Tạ ơn đất lành
SGTT.VN - Nhiều người bạn Mỹ nhận xét có gì đấy khá giống nhau giữa sự hình thành, phát triển Sài Gòn với nước Mỹ. Và nếu nước Mỹ có một ngày lễ Tạ ơn thì mong rằng, những người đã đến Sài Gòn sinh sống, hãy một lần thôi, tạ ơn đất này.Hiện nay Sài Gòn là thành phố có số lượng dân nhập cư lớn nhất: hơn 2 triệu người.
Từ những con người của Sài Gòn và sống – ở – Sài Gòn, Sài Gòn đã dung nạp, tiếp nhận tất cả các yếu tố văn hoá khác nhau: phong tục, tín ngưỡng, tiếng nói, ẩm thực, trang phục… Và quan trọng là Sài Gòn không làm thay đổi những nét văn hoá riêng của từng cộng đồng người, vẫn nuôi dưỡng tất cả để tạo nên sự phong phú đa dạng của văn hoá Sài Gòn.
Ở Sài Gòn các “hội đồng hương” tồn tại và phát triển mạnh, thậm chí có cả hội đồng hương cấp huyện. Người các tỉnh/ thành vào Sài Gòn giữ được “cá tính văn hoá” riêng của quê hương mình, nhất là ngôn ngữ và ẩm thực là hai yếu tố được nhận biết rõ nhất. Ở Sài Gòn tiếng nói các vùng miền hoà lẫn vào nhau. Buổi sáng ngồi ở các quán càphê, bạn có thể nghe thấy tiếng miền Tây, tiếng Hà Nội, tiếng Quảng, tiếng Huế, chưa kể bây giờ còn có nhiều người Hàn, người Nhật, người các xứ Âu Mỹ đến làm ăn tại Sài Gòn.
Các món ăn ở Sài Gòn cũng chẳng thiếu đặc sản nơi nào: bánh Huế, cơm hến, mì Quảng, bún bò Huế, phở Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, bún đậu mắm tôm “đặc Bắc”, bún mắm, bún nước lèo miền Tây, hủ tíu Sa Đéc, Mỹ Tho, Nam Vang, bún riêu Bắc, bún riêu Nam, bánh xèo “bà Mười Xiềm” Cần Thơ, bánh khọt cô Ba Vũng Tàu… Quán ăn Tây, Nhật, Hàn, Thái, tiệm fast food khắp nơi… Ẩm thực và ngôn ngữ ở Sài Gòn như một “liên hiệp quốc” chung sống hoà bình, thân ái, chẳng ai muốn diệt ai, mà có muốn thì cũng không được, vì Sài Gòn vốn bao dung cho mọi người vì mọi người đã làm nên Sài Gòn.
Sự bao dung ấy làm cho Sài Gòn luôn tươi mới và còn làm cho những “đặc sản” các nơi được lưu giữ ở Sài Gòn một cách “đậm đặc”, theo quy luật của văn hoá: văn hoá càng xa cái gốc càng bảo tồn nguyên vẹn mà nếu ở ngay quê hương thì có khi bị biến dạng, biến chất nhanh.
Sài Gòn bao dung vì không coi mình là trung tâm để so sánh hơn kém với vùng miền khác. Sài Gòn đánh giá hiệu quả việc “làm ăn” là quan trọng nhất, mọi cái khác coi là “chuyện nhỏ”.
Sự bao dung của Sài Gòn còn là cái nôi cho những tài năng đến đây và phát triển.
Nhiều lần tôi thử lý giải về sự bao dung nâng đỡ của Sài Gòn đối với những gì còn yếu thế, mới mẻ, thậm chí còn chưa kịp định hình. Không thể không bắt đầu từ lịch sử. Là vùng đất chưa kịp có ký ức lâu dài, Sài Gòn không chịu sự níu kéo của truyền thống quá sâu nặng nên dễ tiếp nhận cái mới, đồng thời cũng chưa đủ sức mạnh để “đồng hoá” cái mới, cái khác.
Sài Gòn bao dung vì không coi mình là trung tâm để so sánh hơn kém với vùng miền khác. Sài Gòn đánh giá hiệu quả việc “làm ăn” là quan trọng nhất, mọi cái khác coi là “chuyện nhỏ”. Người Sài Gòn có tính thực tế cao nhưng không bị chuyển thành tính “cá nhân” mà ngược lại tính cộng đồng cũng cao, việc xã hội, việc nghĩa được coi là chuyện bình thường. Vì vậy dễ dàng chia sẻ, đùm bọc người tứ xứ nhập cư.
Nguyễn thị Hậu http://haukhaoco2010.blogspot.ch/2014/01/ta-on-at-lanh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét