Hội nhập và những cái bẫy rình rập Việt Nam
Đã đến lúc ngưng nói về những lợi thế sẽ nhận được, mà hãy nói về các bất lợi Việt Nam sẽ phải đối mặt, những cái bẫy đang rình rập Việt Nam khi hội nhập với các nước theo các FTA và TPP.
Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế thế giới
2016 được đánh giá là năm bản lề trong quá trình phát triển của Việt Nam, khi đây là thời điểm hàng loạt các hiệp định thương mại lớn như TPP hay các FTA bắt đầu triển khai. Nếu biết tận dụng tốt các ưu thế mà các hiệp định thương mại này đem lại, Việt Nam sẽ đẩy nhanh được đáng kể tốc độ tăng trưởng và phát triển.Nhưng để làm được điều đó, Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Và một trong những sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất là phân tích và đánh giá chính xác tác động từ những mặt trái mà các hiệp định thương mại này có thể gây ra cho kinh tế Việt Nam. Vì thực tế, có không ít những cái bẫy rất nguy hiểm vượt quá sức tưởng tượng đang rình rập Việt Nam trong các hiệp định thương mại này.
A. Các hàng rào phi thuế quan
Trong xu thế thương mại tự do trên thế giới hiện nay, các quốc gia ngày càng có xu hướng sử dụng các biện pháp phi thuế quan để bảo hộ hàng hóa trong nước, thay vì sử dụng hàng rào thuế quan như trước.
Nếu như trước đây, họ chỉ đơn giản là áp thuế cao đối với những mặt hàng nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, thì giờ đây các hàng rào phi thuế quan được sử dụng ngày càng nhiều.
So với hàng rào thuế quan vốn hầu hết chỉ liên quan vấn đề tài chính thông qua việc áp thuế, những rào cản phi thuế quan đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Những rào cản này bao gồm 2 loại chính: Hàng rào kỹ thuật (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cùng các biện pháp kiểm dịch (SPS).
Lý do các rào cản phi thuế quan ngày càng được ưa chuộng hơn xuất phát từ hai lý do chính: Về cá nhân, nó hướng đến việc bảo vệ sức khỏe người sử dụng; còn trong lĩnh vực quản lý, nó phức tạp hơn và đa dạng hơn để ngăn cản hàng nhập khẩu từ nước ngoài hiệu quả hơn nhiều lần hàng rào thuế quan.
Đó là lý do mà số lượng các rào cản thương mại phi thuế quan đang ngày càng tăng lên với tốc độ chóng mặt: Năm 1995 mới có khoảng 400 quy định liên quan đến TBT thì đến năm 2011 con số đã tăng lên khoảng 1.500 mỗi năm.
Năm 2013, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã thông báo một con số TBT tăng vọt là 17.400. Cuộc đọ sức trên lĩnh vực bảo hộ thương mại giữa các quốc gia trên thế giới giờ đây là một cuộc chơi thiên về trí tuệ và công nghệ, hơn là một cuộc chơi về đánh thuế như trước. Quốc gia nào có trình độ công nghệ cao hơn sẽ có khả năng áp đặt các hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn các quốc gia có trình độ công nghệ kém hơn.
Một sự hiểu lầm mà khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đều mắc phải trong vấn đề này là: đánh giá thấp sức mạnh của các hàng rào phi thuế quan.
Một số chuyên gia và khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đều tỏ ra vui mừng khi hàng loạt các lĩnh vực chủ lực của hàng xuất khẩu Việt Nam được hạ mức thuế quan đáng kể, thậm chí về 0% trong các hiệp định thương mại như TPP hay các FTA, mà quên mất rằng các TBT đang được các nước này dựng lên khắt khe hơn bao giờ hết.
Về bản chất, các rào cản kỹ thuật chính là cách thức thay thế cho hàng rào thuế quan, với khả năng ngăn chặn hàng nước ngoài còn cao hơn nhiều so với hàng rào thuế quan. Nếu như không thể vượt qua các hàng rào kỹ thuật rất khắt khe này, dù cho thuế suất có hạ về 0% thì hàng xuất khẩu cũng không thể thâm nhập vào thị trường được.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu Việt Nam cứ giữ nguyên chất lượng hàng hóa như hiện nay, trong khi các hàng rào kỹ thuật ở các nước ngày càng khắt khe hơn, xuất khẩu của Việt Nam không những không tăng lên, mà còn bị giảm đi đáng kể là đằng khác.
B. Việt Nam là nước chịu thiệt thòi nhất trong TPP
Xét theo khía cạnh bảo hộ thương mại mới này, chính Việt Nam đang là nước chịu thiệt thòi nhất trong TPP.
Bất kể các chuyên gia quốc tế có dự báo rằng Việt Nam là nước có thể hưởng lợi nhất từ TPP đi nữa, cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng: Việt Nam đang là nước có trình độ sản xuất hàng hóa thấp nhất trong khối các nước TPP.
Nó dẫn đến hai hậu quả chủ đạo: Thứ nhất, hàng hóa do Việt Nam sản xuất có chất lượng tương đối thấp sẽ không thể vượt qua được các hàng rào kỹ thuật mà các nước đặt ra và có xu hướng ngày càng khắt khe hơn, sau khi đàm phán TPP hoàn tất. Điều này sẽ dẫn đến không những xuất khẩu của Việt Nam không tăng sau khi TPP đi vào hoạt động, mà còn giảm đi khá nhiều.
Theo thống kê, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều không tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng khi sản xuất hàng hóa. Chẳng hạn tại TP.HCM, trong lĩnh vực giầy da, có rất ít doanh nghiệp sử dụng các phương pháp quản lý sản xuất hiện đại như ISO (chỉ có 17%), 5S (7%), Kaizen (3%); hơn 60% doanh nghiệp cơ khí không áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại, ở các doanh nghiệp nhựa-cao su, con số cũng lên tới 60%.
Thứ hai, không có trình độ sản xuất hàng hóa chất lượng cao cũng dẫn đến việc Việt Nam không có khả năng đặt ra những rào cản kỹ thuật có hiệu quả để ngăn cản hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào thị trường nội địa.
Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam được hoàn thiện khá chậm, tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực của các tiêu chuẩn Việt Nam cũng khá thấp chỉ đạt khoảng 45%.
Việc chưa có những tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế cũng đang khiến cho các doanh nghiệp khá hoang mang trong việc muốn lựa chọn tiêu chuẩn công nghệ để áp dụng vào sản xuất. Chính phủ cũng gặp nhiều hạn chế trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Những dấu hiệu khó khăn mà hàng xuất khẩu Việt Nam gặp phải trước những hàng rào kỹ thuật đã manh nha xuất hiện từ trước khi TPP được thông qua.
Chẳng hạn rong ngành nông thủy sản, 4 tháng đầu năm 2015 đã có 36 lô tôm xuất khẩu sang Mỹ, EU và Nhật Bản bị trả về do có chứa chất cấm (hóa chất, kháng sinh), riêng thị trường Mỹ trả về 25 lô bằng hơn 50% so với cả năm 2014. Các mặt hàng nông sản Việt Nam cũng bị Ủy ban châu Âu và Nhật Bản đưa ra cảnh báo về chất lượng và an toàn thực phẩm. Điều này dẫn đến việc hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam bị suy giảm trong năm 2015, ngoài các yếu tố bất lợi về thời tiết và giá cả.
Không chỉ có nông sản và thủy hải sản, kể cả ngành được đánh giá là nhận được nhiều thuận lợi nhất từ TPP và các FTA là dệt may cũng phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng từ các rào cản kỹ thuật.
Các điều khoản trong TPP quy định hàng dệt may Việt Nam khá khắt khe về xuất xứ nguyên liệu và có xu hướng Việt Nam phải tự đảm bảo được nguồn nguyên liệu dệt may của mình. Trong khi phần lớn nguyên liệu cho dệt may Việt Nam lại đang đến Trung Quốc và không thể trong bỗng chốc mà thay đổi được điều này. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là trong do hầu hết các ngành sản xuất, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ, không đủ khả năng tài chính và quản lý để áp dụng các biện pháp sản xuất hiện đại công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe.
Nếu bất lợi trong vấn đề xử lý các hàng rào kỹ thuật này không được cải thiện, một tương lai khá ảm đạm rõ ràng là đang chờ đón Việt Nam trong năm 2016, sau khi các FTA mà sau đó sẽ là TPP đi vào thực hiện.
Xuất khẩu sẽ không những không tăng như kỳ vọng và dự báo, mà sẽ còn giảm đi đáng kể cho đến khi các doanh nghiệp cải thiện được chất lượng sản phẩm của mình. Điều đó thì không phải ngày một ngày hai là có thể làm được.
Việc cải thiện chất lượng hàng hóa phải đến từ việc cải thiện dây chuyền sản xuất có công nghệ cao hơn và hiện đại hơn, trong bối cảnh nhập khẩu dây chuyền kỹ thuật ở Việt Nam chỉ chiếm 10% tổng kim ngạch nhập khẩu như trong năm 2015 thì kỳ vọng nhanh chóng đổi mới dây chuyền sản xuất e là không dễ dàng chút nào.
Đã đến lúc ngưng nói về những lợi thế sẽ nhận được, mà hãy nói về các bất lợi Việt Nam sẽ phải đối mặt, vì các bất lợi đó đang đe dọa có thể xóa sạch các lợi thế được hứa hẹn và kỳ vọng ấy đấy.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ NLD, Hoinhap, ITPC, Eba)
http://motthegioi.vn/kinh-te/dau-tu-kinh-doanh/hoi-nhap-va-nhung-cai-bay-rinh-rap-viet-nam-274855.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét