Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Tôi không hiến máu vào kho máu trung ương nữa

CHUYỆN HIẾN MÁU
FB Bùi Văn Thuận, 9-1-2017 - Từ đó, tôi thôi hẳn và không bao giờ có ý định đi hiến máu nữa. Vợ tôi bây giờ suốt thời sinh viên cũng đã đôi ba lần hiến máu, nhưng bây giờ cũng thôi. Nếu máu của tôi có thể cứu những bệnh nhân nghèo, máu của tôi có thể cứu tính mạng một con người tôi sẽ cho miễn phí. Nhưng với kiểu quản lý và làm như hiện nay, tôi rất sợ máu của tôi sẽ trở thành món hàng cho ai đó kiếm lợi. Mà chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra. Tôi tuyên bố sẽ không hiến máu vào “kho máu trung ương nữa”, có luật hay không luật thì cũng vậy thôi.

Sinh viên hiến máu. Nguồn: internet
Năm 2003, khi đang là sinh viên năm thứ nhất (của lần học đại học thứ 2) tôi đã đăng ký đi hiến máu. Cả khoa, cả lớp đứa nào cũng cười và nói: Anh hiến máu làm gì? Máu anh có đến được với người bệnh đâu? Anh hiến, bọn bác sĩ nó lại bán kiếm tiền đấy. Tôi không nghe, vẫn lên phòng y tế nhà trường để hiến máu. Phải nghỉ chơi bóng chuyền 3 hôm, được ăn bánh, uống nước chè đường, 20 nghìn tiền bồi dưỡng và một giấy chứng nhận hiến máu. Tết về có cái thiệp của Trung tâm huyết học truyền máu Trung ương.

Năm 2004, tôi tiếp tục đi hiến máu khi có chiến dịch ở trường. Năm đó, cả khóa tôi vẫn chưa có ai đi hiến máu. Vì theo chúng nó: Màu mình sao lại đi cho người khác rồi bố mẹ biết sẽ không cho phép… Chúng bạn nói: Anh Thuận, sao anh dốt thế, máu mình rất quý sao tự dưng đi cho? Tôi chỉ cười và nói với mấy đứa bạn thân: Tao đi hiến máu là để tâm tao thanh thản, tao không có tiền để giúp cho những người khó khăn, những bệnh nhân nghèo, nếu máu tao có thể cứu ai đó thì tốt quá. Chúng mày xem, nếu gia đình tao ai có chuyện gì, làm sao đủ tiền mà mua máu? Đành phải trông chờ vào những giấy chứng nhận máu tao đã hiến thôi.

Sau đó, đến năm 2005 thì có thêm vài đứa em, đứa bạn cùng khoa đã đi hiến máu vì chúng muốn… giảm béo và nhiều đứa thấy phải có trách nhiệm với xã hội. Dù trong thâm tâm, đứa nào cũng biết máu mình khó đến với người bệnh một cách miễn phí lắm.

Suốt thời gian sinh viên, năm nào tôi cũng hiến máu, có năm đi 2 lần. Rồi ra trường, tôi còn hiến máu thêm 2 lần nữa. Một lần ở trạm y tế ĐHSP, một lần là trên xe lưu động ở cạnh Đại học Thương Mại.

Năm 2010, bố tôi bị xuất huyết dạ dày nặng. Tình hình rất nguy kịch do bác sĩ chẩn đoán sai, đến khi biết thì bố đã kiệt quệ không đứng nổi nữa. Phải truyền rất nhiều máu. Tôi cuống cuồng đi tìm, đi xin, thậm chí đã chìa toàn bộ tất cả giấy chứng nhận hiến máu cũng không có máu mà truyền cho bố. Bác sĩ không cho lấy máu tôi do tôi đang ốm sốt. Đành phải xuống bệnh viện tỉnh Ninh Bình mua máu. Gửi tiền cho bác sĩ mua giúp, tôi được báo giá 1,5 triệu một đơn vị máu. Đợt đó, tất cả tiền nong của gia đình và của tôi chỉ đủ để mua 6 đơn vị máu truyền cho bố trong mấy ngày. Thêm các loại thuốc truyền, thuốc bổ cũng rất đắt nữa để truyền.

Sau khi bố đã ổn định, tôi có gọi điện cho Viện huyết học truyền máu Trung ương thắc mắc tại sao tôi hiến máu nhiều như vậy mà bố tôi không có máu miễn phí, tại sao tôi không được mua máu với giá ưu tiên và nhiều câu hỏi tại sao nữa. Vị cán bộ của viện này đã trả lời: Để chúng tôi xem xét tác động cho anh được mua máu giá “ưu đãi”, rồi chúng tôi sẽ trả lời anh sau….Tất cả chìm vào trong im lặng, không ai trả lời cho tôi.

Từ đó, tôi thôi hẳn và không bao giờ có ý định đi hiến máu nữa. Vợ tôi bây giờ suốt thời sinh viên cũng đã đôi ba lần hiến máu, nhưng bây giờ cũng thôi.

Nếu máu của tôi có thể cứu những bệnh nhân nghèo, máu của tôi có thể cứu tính mạng một con người tôi sẽ cho miễn phí. Nhưng với kiểu quản lý và làm như hiện nay, tôi rất sợ máu của tôi sẽ trở thành món hàng cho ai đó kiếm lợi. Mà chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra.

Bất cứ một bệnh nhân nghèo nào cần máu, nhóm máu tôi là A (Rh+), tôi sẽ đến và cho trực tiếp. (Tất nhiên mỗi năm khoảng 2 lần thôi ạ). Tôi tuyên bố sẽ không hiến máu vào “kho máu trung ương nữa”, có luật hay không luật thì cũng vậy thôi.

____

Mời xem thêm: Đề xuất bắt buộc công dân hiến máu 1 lần/năm (DT).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét