máy thu trọn âm thanh vào chiếc iphone 4 của mình. Khi bị đạp ra khỏi xe, dẫn vào sân Hoa Lư, chị đã chuyển chiếc iphone 4 đó cho một người sẽ được thả ra trước.
Sau vài ngày kinh hoàng ấy, tôi còn nhớ chị Tân kể lại với giọng uất ức, run rẩy vì tức giận khi nhắc đến người thanh niên to con khỏe mạnh ấy xông vào đánh chị vô cớ, không cần nói năng gì cả. Đầu chị bị đánh mạnh đến mức bật ra, đập vào thanh sắt dựng đứng tay vịn trên xe bus, khiến chị hoa cả mắt. Cú đánh mạnh đến mức tay an ninh đứng gần đó còn giật mình và ngăn những đòn dự định tiếp theo của Sin.
“Chị nhớ rõ gương mặt của nó, nó chỉ đáng tuổi con chị. Không thể nào chị quên được”, chị nói như vậy với tôi, bằng một giọng yếu ớt, chưa thể hồi phục.
Chị là một người tôi kính trọng vì luôn sống cho người khác.
Nhưng ngay cả không biết gì về chị, tôi cũng không thể nào chịu nổi chuyện một người phụ nữ lớn tuổi, yếu đuối lại bị sức thanh niên vai u thịt bắp đánh đập và dọa giết, chỉ vì nghĩ cho môi trường sống. Ngày chị kể lại câu chuyện này, tim tôi muốn đứng lại vì không kiểm soát được cảm giác của mình.
Ngay sau khi chị Tân lên tiếng nhận diện Sin là kẻ hành hung, trên facebook của anh này xuất hiện phản ứng đơn giản là “bọn ba que” muốn triệt hạ anh. Thật ra, chuyện rất đơn giản, nếu Sin bị nhận lầm thì anh ta có thể tự tìm đến gặp chị Tân để buộc chị nói lại.
Và vì sao anh ta phải làm như vậy: Bởi đó chính là phong cách đúng của một hiệp sĩ. Chắc chắn nếu Sin dám làm điều đó, và giả như chị Dương Thị Tân nhận lầm, chắc chắn lời xin lỗi sẽ làm danh hiệu hiệp sĩ còn rực sáng hơn nữa.
Nhưng tiếc là Sin không làm vậy. Khi nhà văn Đoàn Bảo Châu phỏng vấn trực tuyến chị Dương Thị Tân về sự kiện này, Sin và bạn Sin trên facebook chỉ đòi hành hung người hỏi và người trả lời.
Nói cho cùng, phần blog này không muốn nói riêng gì về Sin, mà chỉ muốn nhắc đến rất nhiều người đang hành động xấu xa và nghĩ rằng sẽ không ai nhận ra cái bóng đồi bại của mình trên mặt đất, cũng như sẽ không bao giờ phải chịu búa rìu dư luận.
Đất nước 90 triệu dân thật rộng lớn, nhưng lại thật nhỏ để nhìn thấy nhau rất nhanh ở các chiều xấu tích cực hay tốt tích cực.
Đoạn blog này cũng muốn gửi một lời xin lỗi đến những người trượng nghĩa, luôn giúp người cô thế mà không cần danh lợi hay thủ đắc chính trị, nhưng giờ đang bị phiền toái lây bởi hai chữ “hiệp sĩ” lúc này.
Thật lòng xin lỗi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét