Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Sự khôn lỏi của số người Việt tại Đức

Sự khôn lỏi của số người Việt tại Đức
Nói rằng người Việt mình lười thì không đúng, đến người Đức họ cũng khen là chăm chỉ. Nhưng chúng ta tự khẳng định mình là những người chăm chỉ thì cũng không đúng.
Ảnh từ Internet, có tính minh họa
Chúng ta không lạ gì khi thấy đại bộ phận người Việt đều có xu hướng hành nghề tự do. Ở Berlin này, cửa hàng của „cộng“ mọc lên như nấm sau cơn mưa. Vì họ muốn sự chịu khó của họ chỉ phục vụ cho riêng họ mà thôi. Họ làm cho họ rất chăm chỉ: Làm quên ăn, quên nghỉ, quên con và quên cả đi khám bệnh v.v..Nên có người ngày kia chết mà hôm nay vẫn còn đi xóc chảo, chỉ vì mấy chuc năm quên không đi khám bệnh định kỳ, đến khi đau tưởng là đau bình thường nên „sát nút“ vẫn cố. Rút cục là quên luôn cả đời.

Xem như vậy thì người Việt ta chăm chỉ nhất Thế giới. Nhưng đi làm công ăn lương thì lại lười và vô trách nhiệm. Rất ít người Việt làm ở các hãng được dài lâu. Tính kiên trì và chịu đựng kém. Họ làm được ít ngày, tỏ ra chịu khó, thấy chủ chưa kịp có ý kiến khen thưởng, tăng lương đã hậm hực và tức tối rồi phá bĩnh.

Thiệt một chút cho mình để lợi cho người khác là không chịu được. Sau đó là tìm cách trả thù một cách rất tiểu nhân, gây khó khăn cho chủ.

Đi làm ở hãng Đức thường thì ranh mãnh, lợi dụng các chế độ tối ưu. Có mặt chủ thì thể hiện chuẩn mực như con chiên, chủ vắng mặt là xằng bậy, làm láo nháo, giả dối và ăn cắp công đoạn.v.v…

Tính tôn trọng nhau cũng kém. Làm được thời gian ngắn là sinh nhờn, láu táu, „cá mè một lứa“, không giữ được kỷ cương và sự tôn trọng như người Đức. Bước vào cửa hàng của „cộng“ mà có một số người Việt làm ở đó, nhiều khi chúng ta không phân biệt ai là chủ cả. Ông „tướng“ nào trong nhóm đó cũng thể hiện mình hết cỡ và „nổ“ tung trời. Ăn mặc thì lôm nhôm, cử chỉ thì lấc cấc, dơ dáng, thiếu nề nếp và không văn minh chút nào.

Một số người Việt đi làm thuê, chẳng qua là lấy cớ để ăn cắp nghề và học lỏm những mánh lới làm ăn của chủ. Khi „đủ lông, đủ cánh“ là tìm cách ra đi để mở cửa hàng riêng cho mình. Thậm chí trơ trẽn đến nỗi mở ngay cạnh cửa hàng của chủ cũ và bán cùng loại mặt hàng luôn để sẵn sàng „đấu kiếm“ cạnh tranh với „thầy“.

Một số người Việt giàu có nhưng không biết đi Taxi thì phải? Họ về phép hay sang phép là đều nhờ bạn đưa đón. Mà bạn của họ, thì nói là „bạn“ cho oai, chứ có mấy khi „chén tạc, chén thù“, mời nhau đến nhà ăn nhậu đâu. Chỉ là những „mối tình“ quen loáng thoáng ngoài chợ rau, chợ hoa hay Đồng Xuân-Center gì đó. Chi vì muốn tiết kiệm mấy chục bạc tiền Taxi mà họ không biết „bạn“ mình cũng phải mất tiền xăng, tiền hao mòn ô tô hay tiền phải đóng cửa hàng vài tiếng, tiền trả Parkplatz ở sân bay v.v.. và bao nhiêu sự cố, sự phiền phức „bạn“ mình phải gánh. Nếu tính ra còn đắt hơn nhiều so với tiền thuê Taxi.

Có người làm nhiều, tiền nhiều nhưng lười học. Ở đây nhiều năm mà tiếng Đức không biết hoặc biết ít. Cứ có văn bản nào của Công an, Xã hội, Tòa án v.v… là vác đi nhờ lung tung các người quen dịch. Một lá thư mà họ nhờ nhiều người dịch, họ nghe từng người nói, sau đó chắt lọc ý của từng người để so sánh làm bản dịch cô đọng cho mình- theo ý họ đoán. Sau đó là họ chê người này, người kia; Dịch chỗ ni, chỗ nọ chưa chuẩn. Không chuẩn cũng là đúng thôi, vì có trả công cho người ta đâu. Chưa kể là còn chửi người ta. Bỉ ổi đến thế là cùng. Chỉ vì tiếc dăm ba đồng mà không thuê dịch vụ để dịch cho tử tế.

Nhiều người trọ trẹ tiếng Đức, phải nhờ người quen đi cùng đến công sở để dịch. Khi tiếp xúc với người chức trách không để người phiên dịch nói hết câu, cứ nói leo, đá gà, đá vịt nửa tây, nửa ta vào. Đã không trả công còn có thái độ thiếu khiêm tốn và bất lịch sự với người giúp mình. Cứ tỏ ra ta đây cũng hiểu biết. Nhưng thực ra là ngu về nhiều mặt.

Có người muốn gửi tiền về quê, chỉ vì tiếc tiền cước phí nên không gửi qua dịch vụ mà tìm cách ý tứ gửi tay qua người quen khi về phép. Chỗ thân quen, nếu thuận lợi thì giúp nhau cũng còn được. Nhưng có trường hợp họ chơi với nhau không mặn mà cho lắm. Cứ nhờ đại một cách dơ dáng.

Có người gửi quà rất khôn khéo. Tối hôm trước họ đã đến nhà người về phép tặng quà. Nói chuyện với gia chủ thân mật và cởi mở. Hôm sau họ lại ra sân bay giả bộ tử tế đưa tiễn rồi đưa phong bì dầy, trong chứa toàn tờ tiền to nhờ „bạn“ cầm về giúp. Khiến người về phép nhận cũng dở mà không nhận cũng càng khó, vì trót tối hôm qua đã nhận quà „dạm ngõ“ của ông bạn tốt tính „đột ngột„ này rồi.

Có vị mời khách đến nhà dự liên hoan, thấy còn sớm chưa đến giờ ăn, nhà ở lại gần quán nên nhờ khách dọn dẹp và lau chùi cửa hàng, mồm mép như tép nhảy nói với khách là „làm cho vui“; „Đói thì ăn mới ngon“. Nói xong rồi cười xòa một cách vô duyên, chẳng thèm biết các vị khách đang nghĩ gì về mình.

Có rất nhiều kiểu, nhiều dạng và nhiều hình thức lợi dụng lòng tốt của người khác. Họ chỉ nghĩ đến mình, còn cái mất của người giúp thì họ vô tâm hoặc cố tình quên.

Còn sự lợi dụng các kẽ hở của Xã hội, của nhà nước Đức thì tôi không muốn bàn tới làm gì.

Con người khác con vật là tính cộng đồng, tính xã hội. Nhưng một số người Việt không có ý thức này. Hưởng thụ các công ích „sành điệu“ nhưng không thèm cống hiến. Thậm chí có người ăn Xã hội đi làm chui còn mắng người đi làm hãng đàng hoàng là ngu! Nếu „khôn“ cả như họ thì ai là người trả thuế để họ có tiền ăn Xã hội?

Nếu nước Đức này, lãnh đạo và người dân toàn như người Việt Nam cả thì nước Đức lúc đó có khi sẽ còn tồi tệ hơn cả ở Việt Nam.

Các bạn và tôi còn mặn mà thích ở lại đây chẳng qua là xã hội của họ tốt đẹp và tuyệt vời. Chúng ta là những người hưởng lây và khéo lợi dụng mà thôi.

Còn việc đóng thuế của một số người Việt chúng ta thì có chăng chỉ là thuế doanh thu (Umsatzsteuer) còn thuế thu nhập (Einkommensteuer) thì rất ít người tham gia. Nên theo tôi cũng chẳng nên vỗ ngực tự hào làm gì về hai từ: Cống hiến.

Các bạn ơi, sống ở Đức, một đất nước văn minh, chúng ta cũng nên tôn trọng mình và tôn trọng người. Cái gì đáng phải nhờ nhau hãy nhờ, nếu nhờ cũng nên trả công cho sòng phẳng. Còn không các hãng họ đang chờ khách. Chứ tất cả như chúng ta thì nhiều hãng thất nghiệp mất. Chơi kiểu lợi dụng lẫn lộn với nhau thì không bao giờ lâu dài và khá được. Làm phiền nhau, mang nợ nhau thêm bận tâm và con người trở lên nhỏ nhoi. Năm 2017 đã sắp tới, ta hãy sống cho đàng hoàng. Hãy làm lợi cho mình và cho cả người thì mối quan hệ mới có hậu, bền vững và dài lâu.

Nguyễn Doãn Đôn
(Thời Báo.de)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét