Bài này hay, chủ yếu là tổng hợp các quan điểm của thế giới về cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay. Tôi không bao giờ dùng cụm từ "Nga xâm lược Ukraine" như trong bài này. Cuối bài TS Thọ đặt câu hỏi: "Nga xâm lược Ukraine đã làm Việt Nam bất ngờ, nhưng hiện trạng “đi dây” được duy trì bởi chính sách ngoại giao đa phương khó có thể thay đổi ‘một sớm một chiều’, nhưng đến khi nào?". Tôi luôn luôn cho rằng VN nên “đi dây” mãi mãi, thực chất là giữ vững độc lập, tự chủ và có quan điểm riêng. Nước nào làm đúng chúng ta khen, nước nào làm sai chúng ta chê. Theo quan điểm của tôi, VN là nước lớn với dân số hiện nay đã là 100 triệu người và sẽ còn tăng lên, nên chúng ta phải là một cây thông tự mình đứng thẳng, tự mình chống trời, chứ không nên dựa hoàn toàn vào một phe nào. Chúng ta chỉ hợp tác với họ dựa trên công lý, lẽ phải và luật pháp quốc tế. Khi đã chấp nhận dựa hoàn toàn vào một phe, thì 100 triệu dân chúng ta sẽ trở thành tên lính xung kích cho phe đó, như chúng ta đã theo phe XHCN để cả nước thành tiền đồn, thành chiến trường trong gần nửa thế kỷ (1945-1990). Đâylà bài học vô cùng đắt giá và nhớ mãi. Tuy nhiên, để tự mình đứng thẳng, tự mình chống trời, tự mình giữ gìn được độc lập, chủ quyền thì Đảng và Nhà nước phải dân chủ hóa đất nước, từ đó đoàn kết toàn dân, hợp lực xây dựng được một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh và một nền ngoại giao rộng mở.Putin thúc đẩy định hình thế giới lưỡng cực, Việt Nam “đi dây” đến khi nào?
TS. Phạm Quý Thọ 2022.03.15 - Thế giới lưỡng cực phương Tây và Nga – Trung sâu sắc thêm, nhưng Việt Nam không thể chọn phe vì tình thế chế độ ở “thế kẹt” đã hình thành bởi lịch sử ý thức hệ và địa chính trị.
Cuộc chiến tranh vẫn đang diễn ra rất khốc liệt ở Ukraine, tàn phá, chết chóc, thảm hoạ nhân đạo… Các nhà phân tích đưa ra các kịch bản thắng thua, kể cả cực đoan nhất, trước mắt về chiến sự và lâu dài về sự phát triển nhân loại.
Nhận định phổ biến nhất là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine làm sâu sắc thế giới lưỡng cực: phương Tây và Nga -Trung. Khác biệt với thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1947-1991, tiếng Anh: Cold War), trong đó sự căng thẳng địa chính trị và xung đột ý thức hệ đỉnh điểm giữa hai siêu cường (đứng đầu và đại diện hai khối đối lập): Hoa Kỳ (chủ nghĩa tư bản) và Liên Xô (chủ nghĩa xã hội), tính chất ý thức hệ đã ‘mờ đi’ bởi sự trỗi dậy hung hăng của hai cường quốc Nga (về sức mạnh quân sự) và Trung Quốc (ngoài vũ khí quân sự, đứng thứ hai thế giới về GDP).