Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Tác hại của quá trình phi công nghiệp hóa sớm

Tác hại của quá trình phi công nghiệp hóa sớm
Về kinh tế, rõ ràng là quá trình phi công nghiệp hóa sớm cản trở sự tăng trưởng và trì hoãn những nước đang phát triển theo kịp những nền kinh tế tiên tiến. Những ngành công nghiệp chế tạo là cái mà tôi (Dani Rodrik) gọi là “ngành công nghiệp thang cuốn”: năng suất lao động của nhân công trong ngành chế tạo có xu hướng gia tăng, ngay cả trong các nền kinh tế nơi chính sách, các thể chế, và địa lý cùng nhau góp phần làm chậm sự tiến bộ của các ngành khác trong nền kinh tế.
Hầu hết các nền kinh tế phát triển hiện nay đều phát triển từ con đường công nghiệp hóa quen thuộc. Sự tiến bộ của các ngành công nghiệp chế tạo – ví dụ như dệt may, thép, sản xuất ô tô – đã nổi lên từ tàn dư của những ngành nghề truyền thống và hệ thống phường hội, chuyển đổi những xã hội nông nghiệp sang thành thị. Nông dân trở thành công nhân nhà máy, một quá trình tạo cơ sở cho không chỉ sự gia tăng chưa từng có về năng lực sản xuất kinh tế, mà còn cho một cuộc cách mạng lớn trong các tổ chức xã hội và chính trị. Phong trào lao động đã dẫn tới chính trị quần chúng, và cuối cùng là dân chủ chính trị.

Theo thời gian, ngành công nghiệp chế tạo nhượng lại vị thế cho ngành dịch vụ. Ở Anh, nơi ra đời cuộc Cách mạng công nghiệp, số nhân công trong lĩnh vực chế tạo đạt mức cao nhất 45% trước Thế chiến I, sau đó giảm xuống còn khoảng 30% và duy trì cho đến đầu những năm 1970 trước khi giảm mạnh. Ngành chế tạo hiện chiếm chưa đến 10% lực lượng lao động.

Những nền kinh tế giàu có khác cũng đã trải qua một chu kỳ tương tự: công nghiệp hóa và theo sau là phi công nghiệp hóa. Ở Mỹ, ngành chế tạo chiếm chưa đến 3% lực lượng lao động vào đầu thế kỷ 19. Sau khi lên tới mức 25-27% trong những năm 1930-1970, quá trình phi công nghiệp hóa bắt đầu, với ngành chế tạo chiếm chưa đến 10% lực lượng lao động trong những năm gần đây.

Ở Thụy Điển, số nhân công trong lĩnh vực chế tạo đạt mức cao nhất 33% giữa những năm 1960 trước khi giảm xuống mức thấp khoảng 10-14%. Ngay cả ở Đức, nơi được đánh giá là có ngành công nghiệp chế tạo lớn nhất trong những nước phát triển, nhân công ngành này đạt mức cao nhất vào những năm 1970 (khoảng 40%) và sau đó liên tục giảm dần. Như giáo sư Robert Lawrence của trường Đại học Harvard đã lập luận, quá trình phi công nghiệp hóa rất phổ biến và xảy ra trước làn sóng toàn cầu hóa kinh tế gần đây.

Chỉ một số ít những nước đang phát triển, tiêu biểu là ở Đông Á, mới có khả năng đi theo mô hình này. Nhờ các thị trường xuất khẩu, Hàn Quốc đã tiến hành công nghiệp hóa một cách đặc biệt nhanh chóng. Tỉ lệ nhân công trong lĩnh vực chế tạo tăng từ mức một con số vào những năm 1950 lên mức cao 28% năm 1989 (và từ đó đã giảm 10%), Hàn Quốc chỉ mất ba thập niên để chuyển đổi trong khi các nước công nghiệp hóa sớm mất ít nhất một thế kỷ hoặc lâu hơn.

Nhưng mô hình công nghiệp hóa của các nước đang phát triển có sự khác biệt. Quá trình này không chỉ diễn ra chậm hơn, mà quá trình phi công nghiệp hóa còn bắt đầu sớm hơn rất nhiều (so với các nước phát triển).

Thử xem xét Brazil và Ấn Độ, hai nền kinh tế mới nổi đã tiến hành công nghiệp hóa tương đối tốt trong khoảng thập niên trước. Ở Brazil, tỉ trọng lao động trong lĩnh vực chế tạo gần như không thay đổi trong giai đoạn 1950-1980, tăng từ 12% lên 15%. Từ cuối những năm 1980, Brazil đã bắt đầu phi công nghiệp hóa, một tiến trình mà sự tăng trưởng kinh tế gần đây cũng không thể chấm dứt hoặc đảo ngược. Ấn Độ còn cho thấy một trường hợp ấn tượng hơn: lao động trong ngành công nghiệp chế tạo tăng tới mức cao nhất cũng chỉ ở mức 13% vào năm 2002, và từ đó có xu hướng giảm.

Chưa rõ tại sao các nước đang phát triển lại đang phi công nghiệp hóa sớm như vậy trong quỹ đạo tăng trưởng của họ. Một nguyên nhân có thể là quá trình toàn cầu hóa và độ mở của nền kinh tế, những thứ đã khiến các nước như Brazil và Ấn Độ khó cạnh tranh với những cường quốc chế tạo ở Đông Á. Nhưng sự cạnh tranh toàn cầu không thể là nguyên nhân duy nhất. Quả thật, điều bất ngờ là ngay cả các nước Đông Á cũng là đối tượng của quá trình phi công nghiệp hóa sớm.

Hãy xem xét trường hợp của Trung Quốc. Với vị thế được xem như là công xưởng của thế giới, thật ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng tỉ lệ lao động ngành chế tạo của Trung Quốc không chỉ nhỏ mà dường như còn đang giảm đi. Dù số liệu thống kê của Trung Quốc còn có vấn đề, có vẻ như lao động trong lĩnh vực này đã đạt mức cao nhất 15% vào giữa những năm 1990, sau đó nhìn chung duy trì ở mức thấp hơn.

Dĩ nhiên, Trung Quốc là một nước rộng lớn với đa số lực lượng lao động nằm ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, phần lớn lao động nhập cư đang tìm việc trong các ngành dịch vụ hơn là trong các nhà máy. Tương tự, các nước xuất khẩu sản phẩm chế tạo mới, chẳng hạn như Việt Nam hay Campuchia, sẽ rất ít có khả năng đạt tới mức độ công nghiệp hóa như các nước công nghiệp hóa sớm, chẳng hạn như Anh và Đức.

Một hệ quả tức thì là các nước đang phát triển đang chuyển sang nền kinh tế dịch vụ với mức thu nhập thấp hơn đáng kể. Khi Mỹ, Anh, Đức, và Thụy Điển bắt đầu phi công nghiệp hóa, thu nhập bình quân đầu người của họ đã đạt mức 9.000-11.000 USD (mức giá tính theo năm 1990). Ngược lại, ở những nước đang phát triển, sản xuất công nghiệp chững lại trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng một phần nhỏ của các nước trên: quá trình phi công nghiệp hóa bắt đầu ở Brazil khi thu nhập bình quân đầu người ở mức 5.000 USD, ở Trung Quốc là 3.000 USD, và ở Ấn Độ là 2.000 USD.

Những hệ quả kinh tế, xã hội và chính trị của quá trình phi công nghiệp hóa sớm hiện vẫn chưa được phân tích đầy đủ. Về kinh tế, rõ ràng là quá trình phi công nghiệp hóa sớm cản trở sự tăng trưởng và trì hoãn những nước đang phát triển theo kịp những nền kinh tế tiên tiến. Những ngành công nghiệp chế tạo là cái mà tôi (Dani Rodrik) gọi là “ngành công nghiệp thang cuốn”: năng suất lao động của nhân công trong ngành chế tạo có xu hướng gia tăng, ngay cả trong các nền kinh tế nơi chính sách, các thể chế, và địa lý cùng nhau góp phần làm chậm sự tiến bộ của các ngành khác trong nền kinh tế.

Đó là lý do tại sao sự tăng trưởng nhanh chóng trong lịch sử luôn gắn liền với công nghiệp hóa (ngoại trừ một số ít các nước nhỏ có trữ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên). Sự giới hạn công nghiệp hóa gần như chắc chắn đồng nghĩa với việc sẽ có ít hơn những phép màu tăng trưởng trong tương lai.

Những hệ quả về mặt xã hội và chính trị khó đo lường hơn, nhưng cũng có thể có tầm quan trọng tương đương. Một số nền dân chủ bền vững là phụ phẩm của quá trình công nghiệp hóa kéo dài: một phong trào lao động có tổ chức, những đảng phái chính trị có kỷ luật, và sự cạnh tranh chính trị xoay quanh một trục tả-hữu.

Những thói quen thỏa hiệp và tiết chế đã phát triển từ quá trình lịch sử đấu tranh giữa lao động và tư bản – các cuộc đấu tranh chủ yếu nổ ra trên sàn các công xưởng sản xuất. Với quá trình phi công nghiệp hóa sớm, các nước đang phát triển ngày nay sẽ phải đi những con đường khác, tuy chưa rõ ràng, và có thể là chông gai để đến với nền dân chủ và quản trị tốt.

Dani Rodrik là Giáo sư Khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey. Ông là tác giả cuốn One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth và gần đây nhất là cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy.

Copyright: Project Syndicate 2013 – The Perils of Premature Deindustrialization

http://nghiencuuquocte.org/2015/08/31/tac-hai-cua-qua-trinh-phi-cong-nghiep-hoa-som/#sthash.el3xAotd.yjTobky4.dpuf

Nguồn: Dani Rodrik, “The Perils of Premature Deindustrialization,” Project Syndicate, 11/10/2013.

Biên dịch: Nguyễn Thị Thu Hương | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét