Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Tàu ngầm Trường Sa bị cấm thử nghiệm ở biển Thái Bình

Đọc văn bản hành chính của tỉnh Thái Bình thấy hài hước: ủng hộ việc sáng chế tàu ngầm Trường Sa 01, ủng hộ đưa tàu này ra biển thử nghiệm, nhưng không cho phép tàu thử nghiệm ở vùng biển tỉnh Thái Bình. Đúng là đừng nghe họ nói (ủng hộ), hãy nhìn họ làm (tịch thu nếu mang ra thử). Tôi không tin là thử nghiệm ở độ sâu vừa phải, tầu ngầm Trường Sa không có biện pháp xử lý nếu chẳng may thất bại (cứu người, trục vớt tàu...), trong khi "lực lượng cứu hộ, bảo đảm an ninh địa phương không thể đảm bảo trong suốt quá trình thử nghiệm”. Tuy nhiên tôi cũng đồng ý là bác Hòa nên đề nghị Bộ Quốc phòng giám định lại tàu và cho phép thử nghiệm trong khuôn khổ giám sát của Bộ Quốc phòng. Mặt khác, tỉnh Thái Bình nếu ủng hộ bác Hòa thì cũng nên đề nghị, phối hợp với Bộ Quốc phòng xử lý vụ này.
Tàu ngầm Trường Sa bị cấm thử nghiệm ở biển Thái Bình
Người chế tạo tàu ngầm Trường Sa vừa nhận được văn bản trả lời chính thức của cơ quan chức năng Thái Bình. Theo đó, tàu sẽ không được phép thử nghiệm ở vùng biển của tỉnh này. “Văn bản nêu rõ sự ủng hộ việc sáng chế các sản phẩm khoa học nói chung và tàu ngầm Trường Sa 01 nói riêng, ủng hộ đưa tàu này ra biển thử nghiệm. Tuy nhiên, họ (cơ quan chức năng – PV) đã không cho phép tàu thử nghiệm ở vùng biển tỉnh Thái Bình”, ông Hòa cho biết.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa, 
cha đẻ tàu ngầm Trường Sa 01. Ảnh: NLĐ
Chiều 27/4, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Quốc Hòa (trú tỉnh Thái Bình), người đang chế tạo chiếc tàu ngầm mini mang tên Trường Sa 01, cho biết, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã gửi văn bản trả lời chính thức về việc cấp phép tàu ngầm Trường Sa ra biển thử nghiệm.

“Cơ quan chức năng tỉnh cho hay, tôi muốn thử thì hãy đưa tàu lên Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Hải Quân, hoặc sang tỉnh khác tiến hành. Họ không cho phép thực hành ở biển Thái Bình”, cha đẻ tàu ngầm Trường Sa 01 cho biết.

Trước đó, hôm 22/4, hay tin giới chức Thái Bình đã ngồi lại bàn về vấn đề cấp phép cho tàu ngầm, ông Hòa tỏ rõ sự thất vọng khi không được mời đến tham dự.

“Tôi cảm thấy có chút tiếc nuối khi không được mời tham dự cuộc họp hôm 22/4. Nếu nhận được vinh dự đó, tôi sẽ giải bày, phân tích kỹ lưỡng mục đích chế tạo, kỹ thuật động cơ và độ an toàn tuyệt đối của tàu ngầm, mọi người sẽ hiểu hơn về nó”, ông Hòa nói.


Trước đây, tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm tại mặt hồ.

Theo cha đẻ tàu ngầm Trường Sa, ngay sau khi nhận được phản hồi của Bộ Quốc phòng, vị giám đốc này sẽ tính đến các phương án khác.“Tôi đã gửi đơn lên Bộ Quốc phòng nên sẽ chờ câu trả lời của đơn vị này”, ông nói.

“Nhiều phương án khác nhau đã được chuẩn bị. Tôi vẫn sẽ quyết tâm đưa tàu ra biển, kể cả phải đưa tàu sang tỉnh khác hay xa hơn để xin được thực hiện ước mơ”, cha đẻ tàu ngầm Trường Sa dứt khoát.

Trước đó, bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, khi tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm tại vùng biển tỉnh nhà, cơ quan chức năng rất lo ngại đến sự an toàn vận hành.

“Chủ trương của tỉnh hoàn toàn đồng ý chế tạo tàu ngầm và thử nghiệm nó. Tuy nhiên, khi thử nghiệm ở biển Thái Bình, chúng tôi rất lo ngại sự an toàn vì lực lượng cứu hộ, bảo đảm an ninh địa phương không thể đảm bảo trong suốt quá trình thử nghiệm”, bà Hải cho biết.

Duy Cảnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét