Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Việt Phương: Nhà hùng biện hay Nhà tuyên truyền

Trong bài này bác Chu Hảo nhận xét chú Việt Phương là một "Nhà hùng biện đúng nghĩa", điều này tuyệt đối đúng, chú Phương có thể thao thao bất tuyệt cả ngày không cần giấy bút. Trí nhớ của chú thật siêu phàm, tôi chưa gặp bất kỳ ai có trí nhớ siêu phàm như thế. Có lần tôi đứng ở tầng 2, nhìn thấy chú đi ngang qua dưới tầng 1, tôi hỏi chú mục viết về kinh tế nông nghiệp trong một nghị quyết Trung ương như thế nào. Chú đứng đó, cứ thế đọc vanh vách đến 2 trang nội dung văn kiện. Không chỉ 1, 2 lần, có rất nhiều lần như thế. Hoặc đầu năm 1983 chú đưa cho chúng tôi 1 quyển sách kinh tế dày khoảng 500 trang do giáo sư Mỹ tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và bảo chúng tôi đọc. Nhìn cuốn sách dày, nhiều công thức toán học, đám trẻ ai cũng lắc đầu. Thấy vậy chú Phương bảo thôi để chú đọc, sáng mai các cháu có mặt ở đây để chú trình bày cho. Sáng hôm sau, chú Phương đến, hầu như không cần nhìn sách, chú giảng lại cho đám trẻ nghe nội dung lớn và ý chính của từng chương trong cuốn sách. Tất cả đều kinh ngạc. Trong bài "Trang thơ Việt Phương (Trần Quang Huy)", tôi có viết: chú Việt Phương thường nói với chúng tôi: "Toán học là giấc mơ không thành của chú"; "Chú đã muốn trở thành người như bác Hoàng Tụy, nhưng số phận đã biến chú thành nhà tuyên truyền"; có thể hiểu tuyên truyền ở đây là đọc, nhớ và truyền đạt lại thông tin cho người khác, không có tính sáng tạo. Nhà hùng biện và Nhà tuyên truyền có khác gì nhau ? Họ đã đạt tới trình độ Nhà sáng tạo chưa ? Vậy chú Phương thực chất là nhà nào ? Trong thập kỷ 80, nhiều người cứ thắc mắc với tôi tại sao chú Phương không làm luận án tiến sĩ và kiếm cái danh giáo sư... Thực tế, chú tham gia hoạt động từ năm 16 tuổi nên chưa từng theo học đại học.
NHÀ THƠ “CỬA MỞ” ĐÃ ĐI XA…
Image result for Việt Phương
Chu Hảo - Nghe nói chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã “phát hiện” ra người trợ lý trẻ của mình qua các buổi diễn thuyết của Chính ủy trung đoàn Nam tiến 20 tuổi Việt Phương, trong các hội nghị thanh niên, từ hồi 1947, khi ông phụ trách “Chính phủ Miền Nam Trung bộ” . Như vậy tôi biết anh Việt Phương như một Nhà hùng biện đúng nghĩa. Trong suốt cuộc đời làm việc của Anh, các bài phát biểu thường là những bài diễn thuyết hùng hồn sắc sáo và luôn luôn mới lạ. Anh ra đi vào lúc cái văn hóa diễn thuyết đang suy tàn, kém xa cái thời “ Buổi Diễn thuyết người đông như hội/ kỳ Bình văn người (kẻ) đến như mưa” cách nay hơn một thế kỷ. Tiếc lắm thay!



Anh đi thật rồi sao? Vẫn biết là anh sẽ đi, thời gian tính từng ngày… Nhưng hôm nay tôi vẫn bàng hoàng khi mới nghe tin sáng nay Anh đã vĩnh biệt trần thế về nơi chin suối. Chẳng phải cầu xin thì linh hồn anh cũng sẽ siêu thoát đến nơi vĩnh hằng bởi tâm hồn Anh đã “Cửa mở” từ lâu…

Mới hôm nào, cách đây vài tuần, tôi cùng anh Nguyên Ngọc vào thăm, nhìn Nhà văn, Anh còn thì thầm gọi: “Tây Nguyên!”. Chị Lan bảo anh vẫn tỉnh táo, nhưng nói thì khó khăn lắm rồi! Và chúng tôi lo…

Lần đầu tiên tôi được biết đến quý danh Viêt Phương là khi bọn học sinh 7A (Quế Lâm) chúng tôi chuyển về học cấp 3 ở Khu Học xá Trung ương (KHXTW, Nam Nình, TQ) vào năm 1957. Được biết, mấy năm trước, trên đường tháp tùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ hội nghị Geneve về Hà Nội ghé qua TQ, Anh đã “bị” GĐ KHXTW Võ Thuần Nho xin Thủ tướng cho ở lại làm trợ lý. 


Nghe đồn rằng các giáo sư, thầy giáo và cán bộ của Khu thỉnh thoảng vẫn được nghe anh Việt Phương giảng lý luận chính trị thay ông Nho mỗi khi ông đi vắng; nhiều học viên cứ mong ông đi vắng vì bài giảng của viên trợ lý trẻ (mới 25 tuổi) sinh động hơn và cứ nói một lèo, hết sức lôi cuốn mà chằng có giấy tờ gì trong tay! Lại còn nghe có cô giáo xinh xắn, mỗi lần nghe anh Việt Phương phổ biến tin tức thời sự cho toàn trường là suốt buổi cứ “ngẩn tò te” hớp lấy từng lời. Cô giáo ấy sau này là người vợ mẫu mực, thủy chung, tận tụy suốt đời của Anh – Chị Tú Lan, người vò võ ngày đêm suốt mấy tháng trời bên Anh từ khi lâm bạo bệnh .

Vào những năm 1958-1960 anh Việt Phương rất nổi tiếng với những bài phát biểu trước thanh niên Hà Nội. Tôi thường không bỏ qua các buổi diễn thuyết ấy; và say mê đến độ hay “diễn thuyết lại” những bài ấy cho bạn bè mình nghe với niềm hứng khởi không tả được. Nghe nói chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã “phát hiện” ra người trợ lý trẻ của mình qua các buổi diễn thuyết của Chính ủy trung đoàn Nam tiến 20 tuổi Việt Phương, trong các hội nghị thanh niên, từ hồi 1947, khi ông phụ trách “Chính phủ Miền Nam Trung bộ” . Như vậy tôi biết anh Việt Phương như một Nhà hùng biện đúng nghĩa. Trong suốt cuộc đời làm việc của Anh, các bài phát biểu thường là những bài diễn thuyết hùng hồn sắc sáo và luôn luôn mới lạ. Anh ra đi vào lúc cái văn hóa diễn thuyết đang suy tàn, kém xa cái thời “ Buổi Diễn thuyết người đông như hội/ kỳ Bình văn người đến như mưa” cách nay hơn một thế kỷ. Tiếc lắm thay!

Tôi biết Anh như một Nhà thơ đặc biệt: Nhà thơ chính luận, vị nhân sinh đã đành, nhưng cũng vị Nghệ thuật không kém. Có rất nhiều câu thơ hết sức cảm động về tình người, về số phận con người hòa cùng cảnh vật… rải rác trong các bài thơ của Anh. Những trăng sao huyền ảo, nắng gió lung linh, khói mây bảng lảng, giòng sông, bến nước … được Anh vẽ trong thơ như những bức tranh thủy mạc, nhìn đến nao lòng.

Đương nhiên, thuộc thế hệ đàn em của Nhà thơ, chúng tôi không thể không “thích” bài thơ mà vì nó Anh vướng vào “tai nạn nghề nghiệp”: bài “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi”. Đấy là bài chính luận, lần đầu tiên phát biểu công khai những nhận thức có tính chất phản tư của những người “đi trước thời đại”- những người trí thức có trí tuệ và có lương tâm, qua các câu “thơ”: “Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thụy sỹ”, “ Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”, “Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao/Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao”. Anh là nhà thơ của cuộc đời, của cuộc đáu tranh giữa cái Thiện và cái Ác…

Những năm gần đây, trước khi anh mệt nặng, tôi còn vinh hạnh được cùng Anh tham gia nhóm nghiên cứu tự nguyên, thảo luận về những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc, góp phần vào việc đổi mới tư duy và nhận thức để phát triển đất nước. Ở đây anh là một nhà chính trị dầy dặn kinh nghiệm, hết sức tâm huyết, giàu trí tuệ và đầy trách nhiêm. Anh thường là người cuối cùng duyệt lại các văn kiện chính luận mà nhóm nghiên cứu chúng tôi nhất trí công bố. Với nhãn quan chính trị xa rộng, không ai có thể làm tốt hơn anh trong việc giữ thái độ chừng mực, chính xác hóa các khái niệm và thuật ngữ, gọt bỏ những chố trùng lặp v.v…

Một Nhà chính trị nhân văn đã đi xa…

Tôi xin thành kính thắp nén hương này để tưởng nhớ anh Việt Phương - một Nhà Hùng biện, một Nhà Thơ, một Nhà Chính trị nhân văn của chúng ta vừa mới ra đi…

Viện Phan Châu Trinh, Hội An ngày 6 tháng 5 năm 2017
http://www.viet-studies.com/kinhte/ChuHao_TranVietPhuong.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét