Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

“Gấu Nga” giành chiến thắng trên bàn cờ kinh tế

“Gấu Nga” giành chiến thắng trên bàn cờ kinh tế
Báo Moscow Times có bài phân tích về việc "Gấu Nga" giành chiến thắng trên bàn cờ kinh tế, sau khi phương tây áp đặt lệnh cấm vận với cớ cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình địa-chính trị Ukraine. Điều kỳ diệu với nền kinh tế Nga trong vòng vây phong tỏa - Khi con tàu kinh tế Nga trở lại đường ray - Kinh tế Nga hồi phục, Trung Quốc vỡ mộng, OPEC đau đầu
Tổng thống Nga Putin cùng Vua Salman bin Abdul Aziz của Saudi Arabia cầm kiếm
Năm 2015 có lẽ sẽ là một năm đánh dấu bước ngoặt lớn đối với lịch sử Nga trong thế kỷ 21. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế trầm trọng mà Nga phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2014 do các lệnh trừng phạt của phương Tây, đã buộc Moscow phải tìm ra một hướng đi mới mang tính đột phá cho nền kinh tế, nếu như không muốn bị kìm chặt trong sự kiểm soát của phương Tây.

Ưu tiên phát triển kinh tế sẽ được đặt lên hàng đầu đối với Nga ở thời điểm hiện tại, và những thắng lợi của Tổng thống Nga Vladimir Putin và các cộng sự sẽ được đo đếm bằng việc "Gấu Nga" giành chiến thắng trên bàn cờ kinh tế.

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây hơn một tháng, giám đốc điều hành của các tập đoàn nước ngoài vẫn bám trụ lại nước Nga đã giải thích lý do cho hành động này của họ:

Nga vẫn là một thị trường tiềm năng bậc nhất thế giới, với dân số gần 150 triệu người và tầng lớp trung lưu và thượng lưu đông đảo và có sức mua dồi dào.

Lời nhận định này có vẻ đã đúng, khi diễn đàn kinh tế St.Petersburg tại Nga đang thu hút được đông đảo đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia, nó đang cho thấy kinh tế và thị trường Nga vẫn đang có sức hút lớn, và ai không đến Nga đầu tư thì người đó phải chịu thiệt thòi.
Thu hút trở lại đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu của điện Kremlin, nhưng đó không phải là ưu tiên quan trọng nhất.

Nga không từ bỏ thị trường phương tây
Điều quan trọng nhất với Nga hiện nay là mở rộng đầu tư ra nước ngoài, vốn được coi là lá bài chủ chốt để kinh tế Nga tránh bị phụ thuộc vào các nhà đầu tư phương Tây.

Cũng giống như trong lĩnh vực chính trị và quân sự, Moscow đang cho thấy sự khôn khéo của mình trong lĩnh vực kinh tế.

Hàng loạt các dự án lớn giữa Nga và Trung Quốc, và hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các nước Đông Nam Á, cùng các hợp đồng kinh tế lớn với các nước châu Á đã khiến toàn thế giới phải nghĩ: Nga đang dồn toàn lực để hướng Đông.

Nhưng miếng mồi béo bở từ các thị trường phương Tây chưa bao giờ lọt ra ngoài sự chú ý của Nga. Tổng kim ngạch thương mại của Nga với các nước phương Tây như Mỹ và EU trong vài năm qua vẫn đang chiếm ưu thế áp đảo, so với kim ngạch thương mại của Nga với các đối tác châu Á.

Và Moscow không dễ dàng gì từ bỏ những thị trường béo bở này, dù quan hệ kinh tế thương mại giữa Nga và phương Tây vẫn đang bị gián đoạn.

Trong động thái mới nhất, các tập đoàn năng lượng Nga đã lại giành một thắng lợi lớn trong việc xâm nhập thị trường EU, khi tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga là Gazprom công bố một kế hoạch hợp tác với gã khổng lồ trong lĩnh vực năng lượng là tập đoàn Shell của Anh và Hà Lan.

Theo đó, hai bên sẽ thiết lập một liên minh chiến lược trên toàn cầu. Gazprom sẽ tạo điều kiện để Shell xâm nhập vào thị trường năng lượng Nga, và ngược lại Shell sẽ giúp Gazprom mở cánh cửa tiến vào thị trường châu Âu, vốn đang bị các nhà lãnh đạo EU tìm cách đóng chặt lại với các công ty năng lượng Nga.

Kết quả của sự hợp tác này đang là việc Gazprom sẽ cùng Shell xây dựng hai đường ống khí đốt Nord Stream mới dưới biển Baltic, sẽ dẫn khí đốt từ St.Petersburg đến Đức.

Đường ống sẽ được nối dài cho đến Áo, trong nỗ lực biến nước này trở thành một trung tâm cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu.

Dự án Nord Stream này được xem là một thành công lớn của Nga trong việc tái xâm nhập thị trường béo bở của châu Âu, khi EU đã có những động thái ngăn cản tập đoàn này tại các quốc gia thuộc liên minh. Ủy ban châu Âu đã dự thảo một bộ luật điều tra cặn kẽ các hoạt động kinh doanh của Gazprom tại châu Âu, thậm chí đã phạt tập đoàn này vì vi phạm luật kinh doanh.

Tất cả những điều này nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga ở EU tăng lên do sự xâm nhập của khí đốt Nga vào khu vực này với giá rẻ.

Thắng lợi này của năng lượng Nga đến từ việc các nguồn cung cấp khí đốt truyền thông cho châu Âu đang suy giảm, EU bắt buộc phải tính đến phương án mua khí đốt và năng lượng của Nga.

Cùng với hai đường ống có công suất trên 55 tỉ mét khối khí đốt cung cấp cho các nước Trung và Tây Âu thuộc dự án Nord Stream hợp tác với Shell, Nga cũng vẫn đang tiếp tục triển khai dự án đường ống dẫn khí đi qua Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp khí đốt cho các nước vùng Balkan.

Nếu cả hai dự án khổng lồ này đều thành công, Nga sẽ chính thức chi phối khoảng gần 1/5 nguồn cung năng lượng cho toàn bộ thị trường châu Âu.

Điều tương tự cũng đang diễn ra trên thị trường dầu lửa thế giới, khi Nga đang tiến hành những bước đi khôn ngoan.

Nga vươn tay đến Saudi Arabia

Động thái mới nhất trên thị trường dầu lửa thế giới, là việc Nga đang có ý định bắt tay Arab Saudi – cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC và thứ hai thế giới.

Đây được xem là một cơn ác mộng đối với các công ty và tập đoàn dầu lửa của Mỹ, khi Nga và Arab Saudi đang là hai quốc gia có sản lượng khai thác đứng đầu và thứ hai thế giới.

Nếu như Nga và Arab Saudi bắt tay nhau, thiệt hại mà các công ty Mỹ phải hứng chịu sẽ không thể đong đếm nổi.

Trước đó, Nga cũng đã có một thỏa thuận thương mại với Iran, trong đó Iran sẽ bán khoảng 1/3 trữ lượng dầu của nước này cho Nga với giá ưu đãi.

Thỏa thuận này giúp cho sản lượng xuất khẩu dầu của Nga tăng vọt, và gần như sẽ nắm ưu thế lớn nhất trong cuộc cạnh tranh giá cả và thị phần trên thị trường dầu thế giới hiện nay.

Việc Nga và Arab Saudi bắt tay nhau vì thế là điều dễ hiểu. Cả Nga lẫn OPEC, mà Arab Saudi là nước đứng đầu, đều có chung đối thủ trên thị trường dầu là Mỹ, và sẽ dễ dàng để triệt hạ Mỹ hơn nếu Nga và OPEC bắt tay nhau.

Việc cùng lúc triển khai chiến lược trên cả 3 tuyến là tăng cường thương mại với châu Á, phương Tây và thị trường năng lượng thế giới, Moscow đang cho thấy Nga có thể trở thành một quốc gia năng động như thế nào trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Còn quá sớm để nói Nga có trở thành một hiện tượng kinh tế nổi bật trên thế giới trong tương lai gần hay không, nhưng chắc chắn một điều là thế giới có thể chờ đợi ở một sự bật dậy về kinh tế đáng nể của xứ sở bạch dương.

Nhàn Đàm (theo The Moscow Times)

http://motthegioi.vn/quoc-te/ho-so/gau-nga-gianh-chien-thang-tren-ban-co-kinh-te-201748.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét