Người có bằng đại học thất nghiệp tràn lan
Tỷ lệ lao động thất nghiệp có bằng cấp cao đẳng, đại học, trên đại học tăng cao. Nhiều người đã phải tiếp tục đi học nghề, thậm chí làm công nhân. Tại sao lại có tình trạng này và làm thế nào để khắc phục vấn đề đó? Các chuyên gia nói gì?
Sinh viên Việt Nam tham dự một hội chợ giáo dục
đại học Pháp tại Hà Nội hôm 9/10/2016. AFP photo
Không đủ kỹ năng làm việcTheo báo cáo mới nhất về tình hình thị trường lao động trong quý 3 năm 2016 của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, cả nước hiện có 1.117.700 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý 2/2016. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động thất nghiệp có bằng cấp tăng cao ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, trình độ Đại học và trên Đại học. Hiện tại đã có hơn 202.300 lao động có trình độ Đại học trở lên thất nghiệp chiếm 18,1%.
Theo báo Người lao động cho biết, hiện tượng có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng đành phải chấp nhận ở nhà chờ việc, hoặc làm các công việc khác, thậm chí cá biệt còn có người phải chọn lao động tay chân để trang trải cuộc sống, đó là điều hết sức phổ biến. Cũng có những người bỏ bằng Đại học để đi học nghề với hy vọng để có việc làm.
Chị Thu, một người đã tốt nghiệp đại học hơn 10 năm nay, nhưng do không xin được việc làm đúng ngành học, hiện nay đang kinh doanh nhỏ tại Hà Nội cho biết:
Trước tôi nghĩ rằng mình học đại học có tấm bằng sẽ được hưởng mức lương cao hơn. Song khi tốt nghiệp thì mãi cũng chẳng tìm được việc làm phù hợp với tấm bằng mà mình học. - Chị Thu, Hà Nội |
Một chuyên viên thuộc Viện Khoa học Lao động và Xã hội yêu cầu giấu danh tính thấy rằng, với một số lượng lớn những người tốt nghiệp đại học và cao đẳng là một sự lãng phí vô cùng lớn. Tiếc rằng, vấn đề này theo bà chưa được nhà nước quan tâm giải quyết. Bà cho biết:
“Khi mà họ đã tốt nghiệp đại học song lại đi làm các công việc phổ thông, mà không sử dụng đến năng lực đại học thì đơn giản nó cũng là vấn đề lãng phí chi phí của gia đình dành cho các em để theo học. Vậy mà các em học được rất nhiều kiến thức mà không được sử dụng thì theo tôi đó là vấn đề rất lãng phí?”
Ông Phạm Viết Bình, một người phụ trách công tác tuyển dụng cho một tập đoàn kinh doanh lớn ở Hà nội cho biết, tình trạng đa phần mọi người trong xã hôi nghĩ rằng có tấm bằng đại học, cao đẳng sẽ dễ xin việc. Với kinh nghiệm của một người làm công tác tuyển dụng lao động trên 20 năm, ông chia sẻ:
“Câu chuyện xin việc thật ra là việc đánh giá phẩm chất và kỹ năng của sinh viên. Vì thế nếu anh có tố chất hay phẩm chất gì không phù hợp, mà anh cứ cố xin vào một cơ quan nào đó không phù hợp với mình. Không xin được việc còn phù thuộc vào ngay chính bản thân con người đó, tôi nói thật có những người có học đến 10 bằng đại học rồi cũng sẽ không có cơ quan nào muốn nhận.”
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, bà Kim Anh một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục thấy rằng, về góc độ xã hội thì ở VN, việc chọn nghề phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của các bậc phụ huynh, cộng với tâm lý muốn có bằng đại học để lấy tiếng. Sau nữa, chương trình đào tạo không sát với thực tế, nhà trường chỉ dạy cho sinh viên những gì họ có, chứ không dạy điều xã hội cần.
Theo bà vấn đề giáo dục kỹ năng là yếu tố quan trọng và cần thiết, song đã không được quan tâm. Bà nói:
“Tôi nghĩ rằng với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo và nhà trường phải trang bị cho các em một kỹ năng sống cũng như về trình độ, khả năng, năng lực và phẩm chất. Những cái đó hiểu được sẽ giúp cho các em tự tin và khi đó các em sẽ tự lựa chọn được những nghề phù hợp với khả năng của mình.”
Trả lời câu hỏi, cần có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Bà Kim Anh thấy rằng, chương trình giáo dục phổ thông hiện tại thiếu sự phân luồng học sinh, lẽ ra hết bậc THCS, cần phải phải chia luồng học sinh, sao cho số lượng học tiếp để vào đại học chỉ chiếm khoảng 40-50%, còn lại theo trung học học nghề, ở đó vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề. Theo bà nhà trường cần giáo dục cho sinh viên biết rằng, trong môi trường công việc đầy cạnh tranh và năng động, trang bị tốt cho mình các kỹ năng sống khác ngoài kiến thức sách vở, đó là yếu tố quyết định. Bà nhận định:
“Nếu muốn giải quyết được việc này thì chúng ta phải giải quyết thật tốt việc dự báo thì trường lao động, cụ thể là dự báo nhu cầu ngành nghề để hướng dẫn cho các em ngay từ khi còn đang họ ở các trường phổ thông.”
Hướng giải quyết
Nữ chuyên viên thuộc Viện Khoa học Lao động và Xã hội, bà Kim Anh thấy rằng VN thiếu một quy hoạch lâu dài về nhu cầu lao động để có các kế hoạch đáp ứng. Theo bà, nếu quy hoạc tốt sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lao động cho nền kinh tế, thì sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng này. Hơn nữa, việc tạo điều kiện có các chính sách ưu đãi, khuyến khích cho các sinh viên mới ra trường tổ chức và khởi nghiệp các doanh nghiệp vừa và nhỏ là vấn đề cần được chú ý xem xét, để tăng thêm công ăn việc làm. Bà cho biết:
Nếu công tác đào tạo có một quy hoạch tốt, đáp ứng nhu cầu của xã hội thì tôi nghĩ sẽ không xảy ra các hiện tượng dư thừa và lãng phí nguồn nhân lực. - Bà Kim Anh |
Theo tạp chí Khoa học Giáo dục, trước thực trạng này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định ra lộ trình giảm đến dừng hẳn tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp. Theo đó, hệ cao đẳng sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh 30% mỗi năm và dừng tuyển sinh trước năm 2020; Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.
Các chuyên gia và các nhà nghiên cứu mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có chung nhận định cho rằng, quyết định nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm hạn chế tỷ lệ sinh viên thất nghiệp ngày càng cao, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự khủng hoảng trong hệ thống giáo dục hiện nay.
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét