Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Quà biếu màu hồng, của hối lộ màu đen...

Quà biếu màu hồng, của hối lộ màu đen: Làm sao phân biệt?
Quà biếu có màu hồng, là tình cảm tốt đẹp. Ngược lại của hối lộ lại là màu đen, là biểu hiện của tham nhũng. Vậy phải phân biệt thế nào giữa quà biếu và của hối lộ, báo Đất Việt xin đăng tải bài viết thể hiện quan điểm của TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB-QPPL (Bộ Tư pháp) về câu chuyện này.
Ảnh minh họa
Bất kỳ nhà nước nào, chế độ nào, muốn giữ được uy tín, muốn tồn tại đều phải quan tâm tới vấn đề phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc này không dễ. Tham nhũng gắn với quyền lực và nó là một biểu hiện sự tha hóa của quyền lực. Có người còn coi nó như đứa con sinh đôi với quyền lực. Quyền lực và tham nhũng như hình với bóng. Do đó, việc chống tham nhũng cực kỳ khó khăn, gian nan.

Ở Việt Nam từ thời kỳ đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân Bác Hồ và Đảng ta rất quan tâm tới việc phòng và chống tham nhũng. Phòng chống tham nhũng vẫn được coi là chiến lược và luôn được nhấn mạnh trong các văn kiện, nghị quyết Trung ương cũng như thể chế pháp luật. Đã nhiều năm gần đây Đảng và nhà nước đã xác định tham nhũng là một loại “giặc nội xâm” nếu không phòng chống tốt sẽ làm mất uy tín của chế độ.

Quyết sách đã có nhiều, triển khai cũng được quan tâm để phòng và chống tham nhũng có hiệu quả tuy nhiên, xã hội và người dân vẫn cứ thấy thế nào, một bộ phận không nhỏ vẫn rất bức xúc và người ta có quyền nghi ngại không biết đã chống tham nhũng thật chưa hay vẫn cái kiểu nửa vời, nói vậy nhưng không làm vậy; kiểu “đánh trận giả”, kiểu “tắm từ vai trở xuống”.

Tuy nhiên về phía lực lượng chống tham nhũng cũng có khó khăn bởi vì hệ thống thể chế về phòng chống tham nhũng chưa đạt được đến chất lượng mà cuộc đấu tranh yêu cầu. Tôi đã có lần nói tới ý sẽ rất nguy hiểm và vô phương nếu tham nhũng được cài vào hệ thống thể chế, pháp luật. Người ta đưa vào văn bản quy phạm pháp luật những chế độ, chính sách đặc biệt trong số ít, một nhóm đối tượng trong hệ thống.

Theo những quy định này, một số người đương nhiên được hưởng một số chế độ, chính sách đặc biệt, một khối tài sản lớn. Khi đặt ra những chính sách đặc biệt này, đáng lẽ người ta phải cân nhắc, nâng lên đặt xuống nhiều lần, tính toán kỹ mới dám quyết. Bởi vì người ta sợ, người ta ngại lực lượng đối lập, ngại giám sát xã hội có ý kiến phản biện, phản đối.

Ở đây lực lượng chống tham nhũng cũng phải bó tay vì tất cả đều đúng chế độ chính sách, đúng quy trình chỉ có dân, xã hội là bức xúc.

Cũng thuộc về lỗi thể chế ở chỗ các quy định về phòng và chống tham nhũng nhiều khi còn mang tính nửa vời, thiếu cụ thể, kiên quyết. Ví dụ, vấn đề quản lý tài sản, thu nhập của những đối tượng có chức, có quyền, theo tôi cũng mang tính nửa vời rồi đến khi triển khai, thi hành cũng vời, hình thức nốt. Như vậy, yêu cầu về quản lý thu nhập tài sản của những đối tượng dễ phát sinh tham nhũng bị vô hiệu hóa, không có ý nghĩa thực tế. Vấn đề này nhiều người đã nói tới.

Hiện nay có hiện tượng người tham nhũng chuyển tiền, chuyển tài sản cho người thân thích theo kiểu “hy sinh đời bố củng cố đời con” kể cả chuyển cho vợ hoặc chồng, cho bố mẹ…làm cho lực lượng chống tham nhũng cũng rất lúng túng, tiền nong, tài sản bị tham nhũng với số lượng khổng lồ nhưng tỉ lệ thu hồi lại quá thấp.

Việc quản lý nguồn tiền và kinh phí cũng rất lỏng lẻo. Đặt ra cơ chế đấu giá, đấu thầu nhưng cũng đang bị vô hiệu hóa. Kinh phí một dự án từ lúc quyết định cho tới lúc đến được với người thực hiện cũng thất thoát khá lớn. Hiện tượng chân gỗ, làm giả, làm khống hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán không phải là chuyện hiếm.

Thậm chí, ở nhiều nơi nó đang là hiện tượng phổ biến. Nhiều người ví, nguồn kinh phí ngân sách rót vào các chương trình dự án, chi cho các hoạt động công ích, nghiên cứu, thực hiện các hoạt động triển khai bị thất thoát giống như đổ nước vào bình mà có hàng trăm, ngàn lỗ thủng. Thực sự nguồn ngân sách này chảy vào các hoạt động thực tiễn, cho người được thụ hưởng đã bị thất thoát 20-30 thậm chí tới 50-60%.

Việc dư luận băn khoăn về báo cáo của các bộ ngành, địa phương rằng: Tại cơ quan địa phương mình không phát hiện ra tham nhũng, nhận quà biếu với đầy nghi ngờ, bức xúc và rồi người ta lại lắc đầu nói với nhau rằng “mấy ông này nói không đáng tin”, là sự đối phó. Mặt nào đó, là biểu hiện của sự vô cảm, lười biếng, bất lực.

"Quan" nhận quà Tết: Công chức báo nhưng không xử được

Bởi vì, một điều không khó để nhận ra là rất nhiều quan chức, những người có chức, có quyền chỉ trong một số năm đương chức mà lại giàu sụ lên, nhiều nhà nhiều đất. Có cán bộ lãnh đạo sau khi tự kê khai, TTCP yêu cầu kê khai lại thì kê khai tới mấy lần chưa hết đất, hết nhà. Có người khi phát hiện tham nhũng thì người thân là cha, mẹ, con cái lạ là người sở hữu các tài sản nhà đất, tiền của mà ai cũng biết, cũng dễ suy đoán ra nguồn gốc tài sản có từ tham nhũng của quan chức.

Ở Việt Nam chưa có số liệu quan chức mua BĐS ở nước ngoài, gửi tiền tại tài khoản ở ngân hàng nước ngoài nhưng thông tin quán nước vỉa hè thì người ta có thể kể vanh vách. Vậy mà khi hỏi cơ quan có thẩm quyền quản lý đương sự và quản lý nhà nước đều lơ ngơ, không biết.

Tóm lại, từ nhìn nhận của người dân, xã hội về những hiện tượng tham nhũng với báo cáo của cơ quan, địa phương là một trời, một vực.

(Còn nữa...)
TS Lê Hồng Sơn (nguyên Cục trưởng Cục KTVB -QPPL, Bộ Tư pháp)

http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/qua-bieu-mau-hong-cua-hoi-lo-mau-denlam-sao-phan-biet-3297497/
  • MAI HOA 18:59 NGÀY 11/01/2016
    Hoan hô bác Sơn. Bác nói quá đúng, quá trúng, quá chuẩn... Việt Nam cần những người như bác
  •  MAI HOA
    Bác Sơn nói hay quá, chờ phần tiếp của bác. Cần có nhiều bài viết như thế này để thức tỉnh đội ngũ cán bộ trẻ và cảm hóa đội ngũ cán bộ, lãnh đạo già. Không biết khi đọc xong bài này, có bác lãnh đạo nào thấy "nhột" không nhỉ?
  •  A NA
    Đã đọc rất nhiều bài viết của bác này, bài nào cũng có tâm, có tầm. Lẽ ra phải bầu ông vào Ban phòng chống tham nhũng Trung ương mới phải.



  • CANG LE 09:50 NGÀY 11/01/2016
    Ơ hay! sao không phân biệt được? mù màu à? Với trình độ khoa học ngày nay không gì là không phân biệt được, chỉ sợ là không muốn phân biệt mà thôi.
  •  HÀ NAM
    TỪng biết ông này qua nhiều vụ xử lý văn bản sai. Hình như ông còn có tên gọi là "ông tuýt còi" nếu không nhầm là như vậy. Cảm ơn ông, không có ông thì người dân còn khổ nhiều với mấy thứ ngực lép, chân ngắn... Tham nhũng là cuộc chiến gian nan, một mình ông hay một cá nhân không thể làm được. Nhưng vẫn cần có những người dám nói, nói nhiều sẽ phải lọt tai ông ạ.
  •  AN BÌNH
    Nói vậy là đúng rồi. Tham nhũng trong tối, chống tham nhũng ngoài sáng bảo sao báo cáo nào cũng sạch sẽ, ngon lành.
  •  HÀ ANH
    Cấm nhận quà tết dán cửa trước, nhận phong bì đi cửa sau. Cứ thế có mà vòng vòng đuổi theo tham nhũng mệt hơi. Làm gì có ai nhận tham nhũng lại bảo "ông ơi tôi nahanj tham nhũng đây này". Có đứa nào ngu thế đâu.
  •  KHẢI VI
    Thương mấy bác lãnh đạo, nói thật chứ có sung sướng gì đâu khi cứ phải nhận quà, nhận tiền. Lương tâm anh cắn rứt lắm chứ, chú bán tạ thóc, con gà anh nào nỡ.... Ôi, văn hóa nhận quà. Kẻ đưa thì đau mà vẫn phải cười, kẻ nhận xuýt xoa giả bộ thương xót nhưng lòng thì "nữa đi mà"..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét