Đòi tiền người hát Quốc ca, Trung tâm tác quyền đang ngộ nhận pháp lý
(GDVN) - Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc (VCPMC) đứng ra đòi tiền bản quyền là không có cơ sở. Phải chăng VCPMC đang ngộ nhận địa vị pháp lý của mình? Vừa qua, việc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc tiến hành thu tiền bản quyền tác phẩm “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao đã trở thành vấn đề gây tranh cãi trong cả giới nghệ sĩ và công chúng. Vấn đề này, tác giả Nguyễn Tùng Lâm - một nhà nghiên cứu pháp luật sở hữu hữu trí tuệ đưa ra nhìn nhận của mình về việc này. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. VCPMC là một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, theo quy định tại Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ, VCPMC có chức năng đại diện chủ sỡ hữu quyền tác giả, đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của thành viên, tổ chức hòa giải khi có tranh chấp.
Theo Điều 56 Luật sở hữu trí tuệ 2005 và khoản 1 Điều 3 Quyết định số 19/2002/QĐ–NS ngày 19 tháng 4 năm 2002 của Tổng thư kí hội nhạc sĩ Việt Nam về việc thành lập Trung tâm Bảo Vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, VCPMC chỉ có quyền đại diện cho các chủ sở hữu quyền tác giả khi có hợp đồng ủy thác giữa chủ sở hữu quyền tác giả và VCPMC.
Như vậy, VPMC không thể đại diện để thu tiền bản quyền của bất cứ tác phẩm nào nếu không có được hợp đồng uỷ thác của chủ sở hữu quyền tác giả.
Trong thư ngỏ ngày 21/6/2010, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao, đã gửi thư ngỏ lời được hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca có đoạn viết:
“Tôi là Nghiêm Thúy Băng 80 tuổi, vợ cố Nhạc sĩ Văn Cao – tác giả Quốc ca Việt Nam (đã mất từ 07/1995), đại diện cho gia đình đang hưởng quyền thừa kế các tác phẩm âm nhạc của ông, xin trân trọng ngỏ lời hiến tặng công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước tác phẩm “Tiến quân ca” đang là Quốc ca Việt Nam từ năm 1946”.
Theo Điều 163, Bộ luật Dân sự năm 2005, quyền sở hữu trí tuệ được ghi nhận là một loại tài sản, do đó quyền tác giả đối với “Tiến quân ca” cũng là tài sản.
Căn cứ theo Điều 249 Bộ luật dân sự Việt Nam quy định về từ bỏ quyền sở hữu: "Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó”.
Bài hát "Tiến quân ca" của nhạc sỹ Văn Cao (Ảnh:thethaovanhoa.vn)
Như vậy bằng bức thư trên bà Nghiêm Thuý Băng đối với tác phẩm đã từ bỏ quyền sở hữu của mình bằng việc tự nguyện công bố “hiến tặng công chúng”. Từ đó, “Tiến quân ca” là tác phẩm thuộc về công chúng.
Mặt khác, chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy có sự tồn tại của hợp đồng ủy thác giữa chủ sở hữu quyền tác giả và VCPMC.
Do đó, sự việc VCPMC đứng ra đòi tiền bản quyền là không có cơ sở. Phải chăng VCPMC đang ngộ nhận địa vị pháp lý của mình, dẫn đến sự tận thu vô lý?
Thiết nghĩ, khi thực hiện thu tiền bản quyền đối với các tác phẩm âm nhạc do mình quản lý, VCPMC nên chứng minh tư cách đại diện của mình bằng việc đưa ra hợp đồng ủy thác hợp pháp nhằm thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả hơn.
Nguyễn Tùng Lâm
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Doi-tien-nguoi-hat-Quoc-ca-Trung-tam-tac-quyen-dang-ngo-nhan-phap-ly-post161176.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét