Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Điều ngọt ngào từ dự thảo Hiến pháp mới

Điều ngọt ngào từ dự thảo Hiến pháp mới

 - Thật mới mẻ và dân chủ khi nhiều vấn đề nhân dân quan tâm đều được ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề xuất hai phương án trong phiên bản mới. 
Cuối cùng thì bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi phiên bản mới (tiếp thu, chỉnh lý theo góp ý của người dân) đã được ban biên tập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa ra.
Sau phiên họp tuần qua tại Ủy ban Thường vụ QH, các ý tưởng đề xuất được tiếp thu đến đâu, mức độ nào rồi sẽ còn phải mổ xẻ. Bản phác thảo mới được giới thiệu lần này rồi sẽ còn phải sửa chữa, thay đổi rất nhiều mới đi đến được bản Hiến pháp cuối cùng.
Dự thảo Hiến pháp sẽ còn tiếp tục được bàn bạc, xem xét trước khi đưa ra thảo luận rộng rãi tại kỳ họp QH giữa tháng 5 tới đây. Nhưng một điều đáng hoan nghênh là bản dự thảo vừa được ban biên tập hoàn thiện với hình hài mới đã đáp ứng phần nào sự kỳ vọng của người dân.
hiến pháp, trưng cầu dân ý, tên nước, thu hồi đất
Ông Đặng Văn Khoa phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Hiến pháp do MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 27/3 ở Hà Nội. Ảnh: Minh Thăng
Trước hết, hầu như những ý kiến đóng góp của người dân thời gian qua đều được ban biên tập tiếp thu với lý lẽ giải trình đầy đủ, xác đáng. Những đề xuất nổi bật, tiêu biểu đều được ghi nhận. Có những vấn đề đã được ghi vào bản dự thảo (như đổi tên nước, bỏ quy định thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội, trưng cầu dân ý về Hiến pháp…) hoặc cũng có nội dung còn phải để lại nghiên cứu tiếp thu sau (như xây dựng luật về Đảng)… Song đúng như tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đó là tiếp thu hay không cũng đều cần có giải trình đầy đủ.
Riêng điều này thôi đã thể hiện thái độ thật sự cầu thị, tôn trọng và lắng nghe dân. Dù bản Hiến pháp chưa được thông qua, nhưng rõ ràng người dân đang cảm thấy mình ở vai trò người làm chủ. Đây sẽ là sự khích lệ, động viên rất lớn để tới đây, người dân tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho những chủ trương, quyết sách của đất nước. Đồng thời, cũng để giải tỏa nỗi lo lắng, băn khoăn thời gian qua, đó là liệu quá trình tiếp thu ý kiến ngắn ngủi như vậy có đạt được thực chất hay chỉ “làm cho có”.
Điểm cộng thứ hai, đó là hầu hết những vấn đề nhân dân quan tâm thời gian qua đều được ban biên tập đề xuất hai phương án (khoản 1 điều 4 Hiến pháp, tên nước, trưng cầu dân ý…). Một là giữ nguyên nội dung cũ của bản dự thảo lần đầu và phương án thứ hai là ý kiến đề xuất của người dân. Cách làm mới mẻ và dân chủ này sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân trong quá trình thảo luận tiếp theo. Cuối cùng chỉ một phương án được chốt lại, nhưng đó sẽ là phương án đã được mổ xẻ, cân nhắc, sàng lọc dựa trên những lý lẽ thuyết phục và hợp lý chứ không chỉ là sự chọn lựa duy ý chí theo quán tính có sẵn.
Tới đây, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ còn nhiều công việc cần làm trước khi báo cáo các nội dung chính của dự thảo trình hội nghị Trung ương 7 (dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5) để thảo luận tiếp. Kỳ họp QH khai mạc nửa cuối tháng 5 sẽ tiếp tục góp ý cho dự thảo này, trách nhiệm thiêng liêng và nặng nề sẽ đặt lên vai các đại biểu QH. Để rồi sau đó nhân dân sẽ tiếp tục tham gia ý kiến về sửa đổi Hiến pháp ở bản dự thảo mới tới hết tháng 9.
Lê Nhung

Dự thảo Hiến pháp sửa đáng kể so với ban đầu

- Sau 3 tháng lấy ý kiến nhân dân, dự thảo Hiến pháp bản mới đã có những sửa đổi đáng kể so với ban đầu. Chế độ chính trị, điều 4... đều có hai phương án.
>> Toàn cảnh góp ý sửa đổi Hiến pháp

Hôm qua (12/4), UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Hiến pháp mới cùng báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến nhân dân. Rất nhiều ý kiến đã được tiếp thu. Với những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, ban soạn thảo để ngỏ bằng cách trình hai phương án.

Tên nước

Về chế độ chính trị, ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho hay, rất nhiều ý kiến người dân đóng góp cho tên nước.

Theo đó, trong quá trình góp ý, người dân đề xuất lấy lại tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bởi cho rằng tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng tháng Tám đầy gian khổ, quyết liệt.
hiến pháp, lực lượng vũ trang, điều 4
MTTQ đã tổ chức nhiều hội nghị góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp.Ảnh: MinhThăng

Tên gọi này đã được long trọng tuyên bố với nhân dân và toàn thế giới qua Bản tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ, đồng thời cũng được khẳng định trong Hiến pháp các năm 1946, 1959, thể hiện rõ thể chế chính trị của nước ta là cộng hòa, bản chất của một nhà nước dân chủ. Mặt khác, tên gọi này phản ánh đúng trình độ phát triển của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với tính chất của nền kinh tế định hướng XHCN.

Đây là tên gọi có khả năng lôi cuốn, tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội, đồng thời lại thuận lợi hơn cho ta trong quan hệ hợp tác với các nước khác trên thế giới, góp phần phát huy và tranh thủ được các nguồn lực trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước.

"Việc lựa chọn tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không làm ảnh hưởng đến việc tiếp tục phát triển đất nước theo định hướng XHCN bởi chủ trương, đường lối, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của Hiến pháp vẫn đang khẳng định mục tiêu này".

Theo UB dự thảo, chỉ một vấn đề "lấn cấn", đó là nếu đổi tên nước sẽ gây tốn kém, phức tạp trong quá trình thay đổi tên gọi, đồng thời có thể còn bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường đi lên CNXH.

Chính vì vậy, ban dự thảo đề xuất hai phương án. Theo đó, phương án một thể hiện là: "Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời".

Phương án hai được viết như sau: "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa".

Đảng chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình

Tiếp thu ý kiến người dân, điều 4 Hiến pháp cũng đã có những sửa đổi đáng kể.

Theo đó, ngoài phương án cũ (Đảng cộng sản VN, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động...), UB dự thảo đề xuất thêm phương án mới, nêu định nghĩa ngắn gọn: "Đảng Cộng sản Việt Namlà lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Những nội dung nêu bản chất, nền tảng tư tưởng của Đảng thì đã được thể hiện trong Cương lĩnh và Điều lệ Đảng.

Ngoài ra, khoản 2 trong phương án mới cũng có một số thay đổi. Thay vì quy định "Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình", phương án mới đổi thành "chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình".

Trước đó, rất nhiều ý kiến của người dân đề xuất viết điều 4 ngắn gọn, súc tích. Bởi nếu quá phụ thuộc vào câu chữ trong Cương lĩnh hay Điều lệ sẽ dẫn đến cứ dăm năm sẽ sửa Hiến pháp một lần cho phù hợp văn kiện Đảng.

Cũng theo UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhiều ý kiến người dân đề nghị làm rõ cơ chế lãnh đạo của Đảng, cơ chế chịu trách nhiệm và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng, sự cần thiết ban hành luật về Đảng. Tuy nhiên, UB cho rằng, sự lãnh đạo của Đảng là về mặt chính trị thông qua cương lĩnh, chiến lược, các định hướng, chính sách, chủ trương lớn. Cách thức cũng như nội dung lãnh đạo cần có sự uyển chuyển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn, từng thời kỳ.

Hiện, sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng đang được tổng kết, nghiên cứu. Quy định mọi tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hiện đã là một bảo đảm quan trọng để nhân dân có điều kiện giám sát, giúp cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

"Vì vậy xin không đưa vấn đề ban hành luật về Đảng vào Hiến pháp", UB dự thảo kết luận.

Lực lượng vũ trang

Về nội dung bảo vệ Tổ quốc, UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết riêng điều 70 đang có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với những sửa đổi, bổ sung của dự thảo song đề nghị đảo cụm từ "lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân" lên trước cụm từ "trung thành với Đảng".

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như Hiến pháp hiện hành, không quy định "lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng". Bởi, thực tế cho thấy với quy định như lâu nay vẫn đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện lực lượng vũ trang.

Tiếp thu các luồng ý kiến khác nhau nói trên, cơ quan soạn thảo chuẩn bị hai phương án.

Phương án một, giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành. Phương án hai, sửa đổi quy định hiện hành và sửa lại so với dự thảo trình lần đầu. Đó là, "lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Đảng cộng sản Việt Nam".

Ngoài những vấn đề trên, bản dự thảo mới còn có nhiều sửa đổi khác về thu hồi đất, chế định Chủ tịch nước... VietNamNet sẽ tiếp tục giới thiệu đến độc giả.

Thời gian tới, UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến nhân dân. Xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình đề trình Bộ Chính trị, BCH Trung ương và QH tại kỳ họp tháng 5 tới. Đồng thời, tiếp tục cập nhật kết quả lấy ý kiến nhân dân cho đến hết tháng 9.
  • Lê Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét