Doanh nghiệp kêu than, giá cả tăng, dân không có tiền mua sắm
Tình hình kinh tế khó khăn, vật giá leo thang từng ngày khiến cuộc sống của người dân chao đảo đặc biệt là sau mỗi dịp xăng tăng giá, doanh nghiệp cũng méo mặt vì hàng hóa đã sản xuất cầm chừng lại còn nhiều nguy cơ… ế.
Mọi khâu sản xuất cứ như cái vòng luẩn quẩn đuổi nhau mãi không dứt. Chỉ cần một mắt xích nào trong chuỗi sản xuất có biến động tý chút là sẽ ảnh hưởng đến ngay giá cả, nhất là trong thời điểm khó khăn, khi doanh nghiệp cũng đang phải gồng mình tồn tại.
Dân không có tiền mua sắm
Như đã thành thông lệ, mỗi khi xăng tăng giá là ngay lập tức mọi mặt hàng cũng tìm cách nương theo. Người dân vốn đã phải vật vã tìm cách sinh tồn trong thời khủng hoảng nay lại càng quay cuồng hơn nữa trong cơn bão giá. Mấy bà nội trợ cặm cụi đong đếm, xoay sở để quỹ tiền sinh hoạt gia đình không bị thâm hụt. Bà Nhâm (Thụy Khê, Hà Nội) than thở, trước đây mỗi ngày đi chợ mua ê hề thịt cá vậy mà giờ cầm 200.000 đồng đi chợ cũng chỉ mua được vài lạng thịt, 2 mớ rau với mấy bìa đậu. Giờ mỗi lần đi chợ bà cũng phải tính toán sao cho thức ăn vừa đủ mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Với các gia đình viên chức đã vậy, giới công nhân, người làm thuê còn chật vật hơn nhiều. Bước vào xóm trọ của đám công nhân Khu công nghiệp Từ Liêm là có thể cảm nhận ngay được cuộc sống thiếu thốn. Căn phòng nào cũng trống huơ trống hoác, chẳng đồ vật nào đáng giá, có chăng là chiếc xe đạp hay chiếc đài nghe tin tức. Bữa ăn của những gia đình trong xóm vô cùng đạm bạc, chỉ vài miếng đậu rán, đĩa rau xào hay khá hơn là chỏng chơ mấy con cá khô, chút lạc rang muối. Hoàng Ngân cho biết, công ty không bán được hàng nên cũng giãn ca, giảm biên chế. Lương công nhân như Ngân trước đây được hơn 4 triệu giờ chỉ còn 2 triệu mà có tháng vẫn bị nợ lương. Đã mấy tháng nay, Ngân và các bạn cùng phòng không dám về quê thăm bố mẹ dù rất nhớ nhà, bởi tiền lương chỉ đủ trả tiền nhà và ăn tằn tiện cho qua bữa. “Về nhà là mất tiền xe cộ, lại còn quà cáp, ai hỏi chắc không dám nói thật là mình đói. Có lẽ em cũng chẳng dám lấy chồng vì ở quê em con gái đi lấy chồng phải có của hồi môn”, Ngân nghẹn ngào nói với đôi mắt hoe đỏ.
Không chỉ những người làm công ăn lương mà ngay cả các tiểu thương cũng đang điêu đứng vì sức mua chưa bao giờ thấp đến thế. Ngồi trước sạp hàng chất đầy rau mà chị Vinh chuyên bán rau tại chợ cóc phố Võng Thị mặt buồn rười rượi. Chị bảo hai tháng nay hàng ế ẩm, nhiều hôm phải mang cả rổ rau đi đổ vì không người mua. “Đúng lúc buôn bán ế ẩm thì chồng chị lại đổ bệnh ung thư vòm họng, vậy là bao nhiêu tiền bạc dành dụm cũng đội nón ra đi. Hơn nữa, chồng đau yếu chị cũng không chạy hàng đều, gia cảnh càng khó khăn, các chi tiêu mua sắm trong nhà ngày càng phải tính toán chi li, cặn kẽ”. Theo lời chị Vinh thì người bán lẻ như chị khổ một thì kẻ trồng rau khổ hai. Biết bao ngày dãi nắng dầm sương để chăm chút, rau đến ngày là phải thu hoạch, song người gom hàng chẳng có mấy, giá lại quá rẻ, nhiều nhà ngồi nhìn ruộng rau già ra hoa mà rơi nước mắt. Có gia đình xót xa, không bán buôn mà trực tiếp mang lên chợ bán, nhưng ế quá, rau lại quá rẻ nên chẳng buồn mang về đem bỏ luôn.
Doanh nghiệp méo mặt lo đối phó tình hình
Thu nhập khó khăn hẳn nhiên chi tiêu cũng bị cắt giảm, vậy nên các doanh nghiệp cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng lớn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng cho biết doanh số bán hàng trong những tháng đầu năm chưa thấy dấu hiệu khởi sắc. Theo ông Đặng Chí Hùng, Giám đốc kinh doanh của Công ty nhôm - inox Kim Hằng, cho hay so cùng kỳ năm trước doanh số bán hàng giảm đến khoảng 20%.
Các siêu thị hiện cũng đau đầu trước thông báo của các nhà sản xuất sẽ tăng giá các mặt hàng từ 5-15% trong thời gian tới. Trong khi sức mua tại các siêu thị vừa được đánh giá là bình ổn thì thông tin này khiến các nhà quản lý méo mặt bởi khó có thể giữ nổi giá cũ, mà tăng giá lên nhìn thấy trước là dễ mất khách.
Không chỉ hàng tiêu dùng mà nhiều ngành hàng khác cũng chòng chành trong nỗ lực chèo lái vượt lốc xoáy. Giám đốc một doanh nghiệp ngành tôn thép tại TP.HCM cho biết, thói quen kinh doanh của người Việt là đầu năm doanh nghiệp xả hàng, đến cuối năm mới thu nợ: Với đại lý truyền thống, mua 10 tỉ đồng thì cho nợ 50% theo hình thức gối đầu. Song năm nay, cách làm này hầu như không còn bởi nhiều doanh nghiệp không có khả năng chi trả, nếu có thì khoản nợ giảm xuống chỉ còn 30%. Điều này kéo theo chuyện đại lý không lấy được nhiều hàng, mà chỉ có thể lấy cầm chừng trong khoảng 3 tỉ đồng được phép nợ mà thôi.
Theo bà Đặng Quỳnh Đoan, Giám đốc công ty thời trang Việt Thy, thị trường thời trang cũng không khá khẩm hơn là mấy. Mặc dù năm 2012, công ty đã dự đoán sức mua sẽ giảm nên cũng sản xuất khối lượng hàng may mặc ít hơn năm ngoái, nhưng năm nay, lượng hàng bán ra còn giảm hơn so với năm ngoái 10% khiến doanh nghiệp càng khó khăn vì gánh nặng chi phí đầu vào nên cũng không thể tiết giảm, nhất là về giá bán không thể hạ hơn được nữa. Bà Đoan cho biết thêm, lương cơ bản tăng kéo theo phí bảo hiểm cho nhân viên cũng tăng một khoản không nhỏ, đang đè nặng lên đầu doanh nghiệp.
Để đối phó với tình trạng trên, các doanh nghiệp đều thực hiện nhiều giải pháp nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, tìm kiếm các nguồn cung cấp nguyên vật liệu với giá thấp hơn, đồng thời tiết kiệm tối đa chi phí bán hàng, cắt giảm hội họp…
Đối với các doanh nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng, chiêu khuyến mãi vẫn được tăng cường, tìm mọi cách giảm chi phí hoạt động và chi phí bán hàng đến mức tối đa. Nhưng trên thực tế, dù đã cố tìm nhiều cách thúc đẩy việc bán sản phẩm nhưng sức mua hằng tháng vẫn cứ giảm. Hàng sản xuất ra không bán được đều được các doanh nghiệp thống nhất một lý do chung: người dân không có tiền mua sắm, tuy nhiên nhìn sâu hơn thì nguyên nhân không đơn giản chỉ có thế.
Không tìm được cơ hội tại thị trường nội địa một số doanh nghiệp tìm đầu ra với thị trường nước ngoài. Theo một nhân viên ngành Hải quan Hà Nội, thị trường xuất nhập khẩu mấy tháng đầu năm cũng đã có chút khởi sắc với các đơn hàng được xuất đi đều đặn. Tuy nhiên, những đơn hàng đó có đủ đem lại chi phí nuôi doanh nghiệp hay không lại là một chuyện khác, bởi đôi khi doanh nghiệp chấp nhận giá thành thấp để có hợp đồng duy trì hoạt động sản xuất trong thời khó.
Thuận Thục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét