Chống thất thoát đất vàng không thể trông vào 'quan đức'!
Nếu không có những cám dỗ lớn hơn mức lương công chức, viên chức, thì sẽ khó ai ký quyết định mà hiển nhiên có hại cho tài sản chung. Thương vụ mua hơn 32 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM được thực hiện giữa Quốc Cường Gia Lai và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM) sẽ không gây xôn xao đến thế nếu mức chuyển nhượng không bèo bọt đến thế.1,29 triệu/m2 đất ở khu vực thị trường bất động sản đang rất sôi động là điều khó hình dung. Dù sau đó Quốc Cường Gia Lai có khẳng định tổng giá trị doanh nghiệp này nhận chuyển nhượng các thửa đất nông nghiệp nói trên là 632 tỷ đồng đã bao gồm VAT, chứ không phải con số 419 tỷ đồng như báo chí nêu, nhưng bản chất vấn đề dường như vẫn không thay đổi. Thậm chí, những thông tin đưa ra sau đó còn tô đậm hơn câu hỏi, vì sao người giàu dễ mua đất giá… người nghèo?
Theo đó, Tân Thuận đã không xin ý kiến Thường vụ Thành ủy TP.HCM, đơn vị chủ quản của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước này, khi tiến hành tất cả các bước trong thương vụ và việc này từng được phát hiện.
Ngày 27/12/2017, khi nắm được thông tin, Thường trực Thành ủy đã có chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu phải đàm phán lại và báo cáo Thường trực Thành ủy.
Theo đại diện của Quốc Cường Gia Lai, đến tháng 2/2018, Tân Thuận và doanh nghiệp ký lại phụ lục hợp đồng số 3 điều chỉnh đơn giá theo thuyết minh kết quả của Sở Tài nguyên - Môi trường.
Tổng số tiền tăng thêm là 155 tỷ đồng và cả việc điều chỉnh này đều được đánh giá kỹ từ các cơ quan chức năng. Thế nhưng, thông cáo của Thành ủy TP.HCM không đề cập tới chi tiết này khiến dư luận cho rằng, việc ký phụ lục hợp đồng đã không thông qua tập thể Thành ủy.
Đáng buồn hơn, những thương vụ có vẻ như đi ngược lại với các nguyên tắc thị trường như vụ chuyển nhượng đất đai Tân Thuận không phải là chuyện… xưa nay hiếm.
Lùm xùm đất vàng Hãng phim Truyện 1 chưa có hồi kết, hàng loạt chung cư cao cấp với giá bán dăm bảy chục triệu/m2 và hơn thế nữa được mọc lên trên các khu đất từng của thủy sản, dệt may… Bằng mắt thường cũng thấy, một tầng lớp đại gia giàu lên từ đất và vẫn đang tiếp tục kiên trì kiếm lợi ‘tấc đất tấc vàng’.
Thiệt thòi cho ngân sách cũng chính là thiệt thòi của người dân, đặc biệt khi, báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của Chính phủ tính tới hết năm 2015 cho thấy, tài sản đất đai chiếm khoảng 68% trong số 1.031.313,82 tỷ đồng tổng tài sản của Nhà nước.
Đương nhiên, vấn nạn này đã được các nhà quản lý lưu tâm. Trong một động thái mới và được đánh giá là tích cực nhất, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có những quy định tạo tiền đề cho việc bịt lỗ hổng thất thoát đất vàng sau cổ phần hóa.
Cụ thể, căn cứ giá đất cụ thể do tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và cho thuê công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước; Phương án sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quyết định của Thủ tướng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương trước khi tổ chức thực hiện xác định giá trị của doanh nghiệp; Nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản là tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm…
Nghị định nói trên cùng hàng loạt chỉ đạo kiên quyết đến từ hầu hết các cấp lãnh đạo chứng tỏ, nỗi lo lắng của rất nhiều chuyên gia rằng Việt Nam không thể tránh nỗi đau thất thoát khi trả nền kinh tế về cho thị trường như Nga hay Trung Quốc… đã được thấu cảm. Chúng ta còn có lợi thế của người đi sau, con voi sẽ chẳng còn cách nào chui lọt lỗ kim. Vậy mà, thực tế vẫn xảy ra không đúng như kỳ vọng!
Để khách quan, phải đặt cả giả thiết, mũi tên còn ngắm thiếu một hồng tâm. Kinh qua những trải nghiệm đáng giá cả ngàn tỷ, sự thức thời, chộp giật bằng chiêu thức đơn giản, mua cổ phần với định giá chưa bao gồm bất động sản, không thể lọt khỏi con mắt tinh tường, đi cùng tiếng nói công tâm của các vị chuyên gia và dư luận.
Kể cả vì những lý do khách quan và chủ quan, ngành chức năng có mờ mắt, ù tai, hồi chuông cảnh tỉnh luôn réo vang cản bước sự trục lợi. Con đường ‘làm giàu không khó’ này đang ngày càng khó về đích.
Tinh thần “cái khó ló cái khôn” của người Việt trớ trêu thay lại được áp dụng thành thục trong trường hợp này. Vậy là, những thương vụ “chỉ có ở Việt Nam”, na ná vụ chuyển nhượng đất đai ở Phước Kiển xuất hiện.
Viện dẫn hoạt động theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn thực hiện các hoạt động kinh doanh, đương nhiên bao gồm cả việc mua bán, chuyển nhượng đất.
Được áp dụng cơ chế phi thị trường trong nhiều trường hợp, phải thừa nhận, kẽ hở để thực hiện các giao dịch đất vàng có lợi cho tất cả, trừ túi tiền nhà nước, luôn có cơ hội tồn tại.
Không phải không có cách bít chặt vết nứt cơ chế nói trên. Cách thức cổ phần hóa mỗi năm lựa chọn một số lượng doanh nghiệp nhất định không chỉ chậm chạp mà còn tạo cơ hội cho một chuyến tàu vét công sản.
Các vị chuyên gia đã nhiều lần đề nghị, với tất cả các doanh nghiệp cần phải cổ phần hóa, hãy để họ đồng loạt định giá tài sản, trước khi cân nhắc thời điểm bán vốn để thu được lợi ích cao nhất cho nhà nước.
Thế nhưng, lực cản từ kiểu vận hành kế hoạch hóa vẫn đang ngáng trở, đặt lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước sắp phải cổ phần hóa trong một thử thách đạo đức quá lớn: mất chức vụ nhưng vẫn phải bảo toàn, thậm chí làm lợi cho ngân sách nhà nước. Không mấy ai hăng hái, vội vàng hất đổ chiếc ghế của mình.
Một cám dỗ khác có thể đến từ khách quan. Nhìn vào giao dịch giữa Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai vừa qua, trong khi doanh nghiệp nhà nước im hơi lặng tiếng, Quốc Cường Gia Lai đã nhiều lần thanh minh trên báo chí về quyền chuyển nhượng đất của Tân Thuận.
Sự thiện chí này hẳn không chỉ đến từ việc doanh nghiệp tư nhân đang muốn bảo vệ danh tiếng trên thị trường, sau cú sốc cổ phiếu sụt giảm cả trăm tỷ. Thuyết phục hơn là quan điểm, không khi nào cái bắt tay giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân mang lại trái ngọt chín sớm như các cuộc chuyển nhượng đất vàng.
Tiếp cận theo cách này, có lẽ, phương pháp hữu hiệu nhất là chặn từ gốc. Nếu không có những cám dỗ lớn hơn mức lương công chức, viên chức cả nghìn lần, thậm chí cả triệu lần, thì sẽ khó có ai hạ bút ký một quyết định mà hiển nhiên là có hại cho tài sản chung.
Tiền không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi. Chỉ cần quản lý được dòng tiền, minh bạch tài sản của những người nắm giữ vị trí quan trọng và người thân của họ, sẽ giảm thiểu được rất nhiều chuyện tư túi, nhóm lợi ích.
Khánh Nguyên
http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/chong-that-thoat-dat-vang-khong-the-trong-vao-quan-duc-3357339/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét