Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Cảm nghĩ tháng Tư

Cảm nghĩ tháng Tư
 Thu San Nguyễn Thế Hùng
Thưa Chủ Tịch Tập, Tôi là một người Việt Nam xin viết thư hỏi Ngài một câu. Hiện nay ở Việt Nam nhiều người nói rằng .......... đang bán nước cho Tầu. Điều đó có đúng không?

Trưa ngày 30-4, nhóm chúng tôi gặp nhau tại 33 Hoàng Cầu, ven Ô chợ Dừa, Hà Nội. GS Chính hỏi mọi người ngày này năm đó bạn ở đâu?  Đại trả lời, tôi đang lóp ngóp trên cánh đồng tỉnh Vĩnh Long, sau đó qua Sông Hậu để tiến về chiếm Cần Thơ. Rồi ông Đại đã kể đoạn cuối trong cuốn tiểu thuyết “Cuộc tháo chạy tán loạn” của Frank Snepp. Lời kể thế này:
“Vào thời điểm này, tất cả những người Mỹ sống ở Việt Nam đều nghe đài quân đội.  Khi radio phát đi bài “Tôi mơ một lễ Noel trắng” thì có nghĩa là phải đến ngay những chỗ đã quy định để được đón đi. Nhưng một số nhân viên CIA ở Sài Gòn còn phải nghe được bài hát Lady gặp Cotu trên radio của quân đội Mỹ thì biết rằng đó là mật mã báo rằng Đại sứ Martin đã lên chiếc trực thăng di tản và họ được phép lên những máy bay lên thẳng ở các điểm đã định để di tản ra các tàu chiến đang đậu ngoài Biển Đông. Sau khi đã tiêu hủy tài liệu và các dụng cụ quan trọng, Frank Snepp đã leo lên sân thượng của khách sạn Juzz. Lúc đó là 5h30 sáng ngày 30-4-1975.

Quang cảnh hoảng loạn cùng cực của Sài Gòn bày ra trước mắt.
Khi máy bay định hướng ra phía biển, Ông nhìn thấy dưới cánh máy bay, từng đoàn quân xa Bắc Việt bật đèn sáng quắc nhằm hướng Sài Gòn thẳng tiến như những dòng thép khổng lồ cuộn chảy không sức mạnh nào ngăn nổi. Khắp nơi những quầng lửa và những đụn khói bốc cao. Nhưng nhìn ra xung quanh, quanh cảnh lại có vẻ yên tĩnh như ngoại ô Chicago.
Phía xa xa, bình minh đang ló dạng, một cuộc đời mới bắt đầu. Lịch sử đã sang trang.”
Vâng lịch sử đã sang trang, và người ta đã đi qua thời điểm đó được 42 năm rồi. Bây giờ chúng tôi ngồi đây, hỏi nhau về ngày đó, về cảm tưởng của mình ngày đó. GS Chính mấy lần hỏi tôi:
-Hùng ơi, hãy nói cảm tưởng sâu sắc nhất của bạn ngày đó thể nào?

Tôi không trả lời được rõ ràng. Ngay cả lúc tạm biệt nhau, về rồi, mỗi người một ngả tôi vẫn không nhớ lại cảm tưởng của mình ngày đó. Bây giờ trong lòng tôi chỉ còn một câu hỏi: “Liệu dân tộc Việt Nam còn tiếp tục phải chịu những mất mát đau thương như trước đây nữa hay không?”

Thực tế, sau 42 năm chúng ta vẫn chưa được sống trong tự do hạnh phúc, vẫn nhiều đau thương, khổ nhục. Chúng ta chưa bao giờ thoát khỏi cái ách của lịch sử. Ai đã đặt dân tộc Việt Nam vào cái ách triền miên đó. Không trả lời được tôi bèn viết thư hỏi Tập Cận Bình. Thư như sau:

Thưa Chủ Tịch Tập,
Tôi là một người Việt Nam xin viết thư hỏi Ngài một câu. Hiện nay ở Việt Nam nhiều người nói rằng .......... đang bán nước cho Tầu. Điều đó có đúng không?
Có lẽ, Ngài rất khó khăn khi phải trả lời câu hỏi đó. Vì Ngài còn nhiều trách nhiệm lớn với nhân dân của Ngài, với 1,4 tỉ người, tức là Ngài có trách nhiệm với khoảng 1/5 nhân loại. Nhận trách nhiệm đó Ngài đã xây dựng Giấc Mộng Trung Hoa, xây dựng một vành đai, một con đường, với ý định dưa 1/5 nhân loại tới miền hạnh phúc. Tôi nghĩ Ngài thành tâm với trách nhiệm này, tức Ngài thực sự muốn nhân dân Trung Hoa được hạnh phúc.
Nhưng lịch sử lâu dài của Trung Quốc chỉ ra rằng nhân dân Trung Quốc chưa bao giờ có hạnh phúc thực sự. Năm 221 TCN, sau khi thống nhất 7 nước, Tần Thủy Hoàng sợ rợ Hung Nô nên phải xây Vạn Lý Trường Thành. Vị Hoàng đế vĩ đại đã thống nhất Trung Quốc  cách đây hơn 2000 năm vẫn có nỗi lo sợ đấy chứ. Đến thời Hán, thời Đường, Trung Quốc rất mạnh, mở rộng bờ cõi rất nhiều. Nhưng càng mở rộng, càng diệt quốc, thì càng gây thù hận. Do đó lịch sử Trung Quốc là lịch sử  của lo sợ và thù hận. Vì gây thù hận nên Trung Quốc mới bị Nguyên và Thanh đô hộ hàng mấy trăm năm. Cho nên có thể nói vì gây thù chuốc hận nên Trung Quốc chưa bao giờ hết cái họa ở bên trong do sự tích tụ lâu đời của lòng thù hận. Thậm chí nước Trung Hoa hiện đại cũng đang chứa trong lòng nó biết bao thù hận ở Tây Tạng, Tân Cương, Nôi Mông, …
Nay Ngài lĩnh trách nhiệm đưa dân Trung Hoa đến bờ hạnh phúc, mà Ngài lại tiếp tục phương pháp của cổ nhân nước Ngài. Ngài tích tụ quốc lực, mở rộng ảnh hưởng, bắt nước khác phải lệ thuộc. Ngài không thay đổi phương pháp. Ngài không thấy rằng đất nước Trung Hoa rộng lớn có một kho báu vô biên. Kho báu ấy là 1,4 tỉ bộ óc và trái tim. Mỗi một bộ óc và trái tim là một thực thể vũ trụ. Nếu 1,4 tỉ thực thể vũ trụ ấy cùng tham gia vào quá trình sáng tạo thì đâu cần phải tích tụ thêm đất đai, biển cả, tài nguyên của nước khác. Mà quá trình sáng tạo của con người có thể làm ra những của cải lớn hơn cả đất đai, biển và tài nguyên. Ngài đã o ép nhân dân Trung Quốc phải theo cái tư duy đơn phương của Ngài, là “một vành đai, một con đường, bá mộng Trung Hoa nhất thế giới”. Vâng có thể trong 1,4 tỉ người, có rất nhiều người cam chịu sự o ép để giữ mạng sống, nhưng họ sẽ không thể sống như một con người.
Ngài sẽ bảo đây không phải là chuyện đáng bàn với một thằng mọi phương Nam. Nghĩ vậy là sai. Vì lịch sử phương Nam, lịch sử Bách Việt đã chỉ ra rằng 5000 năm lịch sử Trung Quốc là năm 5000 năm lịch sử của mở rộng Trung Nguyên, diệt quốc và chuốc hận thù.
Nay nước Việt Nam đã trải qua ngày thống nhất được 42 năm. Cái “cảm biến tồn vong” của Việt Nam đang rung lên và chỉ ra rằng Ngài đang đi lối cũ của các Vị Hoàng đế Trung Hoa. Nếu Ngài đi lối cũ thì ngày sẽ càng rời xa trách nhiệm với dân Ngài, dân Trung Quốc sẽ càng chất chứa thù hận và càng xa dần bến hạnh phúc.
“Cảm biến tồn vong” của Việt Nam cho thấy nền kinh tế Việt đang lệ thuộc Tàu trầm trọng, nhiều người sợ Tầu, và thực tế lãnh đạo Việt sợ Tầu hơn dân thường. Ngài thấy thế làm mừng, nhưng Ngài nhầm. Nguyên lý vũ trụ cho thấy càng chuốc thù hận thì càng lạc hậu, càng kém văn minh. Khi nào bước lên con đường văn minh thì nhất định sẽ tỏa sáng văn hóa. Tỏa sáng văn hóa là làm cho lòng người thấy hưng phấn hào sảng khi nói về Trung Hoa hay được đến Trung Hoa. Thực tế không như vậy, hiện nay những người muốn đến Trung Hoa chỉ vì hiếu kỳ hoặc vì làm ăn mà thôi.
Chuốc thù hận là đi ngược lại với văn minh. Dân Việt Nam hiểu rõ điều đó, vì họ đã trả giá bằng nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu cho cái hiểu biết ấy. Thực tế, dân Việt cảm thấy ghét bỏ hơn là cảm thấy sung sướng khi tiếp xúc với Trung Quốc.
Này Tập Chủ tịch, ta không cần ngươi trả lời rằng ................. có bán nước Việt cho Tàu hay không, ta chỉ cần ngươi hiểu rằng ngươi đang đi ngược lại văn minh nhân loại, trong khi ngươi đang nhận lãnh trách nhiệm với 1/5 dân số nhân loại là tìm đường đi đến văn minh.
Con đường đó ngay trước mắt ngươi. Hãy quay lại khi còn chưa xa lắm. Hãy trả lại tự do và dân chủ cho nhân dân nước ngươi. Khi đó, tự nhiên đất nước Trung Quốc trở thành một trung tâm văn minh của nhân loại. Ngươi sẽ được lịch sử nhân loại ghi nhớ như là một vị anh hùng lớn nhất đã diệt nền độc tài cuối cùng trên hành tinh này. Nếu không ngươi sẽ chỉ là một bạo chúa đáng ghét hơn cả Tần Thủy Hoàng và Mao Trạch Đông.
 Tác già gởi cho viet-studies ngày 3-5-17
http://www.viet-studies.com/kinhte/TheHung_CamNghiThangTu.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét