Đổi mới ở Việt Nam nhất định sẽ phải trả giá
Đúng ngày này 30 năm trước – 15/12/1986* – Đại hội Đảng VI chính thức khai mạc, mở ra vận hội đổi mới cho đất nước. Ngẫm lại thời đó, rào cản đổi mới chủ yếu nằm ở nhận thức giáo điều – giáo điều về “con đường đi lên CNXH”, về “làm chủ tập thể”, về “cải tạo công thương nghiệp” v.v. Vì vậy, đổi mới thời đó hay được quy giản thành “đổi mới tư duy”.Ngày nay, cụm từ “đổi mới” vẫn thường xuyên được nhắc đi nhắc lại. Đến hẹn lại lên, cứ vào các năm chẵn chục, người dân lại nghe mỏi tai về thành tựu “mười năm đổi mới”, “hai mươi năm đổi mới”, “ba mươi năm đổi mới”. Song tinh thần đổi mới thực sự đã đi vào dĩ vãng. Cứ “đổi mới” theo kiểu phong trào và hô khẩu hiệu như hiện nay chỉ càng khiến “đổi mới” trở nên cũ kỹ, thậm chí phản tác dụng.
Cũng cần nói thêm rằng cải cách ở Việt Nam giờ đây rất khó vì nhất định sẽ phải trả giá – có cuộc đại phẫu nào mà lại không khó khăn, đau đớn. Nếu như trước đây khó khăn chủ yếu nằm ở thay đổi tư duy thì ngày nay, khó khăn còn nằm ở sự trỗi dậy càng ngày càng mạnh mẽ của các nhóm lợi ích bất chính hùng hậu, được hưởng đặc quyền và đua nhau tranh giành đặc lợi, với cái giá phải trả của đa số dân chúng và toàn nền kinh tế; và rồi không thể không kể đến những can thiệp và uy hiếp khôn lường của người láng giềng phương Bắc, kiên trì mục tiêu vì một nước Việt Nam nghèo hèn và nhược tiểu.
Cải cách chắc chắn sẽ rất gian truân, song cái giá phải trả cho sự trì hoãn cải cách còn lớn hơn gấp bội. Những tuyên bố cải cách đã có, không những thế còn khá đồ sộ. Vấn đề còn lại là hành động, là cải cách một cách thực chất, chỉ như vậy mới có thể khôi phục niềm tin của xã hội và củng cố tính chính đáng vốn đang bị xói mòn.
*Ghi chú: Đại hội đã họp trù bị từ ngày 5 đến 14/12/1986.
Vu Thanh Tu Anh
(FB Vu Thanh Tu Anh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét