Dàn lãnh đạo Bắc Kinh cải cách kinh tế thế nào?
Cuộc chuyển giao lãnh đạo tại Trung Quốc đã hoàn tất, đất nước này – và cả nền kinh tế thế giới – đang băn khoăn một câu hỏi: Liệu dàn lãnh đạo mới của Bắc Kinh có đủ tầm nhìn và ý chí chính trị để thổi luồng sinh khí mới những cải cách kinh tế quan trọng vốn đang bị đình trệ?
Không nhiều nhà quan sát lạc quan về câu trả lời.
Điệp khúc bi quan của những người ở cả Trung Quốc và trên thế giới khác tập trung trong 3 lập luận chính. Nhóm thứ nhất, có thể gọi là nhóm "hoài nghi về kinh tế", cho rằng những trở ngại cải cách là rất lớn. Đó là vì một số vấn đề cơ bản về kinh tế, trong đó bao gồm bong bóng bất động sản, đã trở nên xấu hơn vào chính thời điểm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Giải pháp truyền thống của các quan chức Trung Quốc đối với suy giảm tăng trưởng - thúc đẩy xuất khẩu - đã trở nên khó thực hiện hơn trong bối cảnh nhu cầu tại các quốc gia công nghiệp phát triển đang thu hẹp.
Ngoài ra, những người bi quan này cho rằng, ngay cả khi giới lãnh đạo mới của Trung Quốc muốn tiến hành những cải cách táo bạo, các vấn đề kinh tế cũng vẫn nghiêm trọng đến mức có thể vượt quá khả năng đồng thuận của giới lãnh đạo mới nếu họ muốn một cách tiếp cận khác. Theo Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc, chính quyền trung ương, cấp tỉnh, thành phố và quận lị đang nợ khoảng 11 nghìn tỷ NDT (1,8 nghìn tỷ USD). Vấn đề này có thể dẫn tới một đợt bùng nổ nợ xấu mới làm kiềm chế khu vực ngân hàng và cản trở cải cách ngành tài chính.
Nhóm thứ hai, nhóm quan ngại các "thảm họa xã hội", lập luận, chính sách kém cùng khả năng quản trị tồi đang thổi bùng những bất ổn xã hội chưa từng có - với hơn 100.000 cuộc biểu tình diễn ra mỗi năm, theo một số ước tính. Nhóm này khẳng định, do duy trì ổn định chính trị là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh, nên chính quyền sẽ tránh tiến hành cải cách vốn có nguy cơ làm trục trặc nền kinh tế trong ngắn hạn, và điều đó làm trầm trọng thêm những bất mãn xã hội.
Ảnh: Reuters |
Theo nhóm này, giới lãnh đạo Trung Quốc đang mắc kẹt: nếu họ cải cách quá mạnh tay, họ có nguy cơ mở cửa xả cho nhiều cuộc biểu tình hơn nữa; nhưng nếu họ cải cách quá nhỏ giọt, họ có thể không giải quyết được căn nguyên sâu xa của bất ổn.
Hai ví dụ thường được trích dẫn trong thế lưỡng nan sau là suy thoái môi trường và chiếm dụng đất đai của các quan chức địa phương. Đây vốn là hai lý do chính khiến ngày càng nhiều người Trung Quốc đổ ra đường. Nhưng chính quyền địa phương vẫn chú trọng tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá hơn là bù đắp các chi phí môi trường từ sự tăng trưởng này.
Trừ khi Bắc Kinh chuyển giao quyền tự chủ tài chính cho chính quyền cấp tỉnh và thành phố - một sự cải cách mạnh mẽ theo mọi tiêu chuẩn - và thay đổi các động cơ chính trị đặt tăng trưởng lên trên tất cả các mục tiêu khác, các quan chức địa phương vẫn sẽ tiếp tục chiếm và mua bán đất cho các nhà phát triển để tăng doanh thu. Vậy nên, dù trong kịch bản nào, nhóm này nhấn mạnh, sự thận trọng về chính trị sẽ hạn chế các lựa chọn cải cách của giới lãnh đạo mới.
Nhóm cuối cùng, nhóm "hoài nghi chính trị", đặt câu hỏi về quyết tâm của giới lãnh đạo mới trong việc giải quyết lợi ích nhóm đang quá mạnh mẽ vốn làm cản trở cải cách, đặc biệt trong những doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Những chủ thể doanh nghiệp nhiều quyền lực này sẽ gây trở ngại cho mục tiêu nhiều ý nghĩa của giới lãnh đạo là tăng thu nhập của các hộ gia đình, làm thất bại các nỗi lực kêu gọi các công ty nhà nước phải nộp thuế cao hơn nhằm cải thiện các chương trình phúc lợi xã hội.
Nhóm nào cũng có ý đúng. Mỗi nhóm miêu tả một khía cạnh nhất định của những thách thức to lớn mà giới lãnh đạo mới của Trung Quốc đang phải đối mặt. Nhưng sự bi quan của họ đã bỏ qua những bài học quan trọng trong lịch sử gần đây của Trung Quốc - mà chắc chắn ít nhất một số thành viên của nhóm chính sách mới sẽ thấy lạc quan: cải cách có thể diễn ra khi có sự kết hợp hợp lý các điều kiện cùng xuất hiện đúng thời điểm.
Thực tế, Trung Quốc từng trải qua những cải cách kinh tế quan trọng trong quá khứ, đáng kể nhất là cuối những nhăm 1990 khi Chu Dung Cơ làm thủ tướng. Thời kỳ đó đã chứng minh, cải cách táo bạo có thể đạt được nếu xảy ra đồng thời 3 điều kiện: khủng hoảng lòng tin chính trị trong nước, khả năng dễ tổn thương trước khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính bên ngoài, và một giới lãnh đạo đủ hiểu biết để nhận ra sự cần thiết phải thay đổi.
Hiện tại, Bắc Kinh gặp những trở ngại rất lớn, và các trở lực đối với cải cách là rất nhiều và mang tính cố hữu. Nhưng mỗi điều kiện trên lại một lần nữa xuất hiện ở Trung Quốc, có khả năng mở rộng khả năng tạo ra một thay đổi kinh tế thực sự và lâu dài.
Khủng hoảng lòng tin
Hãy xem điều kiện đầu tiên: khủng hoảng uy tín chính trị ở trong nước. Đầu những năm 1990, Bắc Kinh đối mặt với một trong những thử thách khó khăn nhất là mức độ ủng hộ của dân chúng sụt giảm thê thảm khi chính phủ tìm cách vực dậy sau một loạt những thách thức chính trị đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm 1980 đầy biến động. Tại thời điểm đó, Bắc Kinh đang oằn mình trong cả khủng hoảng chính trị và khủng hoảng doanh thu khi tiền thuế vốn đã ít ỏi do các tỉnh và thành phố nộp lên chính quyền trung ương vơi dần khỏi ngân sách của chính phủ.
Trong suốt những năm 1980, những chuyển biến chóng mặt đã đưa nước này ra khỏi mô hình kế hoạch hóa tập trung và đi theo hướng dựa nhiều hơn vào các lực lượng thị trường, bao gồm tự do hóa giá cả. Những thay đổi này mở ra một làn sóng áp lực lạm phát và bất mãn xã hội khắp nơi, và cuối cùng dẫn đến các cuộc biểu tình 1989.
Sau cuộc hỗn loạn chính trị, các cải cách nhanh chóng bị gác lại trước khi tiếp tục diễn ra vào năm 1992 khi Bắc Kinh muốn khôi phục động năng kinh tế và giành lại sự ủng hộ của dân chúng. Đến cuối những năm 1990, Thủ tướng Chu Dung Cơ bắt đầ tiến hành tái cấu trúc khối doanh nghiệp nhà nước yếu kém, cồng kềnh và cải cách hệ thống ngân hàng, bất chấp những hiệu ứng bất ổn từ việc sa thải hàng triệu công chức, viên chức.
Giai đoạn này là một bài học bởi giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay - trước áp lực từ sự kỳ vọng, bất ổn xã hội và sự bất mãn của dân chúng - một lần nữa cần phải hàn gắn sự rạn nứt lòng tin. Và dàn lãnh đạo mới, không chỉ riêng tân chủ tịch Tập Cận Bình, đều đã công khai thừa nhận những nguy cơ rất lớn. Với sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế đang trở nên xấu đi, an toàn thực phẩm không được bảo đảm, tham nhũng, và kỳ vọng lớn hơn của tầng lớp trung lưu, chính phủ Trung Quốc đang được thử thách theo những cách chưa từng có. Và do chỉ riêng việc đảm bảo tăng trưởng không còn đủ để củng cố tính chính danh của chính phủ, giới lãnh đạo càng có lý do thuyết phục để tin tưởng cải cách như một công cụ giải quyết sự phân chia giai cấp xã hội và suy thoái môi trường.
Cú sốc kinh tế bên ngoài
Nhân tố quan trọng thứ hai đã thúc đẩy cải cách ở Trung Quốc trong những năm 1990 là ảnh hưởng từ cuộc khủng hoàng tài chính châu Á 1997-1998, làm bộc lộ những điểm dễ tổn thương cố hữu trong nền kinh tế Trung Quốc trước những cú sốc. Chu Dung Cơ cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác đã nhân thời điểm khủng hoảng đó đẩy Trung Quốc đi đến mục tiêu lâu dài của mình là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Họ đã thúc đẩy thành công một gói các biện pháp cải cách hiệu quả, qua đó vừa trang bị cho các công ty Trung Quốc trước sự cạnh tranh của bên ngoài vừa mở cửa cho dòng vốn nước ngoài vào. Nói một cách đơn giản, khủng hoảng bên ngoài cho phép các nhà cải cách kinh tế trong nước đẩy nhanh những cải cách kinh tế và thể chế thực sự.
Kinh nghiệm ấy đặc biệt phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, khi Trung Quốc đang tiếp tục đối phó với những làn sóng khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008.
Mặc dù vượt qua khủng hoảng sớm hơn và mạnh mẽ hơn gần như mọi nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc vẫn rất dễ bị tác động theo hai cách: họ không thể phụ thuộc vào xuất khẩu, và họ thiếu các công cụ tiền tệ và tài chính linh hoạt để có thể giúp họ chống lạm phát và ngăn chặn những cú sốc từ khủng hoảng tài chính sau này.
Bắc Kinh đã vượt qua cơn bão gần đây nhất chủ yếu vì đã bơm lượng tiền mặt lớn vào nền kinh tế - khoảng 600 tỷ USD kích thích và hàng tỷ USD nữa trong các khoản cho vay ngân hàng khác, cả hai đều giúp ngăn chặn đà sụp đổ hoàn toàn tăng trưởng kinh tế. Nhưng hiệu quả của những công cụ này đã biến mất trong những năm sau đó. Chính phủ không thể chỉ dựa vào hết gói kích thích này đến gói kích thích khác, và một chiến lược như vậy sẽ chỉ càng làm sâu sắc những mất cân bằng trong nền kinh tế Trung Quốc. Trong vòng 5 năm kể từ khi Trung Quốc đạt được tăng trưởng GDP đỉnh điểm 13% vào năm 2007, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại đáng kể và giới lãnh đạo đang đạt mục tiêu tăng trưởng cân bằng hơn, 7,5%.
Còn nữa
Trâm Anh (Theo Foreign affairs)
http://vietnamnet.vn/vn/chinh- tri/tuanvietnam/118618/dan-lanh-dao-bac-kinh-cai-cach-kinh-te-the-nao-.html
http://vietnamnet.vn/vn/chinh- tri/tuanvietnam/118618/dan-lanh-dao-bac-kinh-cai-cach-kinh-te-the-nao-.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét