Cơ hội tạo sức mạnh dân tộc
NLĐ: Sửa Hiến pháp là cơ hội lớn để tạo ra sức mạnh dân tộc, vượt qua khó khăn. Cần để tri thức, văn hóa Hiến pháp lan rộng trong dân như một làn sóngSáng 4-2, 15 vị nhân sĩ trí thức đã gửi bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 đến Văn phòng Thường trực Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Ủy ban).
Thay mặt Ủy ban, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Biên tập Ủy ban, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông tiếp đón đoàn, gồm các ông, bà: Nguyễn Quang A, Lê Công Giàu, Phan Hồng Giang, Chu Hảo, Phạm Duy Hiển, Tương Lai, Hồ Uy Liêm, Nguyễn Đình Lộc, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyên Ngọc, Hoàng Xuân Phú, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Trung, Tô Nhuận Vỹ, Phạm Chi Lan.
Ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, trưởng đoàn, nhấn mạnh bản kiến nghị cùng Hiến pháp mẫu gửi tới Ủy ban là sự tham gia đóng góp của hàng chục nhân sĩ, trí thức đã được đăng tải trên mạng internet và được sự ủng hộ của hàng ngàn người dân. “Mong muốn của chúng tôi là đóng góp trí tuệ vào bản Hiến pháp do dân, vì dân và cũng làm rõ nhiều nội dung rất mới mẻ.
Rất mong Ủy ban công bố bản tóm tắt kiến nghị và Hiến pháp mẫu trên báo chí để nhân dân góp thêm ý kiến”- ông Lộc mong muốn. GS Phạm Duy Hiển, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nói: “Chúng tôi kỳ vọng nhận được phản hồi đối với bản kiến nghị và Hiến pháp mẫu.
Ông Lộc cho rằng đây là sinh hoạt chính trị bình thường và “trước lạ, sau quen”, những hoạt động này sẽ dần dà tạo được không khí dân chủ để mọi tiếng nói có thể bộc bạch.
Còn ông Nguyễn Trung, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, khẳng định Hiến pháp có vai trò tối quan trọng, quyết định vận mệnh quốc gia. Đất nước đang đứng trước nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để phát triển, vững mạnh nên việc sửa Hiến pháp là cơ hội lớn để đất nước tạo ra sức mạnh dân tộc, vượt qua khó khăn. “Dân tộc này đủ trưởng thành để tổ chức một diễn đàn công khai, cởi mở để phát huy trí tuệ của nhân dân như một hội nghị Diên Hồng mới” - ông Trung bày tỏ.
“Lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp là cơ hội tuyên truyền rộng rãi cho dân về kiến thức cơ bản của Hiến pháp” - ông Lộc nói. Theo ông Lộc, Quốc hội nên là cơ quan đi đầu trong việc thông tin rộng rãi cho dân hiểu về Hiến pháp với tư cách đạo luật cơ bản; cần để tri thức, văn hóa Hiến pháp lan rộng ra trong dân như một làn sóng.
Để có thêm thời gian tiếp nhận ý kiến của người dân cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông Lê Công Giàu, nguyên phó bí thư Thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đề nghị gia hạn thời gian lấy ý kiến dự thảo Hiến pháp khoảng 1 năm. “Phải có thời gian để thảo luận, nghiên cứu kỹ. Nếu thời gian ngắn như thế thì sẽ qua loa, hình thức” - ông Giàu lưu ý.
Tiếp nhận bản kiến nghị và Hiến pháp mẫu, thay mặt Ủy ban, ông Lê Minh Thông nói: “Ủy ban rất trân trọng được tiếp các bác cũng như ý kiến đóng góp của mọi người dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Chúng tôi chân thành cảm ơn các bác và sẽ gửi văn bản đến tận tay Ban Biên tập”.
Nên bổ sung vai trò của doanh nhân
Chiều 4-2, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM đã mời Hiệp hội Doanh nghiệp TP, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, cho rằng điều 2 của dự thảo mới đề cập “liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” mà chưa nói đến vai trò của “doanh nhân”. Vì vậy, ông Hưng đề nghị trong điều 2 cần thêm chữ “doanh nhân” vào liên minh này, giống như 4 nhà “sĩ - nông - công - thương” mà Bác Hồ đã từng nhắc đến. Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, Nhà nước nhấn mạnh vai trò của doanh nhân cũng chính là khẳng định dân có giàu thì nước mới mạnh, mà doanh nghiệp mạnh thì Nhà nước mới khỏe.
Q.Hiền
|
THẾ DŨNG
http://nld.com.vn/20130204110459509p0c1002/co-hoi-tao-suc-manh-dan-toc.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét