Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Tản mạn về Trà (Chè)


Tản mạn về Trà (Chè) 
Lần trước, chúng tôi đã nói về rượu, nay để cho trọn bài “Một trà, Một rượu, Một... (thứ này khó viết đây), Ba thứ lăng nhăng nó hại ta....", xin hầu chuyện các doanh nhân công tác tại hai nước bạn chuyện về Chè hay còn được gọi thông dụng hơn, dễ thương hơn là Trà tại các cuộc vui sau các phi vụ làm ăn lớn.
Ai trong chúng ta mà chưa từng uống trà? Nào chỉ phổ biến ở trong nước. Ở nước ngoài, vào bất cứ một hàng quán nào của Tàu hay của ta cũng được mời dùng trà trước khi mình gọi món ăn. Hay đi ăn trưa trong sở với mấy bạn người ngoại quốc chẳng hạn, thường thường họ hay gọi trà đá (Iced tea) rồi đổ thêm cả một kí đường sau khi đã vắt chanh (lemon) vào ly trà. Khách tới nhà thì luôn được mời: Anh (hay chị) dùng tí trà nhé! Ủa, vậy chứ có gì lạ đâu mà chú mày viết bắt ta đọc cho mệt, viết cái gì cho là lạ chứ nói về một cái quá quen thuộc quá tầm thường quá dễ dàng thì nói làm chi?

Đó đó, hãy khoan, cứ từ từ nghe cái đã: có những chuyện mình đều làm mỗi ngày, mỗi đêm, không những không chán mà còn tham lam cứ muốn luôn luôn làm mãi, tiếp tục làm mãi không muốn ngừng, đến nỗi thiên hạ đang có phong trào (tôi hay dùng chữ "thời thượng") đi tầm sư học đạo, tìm bạn, tìm sách, tìm vở, thậm chí vào cả thư viện tra tra cứu cứu, vô Internet lục lục tìm tìm cốt để học lại cách làm chuyện đó, để cải thiện, để làm cho đúng, để làm cho hay, để làm cho nhuyễn. Nếu anh bạn vong niên của tôi mà đọc đến đây chắc sẽ nói với tôi rằng: Này chú mày, đừng viết bậy viết bạ mấy bà cười cho chết, những "chuyện đó" (tôi cũng chưa biết là anh bạn định nói chuyện chi ?) thì chỉ nên nói nhỏ cho nhau nghe mà thôi, đừng nói công khai, không hay đâu.

À, (chàng đằng hắng giọng) nhưng mà chú mày biết được điều gì lạ, điều gì mới thì nhớ chỉ cho ta biết với nghe, vì ta biết chú mày hay lục lạo đọc sách đọc vở, nay lại thêm cái Internet nên rộng đường tham khảo và nhiều tài liệu hơn , vả lại dạo này thiên hạ cũng rất cởi mở chứ không còn "mặt trong muốn học, mặt ngoài làm ngơ", hay "em chả" với lại "em chả" như hồi còn xa xưa đâu.

Văn hoá Trà Việt Nam gắn bó mật thiết với nền văn minh Đại Việt. Theo Tiến sỹ khoa học Lịch sử, nhà khảo cổ học Hà Hữu Nga (1988), ở Bắc Trung bộ có tập quán uống trà hái cả cành, một ví dụ hùng hồn phản ánh một nếp sống xa xưa, từ ngày con người còn sống bằng phương thức khai thác tự nhiên, mà tiền sử học gọi là nền kinh tế hái lượm phô tạp.

Cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, trong chuyên khảo “Cái nôi của cây chè và văn hoá trà” (1999), dẫn sách “Trà Kinh” của Lục Vũ đời Đường, thì cho rằng, người Việt đã có tục pha trà với nước sôi hãm nóng để uống, ít nhất cũng từ năm 264 sau Công Nguyên, mà người Hoa, mãi đến thế kỷ VII (đầu đời Đường) do “học tập người bản địa” mới biết đến tục ấy. Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam, đã có những kết luận khoa học trong và ngoài nước, cho rằng Việt Nam là một trong những cái nôi cổ nhất của cây chè Thế giới, cổ hơn cả cây chè Trung Quốc.

Tôi không viết ra đây lịch sử của cây trà, cũng không viết về thành phần hóa học có tính cách bác học quá sức của tôi, cũng không nói về cách hái trà, trà hái một lá với búp hay hai lá ba lá, cũng không nói về ủ trà vì các bạn có thể tìm đọc được rõ ràng chi tiết hơn ở trong Internet hay trong các sách về Trà bằng tiếng Việt như: website www.vietkiem.com, hay www.quangio.com cũng được, bài viết rất hay bàn về Trà Tàu và Ấm Nghi Hưng của Nguyễn Duy Chính, hay sách Trà Kinh của Vũ thế Ngọc (in năm 1987). Tôi không dám nói tới mấy truyện của nhà văn Nguyễn Tuân viết về trà và ấm trà trong cuốn Vang Bóng Một Thời mà chắc là các quý vị đã đọc lúc còn học tiểu học hoặc trung học, nhưng nếu chưa có dịp thì cũng nên đọc cho vui. Hay các bạn có muốn đọc sách ngoại quốc viết về trà thì cũng rất nhiều.

Nhưng đọc gì thì đọc cũng không thể bỏ qua được cuốn The Classic of Tea, bảng dịch tiếng Anh của "Trà Thần" Trung Hoa là Lục Vũ vì khi bàn chuyện về trà là phải lôi ông này ra thì mới oai, mới ra cái điều ta đây uyên bác (sic). Ngoài ra còn có cuốn The Book of Tea của Kakuzo Okakura, cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt, hay cuốn The Importance of Living của Lin Yutang, trong đó có một chương nói về trà cũng rất là độc đáo. Cuốn sau cùng này được Lin Yutang (âm theo tiếng Hán là Lâm Ngữ Đường) viết bằng Anh Văn năm 1937 để cho người Mỹ hiểu về dân tộc Trung Hoa của Ông; sau đó ông ta mới dịch lại tác phẩm của mình sang tiếng Trung hoa và tiếp đó được rất nhiều người dịch ra các thứ tiếng khác, trong đó có học giả Nguyễn Hiến Lê đã dịch ra tiếng Việt từ bản tiếng Pháp (ông viết trong lời tựa là ông không có bảng tiếng Anh). Bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê rất hay, có tên là "Một nếp sống đẹp".

Xin giới hạn nói về trà vào những loại do từ cây trà mà ra, chứ không nói tới những loại ta gọi chung là trà như Trà Khổ Qua, hay Mướp đắng hoặc là những Herbal Tea bày bán nhan nhản ngoài Siêu Thị của Ta, Tàu hay ngay cả supermarket Mỹ.

Để có một cái nhìn thật sự khoáng đạt và chuẩn tắc về Văn hoá Trà Việt Nam, chúng ta thử nhìn ra hai cái nôi văn minh lớn của nhân loại. Người Trung Quốc đã biết đến trà từ 4000-5000 năm trước. Và họ đã nâng Trà thành một nghệ thuật. Đó là nghệ thuật uống Trà Trung Hoa, rất đẹp, rất tinh tế và cũng rất kiểu cách. Có lúc, như làm xiếc. Ví dụ, trong tiệc Trà (quần ẩm), người hầu Trà (hay châm Trà), cầm một siêu nước sôi cỡ lớn, vòi thẳng đứng, dài đến cả mét, đứng sau lưng khách, rót nước sôi vào tách Trà, tách nào cũng đều tăm tắp, không nhểu ra ngoài đến nửa giọt. Hoặc, tục uống Trà của họ cũng khác ta. Ở Hàng Châu, một trong những cái nôi văn hoá lâu đời và thủ phủ Trà Trung Hoa, Trà được coi như một thứ ẩm thực. Uống trà phải hiểu là “vừa uống vừa ăn búp trà”. Có lẽ tục uống này còn mang dấu vết của thời cổ sơ người Trung Hoa nhai lá chè tươi với muối và gừng coi như là một vị thuốc chữa bệnh chăng? Ông Nguyễn Tấn Phong, người viết nhiều đoạn mà chúng tôi sử dụng trong bài viết tổng hợp này đã từng đến một quán trà gọi là “Modern Tea” nhìn ra Tây Hồ bảng lảng sương vào lúc mười giờ sáng, như cảnh thần tiên. Trên tường cao chính tâm cái quán rộng rãi và đẹp mắt này treo một biểu tượng rất lạ: một cái quần (!?) Dĩ nhiên là kích thước đã được phóng to và ghim bằng đinh. Tiếp viên toàn nam thanh nữ tú mười tám đôi mươi. Trà có hàng trăm loại xưa – nay trong một cuốn Menu dày cộp, giá từ chục tệ đến vài trăm tệ một ấm!

Ở Nhật, người ta gọi Trà là Ô cha. Chữ Ô đi trước chữ cha để tỏ lòng kính trọng đối với Trà. Ô cha gắn liền với Trà Đạo Nhật Bản. Tại một cuộc hội thảo kinh tế Việt – Nhật tổ chức ở Bộ Thương mại, thuyết trình viên là một cựu cố vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật. Khi được hỏi về Trà Đạo, vị chính khách nổi tiếng này đã đề cập một chi tiết thú vị: nguyên liệu để làm Trà Đạo là trà búp tươi gốc Nhật Bản, không phải là Trà nhập từ Trung Quốc, Srilanca hay Việt Nam. Thêm một sự cầu kỳ của Trà Đạo Nhật Bản. Nghi thức Trà Đạo quá phức tạp dù nó có được tôn vinh thành Đạo, gắn liền với Zen (Thiền) đi chăng nữa. Nhưng đó là bản sắc văn hoá của họ, xin phép không bình luận.

Vậy thì bản sắc Văn hoá Trà Việt Nam là gì? Theo Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, người Nhật thừa nhận ảnh hưởng ngoại sinh của Trà Đạo từ Việt Nam hơn là ảnh hưởng từ Trung Hoa. Người Nhật cũng rất thích gốm Chu Đậu của Việt Nam. Như trên đã nói, căn cứ vào sử liệu, người Việt Nam đã biết cách pha trà tươi hãm với nước sôi từ thế kỷ thứ III, nghĩa là trước Trung Quốc ít nhất gần 400 năm và trước Nhật Bản ít nhất cũng gần 500 năm. Trong “An Nam chí lược” (dẫn theo học giả Nhất Thanh, 1976), Lê Tắc chép “Tháng 5 năm thứ 8 niên hiệu “Khai bảo” đời Tống Thái Tổ (là năm 875), Đinh Liễn tiến cống vàng lụa,… Trà thơm”, và ông bình luận: “Vậy có thể ta uống Trà kiểu thanh cảnh, chứ không dùng tô hoặc chén thật lớn để uống Trà thơm, mà đã là Trà thơm đem tiến cống, ắt là Trà đã phơi khô”. Vậy, ta có trà thơm để uống cách đây đã hơn 1100 năm.

Trà là Quốc thuỷ của Việt Nam, gắn chặt và có thể nói là tinh chất của nền văn minh lúa nước của dân tộc ta. Không ồn ào, hoặc quá câu nệ nghi thức, hoặc là sở hữu của một tầng lớp trên nào, Trà đi vào tâm hồn Việt một cách thanh thản, tĩnh lặng, bình dân và tự nhiên. Tự nhiên như cây cỏ, hoa lá, chim muông, củ khoai, củ sắn, cái cày, con trâu. Trà hiện diện ở khắp nơi, từ mảnh vườn sau nhà giữa đồng bằng, bạn với cây cọ Trung du, mọc thành rừng cổ thụ hàng vạn cây ở Miền núi. Người Việt uống Trà là biểu hiện sự giao hoà với trời đất, cỏ cây, để kết bạn. Khi khách đến chơi nhà, chủ nhà y phục chỉnh tề, rửa tay, đun nước, pha Trà mời khách bằng cả hai tay, rất lịch sự, trân trọng. Người Việt Nam, dù ở thành thị hay thôn quê, miền xuôi hay miền ngược, dù sang hay hèn, cũng đều có cách dâng mời Trà trân trọng đầy ngụ ý. Nó khiêm nhường, dung dị, không cần bất cứ một biện giải nào. Mà thông qua Trà, người Việt đã biểu thị một thứ đạo lý làm người, một triết học nhân sinh, một cách cảm thụ cái cao rộng của trời đất.

Đặc biệt, Trà là một nhu cầu của sinh hoạt tinh thần. Mà đã là nhu cầu thì không thể thiếu được. Hơn nữa trong tâm thức người Việt, trà được hiểu theo nghĩa rất rộng. Nước lá vối, nước gạo rang cũng được coi là trà. Rộng ra thì có đủ: nước lá ổi, búp bàng, Atiso, khổ qua, chè vằng, chè dây… Tất cả đều được coi là “trà”.

Nguyễn Trãi (1380-1442), trong “Ức Trai thi tập” ít nhất cũng có tới 5 bài thơ nói đến trà, trong đó có hai phần của bài “Ngôn chí” theo thể thất ngôn bát cú, có nhắc đến chè “hồng mai”. Phần (I): “Cởi tục chè thường pha nước tuyết / tìm thanh trong vắt tịn chè mai” (tịn chè mai tức là hết chè hồng mai cho nên phải uống nước tuyết). Phần II: “Chè mai đêm nguyệt dậy xem bong / Phiếm sách ngày xuân ngồi chấm câu”. Khi trở về Côn Sơn, ông viết “Bao giờ nhà dựng đầu non / Pha trà nước suối gối hòn đá ngơi”; hoặc “Mây toả đầy nhà, mai đốt bách, Tùng reo quanh gối, tối đun trà”. Trong bài “Đề tranh Vân Oa của Trình Xử Sĩ”, ông viết “Trăng soi trên ghềnh rêu, đầy rừng trúc mọc / Để rửa sạch lòng trần, có chè ngoài hoa / Để gọi tỉnh mộng buổi trưa, có chim trên gối”. Đến đây, tâm sự của nhà đại thi hào hầu đã bộc bạch rõ. Dùng trà để rửa sạch lòng trần. Trà cùng hoa, chim, trúc, ghềnh, rêu, gió (cây sinh gió) hoà quyện thành một thể thống nhất cùng với bậc danh sĩ, là bạn tâm giao, gột sạch những hệ lụy của cuộc đời phàm tục. Những câu thơ như thế có thể tìm thấy ở nhiều bậc vĩ nhân của nước ta, từ Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Cung Đình Vương Trần Phủ đến Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến và đến thế kỷ thứ XX vẫn còn một Vũ Hoàng Chương tha thiết với trà.

Vậy là Trà đã gắn bó với Di sản văn hoá tinh thần Việt Nam, qua các áng văn thơ bất hủ của các bậc tiền bối, một cách có hệ thống. Như trên đã nói, người Việt Nam đã Trà hoá cả các thức uống biểu hiện những khía cạnh giao hoà cổ sơ giữa thiên nhiên và con người khác. Phải chăng đây là một quan niệm riêng, một khía cạnh trong bản sắc văn hoá Việt Nam? Hơn nữa, có lẽ chỉ có người Việt Nam mới có tục uống trà lá tươi (hay trà tươi) hãm với nước sôi. Nước chè tươi, trong vắt, sắc đặc, màu xanh ngọc, đựng trong bát sành, với cái điếu cày hoặc điếu bát, củ khoai luộc, - là hình ảnh rất đỗi thân quen của làng quê Việt Nam (ngày nay còn không ?). Nếu định uống Trà với một thứ đồ ngọt, người ta cũng chọn lựa kỹ để cho tiệc Trà được thanh cao. Có thể kể ra mấy vị như kẹo lạc, kèo vừng thanh, kẹo cu đơ (Xứ Nghệ), bánh cốm Nguyên Ninh, bánh đậu xanh.

Lại nữa, Trà ướp hoa tươi cũng là một thứ sản phẩm riêng của nước ta. Trà Sen, Trà nhài, ngâu sói, cúc, thuỷ tiên, lan… Chuyện kể rằng, một bậc cao nhân ở đất Trà Trung Hoa sang thăm Việt Nam, chủ hỏi khách đã từng được thưởng thức loại trà gì rót từ cùng một chiếc ấm ra bốn loại hương vị khác nhau không? Khách nghĩ một lát rồi lắc đầu. Chủ đem ra 4 cái tách úp trên bốn cái đĩa, đặt trên khay, bưng ra. Rồi nói người nhà tiêm nước Trà nóng vào 4 cái tách mời khách thử. Đủ 4 vị khác nhau: sen, nhài, ngâu, sói. Thì ra chủ đã ủ nóng 4 loại hương của 4 loại hoa vào tách, rồi rót trà mộc vào. Cái cách mời trà độc đáo này của các cụ đã có từ xa xưa, thật sang trọng và lịch lãm, lại ngay một lúc đáp ứng được nhiều nhu cầu.

Tục uống trà và văn hoá trà Việt Nam cũng biến thiên theo thời gian. Đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, “Trà chén” đã trở thành một tập quán uống mới ở Hà Nội và các đô thị lớn ở miền Bắc. Sau năm 1975, du nhập thêm tập quán uống trà đá ở miền Nam. Và dân nghiền Trà trời Nam cũng bắt đầu tiếp nhận kiểu uống trà đặc cắm tăm của các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trở về và các loại Trà đặc sản nổi tiếng của Xứ Bắc đưa vào, nhất là Trà móc câu Thái Nguyên. Thời đổi mới, cùng với tác phong công nghiệp và chính sách mở cửa, Trà Trung Hoa, Đài Loan, Anh đã đưa vào Việt Nam với nhiều cách uống mới, phổ biến trong công chức, giới trẻ với các loại chè túi lọc, uống ngay, thêm đường, sữa, chanh lát mỏng…

Nhưng những kiểu uống truyền thống độc ẩm, đối ẩm, quần ẩm vẫn còn vẹn nguyên với người Việt. Câu thành ngữ “Rượu ngâm nga, trà liền tay” vẫn giữ giá trị kinh điển của nó. Dù nắng, dù mưa, dù buồn, dù vui, lúc hiếu, lúc hỷ, ngày tư tháng Tết, dù uống rượu, uống bia và nhất là những lúc tiệc tùng, vẫn không thể thiếu tách trà.

Để cho các bạn dễ theo dõi bài viết này, tưởng cũng nên nói sơ qua các loại trà mà thiên hạ hay uống. Tùy theo cách ủ trà mà chia ra làm ba loại chính.

1) Hồng trà hay Black Tea là loại đã được ủ hoàn toàn (có thể nói là 100% oxydation), đây là loại trà thường uống của người Anh, Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông hay Nga… Trà Lipton mà quý vị thấy bán đầy ngoài phố là thuộc loại này. Đây là loại trà thường phải uống chung với sữa tươi, hay với mật ong, hoặc với đường như dân Anh hay dùng trong buổi sáng hay buổi chiều gọi là afternoon tea time. Hoặc như dân Trung Đông lại thường bỏ thêm những gia vị khác như quế, hồi, gừng,… vào trà. Đặc biệt là tuy ở xứ rất ư là nóng, dân Trung đông cũng không uống trà đá, mà chỉ uống trà nóng ngay cả trong buổi trưa nóng nảy lửa. Có thể là do hồi xưa họ không có nước đá để uống nên quen như vậy, cho ra cái điều truyền thống dân tộc!. Khi uống trà, dân Anh hay ăn kèm với bánh ngọt. Loại Hồng trà này người Tàu ở vùng cực Bắc như Bắc Kinh thường hay uống, nhưng họ không pha thêm gì hết, chỉ uống không như vậy mà thôi.

Hồi trước ở Sài gòn, thường vào các chiều thứ bảy hay chủ nhật, nhiều bạn thanh niên hay rủ nhau ngồi "chảy nước" - đợi đào (bạn gái) mà đào chưa đến hay hổng thèm đến - tại các tiệm như Brodard hay Givral để nhấm nháp loại trà này, uống nóng, khuấy chung với chanh và đường, được bồi bàn mang đến trong các tách bằng sứ ra cái điều quý phái lắm, và bỗng cảm thấy là ngon lắm bởi vì ... vì...vì ở nhà mình không có loại trà "ngon" này. (thì cũng như ở Việt Nam, ta chê mít, chê ổi, chê xoài, chỉ thèm ăn lê, ăn táo, ăn nho mới đúng là thứ dân sang, nay sang đến Mỹ hay Pháp thì cũng chính những tay này lại đi tìm mua mấy trái mít, mấy trái ổi, mà một trái mít ngon nhiều khi phải trả hơn trăm đô mới được mang về (dân ta thường mua ở Cali mang về Texas một lúc mấy trái cất tủ lạnh ăn dần), trong khi đó nho, táo, lê bây giờ lại vừa ngon, vừa tươi, vừa rẻ thì bị chê ỏng chê eo không ăn! Nhất định chỉ đòi ăn cho được mấy thứ kia kia (!)

Ôi có phải con người ta sở dĩ khổ đau bởi vì không biết mình đang sung sướng, không thực sống với không gian mình đang sống, không chịu sống giây phút mình đang còn sống, không tận hưởng những gì mình đang thủ đắc mà cứ mơ mơ ước ước những này, những nọ, những kia, hay những cái khác mà mình chưa có, để tự mình làm cho chính mình khổ mà còn làm cho kẻ khác ở quanh mình cũng bị khổ lây, mà quên đi là mình đang sướng (!)

Quý vị ơi, các vị tưởng tôi đang nói cho ai đây ? Tôi đang nói cho chính mình đó. Bởi tại tôi không biết thích ứng với tình thế hay hoàn cảnh mà toàn là ước mơ những gì chưa có hay không có? Đang đi xe này thì nằng nặc đòi mua cho được xe nọ. Chưa mua kịp thì đêm ngủ không ngon, ngày ăn không nhiều. Hoặc như rượu chẳng hạn, đòi mua đủ thứ, tháng nào tháng nấy đều mua thêm mặc dù tủ đã đầy, uống chưa hết (à, cái này thì có excuse – xin lỗi - là rượu mua phải để đủ lâu mới ngon). Nghe nhạc thì ôi thôi cũng rứa, đòi mua đĩa này đĩa nọ, mà nhiều đĩa vẫn còn chưa lột bìa ra mà nghe nữa. Rồi lại đọc sách đọc báo nói về máy nọ máy kia, dĩ nhiên là thấy ngay máy nhạc mình đang có chưa đủ hay, muốn mua máy khác. Thật ra thì máy nào cũng có hay, có dở, mà tài chánh của mình thì rất ư là có hạn, mỗi ngày thiên hạ lại chế ra máy này máy nọ, thì phải hay hơn máy cũ chứ dở thì ai mà mua, bởi vậy mình mà theo cho hết thì không cùng, mà chẳng khi nào happy cả. Người nào thương thì nói là tôi có nhiều passions - đam mê - (vì phải đam mê mới đi đến cái "đã", cái "tới" của mọi việc, như mê học thì mới học giỏi được, mê thể thao thì mới đánh hay được, hay mê .., thì ...; hay mê... thì ...; mê... thì...... Còn nhiều người khác thì nói là tôi tham lam! Cái gì cũng muốn. Đúng là ông "Thích Đủ Thứ" Nhưng nào có ai biết là tôi đang sướng trong cái khổ đau của Thú Đau Thương ? Đúng là triết lý vụn !

Sorry quý bạn. Xin nói tiếp về trà. Giờ là lúc nên nói về trà Ô Long đây.

2) Trà Ô Long là loại dân ta và dân Tàu Đài Loan hay Quảng Đông hay uống. Loại này chỉ được ủ khoảng từ 20 cho đến 60% oxidation mà thôi. Các trà thường thấy bán ở các siêu thị như Thiết Quan Âm, hoặc Thiết La Hán hay là loại trà do người Tàu chế tại Lâm Đồng (Trà Tâm Châu) cũng là loại Ô Long.

Trà ô long trước kia vốn chỉ sản xuất ở Trung Quốc tại ba tỉnh Phúc Kiến, Đài Loan, Quảng Đông. Phân thành 4 loại: trà núi đá Vũ Di (Bắc Phúc Kiến), trà Thiết quan âm An Khê (Nam Phúc Kiến), trà Ô long Đài Loan và trà Ô long Pao Chủng.

Sau năm 1986 vào thời kỳ kinh tế mở cửa ở Việt Nam, nhiều Công ty trà Đài Loan như Kinh Lộ, Vĩnh Húc, Hai Yin … đã vào nước ta để sản xuất trà ô long tại Lâm Đồng, Hà Tây và Mộc Châu … Một số công ty chè của Việt Nam như Cầu Tre, Tâm Châu ở Lâm Đồng, Thái Bình ở Lạng sơn cũng đều sản xuất trà ô long.

Hoa Kiều vùng Đông Nam Á rất thích loại trà ô long, họ có nhiều tiền nên trả giá rất cao, thường là hàng chục USD cho một kilogam. Các công ty chè Việt Nam xuất khẩu trà ô long bán được 6 – 10 USD/kg, cao giá hơn trà đen và trà xanh (lục) khác. Một vài quán trà ở bắc nam đều có bán loại trà ô long đắt tiền này cho khách hàng sành điệu giàu sang.

Đặc trưng nổi bật của Trà Ô long là hương mùi hoa tươi rất thơm và bền, vị nồng hậu, nước xanh hoặc xanh vàng, bã xanh.

Nguyên liệu sản xuất Trà Ô long phải là búp chè của các giống chè Đài Loan như Kim Tuyên, Ngọc Thúy, Thanh Tâm, Tứ Quý Xuân… vỉ chỉ chúng mới có hương thơm đặc biệt. Búp chè hái xong được bỏ vào túi để héo một thời gian, dù chưa chế biến đã dậy mùi thơm.

Theo các tác giả Ngô Hữu Hợp và Vũ Hữu Hào, Trà đỏ (ô long đỏ) có đặc điểm công nghệ là làm héo (phơi héo, tãi héo hay gia nhiệt) trước khi diệt men. Lên men và làm héo kết hợp liên tục với quá trình chế biến nhiệt tạo nên đặc trưng của trà ô long. Quy trình công nghệ gồm các công đoạn:

Làm héo -> Làm xanh -> Sao thanh -> Vò sấy -> Sơ chế -> Tinh chế -> Trà thành phẩm

Lá chè làm héo được 2 - 3 giờ, thì đưa đi lắc bằng thủ công (xoay sàng cho chè dập một phần) hoặc quay hương trong lồng tre, rồi đảo trộn rải đều lại hoặc cho chè héo sang sàng ở thùng quay kiểu lưới. Sau đó trả lại sàng héo, tiếp tục làm héo. Kết thúc quá trình làm héo và lên men kết hợp, tổng thời gian của quá trình này không ít hơn 12 giờ. Sau đó đưa chè đi diệt men.

Diệt men giống như trong sản xuất trà vàng. Vò chè mục đích và yêu cầu giống như trong sản xuất trà vàng, nhưng không vò nóng. Vò chè quấn trrong vải – bó quả - cho thành viên chè tròn đặc biệt không có ở các loại trà xanh khác.

Từ sấy sơ bộ đến kết thúc giai đoạn ủ nóng cuối cùng, thực chất là quá trình chế biến nhiệt phối hợp với làm khô chè từng đợt. Nhờ quá trình này mà tăng cường mầu nước của trà, chuyển hoá vị trà và nhất là làm tăng hương thơm đặc trưng của trà ô long.

Cách pha uống trà ô long tại Trung Quốc rất cầu kỳ. Trong uống trà có ngụ ý đánh giá phẩm chất trà, đặc điểm là dùng nhiều trà, nước sôi ít, độ nóng cao, nước trà đặc. Thời gian pha ngắn, pha nhiều lần hương vị vẫn thơm ngon.

Trà cụ phải đồng bộ, xinh đẹp, lung linh, được gọi là tứ bảo:

Ngọc thư ôi, ấm dùng để đun nước sôi;
Bếp đun Triều Sán (Triều Châu, Quảng Đông), bằng đất sét;
Mạnh thần quán, ấm trà nhỏ đất sét tím (tử sa);
Nham thâm âu, chén trà nhỏ (hạt mít);

Để uống trà ô long, trước tiên dùng ấm ngọc thư ôi để đun nước sôi, sau khi nước sôi, dùng nước sôi tráng rửa ấm Mạnh thần quán và chén Nham thâm âu cho thật nóng. Sau đó bỏ trà ô long vào ấm, lượng trà chiếm khoảng 6-7 phần 10 ấm, rót ước sôi đầy ấm, dùng nắp gạt hết các bọt sủi bên trên rồi đậy lại, lại dùng nước sôi tưới lên nắp để giữ nhiệt độ cao cho nước trà trong ấm. Trước khi uống lại tráng chén hạt mít Nham thâm âu cho thật nóng. sau khi hãm trà chừng một phút, rót nước trà trong ấm vào chén, thường một ấm trà rót cho bốn chén hạt mít. Lần dầu rót nửa chén sau đó lần lượt rót tiếp cho đầy, bảo đảm độ đậm đà của các chén trà đều nhau.

Khi thưởng thức, trước tiên ngửi hương thơm trong chén, ngắm nhìn mầu sắc nước, rồi thong thả nhấp từng ngụm để hưởng thụ đầy đủ cái thú của uống trà ô long. Sau khi uông, hương lưu trong miệng, vị còn giữ mãi. Uống hết một chén, pha tiếp chén thứ hai, pha đến 3-4 lần hương vị vẫn còn.

Bây giờ ta nên nói về Trà Xanh.

3) Trà Xanh hay nói bằng tiếng Tàu là Thanh Trà hay (lục Trà).

Loại này thì không có ủ gì hết, nghĩa là 0% oxidation. Danh tiếng nhất của loại thanh trà là Long Tĩnh (Dragon Well / Giếng Rồng). Trà xanh ở Việt Nam có Trà Móc Câu cũng rất ư là độc đáo, như Trà Thái Nguyên bán ở phố Hàng Điếu cũng rất ư là ngon nếu pha cho đúng cách.

Trà xanh có nhiều loại, gồm:

Thứ nhất là Trà lục sao suốt, loại này lại được chia ra trà cúc (gun powder), cánh chè tròn như thuốc súng hay cúc áo; trà my (mee tea) cánh trà như lông my, hay là móc câu của trà thái ở Việt nam, chia nhỏ nữa thành đặc trân, chân my (chun mee), tú my (sow mee) của Trung Quốc.

Thứ hai là Trà xanh sấy khô bằng hơi nóng.

Thứ ba là Trà xanh phơi nắng, sấy khô bằng phơi nắng

Thứ tư là Trà xanh hấp, dùng hơi nước (chè Nhật), hay hơi nước nóng (Liên Xô cũ), hay chần (nhúng vào nước sôi) để diệt men.

Cuối cùng là Trà lục danh trà gồm Tây hồ Long tỉnh, Hoàng sơn Mao phong, Lư sơn Tuyết lộ, Quân sơn Ngân trâm, Đỗng đình hồ Bích Loa xuân, Lục an Qua phiến, Vũ hoa trà...

Công nghệ trà xanh không sử dụng men (enzim) để sản xuất trà xanh. Ngay từ giai đoạn chế biến đầu tiên, tiến hành diệt men có trong nguyên liệu, để các biến đổi hoá học không xẩy ra dưới tác dụng của men; còn sự chuyển hoá các chất vẫn phải thực hiện bằng 2 yếu tố nhiệt - ẩm, thì sản phẩm thu được sẽ là trà xanh.

Sơ đồ dây chuyền sản xuất trà xanh bao gồm các công đoạn: Nguyên liệu -> Diệt men -> Vò (tạo hình và làm dập tế bào) ->Làm khô-> Phân loại -> Bảo quản.

Như vậy, muốn có trà xanh chất lượng cao, phải diệt men triệt để và phải tăng cường chế biến nhiệt.

Chắc có quý vị tưởng tôi quên không đề cập đến trà lài, trà ướp sen hay ướp soái? Tôi không nói đến các loại này, vì cũng như đang nói về đàn bà con gái mà lại tản mạn viết chung với các loại nước hoa các nàng xức thì viết bao nhiêu cho hết. Vả lại tôi quan niệm trà cũng như đàn bà, tự mỗi loại đã có mùi hương tự nhiên riêng rồi, nay mình bàn về trà thì không bàn về nước hoa mà người đời cứ bắt trà phải xức, phải gánh chịu, làm cho mùi hương tự nhiên của trà phải phôi pha nhường bước cho mấy mùi nồng nặc dễ ghét của mấy mụ hoa phát ra, như vàng thau lẫn lộn, cho dù là hoa gì đi chăng nữa (đấy là trà nói), tội nghiệp cho Em trà.

Muốn uống trà thì ngoài vật liệu chính là trà ra, ta cần phải để ý đến vật liệu chính thứ hai nữa, đó là nước. Ngày xưa mấy cụ Tàu rồi mấy cụ ta hay bàn nhiều về nước dùng để pha trà. Như là phải dùng nước suối ở trên núi từ nguồn, thứ đến là nước sông, mà cũng phải chọn thượng nguồn hay nơi không có nước chảy mạnh quá (e ... nước nó mệt !), đối đế mới dùng nước giếng. Có người lại còn lấy sương đọng trên lá sen mới cho là ngon để pha trà. Ôi thì nghe là nghe vậy thôi, để đọc cho vui chứ uống trà mà nhiêu khê kiểu đó thì chắc mình chẳng có thì giờ hoặc đủ kiên nhẫn, đó là chưa nói đến không có phương tiện để uống trà.

Ủa, bộ như vậy thì ta không thưởng thức được trà sao? Đừng vội, hãy đọc tiếp phần sau đây, phần này là của riêng Em viết hầu mấy huynh mà không dính dáng gì đến các sách các vở kia, vì đây là kinh nghiệm mấy chục năm uống trà của Em. Đừng tưởng là Em năm nay mới vào đầu năm đít không (Tuổi con Heo) thì kinh nghiệm được bao nhiêu mà bày đặt chẳng kinh với nghiệm! Trí nhớ kéo tôi về thời xa xưa khi được đi theo sư phụ (là thân phụ tôi) vào tận … mua trà để biếu Ông Bà. Ngồi hầu trà nhiều ngày nhiều tháng vào trước rạng đông và cũng tại bản tính tò mò - hay thích đủ thứ - tôi đã nếm mùi trà Tàu cũng như tiếp thu được cách nấu nước ra sao, tráng trà ra răng, pha trà khi nào thì ngon, nước thứ mấy thì chỉ nên dùng để súc miệng cho sạch,… Rồi khi lớn lên cũng như được may mắn có nhiều phương tiện, tôi có dịp đào sâu thêm vốn liếng sẵn có để thưởng thức trà.

Muốn chơi Tennis chẳng hạn, ít ra mình cũng phải sắm một cây vợt cho vừa tay, rồi sau đó thì sắm thêm giầy Tennis (chưa có tiền thì dùng giày nào cũng tạm được cả), áo Tennis, quần Tennis rồi thêm cái windbreaker màu trắng cho đẹp, diện cho đỏm đang một chút, rồi vài thứ như mũ như wristband…

Cũng vậy, khi bắt đầu uống trà thì mình nên sắm một bộ đồ uống trà cơ bản trước rồi sau đó sẽ phụ thêm cho đủ với thiên hạ chứ không thì thiên hạ nói ỏm tỏi nghe nhức nhối lắm.

Bình trà: Cái bình nào cũng pha trà được cả. Bình lớn, bình bé, bình bằng sứ, bình bằng đất nung hay bình cà phê cũng OK. Này, này Chú, chú mày nói gì mà ba phải vậy? Dạ thưa anh, đó là nói theo kiểu nhà Phật, dùng phương tiện ẩn dụ --- tam thừa rồi nhất thừa để cho các bạn chưa vào "trường" trà thì vào cái đã, vào xong trong "trường" thì sẽ tính chuyện khác.

Nhưng nếu có thể mua một bình trà thì nên mua loại bằng đất nung thứ bằng đất sét Nghi Hưng (Yixing) màu gan gà, nên mua thứ làm ở Đài Loan và hỏi mua bình mua loại nhỏ vừa dùng cho "song ẩm" (Hai người uống: không lẽ uống một mình, mà không mời người bạn đời của mình chia sẻ sao ?). Ngoài ra còn có loại bình nhỏ nhất, tiếng Tàu gọi là bình "độc ẩm", còn bình lớn hơn nữa là bình "quần ẩm" dùng cho khoảng bốn hay năm người, quý bạn có mua thêm thì tốt thôi, vì có ngày sẽ dùng đến. Chắc có bạn sẽ hỏi vậy chứ nhiều người cùng uống thì dùng bình nào? Thật ra thì khi nào uống trà, ta chỉ uống hoặc một mình hoặc hai người hay đông nhất là uống chung với bốn năm người mà thôi. Rượu thì cho đông người, chứ trà thì chỉ nên giới hạn.

Chén: Chén uống trà thì nên dùng chén càng nhỏ càng hay, sẽ nói lý do sau, và cần có men trắng ở trong hầu có thể thưởng thức màu trà (đẹp lắm ôi những màu trà).

Nước: Hãy mua nước trong bình hay trong chai, chứ đừng dùng nước từ trong ống nước máy ở nhà. Cũng không cần mua nước suối làm gì cho đắt.

Trà: Bạn đang uống trà loại nào, hay đang có trong nhà trà gì thì cứ uống loại đó cái đã, vì mua nhiều thứ một lúc lỡ bị "ai đó" cằn nhằn lại mất vui, mà đã không vui thì uống cái gì cũng chẳng ngon cả. Nhớ là cách pha trà và nấu nước là quan trọng lắm lắm.

Tuy nhiên nếu quý bạn chưa có trà thì tôi xin đưa ra một vài loại để quý bạn mua.

Bạn thích trà xanh của Việt Nam thì có loại trà móc câu như là Trà Thái Nguyên, Bắc Thái hay trà của Tàu như Long Tỉnh tìm mua trong các tiệm bán trà chứ không mua ở tại Siêu thị. Trà Long Tinh hay Lung Ching thứ của Trung Hoa loại tốt khá đắt nhưng rất đáng đồng tiền bát gạo.

Trà Ô Long: ở Việt Nam có nhiều hãng lấy trà ở Blao để chế như hiệu trà Tâm Châu cũng khá ngon mà lại quá rẻ nếu đem đô la về mua. Còn của Tàu thì có nhiều, nhưng nếu quý vị thích leo thang lần lần lên thì nên theo một hãng trà đứng đắn, nghĩa là tiêu chuẩn của Hãng luôn luôn như nhau, không phải lúc ngon, lúc dở. Có Hãng Ten Ren (Thiên Nhân - nhân này là nhân ái chứ không phải nhân là người), ở đâu cũng có, và họ cũng bán tại các siêu thị nữa. Nếu quý vị thử loại có pha tí sâm Hoa Kỳ chung với trà thì có thể bắt đầu với loại King Serie 103. Uống cho hết gần môt hộp 103 (một hộp 300 gram) thì nên mua thứ cùng serie này, mắc hơn là số 913. Rồi leo thêm số 313 và cuối cùng trong serie này là 403. King Serie này cho ta nước trà màu hơi ửng xanh. Còn một loại tương tự nhưng cho màu trà màu hồng thẫm thì bắt đầu là 109, rồi 919, 319, và 409. Sau khi uống vài thứ đó thì quý vị sẽ biết là mình thích thứ nào rồi. Tôi biết rất nhiều người Việt Nam uống mấy loại này và rất thích.

Tuy nhiên tôi lại mong quý vị đừng ngừng tại serie này mà hãy thử vào trà không pha với sâm, cũng của hãng Ten Ren này: Trà Thiên Lũ, Thiên Vũ và Thiên Lê. Ngoài ra còn có trà Thiết Quan Âm bán đầy các chợ. Xin đề nghị là khi mua trà quý vị nên mua trà đắt tiền một chút, vì một hộp trà mình uống cả tháng mới hết. Do đó, khi sang Châu Âu và Mỹ, đừng thấy một hộp trà mấy chục đô rồi chê đắt, hãy nhớ là một tô phở cũng đã mấy đô rồi.

Còn trà Lipton hay loại Hồng trà khác của Mỹ hay của Anh thì quý vị nên lựa thứ đắt nhất mà mua. Tôi ít thích loại này nên không biết phải trình bày ra sao. Tôi thấy người ta lấy trà bỏ vào trong bao giấy (gọi là tea bag) rồi mới pha; làm như vậy tuy có tiện cho những người quá bận như đa số dân Mỹ, không biết quý vị nghĩ sao chứ uống như vậy có khác nào lấy giấy ngâm chung với trà? thấy nó sao sao ấy ! Riêng Hồng trà của Tàu thì có nhiều loại bán trong các tiệm ở các phố Tàu. Quý vị cứ hỏi họ, sẽ mua được thứ vừa ý.

Còn môt loại trà gọi là bạch trà. Loại này có nhiều lông măng, cũng uống là lạ, nhưng đó là những loại mà sau khi đã thích thì tự tìm lấy như một hobby. Về trà xanh của Nhật bản, tôi có một anh bạn rất mê Nhật Bản, chắc kiếp trước anh là con cháu của Thái Dương Thần Nữ, cái gì của Nhật anh ta đều thích: đồ ăn sashimi, sushi,… (à à, mấy món này tôi cũng mê huống hồ là anh ta, mà lạ ghê đi, tôi chưa thấy có món ăn nào mà tôi chê hè !). Trong nhà anh chỉ toàn dùng đồ Nhật như áo quần trong nhà bằng Kinomo chẳng hạn, nghĩa là mê Nhật vô cùng. Nhưng sau chuyến du lịch một tháng, được mời thưởng thức ceremony (lễ) trà đạo, anh ta nói với tôi là "Thiệt là dở, chịu không nổi".

Trà Nhật chỉ là một loại trà xanh nghiền nát ra và khuấy với nước, do các thiền sư Nhật sang học ở Tàu hồi thế kỷ trước rồi về nước cứ như vậy mà dùng, lúc đó bên Tàu cũng uống trà xanh khuấy như vậy. Rồi có Thiền Sư hiệu Rikyu lập thành những quy tắc và kiểu cách để trở thành Trà Đạo. Ai muốn tìm tòi về Rikyu thì có thể mượn cuốn DVD Rikyu để xem cho biết từ nguyên thủy của Trà Đạo tại các tiệm cho thuê DVD Video. Nhưng xin báo là uống trà bột Nhật Bản DỞ chịu không nổi.

Cách pha trà: Nổi tiếng nhất là 10 chương Trà Kinh và 9 chữ trong cách uống trà Trung Quốc trong bài "Lục Vũ: Thần Trà Trung Quốc” của Jerry Love. Lục Vũ (728-804) tự Lục hồng Tiệm, một danh y thời Nhà Đường, là người huyện Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc. Thời niên thiếu ông ở trong một nhà chùa Phật giáo. Ông là người thực sự có tài, học hành chăm chỉ và được xã hội biết tiếng rất nhanh, nên sớm được bổ nhiệm dạy học Hoàng Thái tử. Sau lại được tiến cử vào làm việc cho Thượng thư Bộ Lễ, nhưng ông không nhận.

Lục Vũ từ chối con đường làm quan, ham học tập, nghiên cứu và giao dịch với giới trí thức, văn nhân. Ông rất yêu thích cây chè, nghiên cứu thực tiễn cây chè một cách bền bỉ không mệt mỏi, nên rất thành thạo về gieo trồng, chọn giống, chế biến và uống trà.

Lục Vũ sống cuộc đời ẩn dật của một nhà văn hoá ở Thiệu khê, Hồ châu, tỉnh Chiết giang. Năm 760, ông đã biên soạn cuốn “Trà kinh”, đây là cuốn chuyên khảo đầu tiên về chè trên thế giới. Cuốn sách được chia thành 10 mục :

(1) Nhất chi nguyên: nói về nguồn gốc cây chè, ảnh hưởng của các điều kiện thiên nhiên đến chất lượng chè, công dụng của chè đối với sinh lý con người.

(2) Nhị chi cụ: nói về 15 công cụ trồng chè, hái chè, chế biến chè.

(3) Tam chi tạo: nói tiêu chuẩn phẩm cấp búp chè đối với các loại trà thành phẩm khác nhau, yêu cầu của chế biến trà.

(4) Tứ chi khí: giới thiệu 25 dụng cụ pha (nấu) chè, uống chè.

(5) Ngũ chi chủ: bàn về pha (nấu) trà, nêu lên các tiêu chuẩn phẩm chất trà.

(6) Lục chi ẩm: nói về uống trà, phưong pháp pha trà, gồm 9 thao tác trong ẩm trà hay còn gọi là Cửu đạo trà.

(7) Thất chi sử: ghi chép các danh nhân yêu thích chè và các trà thoại về trà, lịch sử cây chè, đồng thời còn giới thiệu về công dụng chữa bệnh của chè.

(8) Bát chi xuất: nói về các vùng chè, phân bố các vùng chè Đời Nhà Đường, bình luận về chất lượng trà của các vùng.

(9) Cửu chi lược: nói về khả năng đơn giản hoá một số khâu trong chế biến trà, phân loại trà trong một số điều kiện đặc thù: tại các chùa ở những vùng sâu xa, trên núi cao.

(10) Thập chi đồ: nói về các tranh ảnh vẽ về trà treo lên tường hay bầy biện trong nhà, để khỏi bị lãng quên.

Cuốn “Trà kinh” là cuốn sách Bách khoa toàn thư về chè lâu đời nhất từ đời Nhà Đường và có ảnh hưởng sâu, rộng đến các đời sau này. Hiện nay, tại quê hương Lục Vũ, nhân dân đã xây dựng một nhà bảo tàng kỷ niệm Lục Vũ để ghi nhớ đến người đã có cống hiến lớn cho văn hoá và lịch sử chè Trung Quốc. Ngoài ra, người ta còn dựng một tượng đồng Lục Vũ đang ngồi uống chè tại quê hương Thiên Môn của ông.

Tượng Lục Vũ tại Thiên Môn

Lục Vũ cũng là người đầu tiên trên thế giới tổng kết cách uống trà trong cuốn Trà Kinh thành “cửu đạo trà”, làm cơ sở cho cách uống trà ngày nay, 9 chữ trong cách pha và uống trà cổ điển của Trung Hoa thời Lục Vũ (Nhà Đường) gồm: phẩm, ôn, đầu, trúng, mân, phục, chân, kính, ẩm, trong đó:

(1) Phẩm: đánh giá phẩm chất trà bằng ngoại hình trà khô.

(2) Ôn: dùng nước sôi rửa sạch sẽ ấm chén pha trà, để tăng nhiệt độ nhằm chiết xuất tối đa các thành phần hữu hiệu của trà.

(3) Đầu: bốc một lượng trà thích đáng vào trong ấm, không quá nhiều hay quá ít, căn cứ vào loại trà và sở thích của khách uông trà.

(4) Trúng: pha nước sôi ít một, không đổ đầy ngay cả ấm một lần.

(5) Mân: hãm nước sôi đậy nắp kín, để 1-2 phút cho cánh trà nở ra.

(6) Phục: lại tiếp tục pha nước sôi đầy ấm, để chiết xuất tối đa các thành phần hữu hiệu.

(7) Chân: rót nước trà trong ấm pha vào chén uống trà.

(8) Kính: dâng chén trà một cách kính cẩn mời khách uống.

(9) Ẩm: vừa uống vừa thưởng thức hương vị, vừa khen thơm ngon.

Tuy nhiên, đấy là kinh nghiệm của Lục Vũ, còn đối với tôi, kinh nghiệm lại đơn giản hơn nhiều. Trước hết, xin quý vị chú ý hướng dẫn các em tiếp tân tập nấu nước sôi. Các vị đừng cười và cho là tôi lẩm cẩm. Phải chú ý khi nấu nước, đừng để quá sôi, gọi là nước bị chai đi, cũng đừng lấy nước chưa sôi mà pha trà. Hãy chịu khó lắng nghe tiếng nước reo: khi nước bắt đầu reo cho đến lúc sôi thì nên nhìn vào bình nấu nước để rút kinh nghiệm, từ lúc nước sủi bọt lăn tăn như là mắt cá nhỏ cho đến khi bọt nước sôi lên bằng những con mắt cua là vừa, đừng để quá thành sôi ục ục thì không còn ngon khi pha trà. Quý vị phải thử nhiều lần mới biết rõ tại sao cũng cùng một thứ trà mà uống lúc ngon lúc không.

Khi đi mua nhà hay bán nhà, các nhà kinh doanh bất động sản thường lập đi lập lại rằng có ba điều cần thiết đó là: Vị trí, Vị trí, Vị trí. Vậy khi pha trà hay ăn uống cũng vậy, tôi xin lặp lại ba lần: Nhiệt độ, Nhiệt độ, Nhiệt độ.

Hãy lấy một thí dụ như ăn phở chẳng hạn: bạn sẽ ăn không ngon nữa nếu như bát phở không còn nóng, hay bạn thử ăn một miếng bít tết của một hãng nổi tiếng mà họ dọn ra sau khi đã để nguội, bạn thấy có còn ngon hay không? Hoặc bạn uống Chardonnay của một hãng rượu danh tiếng chẳng hạn mà không cho ngâm lạnh thì đâu có còn ngon nữa? Trà cũng vậy: bình trà nhỏ, chén trà nhỏ chẳng qua là để ta kiểm soát được độ nóng của trà từ lúc uống hớp đầu cho đến hớp cuối mà thôi. Giả sử chén trà khá lớn thì hớp đầu cho là vừa ngon đi thì chắc chắn hớp giữa hay hớp chót của chén sẽ nguội mất rồi.

Còn một điều khá khó mà nói cho được là phải dùng bao nhiêu trà khi pha? Điều này tùy theo từng loại trà. Điều tệ hại nhất là trà pha quá nhạt vì bỏ ít trà quá, vì nếu lỡ bỏ hơi nhiều trà quá cho một lần pha thì ta còn có thể đổ thêm nước vào tách trà để uống cũng tàm tạm. À, vậy thì để cho chắc ăn tôi sẽ bỏ nhiều trà chăng? Cũng uổng mất đi mùi hương trà vì khi bỏ thêm nước vào là đã làm mất cơ hội thưởng thức hương Em. Vậy thì các bạn hãy tự tìm cho mỗi loại trà một lượng riêng cho mỗi lần pha.

Nước đã có sắp sôi, trà đã có đúng lượng optimum rồi, chén và bình đã rửa sạch, mời bạn bắt đầu. Hãy cho xin nước sôi để đổ vào bình. Thong thả ngồi nhìn khói bốc lên từ làn nước. Bạn quên nhìn làn khói đó phải không ? Nhìn đi. Từ tốn rót nước sôi đó từ bình vào các chén nhỏ. Cho dù là độc ẩm, bạn cũng nên rót cho ba chén nhỏ. Để làm ấm chén trà, hãy đổ nước sôi vào quá ¾ bình. Lấy phần trà định uống bỏ vào bình. Nếu là trà Tàu Đài Loan mà thuộc loại ngon thì tôi ráng uống ngay nước đầu này (Hà tiện mau giàu).

Nhớ là đừng bỏ trà vào ấm trước nhé, bạn chế nước sôi vào trên đó thì một số lá trà sẽ bị cháy cho ta màu vàng úa thay vì có lá màu xanh. Bạn sẽ tự kiểm điều này. Còn nếu là trà không dùng máy sấy mà lại phơi ngoài hiên như trà Việt Nam thì bạn nên đổ nước đó ra, gọi là rửa trà, bạn sẽ thấy màu dơ của bụi. Kinh nghiệm sẽ chỉ cho bạn là phải rửa trà mấy lần mới sạch mới ngon tùy từng loại trà. Sau lần đầu này thì bạn nên đổ nước vào bình cho gần đầy rồi đậy nắp lại, xong mới đổ thêm lên trên nắp bình một ít nước để lấp kín cái lỗ thông hơi trên nắp bình trà hầu giữ được hương Em.

Bạn cũng nên có một cái phễu để lọc các cặn trà, nếu không thì trà có bụi nhìn trong chén mất sướng. Mua phễu lọc trà tại tiệm bán bình trà, loại rất nhỏ mới lọc được. Bạn hãy rót trà ra một bình khác để sau đó chia ra cho các chén - tôi không nói là cần hai bình cho giai đoạn này trong đoạn trên vì không nhất thiết phải có - hay có thể rót ngay vào trong chén (ngày xưa các cụ nói là rót ra chén tống rồi chia ra các chén quân). Mời bạn xơi. Bạn sẽ lần lượt tự tìm cho mình nhiệt độ nào vừa nóng cho từng loại nhé!. Hãy đừng quên là hương trà tản mát rất nhanh thành thử thưởng thức được hương Em phải chịu tìm. Không kiếm tìm thì sẽ không tìm thấy, nhiều khi kiếm còn không ra nữa là đàng khác. Một khi bắt được Em rồi thì mê lắm phải không ?

Một ghi chú là trà Tàu thứ ngon mới có được hương Em, chứ thứ thường thường thì chỉ được có vị, và có sắc mà thôi. Nhiều bạn quen uống trà thật đậm chát mới đã thì xin hãy cứ thưởng lãm, nhưng mà thêm một chút hương nữa thì có phải mê tơi không ? Hương Em mà ! Trà thường có thể pha từ ba đến bảy lần. Khi nào thấy hết hương thì xem như đã gần hết, nếu muốn uống thêm thì nên pha bình khác. Đừng hà tiện với Em, tội nghiệp trà Em, anh ơi!!

À, uống trà lúc nào thì thú vị nhất? Uống khi nào mình thấy sảng khoái trong người, hay nhất là lúc trời chưa sáng hay đang bình minh, hoặc lúc "trà dư tửu hậu" xong, chỉ còn vài ba người bạn còn nán lại, thong thả là những lúc nên đem trà ngon ra để cùng thưởng thức. Trong cuốn The Importance of Living, bạn sẽ đọc được có nhiều lý do để uống trà mà tôi không muốn chép ra đây sợ làm bạn mất dịp đọc nguyên bản, uổng đi.

Phụ Lục

1 nhận xét:

  1. Thật chi tiết cho những đồng chí nào mới bắt đầu uống trà. Cho mình thêm ý kiến tại đây mua tra o long o dau nhé. Thanks!

    Trả lờiXóa