Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Người biết cả "hai mặt của những tấm huân chương"

Người biết cả "hai mặt của những tấm huân chương"
Truong Huy San- Khi chuẩn bị tư liệu cho cuốn Bên Thắng Cuộc, ông Trần Việt Phương đã giúp tôi thu xếp các cuộc phỏng vấn quan trọng nhất nhằm thu thập thông tin về các nhân vật như Tướng Giáp, Trần Xuân Bách, Lê Trọng Nghĩa... Biết ông là người gần như "ăn cùng mâm" với cả Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng từ 1949 cho đến khi họ lần lượt ra đi, tôi nhiều lần gặng hỏi về con người thật của họ và ông thường chỉ trả lời, "Tấm Huân chương nào cũng có hai mặt; công chúng nhìn thấy mặt trước, chúng tôi chứng kiến mặt sau. Thôi cứ để công chúng giữ hình ảnh như họ thấy". Vậy mà, với những gì ông tiết lộ (qua ghi âm và ghi hình) với chúng tôi đã có rất nhiều điều bây giờ tôi vẫn chưa dám nói. Và, rất nhiều khoảng khuất khác của lịch sử, hôm nay ông lại đã mang theo. Cám ơn rất nhiều về những "cánh cửa" mà ông đã "mở".
Các ảnh dưới đây là do Ky Mai chụp.
Tin buồn trên báo Tuổi Trẻ:
Nhà thơ Việt Phương - tác giả tập thơ Cửa Mở nổi tiếng một thời - vừa qua đời tại Hà Nội lúc 8g50 sáng nay, 6-5-2017.



Nhà thơ Việt Phương sinh năm 1928, tên thật là Trần Quang Huy, đậu tú tài thời Pháp thuộc. Năm 17 tuổi, ông tham gia hoạt động bí mật chống thực dân Pháp, từng bị bắt giam.

Ông là thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 19 tuổi.

Theo ghi nhận của cổng thông tin Chính phủ, ông Trần Quang Huy về làm việc tại Văn phòng Chính phủ từ năm 1947, đó là những năm đầu tiên sau khi Văn phòng Chính phủ được thành lập (năm 1945).

Kể từ đó cho đến ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời năm 2000, ông Việt Phương đã có 53 năm làm Thư ký cho đồng chí Phạm Văn Đồng trên các cương vị từ Phó Thủ tướng đến Thủ tướng và sau này là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến bây giờ, ông cũng là Thư ký Thủ tướng Chính phủ có thâm niên nhất.

Năm 1970, ông xuất bản tập thơ Cửa mở, gây chú ý trong dư luận không chỉ công chúng yêu thích văn chương mà còn cả chính giới.

Nhiều năm về sau, nhiều người nhắc đến Việt Phương vẫn còn nhớ những câu thơ nóng bỏng, mới mẻ so với lúc bấy giờ: 


Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng/ Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm/ Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản/ Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm (bài Tâm sự đảng viên).


Hai người bạn già, trí thức kháng chiến: Nhà thơ Trần Việt Phương (người rót trà); Đại tá Lê Trọng Nghĩa, cục trường Tình báo Quân đội của Tướng Giáp (bị bắt ngày 5-1-1968, ngay trước khi diễn ra chiến dịch Mậu Thân).


Đại tá Lê Trọng Nghĩa đang nói về cuộc tấn công tàu Maddox, quyết định quan trọng của Lê Duẩn, đẩy xung đột Mỹ - Việt lên đỉnh điểm.


Nhà thơ Trần Việt Phương (người ngồi bên phải); Đại tá Lê Trọng Nghĩa và nhà báo Trương Huy San (bên trái).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét