Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Nghĩ về Nhân sĩ Trí thức Việt Nam thời nay

Nghĩ về Nhân sĩ Trí thức Việt Nam thời nay
Tôi vừa đăng bài "ĐÃ TỚI LÚC VIỆT NAM RẤT CẦN TRÍ THỨC VÌ NƯỚC, KHÔNG VÌ HƯ DANH" của Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, nhưng thiếu phần bình luận. Vì bình luận hơi dài nên tôi tách riêng ra thành bài này. Trước hết cần khẳng định tôi rất đồng ý với TS Nam về bài viết.
Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản cho biết 'LÀM ĐƯỢC GÌ CHO #NguyBienPhoBien #PhanBien #KienThucNe ĐÂT NƯỚC MÀ ĐỜI HỎI?'
Lý thuyết và thực tế trên thế giới đã chứng minh chỉ những người có học, có trình độ khoa học thực sự đồng thời không hề biết đến "trùm chăn", không chạy theo danh hão, theo quyền lực, luôn luôn nói thẳng, nói thật... mới có thể là những nhà Trí thức hay Nhân sĩ Trí thức (gọi tắt là Trí thức). Không phải cứ tốt nghiệp đại học, có bằng tiến sĩ, hay được dư luận đông đảo công nhận là nhà văn, là nghệ sĩ thì đã là trí thức. Người ta chỉ có thể trở thành một Trí thức bằng những hoạt động dấn thân vì lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân.

Đáng buồn thay ở VN, do nhà nước rất biết cách áp dụng những biện pháp "vừa trấn áp vừa vuốt ve", "cái gậy đi kèm củ cà rốt" nên đến nay đất nước ta đã xây dựng được một tầng lớp tạm gọi là trí thức, nhưng  chủ yếu là hèn nhát, háo danh và tham lam.

Đọc các công trình khoa học của họ, nghe họ thuyết trình các bài giảng về kinh tế, văn hóa, xã hội..., hay tư vấn cho các nhà lãnh đạo quốc gia, đa phần chúng ta thấy nếu không quá rõ ràng là ngu dốt, thiển cận, nịnh bợ... thì cũng chỉ là những lời lẽ khoa trương, minh họa cho quan điểm của các nhà chính trị, nhà quản lý và được ngụy trang bị bằng những kiến thức chắp vá, hổ lốn, lỗi thời ăn cắp của nhau.

Thực trạng chung là đa số những người có học của chúng ta đều hèn, đều biết phục tùng theo đúng tinh thần 'phò chính thống' của sĩ phu xưa nay. Phần lớn những người được coi là trí thức cũng mang nặng mặc cảm của việc học không đến nơi đến chốn, chán nản không muốn nghiên cứu khoa học, không có khả năng sáng tạo, và tự thấy xấu hổ khi so mình với trí thức phương Tây về cả tri thức lẫn dũng khí đều cách xa họ một trời một vực.

Trí thức của chúng ta vẫn mãi mãi giữ thân phận học trò, kiểu sĩ hoạn mơ ước được phò minh chủ, hanh thông trên đường hoạn lộ, chứ không bao giờ muốn hành động, muốn dấn thân, chưa nói tới ý chí vươn lên trở thành những nhà khoa học hay những nhà tư tưởng lỗi lạc tầm cỡ thế giới.

Hiện nay tầm ảnh hưởng của giới trí thức hay người có học ở nước ta đến xã hội và người dân không đáng kể. Họ không có được sự kính trọng từ các tầng lớp nhân dân, thậm chí nhiều người được gọi là nhân sĩ trí thức còn bị người dân khinh bỉ bởi những phát ngôn vô liêm sỉ, vô trách nhiệm và cả thói quen ném rác vào mặt nhau. 

Trong các hội nghị tổng kết hoạt động hàng năm của một số hiệp hội khoa học, nhiều bậc trí thức đã phát biểu người dân không ném rác vào mặt chúng ta dù chúng ta không làm được gì có ích cho người dân, nhưng chính chúng ta lại thường xuyên ném rác vào mặt đồng nghiệp của chúng ta. 

Tôi làm việc trong hai lĩnh vực kinh tế và toán học và tôi cũng đã từng nghe các bậc đàn anh tổng kết về 10 cuộc đại chiến tranh giành chức quyền và danh tiếng trong nội bộ giới kinh tế cũng như 10 cuộc đại chiến tranh giành chức quyền và danh tiếng trong nội bộ giới toán học. Đau xót lắm.

Chỉ có một số ít trí thức có thể vượt qua được cái vỏ ốc hèn nhát và trở thành các nhà khoa học, những trí thức lớn được người dân kính trọng. Phần lớn họ là những trí thức được đào tạo thời Pháp thuộc, một số được đào tạo thời Liên Xô thuộc. Họ là Tạ Quang Bửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc...

Tuy nhiên số người có học vị, có bằng cấp cao trở thành các nhà khoa học, những trí thức không nhiều. Đa số những người có học này sống cuộc đời an phận thủ thường như dân thường, không có đóng góp nhiều cho đất nước như người dân mong mỏi. Một số ít ngộ nhận trình độ của mình, trở nên kiêu ngạo tự mãn, coi mình như núi cao sông sâu, là lương tâm thời đại, là vô địch thiên hạ, toàn phát ngôn gây sốc. Những người này quả thật có dũng khí, có tài và dám làm, dám chịu nhưng buồn thay họ không không có tâm, có đức. Người có tài, dám làm mà không có đức ắt sẽ gây ra những hậu quả tai hại khôn lường không chỉ bản thân mà còn đến cộng đồng

Một điều hay được dư luận nói tới là đa phần các nhân sĩ trí thức của chúng ta đều phải đợi đến khi về hưu mới thu gom được dũng khí để lên tiếng bảo vệ chân lý, bảo vệ người dân yếu thế. Khi đó sức cũng đã tàn, lực cũng đã kiệt; hỏi còn làm được gì hữu ích đáng kể ? Vì thế chính quyền cũng không lo ngại gì với những ý kiến phản biện của những người này.

Cuối cùng phải khẳng định muốn xây dựng được một xã hội văn minh dân sự, một đất nước phát triển mạnh mẽ bằng sức sáng tạo, chúng ta sẽ phải cần có đội ngũ Trí thức đúng nghĩa.

Cũng phải khẳng định Trí thức vừa là người tạo ra các giá trị tư tưởng, vừa là người phê phán chúng; vừa là người ủng hộ chính quyền, vừa là người đối lập. Nhưng, bản chất của Trí thức là biết dấn thân cho những điều mình tin là đúng và chỉ nhằm phát triển lợi ích cộng đồng và phát triển đất nước, nên Trí thức thực thụ không bao giờ là mối nguy hiểm cho xã hội, không bao giờ là người phản bội tổ quốc. Do đó, lợi ích của Trí thức và lợi ích của Nhà nước là một. Trí thức không phải là nguyên nhân gây bất ổn xã hội, không phải là mối nguy hiểm cho chế độ. Vì thế rất cần Nhà nước quan tâm, ủng hộ vào tạo điều kiện cho tầng lớp trí thức Việt Nam sớm hình thành và ngày càng lớn mạnh. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét