Dư luận trái chiều về việc ông Đinh La Thăng bị kỷ luật
Sự kiện ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ TP.HCM, vừa bị kỷ luật rời khỏi Bộ Chính Trị, đồng thời nhận mức kỷ luật cảnh cáo, đang là đề tài được bán tán sôi nổi trên mạng xã hội Việt Nam, với nhiều ý kiến trái chiều.
Bí thư thành ủy TPHCM, ông Đinh La Thăng,
ảnh minh họa chụp trước đây tại Hà Nội.
Nhiều người “lưu luyến”Quyết định cho ông Đinh La Thăng rời khỏi Bộ Chính trị được Ban chấp hành Trung ương Đảng đưa ra hôm 7/5 với tỉ lệ phiếu biểu quyết hơn 90%.
Nói với đài Á Châu Tự Do RFA, một giáo viên sống ở Hà Nội, người luôn theo dõi các hoạt động chính trị, cho biết ông Đinh La Thăng mặc dù trong quá trình làm Bí thư Thành ủy TP.HCM còn nhiều khiếm khuyết nhưng không thể bỏ qua những thành quả tích cực của ông này:
“Cái vụ dẹp quán Xin Chào, ông Đinh La Thăng là người đầu tiên đưa ra cách xử lý hợp lý. Cho công an vào điều tra, cách chức, và buộc thôi việc với những Đại tá, công an gây ra sự việc.
Hơn một tháng sau nhân viên cấp dưới họ lại nghĩ cách trị tiếp ông chủ quán cà phê và lại xử lý tiếp, cách chức tiếp. Nếu như là bí thư cũ của TP.HCM là làm ngơ kệ chúng mày.”
Cái vụ dẹp quán Xin Chào, ông Đinh La Thăng là người đầu tiên đưa ra cách xử lý hợp lý. Nếu như là bí thư cũ của TP.HCM là làm ngơ kệ chúng mày.
Một giáo viên ở Hà Nội
Xin nhắc lại, lúc bấy giờ chủ quán Xin Chào, quận Bình Chánh, TP.HCM cho kinh doanh quán khi chưa có giấy phép. Nhưng sau đó công an huyện Bình Chánh mắc một loạt các sai phạm trong quá trình xử lý, khởi tố chủ quán này. Sau khi vụ việc sáng tỏ, Trưởng Công an huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Quý đã bị cách chức.
Theo Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Đinh La Thăng, là người chịu trách nhiệm đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN trong giai đoạn 2009 – 2011 khi ông còn là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN
Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Bí thư thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tại TPHCM hôm 13/1/2017. AFP photo |
Ông Thăng cũng bị quy trách nhiệm khi ký ban hành một Nghị quyết ngày 17/3/2009 có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để Ban quản trị tập đoàn này có thể chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.
Trên Facebook, doanh nhân Hoàng Khải đưa ra nhận xét: "Dù sao chúng tôi cũng phải cảm ơn anh vì những con đường, cầu, cống mà anh đã chỉ đạo thực hiện để làm cho nền kinh tế Việt Nam đã phát triển trong những năm gần đây dưới thời anh còn làm Bộ Trưởng Bộ Giao ThôngVận Tải."
Hồi tháng 11/2011 khi ông Đinh La Thăng còn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, lúc bấy giờ ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng có lời khen: Tôi hoan nghênh và ủng hộ những việc làm thể hiện tư duy, phong cách mạnh mẽ của của Bộ trưởng Bộ Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.
Facebooker Nguyễn Tấn Thành bày tỏ sự tiếc nuối trên trang facebook của RFA rằng: “Khổ thân bác quá, làm cho dân thì bị nó “đì” ngay… Nhân dân ơi đứng lên đòi quyền lợi cho bác đi.”
Bạn Hoa Phùng đưa ra nhận xét trên Facebook: Làm mất lòng thiên triều nên bị hạ bệ. Một nhân tài của đất nước!
Trên trang fan hâm mộ của ông Thăng đăng tải một dòng trạng thái được hơn gần 4.000 lượt thích (Like): "Cảm ơn ông đã làm nhiều việc cho nhân dân, đất nước Việt Nam thời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bí thư TP Hồ Chí Minh."
Không ít tiếng nói phản đối
Ngoài những lời bày tỏ sự tiếc nuối vì ông Đinh La Thăng bị buộc rời khỏi ghế trong Bộ chính trị, hay sự ngưỡng mộ ghi nhận công ơn của ông này, không ít ý kiến phê bình quá trình lãnh đạo của Đinh La Thăng còn quá nhiều thiếu sót.
Bề ngoài thì có vẻ khác với các ông trước đây. Nhưng ông ấy chỉ làm màu bề ngoài để cho báo chí tung hô chú thực chất không có chuyển biến gì cả.
Một người dân Sài Gòn
Một người dân ở Sài Gòn nói với chúng tôi:
“Bề ngoài thì có vẻ khác với các ông trước đây, tức là có vẻ xông xáo năng nổ hơn nhưng những gì các nhà hoạt động xã hội dân chủ mong muốn thì vẫn tệ, thậm chí tệ hơn.
Đầu năm 2016 ông ấy cho người đến giật cầu hoa ở tượng đài Trần Hưng Đạo khi người ta đi tưởng niệm liệt sĩ và những người đã chết trong chiến tranh với Trung Quốc năm 1979.
Các vụ bắt bớ đánh đập, biểu tình về cá chết không giảm mà tăng. Thậm chí bắt người ta vào các trại phục hồi nhân phẩm, trung tâm cai nghiện.
Ông ấy chỉ làm màu bề ngoài để cho báo chí tung hô chú thực chất không có chuyển biến gì cả.”
Facebooker Thuận Nguyễn Nho từ Bắc Ninh viết: “Công tội cũng rõ rồi không chỉ Đinh La Thăng mà ai cũng phải loại bỏ ra khỏi bộ máy nhà nước và xử lý theo pháp luật thì đất nước này mới lớn lên được. Không nên ủng hộ cho một phe nhóm nào cả mà phải công tâm để dân được nhờ”.
Bạn Johson Triệu trên Facebook của RFA cũng e ngại về việc xử lý ông Đinh La Thăng liệu có được làm đến nơi đến chốn hay chỉ là “lấy lệ”: “Bị kỷ luật ra khỏi bộ chính trị? Có đem ra sẽ xử công khai? Có ở tù không nhỉ? Cuối cùng ăn no thì hạ cánh an toàn. Buồn cười và tội nghiệp cho con dân Việt Nam.”
Sau khi được bầu vào Bộ Chính trị rồi đến tháng 2/2016 được chỉ định làm Bí thư thành ủy Sài Gòn, ông Thăng từng tuyên bố "không chấp nhận thành phố tụt hậu như một định mệnh” mà phải lấy lại bằng được ngôi vị "Hòn ngọc viễn Đông".
Một người dân Sài Gòn khác nói trên trang web của RFA: “Hồi chả mới vô Sài Gòn, chả nói: 3 tháng dẹp xong trộm cướp. Năm sau, trộm cướp nhiều hơn trước gấp mấy lần. Rồi chả nói: vài năm biến Sài Gòn trở lại thành hòn ngọc Viễn Đông. Bây giờ Sài Gòn mỗi khi trời mưa thành vũng bùn Viễn Đông.”
Trong khi đó nhà báo Hoàng Linh cho rằng cá nhân cô không cần Sài Gòn biến thành Hòn ngọc Viễn Đông hay Singapore thứ hai như những lời ông Đinh La Thăng nói mà chỉ cần những chuyện nhỏ nhặt như ngập nước, hay kẹt xe đựơc giải quyết:
"Đừng biến Sài Gòn thành bất cứ cái gì khác, hãy cứ là Sài Gòn nhộn nhịp và đầy tình người, người Sài Gòn dù là bản địa hay nơi khác đến biết phải làm gì đề thành phố thịnh vượng, mọi mô hình áp đặt đều phản tác dụng."
Bên cạnh những ý kiến trái chiều về công trạng của Đinh La Thăng, còn rất nhiều ý kiến lo ngại cho ghế Bí thư Thành ủy TP.HCM và ghế Ủy viên Trung ương của ông này, trong đó có nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Ông giải thích:
“Tại vì ghế Bí thư Thành ủy ở những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội luôn luôn nằm trong cơ cấu cứng của Bộ chính trị có nghĩa là người Bí thư phải là Uỷ viên Bộ chính trị và điều đó đã duy trì suốt nhiều năm. Sẽ không có ngoại lệ với Đinh La Thăng hay bất cứ ai khác.”
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng sai phạm của ông Đinh La Thăng là nghiêm trọng nên có khả năng ông cũng sẽ mất ghế Ủy viên Trung ương và thậm chí có thể phải đối mặt với tòa án.
Lan Huơng
(RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét