Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

(1) Rời làng mà đi: Nửa làng đi Lào

Rời làng mà đi
Kỳ 1: Nửa làng đi Lào
TT - Cuộc sống thay đổi khiến những người dân nông thôn vốn chỉ quen chân lấm tay bùn ra đi tìm một cuộc sống khác với hi vọng tốt hơn. Tuy nhiên, không phải cuộc ra đi nào cũng mang lại hạnh phúc, đôi khi nó được đánh đổi bằng sự hi sinh của cả đời người.
Vợ chồng hai đứa con trai đều đi Lào, để lại mấy 
đứa nhỏ cho bà Cầm nuôi nấng - Ảnh: Hữu Khá
Đó là những chuyến rời làng của những cư dân nông thôn đi làm đồng nát, lấy chồng ngoại, xuất khẩu lao động...

Ngày giữa tháng mười, chúng tôi tìm về “làng tỉ phú” Hòa Vang (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) vừa lúc chiếc xe biển số Lào từ trong làng đi ra. Chiếc xe lăn bánh lẫn trong tiếng cười và nước mắt của người đi và kẻ ở lại.
Dù ở ngay cạnh quốc lộ và đường ray xe lửa nhưng làng quê yên ắng đến lạ thường. Hai bên đường san sát những ngôi nhà tầng kiên cố, cửa vàng óng màu gỗ hương...
Xuất ngoại... nửa làng

Ngày trước, Hòa Vang là làng thuần nông nhưng ít đất, nghèo nhất xã. Đất ít, cằn cỗi. Xong mùa gặt là dân tìm đường vào núi chặt củi kiếm miếng ăn. Đời người chăm chỉ, lầm lũi, cơ cực suốt tháng năm vẫn không cất đầu lên được. Rồi một ngày, cái đói cái nghèo dẫn bước người ta qua xứ Lào với mong ước đổi thay cuộc đời. Chỉ trong chốc lát, phong trào đi Lào như cơn lốc kéo theo hơn phân nửa số dân của làng. Làm ăn được.

Rồi người đi trước dắt díu người đi sau. Đồng tiền dễ kiếm nên con trai con gái mười tám đôi mươi lần lượt lên đường làm ăn. Có người quanh năm phải sống trong cảnh ăn đong, nhưng chỉ sau một thời gian sang Lào đã về xây được nhà, sắm được xe. Và Lào trở thành miền đất hứa, cứ ra tết người Hòa Vang nườm nượp đi Lào.

Ông Nguyễn Hồng Linh, trưởng làng Hòa Vang, nhớ lại: “Hồi cuối năm 1990 làng này có ông Sỹ qua làm thuê bên Lào. Làm ăn phát đạt, ông Sỹ liền về quê kéo bà con sang bên ấy lao động. Rồi cứ thế anh kéo em, con nhà chú kéo con nhà bác, dắt díu sang bên ấy hết. Bây giờ người làng Hòa Vang rải khắp bên Lào. Làng chỉ 5.700 nhân khẩu thì giờ đã có 3.000 ở bên Lào”.

Ông Linh tâm sự hồi trước cả làng bám ruộng để sống nhưng mỗi nhân khẩu bình quân được 2 sào nên chỉ đủ ăn. Vậy mà từ khi sang Lào kinh tế khấm khá hẳn. Cuộc đời dân Hòa Vang bước qua trang mới, có nhà cửa đàng hoàng, đường sá rộng rãi. Cả thôn nhà ai cũng sắm sửa được tivi, xe máy. Một số hộ làm ăn khấm khá còn đầu tư vài ba chiếc xe khách chuyên chạy chuyến Lộc Bổn - Vientiane. Mỗi ngày ở làng có hơn chục chuyến xe sang Lào. Quốc lộ đoạn qua Hòa Vang trở thành “bến xe Lào” của người dân các tỉnh miền Trung. “Dân làng sang Lào như đi chợ. Có người không biết Hà Nội, Sài Gòn ở đâu nhưng đất Lào thì thuộc như lòng bàn tay” - một chủ xe ở Hòa Vang cười bảo.

Chúng tôi tìm về nhà ông Trần Văn Tánh. Ông Tánh được coi là người đổi đời kể từ ngày bước chân sang Lào. Ông Tánh kể: “Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lớn lên lấy vợ chỉ với hai bàn tay trắng. Hồi đó nhà cửa rách nát, con cái nheo nhóc, khi nghe người ta bảo qua Lào dễ làm ăn tôi liền “đánh” một chuyến. Sang bên đó, ban đầu đi làm thợ rồi tôi nhận thầu xây nhà. Tích cóp được ít vốn, tôi về kêu thêm anh em hàng xóm qua nhận thầu lớn. Trời cho làm ăn thuận lợi, mỗi năm tôi kiếm được hai ba tỉ đồng. Có tiền con cái có điều kiện học hành, hai đứa con gái tôi vào đại học cả rồi”. Cũng như ông Tánh, hàng trăm người ở làng sau khi xuất ngoại đã tích cóp được tiền về xây nhà lầu, sắm xe hơi. Làng bây giờ nhiều khu vực nhà lầu san sát, khang trang như phố

Sợ con cháu quên... làng


Hôm chúng tôi đến Hòa Vang, đi từ đầu làng đến cuối ngõ đâu cũng chỉ thấy bà già với con nít. Giữa trưa, chúng tôi đến nhà cụ bà Nguyễn Thị Cầm. Thấy có người lạ, vài người hàng xóm xúm lại hỏi thăm. Bà Cầm có tám người con cả dâu rể thì hiện có ba cặp vợ chồng đang ở bên Lào. Lúc chúng tôi tới, cháu Nguyễn Đô La vừa đi học về. Mâm cơm dọn ra, năm bà cháu vội vã ăn để cháu Nguyễn Văn Khải kịp đến trường.

Khải và La là hai trong số bốn đứa cháu đang ở với bà Cầm trong căn nhà người con trai út để lại. Bà Cầm bảo đặt tên cháu là Đô La vì cha nó muốn sau này con được sung sướng, có tiền, được ăn học đàng hoàng không phải lưu lạc xứ người như ba mẹ. Ba mẹ các cháu sang bên ấy thỉnh thoảng mới về nên việc học hành, ăn uống, kể cả việc họp phụ huynh của các cháu một tay bà lão 75 tuổi xoay xở. Tháng trước, thấy nhà toàn người già và trẻ nhỏ nên có người đến nhà lừa bán bếp từ dỏm cho bà với giá gần cả triệu đồng. Bà Cầm tâm sự: “Bây chừ có tụi nó ở nên cũng vui chớ tới hè trẻ con qua bên ấy thăm ba mẹ, làng vắng tanh, tui buồn thúi ruột”.

Được sinh ra bên Lào, ăn ở với người bản địa, nhiều con em Hòa Vang khi về nước cũng chỉ nói bập bẹ tiếng Việt. Chị Tý kể lúc ở bên Lào, con được vài tháng là phải gửi cho người ta chăm sóc cả ngày để theo chồng làm ăn nên con nói tiếng Lào răm rắp. Thành thử lúc mới về Hiền và Liên không nói chuyện được với ông bà và chỉ đòi ăn xôi. “Cháu đi chơi mà bạn nói từ gì không hiểu là chạy về nhờ mẹ giải thích. Mãi một thời gian dài mới hòa nhập được” - chị Tý nói.

“Khổ nhất là lúc đám ma, toàn người già, trẻ nhỏ, không tìm đâu ra người khiêng hòm. Nhiều gia đình phải mượn người ở thôn khác, xã khác sang giúp” - ông Linh, một người dân ở Hòa Vang, nói. Còn ông Lê Văn La lại lo lắng: “Bọn trẻ đi riết nên dịp tết về mâm cúng lên bàn thờ cũng không biết sắp đặt. Tôi sợ một ngày những phong tục, lễ nghi tốt đẹp của làng sẽ mai một, có lỗi với ông bà lắm. Con cháu mà không biết lễ nghi, quên dần phép tắc ứng xử xóm làng thì khó giữ được cái gốc văn hóa, nếp làng quê”.

Thiếu người, làng đìu hiu quanh năm. Chỉ đến khi tết về, khi xe biển số Lào đỗ chen cứng đường đi, tiếng người mua hàng không màng trả giá không khí rôm rả mới được trả lại. Nhưng không khí ấy cũng chỉ như hồi còi hụ của đoàn tàu đi qua, làng xóm lại đìu hiu theo những chuyến xe sang Lào.

Tuy nhiên, không phải ai xuất ngoại sang Lào cũng làm ăn thành công, có tài sản mang về. Chị Võ Thị Tý, một người từng sống nhiều năm bên Lào, đau đáu: “Người nơi khác, ai nhìn vào làng ni cũng tưởng đi Lào là dễ làm ăn lắm, có ai ngờ đâu khó khăn nhọc nhằn. Qua bên ấy lo làm mới có đồng ra đồng vào chứ lơ tơ mơ là chết đói ngay”.

Chị Tý có chồng hiện mưu sinh bên Lào. Anh chị kết hôn năm 2001, lấy nhau được năm tháng, hai vợ chồng dắt díu nhau theo người làng sang Lào làm ăn. Rời quê hương bản quán làm quần quật để kiếm sống bằng rất nhiều nghề từ thợ xây, thợ mộc, cắt tóc, gội đầu, buôn bán trái cây, quần áo... nhưng cũng chỉ đủ ăn. Cả hai con chị Tý là cháu Hiền (9 tuổi) và cháu Liên (7 tuổi) được sinh ở bên Lào. Đến năm 2008, hai vợ chồng anh chị đành dẫn hai con về ở với ông bà ở quê nhà. Về tới nhà, hai vợ chồng gom góp tất cả tiền cộng thêm giúp đỡ của bà con cũng chỉ đủ cất lại ngôi nhà mới cho ông bà. Mỗi lúc việc nông nhàn rỗi, anh Diệu, chồng chị Tý, đón xe sang bên ấy mưu sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét