Chính phủ cần cứng rắn với Vingroup
FB Nguyễn Trường Sơn 3-12-2022 - Ở Việt Nam, chắc hẳn ai cũng biết hãng xe Hyundai, hoặc chí ít là dòng xe Kia của hãng này. Nhưng chắc ít ai biết tập đoàn này khởi sự từ ngành xây dựng ở thập niên 1940, và phải đến năm 1968 thì Hyundai mới bắt đầu mon men sản xuất xe hơi, với việc cộng tác với Ford UK để mở dây chuyền lắp ráp ở Hàn Quốc.Bất chấp thị trường xe hơi thế giới bị các hãng của Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản thống trị, hãng xe của Hàn Quốc này vẫn chen chân vào được và trở thành một trong những hãng xe lớn nhất thế giới vào cuối thập niên 1990. Chưa đầy 30 năm kể từ khi bắt đầu tham gia sản xuất ôtô.
Ngày nay, ở nước ta thì Vingroup đang có tham vọng lặp lại kỳ tích mà các hãng xe ở Hàn Quốc và Nhật Bản đã tạo lập trước đó. Đó là trở thành một trong những hãng xe hơi thành công trên thế giới bất chấp xuất thân từ một nước đang phát triển, vốn tồn tại vô vàn bất lợi để gây dựng ngành sản xuất xe hơi. Từ thiếu vốn, thiếu nhân công chất lượng, không có nền tảng công nghệ, lẫn sự cạnh tranh khắc nghiệt mà các hãng nước ngoài tạo ra.
Cũng giống như người dân ở các nước Đông Á khác trước đây, tôi tin rằng nhiều người Việt Nam cũng đang hy vọng rằng một ngày nào đó nước ta cũng sẽ xuất hiện trên bản đồ của ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, để rũ bỏ hình ảnh của một nước kém phát triển, và làm chủ vận mệnh của mình. Cá nhân tôi cũng chia sẻ niềm hy vọng đó.
Trong một bữa tối với các bạn sinh viên Việt Nam đang du học ở Đài Loan mà tôi có cơ hội gặp gỡ, mà trong số đó có một bạn đến từ Đà Nẵng, hiện đang học công nghệ xe hơi ở một trường khá tốt của Đài Loan. Tôi có hỏi cậu rằng liệu học xong thì có về nước làm cho Vin không? Khá ngạc nhiên, câu trả lời mà cậu đáp lại là không. Lý do, theo cậu là Vin không nghiêm túc làm xe hơi.
Sau khoảng hai ly shochu nữa thì cậu giãi bày rằng sở dĩ cậu nghĩ Vin không nghiêm túc làm xe hơi đó là vì quyết định từ bỏ xe xăng của tập đoàn này. Theo cậu, xe hơi là ngành đòi hỏi rất nhiều thời gian, vốn, và công sức để làm chủ công nghệ. Mà nếu không tự chủ được công nghệ thì không thể tồn tại. Thời gian mà Vin bỏ ra để sản xuất xe xăng là không đủ để thực sự trở nên thành thục. Bằng chứng là trong số 14 linh kiện mà Vin tuyên bố là có thể tự sản xuất, thì tất cả đều là các bộ phận có giá trị thấp. Chưa kể đến việc các mẫu xe xăng của Vin hoàn toàn là được nhập dây chuyền sản xuất, lẫn thiết kế, và cả phụ tùng từ nước ngoài.
Có thể cậu sinh viên ấy quá bi quan nên sinh ra ngờ vực. Ngoài ra thì Vin cũng đã thông báo rõ, rằng họ muốn tập trung làm xe điện, tức là hướng đến tương lai. Một chiến lược có vẻ rất hợp lý ở thời điểm này, bởi xu hướng của thế giới đang là dần dần từ bỏ xe xăng để chuyển sang xe điện. Thực ra thì cho dù là xe xăng hay xe điện, thì để một hãng xe có thể thành công, công thức không hề có sự khác biệt. Nó đều xoay quanh việc phải nghiêm túc đầu tư bài bản để làm chủ công nghệ, và lấy chất lượng sản phẩm và dịch vụ làm đầu để chiếm lĩnh thị phần.
Nền công nghiệp xe hơi của Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn sơ sinh (thuật nghĩa tiếng Anh là infant industry). Ở giai đoạn này thì các hãng cần sự trợ giúp rất lớn từ nhà nước để tồn tại và cạnh tranh. Điều này đúng ở bất cứ quốc gia nào đã từng trải qua quá trình công nghiệp hoá. Từ Anh Quốc, Hoa Kỳ, cho đến sau này là Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc. Bóng dáng của nhà nước luôn rõ ràng ở giai đoạn sơ khởi của tiến trình xây dựng các ngành công nghiệp. Việt Nam hiện nay cũng không ngoại lệ. Và đây cũng là điểm mà tôi thấy chưa hài lòng nhất.
Trở lại câu chuyện của Hyundai. Tập đoàn này được chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ hết mình trong giai đoạn đầu. Từ hỗ trợ vốn cho đến bảo hộ quyết liệt (cấm nhập khẩu ôtô ngoại) để các hãng trong nước có điều kiện tốt nhất có thể để phát triển. Ở Việt Nam ngày nay, Vingroup cũng đang được nhà nước ưu đãi rất nhiều. Làm gì có tập đoàn nào mà muốn mảnh đất nào là có mảnh đất đó như Vingroup? Nhà nước cũng đang áp thuế và phí rất cao lên xe hơi nhập khẩu (kể cả xe xăng lẫn xe điện) để khiến xe ngoại trở nên đắt hơn, giúp cho xe của Vin có lợi thế về giá cả.
Nhưng chính phủ Hàn Quốc không chỉ biết cắm đầu vào giúp Hyundai, đáp ứng họ mọi thứ. Trên thực tế thì chỉ năm năm sau khi chân ướt chân ráo bước vào ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, tập đoàn này đã bị chính phủ của tổng thống Park Chung-hee đe dọa rút giấy phép hoạt động nếu không chịu nội địa hoá các sản phẩm. Tức là phải tăng cường nội địa hoá các khâu trong quá trình sản xuất. Từ thiết kế đến sản xuất các phụ tùng quan trọng, đặc biệt là động cơ. Hứng chịu áp lực rất lớn từ chính phủ, đến năm 1991 thì Hyundai đã tự thiết kế được động cơ, bộ phận quan trọng nhất và cũng đắt nhất của chiếc xe hơi.
Qua quan sát thì có thể thấy chính phủ Việt Nam chưa đủ rắn với Vingroup, như cách mà chính phủ Hàn Quốc đã cứng rắn với Hyundai. Vingroup đã nhận quá nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ nhà nước, nhưng áp lực mà tập đoàn này phải chịu thì lại không tương xứng. Trên thực tế, có dấu hiệu cho thấy nhà nước đang o bế tập đoàn này, và biến họ trở thành đứa con ngỗ ngược.
Nếu nói điều quan trọng nhất để một hãng xe thành công đó là chứng minh được chất lượng sản phẩm, và cung cấp dịch vụ thượng hạng cho khách hàng. Thì Vingroup chưa làm được điều đó. Ngược lại, cách Vin đối xử với những lời phàn nàn của khách hàng còn cho thấy hãng này không hứng thú với việc lấy lòng người mua. Đơn cử như hàng loạt vụ đe doạ, xúi công an nạt nộ, doạ kiện, và thậm chí là hành hùng khách hàng khi họ nói ra điều chưa ổn về các sản phẩm của Vingroup (trong đó có xe hơi và bất động sản). Đấy là chưa kể đến việc hễ cứ có vụ lùm xùm nào là y rằng báo chí, mạng xã hội được huy động triệt để để dìm dư luận.
Đáng nhẽ ra Vingroup phải là phía đứng mũi chịu sào. Không những phải hứng chịu chỉ trích và góp ý của khách hàng, mà còn phải chịu áp lực khủng khiếp từ nhà nước. Vì nếu không có áp lực, không có chỉ trích và góp ý, thì không doanh nghiệp nào có thể phát triển được. Hyundai, SAMSUNG, HONDA, và vô số các doanh nghiệp lớn khác ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không thể có ngày hôm nay nếu chính phủ nước họ và người tiêu dùng nước họ không gây áp lực ở giai đoạn sơ khởi. Trên thực tế thì đã có không ít công ty ở Hàn Quốc và Nhật Bản bị nhà nước triệt hạ vì không đáp ứng được yêu cầu cải tiến sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Vì nguồn lực của quốc gia thì có hạn. Một chính phủ thông minh thì nên biết đầu tư vào doanh nghiệp nào nghiêm túc và có năng lực. Nhưng chỉ dựa vào sự thạo việc của lãnh đạo doanh nghiệp và uỷ thác mọi sự cho họ không thì chưa đủ. Nhà nước phải đóng vai trò ông kẹ, tức là phải luôn luôn giám sát, canh chừng, và đưa ra yêu cầu để thúc doanh nghiệp phải phát triển không ngừng. Đó là công thức để Nhật Bản, Hàn Quốc, lẫn Đài Loan phát triển.
Chính phủ Việt Nam cần phải cứng rắn hơn nữa với Vingroup và bất cứ doanh nghiệp nào đang hưởng ưu đãi. Nhận ưu đãi từ nhà nước phải là một sự ràng buộc chứ không phải là đặc quyền. Vì nếu không thì mọi nguồn lực của quốc gia sẽ bị đổ xuống sông xuống biển. Các doanh nghiệp nhận hết ưu đãi này, lợi ích khác nhưng sau cùng lại không làm được gì để nền công nghiệp đất nước đi lên. Thì đó là sự bất công rất lớn đối với toàn thể nhân dân.
Bởi vì mỗi một sự ưu ái mà nhà nước ban cho một doanh nghiệp, thì sẽ có một bộ phận dân chúng chịu thiệt. Đơn cử, người Việt Nam hiện đang phải trả nhiều tiền hơn để mua xe nhập ngoại, với mục đích tạo ra ưu thế cho doanh nghiệp trong nước. Ấy thế mà doanh nghiệp nội lại không coi người tiêu dùng nước mình ra gì. Và tệ hơn là đem con bỏ chợ thì không thể chấp nhận được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét