Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Nhiệt liệt chào mừng ngày tiếp... viên VN 20/11

Cám ơn! 
Du Uyên - Sáng nay đọc báo, Việt Nam lại vinh dự xếp hạng nhứt Đông Nam Á và hạng 6 thế giới về số lượng du học sinh ở Mỹ, con số hiện nay là 21,000 sinh viên học sinh! Và từ “du học” ở Việt Nam đương thời cũng đồng nghĩa với từ “di dân”, định cư mà người ta thường sử dụng xưa nay. Các “thuyền nhân” mỗi lúc một đông, ở các vị trí xã hội, phương tiện và điều kiện khác nhau và khác xưa rất nhiều lần. Nhưng khổ một nỗi, chuyện “vượt biển” chưa bao giờ ngưng “hot” đối với con dân Việt. Đặc biệt là bây chừ, càng có điều kiện càng đi nhanh, càng thiếu điều kiện càng khao khát ra đi…
“Nhiệm vụ chính trị”. Hình facebook
Kết quả của sự giáo dục
Không biết cái số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2,558,678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài (Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài) được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần trong các bài viết. Nhưng chưa bao giờ là cũ. Và chưa bao giờ đứng lại.

Người Việt bỏ đất nước ra đi bây chừ không còn được tính bằng năm, bằng tháng nữa mà chúng ta hãy tính bằng ngày. Không còn ai tin vào những con số chính thức nữa. Vì ngoài những người ra đi bằng con đường hợp pháp thì hằng hà sa số kẻ ra đi bất hợp pháp. Họ chạy trốn theo đúng nghĩa đen chứ không còn ra đi để “đeo đuổi” một cuộc sống mới đầy màu sắc.

Thầy giáo xưa bươn chải giữa đời nay. nguồn Facebook 

Tôi sanh ra sau biến cố 1975 khá lâu. Tôi không hề được/bị chứng kiến những cuộc chiến và những cuộc di tản của chính cha ông mình đã xảy ra trên mảnh đất tôi đang sống. Tôi đã từng tin tưởng, lý tưởng những điều mình được nhồi nhét trên ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa. Tôi đã từng tin yêu từng thứ mình nhìn, sờ, cầm và được dạy, được “cài đặt mặc định” là phải tôn thờ. Nhưng tất cả sụp đổ khi tôi chạm vào bức tường mở của sự thật. Tôi nhìn thấy những cuộc đối thoại nảy lửa giữa hai quốc gia cùng một ngôn ngữ trên mạng xã hội. Tôi nhìn thấy những màn tấn công của nhà cầm quyền với những người… yêu nước. Và tôi nhìn thấy những cuộc trốn chạy, từ bạn bè, hàng xóm, họ hàng, thậm chí trong chính gia đình mình. Ai cũng có lý do chính đáng cho mình. Nhưng lý do ai cũng cho là chính đáng mà không ai nói thẳng ra, là câu người bạn thân của tôi đã cầm tay tôi trước khi lên máy bay theo chồng sang “Phú Lang Sa”: “Mày cũng đi đi, càng sớm càng tốt. Ði khỏi đất nước này!”
Nhớ hồi tháng trước, tôi bon chen theo người bạn để dự một hội thảo về du học do nó khởi xướng. Trong các câu hỏi mà người tham gia đưa ra đa phần là kêu nó đưa ra lý do tại sao phải đi du học. Tôi cũng ngứa miệng, đứng dậy hỏi lại (khi ấy chỉ để giải vây cho bạn): “Các bạn hãy cho tôi lý do tại sao lại phải ở lại Việt Nam học trong khi bằng tốt nghiệp ở Việt Nam cũng không có giá trị hơn các bằng tốt nghiệp ở nước ngoài trong các hồ sơ tuyển dụng tại chính đất nước Việt Nam. Trong khi các nước phát triển họ luôn ưu tiên cho bằng tốt nghiệp “chủ nhà”? Tại sao học đại học ở Việt Nam xong qua… Mỹ vẫn phải học lại từ đầu. Còn “con rồng cháu tiên” mà có tấm bằng “Harvard” coi như là lên báo cách mạng làm vẻ vang dòng tộc, đôi khi vẻ vang cả… tỉnh quê nhà?!”

Những hoạt động chào mừng ngày nhà giáo thế kỷ 21. Nguồn in tẹt nét

Hỏi xong chính tôi cũng “bần thần” với câu hỏi đó. Tại sao chính chúng ta cũng không có niềm tin vào nền giáo dục của nước nhà. Mà từ giáo dục mới sanh ra văn hóa, giá trị, bản sắc của dân tộc, của cá nhân. Cái niềm tin vào giáo dục đã mất thì chúng ta còn trông chờ vào cái gì? Và chính những người đi theo nghiệp giáo dục ở Việt Nam hiện nay hình như cũng không tin vào sự lựa chọn của mình. Cũng chính họ làm cho hai chữ giáo dục trở nên mơ hồ và xấu xí.

Hồi nhỏ, hầu như 80% các cô bé chập chững bước vào giai đoạn đầu làm quen với trường lớp đều có một ước muốn mạnh mẽ là lớn lên nhất định sẽ làm cô giáo. Ðó không phải là một định hướng kiên định cho tương lai mà đơn giản vì nghề các cô bé non nớt kia tiếp xúc đầu tiên là nghề giáo. Các cô sợ, yêu mến, ngưỡng mộ những người thầy đầu tiên của mình. Thấy họ thật “oai”! Thế là… mơ. Nhưng thật tiếc, con số 80% đó sẽ vơi dần vơi dần theo từng năm tháng. Các cô bé lớn lên với những ước mơ thật sự và những con đường riêng được xã hội xung quanh tác động. Bên cạnh đó, các em nhận ra nghề giáo là nghề “con nhà nghèo”. Ðồng lương còm cõi và những định kiến xã hội khắt khe tô vẽ cho hình tượng “người thầy” làm những ký ức đẹp của tuổi thơ cũng “xa lánh” niềm đam mê mạnh mẽ về nghề giáo. Rồi những tin tức về sự biến chất ngày càng dày đặc.


Cuối cùng, trong những người đưa tay nhận gánh nặng “gõ đầu trẻ” thì ngoài 20% là đeo đuổi đam mê thật sự (con số này có người còn cho là quá nhiều) thì hết 80% còn lại đa phần vì hoàn cảnh không cho phép hoặc bị ép buộc vào ngành giáo chứ hầu như không nhiều người chọn đó là “nguyện vọng 1”, sự lựa chọn hàng đầu. Dẫu sao thì, cái vòng lấp lánh dành cho nghề giáo vẫn làm choáng mắt nhiều người ngoài cuộc. Nó vẫn là nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Vì vậy, nó luôn là cái bia hàng đầu cho những “gạch đá” từ miệng đời khi có những thông tin không hay về nền giáo dục Việt Nam đương thời. Sau những sai lầm, mọi người nhìn nhau hỏi: Thực sự thì những giáo viên, những “nông dân trồng người” ngày nay.

Những kẻ được ví như những con “chuột chạy cùng sào”, chui vào những lò luyện rồi chui ra bỗng chốc cầm tấm bằng mua vội nghiễm nhiên trở thành những kỹ sư tâm hồn. Họ đã đối xử với nghề giáo như đã gọi nó là nghề “cao quý” chưa? Ðã hết lòng với cái nghiệp mình đã chọn hay chưa? Hay chỉ gọi cho vui vậy thôi? Những lớp học sinh qua tay họ rồi cũng trở thành những con gà công nghiệp, những con “chuột chạy cùng sào”. Học thuộc lòng những cuốn sách giáo khoa, đóng tiền học thêm tích cực. Cuối năm học thuộc bài thi. Rồi lên lớp, ra trường theo chỉ tiêu của trường. Cô đạt điểm thi đua, trò lên lớp, trường nhận bằng khen. Tất cả đều có lợi, và “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn!”

Những đề bài thật như đùa! Nguồn facebook

Phẩm chất nền giáo dục Việt chưa bao giờ bị đánh giá tệ như hiện nay. Cô giáo thì bị điều đi làm “nhiệm vụ chính trị” trong khi không đủ can đảm từ chối những công việc ngoài khả năng và trách nhiệm thì các cô lấy đâu ra “kinh nghiệm” để dạy học trò mình lòng dũng cảm, chống lại những tiêu cực, bất công xảy ra đầy rẫy giữa xã hội đương thời? Những vụ bạo hành học đường giữa học sinh với nhau hoặc giữa thầy cô với học trò xảy ra như cơm bữa trong sự ngao ngán và thất vọng của các bậc phụ huynh vốn đã quá bận rộn với công việc mưu sinh mà bỏ phế con mình cho nhà trường. 

 Cả một thế hệ học sinh bị Bộ Giáo Dục mang ra làm chuột bạch không chỉ một lần trong các kỳ thay đổi quy chế thi, cải cách giáo dục không hề được báo trước. Anh chị học qua đại học cũng “bó tay” với những đề bài của em út còn đang “lẹt đẹt” bậc tiểu học.

Gần đây trong bài viết “Những lá đơn/thư mang niềm hy vọng” của tác giả Tưởng Năng Tiến trên Trẻ Magazine có trích dẫn một lá đơn xin thôi học của một em học sinh lớp 10 “vì học hành còn yếu” Thể hiện niềm tin về một thế hệ còn biết tự trọng. Nhưng xin lỗi, với nền tảng giáo dục này, với những mồ hôi nước mắt của cha mẹ đã bỏ ra để chạy chọt cho con mình “còn được đi học” thì ai cho các em “biết tự trọng”? Và sau sự ra đi vì tự trọng của em, thì có ai ăn năn hay chăng? Xin lỗi, tôi tin là không. Bằng chứng là câu chuyện của em bây chừ đã bị cho vào quên lãng.



“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” dầu trải qua nhiều thay đổi trong cách đào tạo, hiểu biết và mục đích đến với nghề thì các thầy cô giáo luôn được ví von là cục gạch đầu tiên cho sự phát triển của xã hội và văn minh của nhân loài! 

Ở Việt Nam, mỗi năm vẫn có một ngày trong tháng 11 dành riêng cho những người thầy đó là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11! Khác với mọi năm, bên cạnh những kể lể và lòng biết ơn về những người thầy bị ghét, được yêu thì năm nay “cư dân mạng” Việt Nam hầu như đồng loạt tỏ bày lòng biết ơn với một người thầy tên “Internet”. Nhờ có “nhân vật” này mà họ được mở rộng tư duy về thời cuộc, được tranh luận, tiếp thu và phổ biến những hiểu biết của mình. Ðó là điều trước kia có mơ họ cũng khó lòng tin thực hiện được với sự bưng bít thông tin theo định hướng của báo chí cách mạng.

Nói nào ngay, tôi cũng phải biết ơn người thầy “in tẹt nét” này lắm lắm. Nhờ “ổng/bả” mà tôi biết rất rất nhiều thứ, cũng khám phá ra mình rất nhiều “chiện”. Có chuyện này dzui nè, kể ra cũng thấy “quê” lắm. Hồi trước cứ nghe bạn bè ở “bển” gọi về kể khoảng cuối tháng 11 bên Mỹ có ngày Black Friday. Tôi cứ tưởng cái gì đen là đen tối lắm. Nên mặc nhiên nhận định Thứ Sáu Ðen của Mỹ nó đen tương đương Tháng Tư Ðen bên mình. Mà không dám hỏi ai. Sau nhờ thầy “in tẹt nét” mới biết, Thứ Sáu Ðen của Mỹ chẳng những không đen mà còn đỏ nữa, thiên hạ xúm nhau xếp hàng dài dòng dọc mua được đồ có khi rẻ như cho!

Và cũng nhờ “in tẹt nét” mà tôi đến với Trẻ khi quen một cộng sự của Trẻ qua câu chuyện đùa “thịt chó kho hột vịt” trên trang cá nhân của mình. Cám ơn thầy “in tẹt nét”! Cám ơn những người bạn quen qua “in tẹt nét”! Cám ơn Trẻ và những cộng sự, độc giả của Trẻ! Trong đó có những người thầy thật sự của tôi! Xin gửi đến tất cả một lời cám ơn trễ trong mùa Lễ Tạ ơn của Mỹ.

...............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét