Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Kinh tế Nga gặp rắc rối lớn

Kinh tế Nga gặp rắc rối lớn
Chứng khoán mất điểm, đồng nội tệ bị đe dọa, nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy là cái giá mà Nga đang phải đương đầu sau khi Mỹ và châu Âu công bố các biện pháp trừng phạt vì căng thẳng tại Ukraine.
Đường ống dẫn khí đốt Nga trực tiếp bán cho châu Âu.
Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nga Andrei Klepach cho biết dòng vốn rút khỏi nước này trong quý I có thể lên tới 65-70 tỷ USD do nhà đầu tư lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây. Con số này thậm chí vượt 63 tỷ USD rút khỏi Nga cả năm ngoái và cao hơn dự đoán của cố vấn kinh tế Tổng thống Nga, ông Alexei Kudrin (50 tỷ USD) đưa ra ngay khi lãnh đạo thế giới tuyên bố loại Nga khỏi nhóm G8.
Thi nhau rút vốn

Ngày 20/3, Washington đã liệt vào danh sách đen 20 người thân cận với ông Putin, trong đó có bốn chính trị gia và một ngân hàng. Theo lệnh trừng phạt mới, các cá nhân và tổ chức Mỹ sẽ không được phép giao dịch với những người này. EU cũng thi hành biện pháp trừng phạt nhắm vào những nhân vật của Nga và thân Nga ở Ukraine, trong đó có đóng băng tài sản và cấm đi lại.

Thứ trưởng Kinh tế Klepach cho biết các lệnh trừng phạt này chưa có ảnh hưởng trực tiếp tới Nga, nhưng quan hệ ngoại giao xuống dốc đã gây sức ép lên nền kinh tế. "Dòng vốn rút ra đã rất lớn rồi. Căng thẳng gia tăng và quan hệ nguội lạnh càng khiến tình hình trở nên tồi tệ", ông nói.

Trên thực tế, theo Financial Times, các công ty Đức – một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Nga, đang chuyển dần lợi nhuận từ các chi nhánh tại Nga về nước. Rất nhiều công ty đã giữ lợi nhuận tại Nga để đầu tư thêm. Nhưng một khi dòng tiền này bị rút đi, Nga sẽ rất khó lấy lại.

Trước đó, do lo ngại về diễn biến trên thị trường, Ngân hàng Trung ương Nga (Bank Rossii) đã buộc phải nâng lãi suất cơ bản, nhằm ổn định thị trường tài chính và dòng chảy của vốn. Tuy nhiên chính sách này có vẻ không hiệu quả. Nga đã phải đối mặt với tình trạng bị rút vốn ồ ạt trong vài tuần gần đây, thặng dư cán cân vãng lai đang dần thu hẹp không còn đủ khả năng chống đỡ. Đây là yếu tố cơ bản đe dọa “sức khỏe” của đồng rúp.

Dễ bị tổn thương nhất

Phần lớn các nhà kinh tế đã giảm dự báo tăng trưởng của nước này, nặng hơn thì kinh tế Nga sẽ suy thoái. Trong một diễn đàn doanh nghiệp gần đây, Thứ trưởng Kinh tế Nga Sergei Belyakov cũng bày tỏ sự lo ngại về những rắc rối mà nền kinh tế đang gặp phải, thậm chí cho rằng "Tình hình có nhiều dấu hiệu rõ ràng của một cuộc khủng hoảng".

Theo Reuters, hai nhà phân tích của VTB Capital là Vladimir Kolychev và Daria Isakova đánh giá, "nhu cầu nội địa sẽ bị đình trệ do biến động từ bên ngoài và tài chính bị thắt chặt. Việc này có khả năng đẩy nền kinh tế vào suy thoái trong quý II và quý III. Chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng của Nga năm nay xuống 0% và rủi ro suy giảm vẫn còn hiện diện, nếu bất ổn leo thang trong thời gian dài và các lệnh trừng phạt nghiêm khắc được áp dụng".

Nhìn nhận sự việc ở một mặt khác, các chuyên gia Viện Quan hệ quốc tế Pháp cho rằng, việc sáp nhập Crimea vào Nga một cách quá nhanh chóng của Tổng thống Putin đã khiến phương Tây sững sờ và làm nổi rõ thế yếu của châu Âu. Hơn lúc nào, châu Âu thấy rõ tình trạng phụ thuộc về năng lượng và kinh tế vào Nga và “cần phải thắt chặt mối quan hệ với Mỹ bởi Nga không còn là đối tác đáng tin cậy” Karel De Gucht - Ủy viên Thương mại châu Âu nói.

Tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2014 của kinh tế Nga được cho là phụ thuộc rất nhiều vào việc đầu tư vào dầu và khí. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, kịch bản này khó có thể lặp lại.

Như vậy, trong vài tuần, Nga từ một thị trường được nhận định là khởi sắc trong nhóm nước mới nổi biến thành một trong những quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương nhất. Các nhà kinh tế cũng cho rằng, những lệnh trừng phạt hiện nay vẫn chưa có tác động trực tiếp và đáng kể. Nhưng nếu có thêm bất kỳ lệnh trừng phạt nào, nó có thể sẽ nhắm vào thương mại và một số lĩnh vực kinh tế khác. Đây chính là mối đe dọa mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp lo ngại nhất.

Minh Châu
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/KinhTe/2014/4/E377C5E80C371F42/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét