‘Thợ vẽ’
Trân Văn - Nói theo kiểu bình dân thì “vẽ” là cố tình thêm thắt, ngụy tạo những yếu tố phi thực tế, vô lý để trục lợi. Trong sinh hoạt thường nhật, không ai tán thành và dung túng chuyện “vẽ” nhưng trên bình diện quốc gia, dù Việt Nam đã mạt vì các “thợ vẽ”, cả trăm triệu người vẫn tiếp tục cam chịu như đó là “mệnh trời”…
Hình minh họa. (REUTERS/Dado Ruvic/Illustration)
Tuần trước, chính quyền thành phố Cần Thơ công bố dự tính sẽ lấy công quỹ để bù lỗ cho những hãng hàng không chịu mở đường bay đến phi trường Trà Nóc (khoảng 5 tỉ đồng/năm/đường bay nội địa, khoảng 8,5 tỉ đồng/năm/đường bay quốc tế).Nói cách khác từ năm 2011, sau khi được nâng cấp thành “cảng hàng không quốc tế”, phi trường Trà Nóc vẫn như “chùa Bà Đanh” (lượng khách hàng năm chỉ chừng 10% so với thiết kế). Nói cách khác, đến nay, 1.400 tỉ đã chi cho chuyện nâng cấp phi trường Trà Nóc không những sinh lợi mà còn làm công quỹ mất thêm một khoản chắc chắn là không nhỏ để duy trì phi trường này.
Phi trường Trà Nóc chỉ là một trong một chuỗi các phi trường hoang vắng vì thiếu khách nhưng tại Việt Nam, phong trào xây dựng, nâng cấp các phi trường vẫn chưa ngừng.
Theo “Quy hoạch phát triển hàng không giai đoạn 2020 - 2030” thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 26 cụm cảng hàng không được đưa vào khai thác sử dụng, trong đó có 10 cụm cảng hàng không quốc tế là Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cần Thơ, Phú Quốc và 16 cảng hàng không nội địa là Điện Biên Phủ, Lào Cai, Lai Châu, Nà Sản, Quảng Ninh, Gia Lâm, Vinh, Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Vũng Tàu.
Việc xây dựng mới, nâng cấp các phi trường theo quy hoạch vừa kể sẽ ngốn của ngân sách khoảng 227.800 tỉ đồng (tương đương 14,2 tỉ Mỹ kim).
Bởi khoảng cách giữa nhiều phi trường quá nhỏ (chỉ từ vài chục đến chừng trăm cây số) trong khi hệ thống cao tốc đang rút ngắn cả khoảng cách lẫn thời gian di chuyển, nhiều giới đã đề nghị xem lại “Quy hoạch phát triển hàng không” song Cục Hàng không Việt Nam vẫn khăng khăng khẳng định, so với… khu vực Đông Nam Á, số lượng phi trường ở Việt Nam vẫn còn… khiêm tốn. Cơ quan này dẫn chứng: Thái Lan có 34 phi trường, Malaysia có 37 phi trường, Philippines có khoảng 40 phi trường.
Người ta không thấy Cục Hàng không Việt Nam đề cập đến hiệu quả hoạt động của các phi trường ở Thái Lan, Malaysia, Philippines ra sao. Riêng tại Việt Nam, theo một thống kê do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) công bố hồi tháng 3 năm ngoái thì trong 22 phi trường hiện có tại Việt Nam chỉ hai (Nội Bài - Hà Nội, Tân Sơn Nhất - Sài Gòn) sinh lợi, 20 phi trường còn lại đều lỗ nặng. Lượng khách hàng năm của 20 phi trường đó chỉ dao động trong khoảng từ 8% đến 37% so với thiết kế (qui mô đầu tư).
Đáng ngạc nhiên là những số liệu như thế không làm giới hữu trách ở Việt Nam chùn tay. Vài tháng sau khi ACV công bố những số liệu vừa kể, giữa năm ngoái, giới hữu trách ở Việt Nam thông báo đã “nhất trí” chi 9.800 tỉ đồng để xây dựng ba phi trường ở khu vực Tây Bắc là Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Lào Cai. Cần lưu ý rằng, 9.800 tỉ đó chỉ mới là giai đoạn 1. Chưa biết sang giai đoạn 2, ba phi trường này sẽ ngốn thêm bao nhiêu ngàn tỉ nữa!
Đáng ngạc nhiên là dù các “thợ vẽ” càng ngày càng lộng hành nhưng hàng trăm triệu người cam tâm chấp nhận như chuyện đương nhiên.
Tháng 10 năm 2013, khi trình dự luật về đầu tư công, Bộ Kế hoạch – Đầu tư công bố một thống kê về việc sử dụng ngân sách để thực hiện các “dự án trọng điểm”. Theo đó, chỉ trong vòng mười năm (2003 – 2013), Việt Nam đổ tiền xây 20 cảng biển quốc tế, 22 phi trường (có 8 là phi trường quốc tế), 267 khu công nghiệp (trung bình một tỉnh có 4 khu công nghiệp), 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1.757 dự án trong các lãnh vực giao thông, thủy lợi và di dân. Tổng vốn đầu tư cho tất cả các “dự án trọng điểm” ấy ngốn hết khoảng 444 ngàn tỉ đồng và gần như toàn bộ các “dự án trọng điểm” đều bỏ hoang sau khi hoàn tất.
Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư lúc đó là ông Bùi Quang Vinh, thú nhận, “lãng phí, thất thoát, tham nhũng lớn nhất là vẽ ra dự án”. Ông Vinh bảo rằng sở dĩ các viên chức mạnh dạn đề ra “chủ trương đầu tư”, không màng đến hiệu quả vì chưa bao giờ có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Theo ông Vinh thì Luật Đầu tư công sẽ ngăn chặn các “thợ vẽ”.
Tháng 6 năm 2014, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Đầu tư công. Luật này có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 2015 nhưng chỉ cần nhìn riêng lĩnh vực hàng không và “Quy hoạch phát triển hàng không giai đoạn 2020 - 2030” thì cũng đủ để thấy các “thợ vẽ” vẫn ngạo nghễ tung hoành ngang dọc.
Khác biệt duy nhất giữa hiện nay với cách nay bốn năm là chỉ trích mạnh mẽ hơn.
Thảo luận về ý tưởng lấy công quỹ để bù lỗ cho những hãng hàng không chịu mở đường bay đến phi trường Trà Nóc, facebooker Vo Huy Thong than rằng, vẽ ra dự án để chia chác, nợ nần đổ lên đầu dân là chủ trương, đường lối trước giờ rồi! Facebooker Hong Ha Pham tán thành, thời đại lợi ích nhóm lên ngôi thì ‘thằng’ nào cũng thích vẽ ra dự án để có tiền đút túi. Facebooker Nam Nguyenloc bảo rằng, chuyện đời là thế, khi nắm được quyền thì phải củng cố quyền lực, muốn củng cố quyền lực thì phải có ê kíp, muốn có ê kíp thì phải ban phát mà muốn ban phát thì phải dùng dự án, do đó mới có đủ loại dự án không cần biết lợi - hại, lời – lỗ, miễn là giải quyết được nhu cầu của phe ta.
Facebooker Nguyễn Thanh Chương đòi lập một danh sách, công khai tên tuổi những cá nhân đưa ra các chủ trương đầu tư, phê duyệt các dự án. Facebooker Phương Lê cảnh cáo, Kho bạc nhà nước, Ngân hàng nhà nước, Chi cục Thuế nhà nước… than vãn làm gì, nhịn đi, coi chừng “họ” gọi Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân,... ra phục vụ bây giờ!
Một facebooker có nickname là Tư Phê Đen nêu thắc mắc: Đến lúc nào đó, dân hết khả năng đóng thuế thì sao nhỉ? Em chưa hình dung ra được! Facebooker Hai Ha nhận định, đúng là chỉ có anh Kim “pháo đùng” (Kim Young Un) mới dám sánh vai các anh!
Chỉ trích vốn đã từ lâu, tuy càng ngày càng dữ dội nhưng ai tin chừng đó là đủ để các “thợ vẽ” chùn tay?
Trân Văn
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét