Bí thư Nguyễn Thanh Nghị nói về mức thu nhập “khủng” tại đặc khu Phú Quốc
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện ở mức 2.200 USD/người/năm thì tại Phú Quốc, năm 2015 con số này đã là 5.400 USD. Đến năm 2030, tại đặc khu này, thu nhập trung bình của người dân sẽ đạt 13.500 - 28.600 USD, vượt trội so với Thái Lan, tiệm cận Singapore, Hàn Quốc... Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị trao đổi với PV Dân trí.Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị: Kiên Giang đang chỉ đạo xây dựng phương án nhân sự cho đặc khu ngay trong tháng 12 năm nay.
Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị: "Kiên Giang đang chỉ đạo xây dựng phương án nhân sự cho đặc khu ngay trong tháng 12 năm nay".
Thu nhập bình quân hiện gấp 2-3 lần cả nước
- Đề án thành lập đặc khu Phú Quốc đề ra định hướng phát triển đặc khu là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; dịch vụ tài chính; công nghệ sinh học... Tuy nhiên, ngay bên cạnh Phú Quốc đã có Singapore, Thái Lan xa hơn thì có Hong Kong, Hàn Quốc, UAE… đều đã có những đặc khu rất thành công, nổi tiếng từ lâu. Vậy đâu là điểm riêng biệt, nổi bật để Phú Quốc có thể thu hút, cạnh tranh?
- Phú Quốc là đảo lớn nhất Việt Nam, có một vị trí đặc biệt trong Vịnh Thái Lan với điều kiện thuận lợi về khí tượng thuỷ văn, có bờ biển dài bao quanh đảo với nhiều bãi biển đẹp; có nhiều đồi núi và rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động thực vật phong phú; có sông suối và nguồn nước ngọt bảo đảm cho sinh hoạt và phát triển sản xuất, có hệ sinh thái biển đa dạng với khu bảo tồn biển. Thời tiết khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho hoạt động du lịch quanh năm... những điều kiện rất tốt để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
Phú Quốc có diện tích mặt biển giáp với các nước ASEAN, gần đường vận chuyển hàng hoá quốc tế từ Đông sang Tây, cách thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay, rất gần với các trung tâm du lịch phát triển và công nghiệp của các nước trong khu vực. Do đó, Phú Quốc có lợi thế phát triển giao thông vận tải đường thủy, đường không; có khả năng kết nối nhanh tới không chỉ các thành phố, khu vực kinh tế lớn trong nước mà còn vươn tới các thành phố quốc tế lớn; là điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, mậu dịch với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh những điều kiện địa lý, tự nhiên ưu đãi, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển đã được đầu tư một bước quan trọng, như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế, có hạ tầng trên đảo đồng bộ…
Với vị trí đăc biệt, điều kiện tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi, hạ tầng thiết yếu được đầu tư và quyết tâm chính trị cao của các cấp lãnh đạo trung ương và địa phương cùng với bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, nguồn nhân lực chất lượng, cơ chế chính sách ưu đãi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế được luật hóa, là những điều kiện đặc biệt nhất để Phú Quốc có thể thực hiện thành công mục tiêu đề ra.
- Về hiệu quả kinh tế, theo tính toán, Phú Quốc cần số vốn rất lớn để hoàn thiện hạ tầng, vận hành. Cụ thể, tổng nguồn đầu tư cần thiết đến 2030 tới 40 tỷ USD, trong đó giai đoạn đầu (2016-2020) đã cần phân nửa số vốn đó. Số vốn ngân sách hàng năm cần rót vào Phú Quốc cũng tới hàng tỷ USD, trong đó vốn từ ngân sách TƯ cần khoảng 2.500 -3.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, theo Bộ KH-ĐT, tổng nguồn thu mang lại từ đặc khu cũng chỉ ở mức 19-20 tỷ USD. Vậy đặc khu sẽ mang lại hiệu quả gì để thuyết phục Quốc hội, cử tri?
- Tuy vậy, giai đoạn 2021-2030, GRDP của Phú Quốc sẽ đạt từ 54-73 tỷ USD. Với các nguồn lực đầu tư được huy động lớn như vậy và quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn lớn sẽ tạo hiệu quả tổng hợp, lan tỏa phát triển các mặt kinh tế-xã hội của Phú Quốc. Các chính sách ưu đãi sẽ tác động kích thích tăng trưởng mạnh lĩnh vực dịch vụ, thương mại và tạo việc làm mới, dự kiến sẽ thu hút khoảng 57.000 lao động (khoảng 39.000 lao động trong tỉnh và 18.000 lao dộng ngoài tỉnh). Thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt từ 13.500 - 28.600 USD/người/năm vào năm 2030. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân sẽ được nâng cao.
- Phú Quốc đã có lợi thế đi trước một bước so với các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong. Vậy bài toán hiệu quả trong giai đoạn vừa qua có khả quan?
- Trong những năm qua, việc đầu tư phát triển tại Phú Quốc đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng với việc áp dụng các chính sách cho khu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Phú Quốc đạt khoảng 20%/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của Phú Quốc đạt khoảng 5.400 USD/người/năm.
Đây là những kết quả rất tích cực mà Phú Quốc đạt được trong thời gian qua.
Xây dựng phương án nhân sự trong năm nay
- Nhiều ý kiến lo ngại, Phú Quốc nằm ở vị trí nhạy cảm về vấn đề an ninh, quốc phòng. Những chính sách “mở hết cỡ” về việc xuất nhập cảnh, nhập cư, mua bán, sở hữu nhà với người nước ngoài… ảnh hưởng như thế nào đến quốc phòng - an ninh. Phú Quốc giải quyết những yêu cầu mâu thuẫn nhau này như thế nào?
- Phát triển kinh tế - xã hội Phú Quốc phải gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh và chủ quyền lãnh thổ. Xây dựng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc là để Phú Quốc phát triển nhanh nhưng phải bền vững, phải đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Các cơ chế, chính sách áp dụng cho Phú Quốc đều phải đảm bảo các yêu cầu đó và các phương án đảm bảo quốc phòng an ninh đã được tính đến.
- Theo đề xuất về hướng tổ chức mô hình chính quyền, tỉnh Kiên Giang thể hiện quan điểm nghiêng về phương án 1 trong dự thảo luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, không có cấp chính quyền đầy đủ với cả HĐND, UBND tại đặc khu, phân quyền mạnh mẽ cho Trưởng Đơn vị hành chính. Đây cũng chính là điểm gây băn khoăn trong dư luận về vấn đề kiểm soát, giám sát khi quyền lực tập trung ở một cá nhân. Cơ chế kiểm soát cụ thể trong trường hợp này, thưa Bí thư?
- Để chuẩn bị cho đặc khu Phú Quốc đi vào hoạt động, sau khi Quốc hội thông qua luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Kiên Giang đang chỉ đạo xây dựng phương án nhân sự cho đặc khu ngay trong tháng 12 năm nay.
Để tránh lạm quyền của Trưởng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc, cơ chế kiểm soát, giám sát được xác định như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và các cơ chế kiểm soát quyền lực theo quy định của Đảng của cấp ủy đảng cấp trên đối với cấp ủy Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc và Bí thư kiêm Trưởng đặc khu.
Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh thực hiện hoạt động giám sát, chất vấn theo quy định của pháp luật. Theo đó, HĐND tỉnh có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm, cách chức Trưởng đặc khu và yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Trưởng đặc khu.
Trưởng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc và trưởng khu hành chính chịu sự giám sát trực tiếp của nhân dân thông qua việc công khai thông tin về hoạt động của đơn vị; hoạt động giám sát UB TMTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc.
Ngoài các cơ chế nêu trên, Trưởng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc còn chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh đối với các lĩnh vực quản lý của tỉnh không phân quyền, phân cấp hoặc ủy quyền cho Trưởng Đơn vị. Người đứng đầu này cũng có trách nhiệm báo cáo với Thủ tương Chính phủ, các Bộ, ngành về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được Thủ tướng và các Bộ, ngành giao và về toàn bộ hoạt động của đơn vị.
Cơ chế kiểm tra, giám sát như vậy cơ bản đảm bảo để Trưởng Đơn vị thực hiện nhiệm vụ đúng với quy định của Đảng và pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)
(Dân Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét