Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

Thư Sài Gòn: Thẻ xanh, thẻ vàng, vùng xanh, vùng đỏ

Sài Gòn quy định người mang thẻ xanh bị chia thành 2 nhóm: nhóm dưới 65 tuổi được nhiều quyền đi lại nhất (được tham gia hoạt động cả ngoài trời lẫn trong nhà), còn nhóm trên 65 tuổi chỉ được phép tham gia các hoạt động ngoài trời. Tôi thường bơi cùng các bác lãnh đạo đã nghỉ hưu tại bể bơi Ba Đình; đây là bể bơi 4 mùa trong nhà. Nếu Hà Nội cũng áp dụng theo cách làm của Sài Gòn thì tôi dưới 65 tuổi sẽ vẫn được bơi, còn hầu hết các bác khác sẽ phải nhịn mà thèm. Mong các bác dũng cảm lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình.
Thư Sài Gòn: Thẻ xanh, thẻ vàng, vùng xanh, vùng đỏ

Song May - Cha của tôi 90 tuổi sống ở ngoại ô Sài Gòn chỉ mong phong tỏa bị dỡ bỏ để ông đi cắt tóc. Bình thường một tháng ông đi cắt tóc một lần, giờ tóc dài sinh ra ngứa ngáy mà ông không biết phải làm sao.
Thư Sài Gòn: Thẻ xanh, thẻ vàng, vùng xanh, vùng đỏ - BBC News Tiếng Việt
Cách nay hơn hai tuần ông nhận được giấy của xã mời đi chích ngừa vaccine phòng Covid-19 ở một điểm trường học khá xa nhà. Ông không thể tự đi đâu một mình vì mắt kèm nhèm, tai nghễnh ngãng. Cô em gái ở chung nhà với cha chỉ biết đi xe đạp, kêu xe công nghệ đi cùng ông như lúc trước thì dịch vụ này hiện không hoạt động.

Khi xem tin tức trên ti vi tối 10/9 nói về điều kiện ra đường sau ngày 15/9 là phải có thẻ xanh (chích ngừa đủ 2 mũi hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng) và thẻ vàng (chích ngừa 1 mũi), ông hỏi tôi: "Sau ngày 15/9, ba chưa được chích ngừa thì không ra ngoài cắt tóc được à?"

Tôi không biết trả lời sao.

Nhiều cảnh sinh hoạt đời thường tại TP Hồ Chí Minh và những nơi khác trên thế giới đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19

Thẻ xanh, thẻ vàng

Em gái tôi không muốn đi chích ngừa vì cơ địa dễ bị dị ứng, và như vậy, theo 'thể lệ mới', em tôi sẽ không có thẻ xanh hay thẻ vàng để được phép ra đường, một quy định có thể kéo dài đến giữa tháng 1 năm sau.

Hơn 1 tháng trước, ông anh tôi ra điểm chích ngừa của xã thì bác sĩ quyết định cho về, nói chờ lên bệnh viện chích vì cơ địa của anh tôi cũng bị dị ứng. Anh tôi chờ đến nay cũng chả thấy bệnh viện huyện kê. Như vậy nghĩa là anh cũng sẽ thuộc diện không được ra đường.

Nhu cầu được ra đường của dân Sài Gòn sau 65 ngày "ai ở đâu thì ở đó" dâng cao đến mức "quyền lợi" của "thẻ xanh, thẻ vàng" đã đẩy nhiều người dân chấp nhận chích vaccineTrung Quốc, thứ mà họ ghét.

Tháng trước, tôi và vài người bạn khác chích mũi 1 Moderna, giờ đến thời gian phải chích mũi 2 mà bệnh viện trả lời hết thuốc, khuyên nếu không muốn chờ thì phải tự nguyện chích loại khác.

Mũi 2 của tôi bị "treo" không biết đến bao giờ, nên giờ tôi chỉ là dân thẻ vàng, bị hạn chế nhiều hoạt động so với người mang thẻ xanh. Nếu chẳng may vùng tôi đang ở sau 15/9 không phải là vùng xanh, phải tiếp tục áp dụng chỉ thị 16, thì tôi vẫn không có quyền tự đi chợ.

Người mang thẻ xanh lại bị chia thành 2 nhóm: nhóm dưới 65 tuổi được nhiều quyền đi lại nhất (ngoài trời lẫn trong nhà), còn nhóm trên 65 tuổi chỉ được phép tham gia các hoạt động ngoài trời.

Gạo, rau và gói hỗ trợ từ phường

Hôm 11/9, một tờ báo đăng tin có 67% người Việt Nam căng thẳng về tài chính, trích từ "Báo cáo sức khỏe ngành tài chính và ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương" của Backbase, nhà cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho các ngân hàng, ủy quyền cho Forrester Consulting thực hiện hồi tháng 2 đến tháng 3/2021.

Nếu cuộc khảo sát diễn ra vào thời điểm hiện nay, tôi tin rằng con số người Việt Nam căng thẳng về tài chính sẽ vượt xa con số 67%.

Tuần qua, lần đầu tiên phường chỗ tôi cho mỗi nhà một bịch gạo 15 ký và ít rau củ. Nhà của bạn tôi ở quận 5, quận 1 cũng được phường cho gạo và rau củ. Gạo còn ăn tạm, riêng rau củ thì thảm quá, kiểu các mạnh thường quân cho gì thì phát nấy.

Hôm nay, bà tổ trưởng đưa giấy đăng ký đến từng nhà và bảo ai không có lương trong mùa dịch thì ghi tên tuổi, số điện thoại, thẻ căn cước… vào để phường hỗ trợ, nhưng hỗ trợ cái gì hay có được xét duyệt không thì bà bảo không biết.

Vùng ngoại ô chỗ cha và anh tôi không nhận được bất kỳ thứ gì từ xã, ấp, kể cả rau và gạo. Năm ngoái mùa dịch cha tôi còn được nhận 1 triệu đồng, năm nay dịch nặng nề hơn, phong tỏa lâu hơn nhưng chưa thấy gì.

Trên mạng tuần qua ồn ào vụ dân phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, chỉ nhận 15 ký gạo mà phải ký nhận 1,5 triệu đồng, khiến bạn tôi cười: Gạo Bình Tân đắt nhất thế giới, 15 ký giá 1,5 triệu đồng! Một cô chủ quán cà phê ở quận Tân Bình còn đưa hình người em nhận 1,2 triệu đồng và một túi quà của mạnh thường quân không đáng 300 ngàn mà phải ký nhận 1,5 triệu đồng, hệt như tình cảnh của cháu tôi ở quận 6.

Cho phép quán bán mang đi nhưng không ai dám mở

Hôm 8/9, ông chủ tịch TP. HCM cho phép các quán ăn được phép mở bán mang đi nhưng với điều kiện: nhân viên và chủ quán thực hiện "3 tại chỗ" (ăn, ở, làm việc một chỗ), test Covid-19 một tuần 2 lần, chỉ bán nội quận/huyện và không bán trực tiếp cho khách mà bán qua các app giao hàng (qua shipper).

Cháu tôi bán đồ ăn vặt ở quận 6 than cho mở vậy cũng như không, vì chỉ có quán mở tại nhà, gia đình cùng nhau làm mới có thể "3 tại chỗ", chứ thuê nhà, thuê nhân công mà phải nuôi ăn ở, cộng thêm tiền xét nghiệm 2 lần một tuần thì bán chỉ có lỗ.

Đã 4 ngày trôi qua kể từ hôm được phép bán mang đi, quanh khu phố tôi ở chưa có quán phở, bún hay nhà hàng nào mở lại. Mà giả dụ họ có mở, mua 2 tô phở giá 80 ngàn phải chịu ít nhất 20 ngàn - 40 ngàn tiền ship, trong khoảng cách 500m-2.000m mà trước kia vẫn tự đi mua được, thì cũng đắt quá.

Trong cơn thèm phở, tôi bỗng thấy một quán phở ở quận 3 rao có thể ship liên quận, với điều kiện một đơn hàng trị giá ít nhất 130 ngàn, tôi bèn đặt thì được trả lời: "Tạm thời tụi em chỉ ship được quận giáp ranh quận 3 thôi, quận của chị chưa ship đến được."

Thôi thì chế biến ở nhà được cái gì thì ăn cái đó, không thì… nhịn tiếp.

Đặt mua thực phẩm trên mạng lúc nửa đêm

Sau khi bị công an tịch thu giấy đi chợ hộ vì lý do hết hiệu lực, bà tổ trưởng chỗ tôi không thể đi chợ dùm, mỗi nhà phải tự kiếm mối mua.

Ngoài rau và thực phẩm tươi sống có thể mua online trong quận, tôi đặt mua thêm đồ dùng gia đình ở tiệm tạp hóa gần nhà. Rủi thay, ông chủ hiện cự ngụ ở quận khác, tiệm tạp hóa chỉ là chỗ thuê. Sau vài ngày cố gắng mà không chạy được…. giấy đi đường, ông đành bảo tôi thử đặt hàng trên siêu thị.

Vào mạng đặt hàng tại hai siêu thị trong quận, buổi sáng sớm hay buổi trưa chỉ hiện dòng thông báo lạnh lùng: "Hiện tại đã đến ngưỡng giới hạn đơn hàng… xin tạm dừng nhận thêm đơn hàng mới…".

Tôi cố gắng vào siêu thị ở quận kề bên với quận mình, cách khoảng 3 cây số, thì có thể đặt hàng, tới lúc thanh toán bỗng hiện lên dòng chữ "Bạn không nằm trong phạm vi phục vụ!"

Cô bé hàng xóm bảo giờ muốn mua hàng siêu thị phải đặt hàng lúc nửa đêm, lúc 12 giờ đêm gần 1 giờ sáng của ngày hôm sau. Đơn đặt hàng tối thiểu là 500 ngàn, phí giao hàng 15 - 20 ngàn, giao hàng sau khoảng 2 ngày nhưng hàng hóa thường bị thiếu chứ không đủ.

Duy trì cái hệ thống siêu thị vốn chỉ đủ sức cung ứng 20-30% hàng hóa cho thị trường đã đẩy người dân vào tình trạng dở khóc dở cười: nhà có tiền không mua được đủ hàng như ý muốn, nhà ít tiền thì không thể đặt đơn hàng mức tối thiểu.

Hơn 2 tháng nay, khách hàng ở Sài Gòn phải tuân theo luật của người bán! Không chỉ giá đắt hơn bình thường từ 1 đến 2 lần, còn cộng thêm phí ship ít nhất cũng 20 ngàn mà phẩm chất của món hàng cũng biến đổi.

Nhớ lại, từ ngày Sài Gòn bị phong tỏa, lần mua hàng nào cũng khiến tôi thất vọng. Lúc thì mớ giá trong combo canh chua bị dập nát; lúc thì khổ qua già háp vàng khè, miếng thơm chín quá biến mùi biến màu khi đến tay; lúc thì mớ tôm biển giá 300 ngàn một ký, mua ở một nhà hàng hải sản nay thành nơi bán đồ tươi sống, bị bể vụn không còn nguyên hình thù trông rất kỳ dị…

Thế mà tình trạng mệt mỏi này lại có mối nguy kéo dài đến tận tháng 1 năm sau!

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-58536028

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét