Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Tôi là người Bình Định

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.
Trong các ngày liên hoan hội hè, không thiếu lãnh đạo cao nhất của tỉnh Bình Định đến dự và không bao giờ thiếu phần kêu gọi người Bình Định ở Sài Gòn “chung tay giúp đỡ quê hương Bình Định”. Vậy nhưng nay, khi dịch bệnh xảy ra, mất việc và thiếu đói cùng với nguy cơ bệnh tật chết chóc ập đến, người dân lao động lánh nạn về quê hương Bình Định, thì quê hương Bình Định đã làm gì? Quê hương quay lưng với họ! Quê hương từ chối họ! Lãnh đạo tỉnh Bình Định ra văn bản từ chối tiếp nhận họ! Khốn nạn. Thực ra đây là do tâm lý sợ trách nhiệm nếu để dịch bùng phát. Mà những người dốt và không có tâm mới hay sợ. Họ thường tìm cách dễ dàng nhất, an toàn nhất cho họ chứ không phải là cho dân, đó là đóng mẹ cái cửa lại cho chúng mày chết, chỉ tao là sống. Chính cái cơ chế, thể chế đã đẻ ra lũ vừa hèn vừa dốt.
TÔI LÀ NGƯỜI BÌNH ĐỊNH!
Dải đất miền Trung eo hẹp như chiếc đòn gánh tre chín dạn hai vai người mẹ lưng còng tóc bạc. Đất đai ít ỏi, sỏi đá khô cằn, chó ăn đá gà ăn muối, người Bình Định cũng như người của bao tỉnh miền Trung khác, phải ra đi kiếm sống tứ phương.
Người Bình Định, lưu lạc nơi đất khách quê người, làm cả vạn nghề, làm tất cả những công việc, từ thượng vàng đến hạ cám, miễn là trước mắt để sống được. Rồi sau đó, có một số người dần dần ngoi lên, thành công, làm rạng danh cho quê hương.

Nhưng để bám trụ được nơi đây, người dân xa quê thời kỳ đầu đến vùng đất này, sống lăn lộn gian khổ lắm. Công việc của tôi là viết báo, đi, nghe kể, nên biết được những câu chuyện bà con quê mình đi lập nghiệp, mồ hôi đổ lộn nước mắt thế nào. Kể một câu chuyện để hình dung: bà con xã tôi thời kỳ những năm 199x vô Sài Gòn nuôi heo. Che tạm cái trại lên, người và heo cùng ở chung. Mưa dột, ẩm ướt, nền đất, mái tranh. Tất cả vì tương lai con heo thân yêu, chỗ ướt người kê tấm ván nằm, dành chỗ khô ráo cho heo. Ngày giỗ cha, làm thịt 1 con gà để cúng, rồi mời bạn cùng nuôi heo đến “ăn giỗ”. Ngoài con gà ra, các món đãi ăn còn lại là các thứ thức ăn thừa giành của heo. Đó là thức ăn thừa lấy từ nhà hàng đem về cho heo, được lựa ra, đem lên mời nhau. Có thêm một món được mua, là chai rượu đế loại rẻ, màu nước đùng đục như nước dừa.

Rồi năm tháng qua đi, với sự bao dung chở che của vùng đất phương Nam này, với đức tính chịu khó lăn lộn miệt mài, rồi người Bình Định cũng sống được, rồi cũng có người làm nên sự nghiệp bằng chú bằng anh. Rồi Hội đồng hương Bình Định được thành lập, trong đó có những đại gia cộm cán như bà Tư Hường, ông Dũng “lò vôi”, ông Trung tập đoàn Hưng Thịnh... Mỗi năm, người Bình Định gửi về hỗ trợ quê hương hàng chục tỷ đồng, xây dựng trường học, trạm y tế, sửa sang đường sá cầu cống, giúp người nghèo, cứu trợ bão lụt, trao học bổng, chăm sóc chuyện học hành cho con em...

Những năm tháng người quê hương tôi ra đi lập nghiệp gian khổ không ai biết đến, nhưng khi thành công thì quê hương rất rộn ràng. Đầu năm âm lịch hàng năm, tức sau Tết, Hội đồng hương Bình Định tại Sài Gòn phối hợp với quê nhà, tổ chức “Ngày hội người Bình Định tại Sài Gòn”, to lắm, chơi hai ngày một đêm khi thì khu du lịch Văn Thánh, khi thì khu Bình Quới - Thanh Đa, khi thì khu du lịch hồ Kỳ Hoà. Vài trăm gian hàng bán đủ các thứ đặc sản quê hương, từ bánh canh Bồng Sơn đến bún chả cá Quy Nhơn, từ bánh cuốn Tây Sơn đến bún tôm Phù Mỹ. Lại có biểu diễn trống trận Tây Sơn, bài chòi Bình Định. Những bài quyền hoa mỹ “Ngũ môn phá trận” bằng roi, “Hùng kê quyền” của Đông Định Vương Nguyễn Lữ, đẹp mắt và đầy tự hào.

Và trong ngày hội đó, không thiếu lãnh đạo cao nhất của tỉnh Bình Định, khi thì Bí thư tinh, khi thì Chủ tịch tỉnh, khi cả hai, dẫn một lô xắc xông bộ sậu gồm các sở ban ngành, mặt trận đoàn thể. Trong cuộc gặp với Ban liên lạc hội đồng hương, nội dung nói chuyện không bao giờ thiếu phần kêu gọi người Bình Định ở Sài Gòn “chung tay giúp đỡ quê hương”.

Vậy nhưng nay, khi dịch bệnh xảy ra, mất việc và thiếu đói cùng với nguy cơ bệnh tật chết chóc ập đến, người dân lao động lánh nạn về quê hương, thì quê hương đã làm gì?

Quê hương quay lưng với họ! Quê hương từ chối họ! Lãnh đạo địa phương ra văn bản từ chối tiếp nhận họ!

Họ bám vào câu chữ “về quê tự phát” để bênh vực cho cái quyết định lạnh lùng vô cảm vô nhân. Chỉ xin hỏi: Lãnh đạo tỉnh Bình Định, các cơ quan sở ngành đoàn thể có tổ chức kênh nào sắp xếp cho dân về hay không? Vậy chính quyền không sắp xếp tổ chức cho họ về thì gọi việc họ tự đi là “tự phát” rồi không chấp nhận (tức là cấm), không cho họ tự đi về quê, có đúng không?

Được biết, tỉnh Bình Định đã tổ chức chuyến bay đón 743 người về quê, đó là “về có tổ chức”. Tôi không biết ai, người thuộc diện nào được đón về trên chuyến bay đó, nhưng dẫu sao cũng mừng cho họ. Nhưng ngoài 743 người được đưa về đó, thì những người còn lại không được đón, thì không được tự về quê sao?

Văn bản số 4643 do Chủ tịch Bình Định Nguyễn Phi Long ký, có đoạn: “Đề nghị công dân tỉnh Bình Định đang sinh sống, học tập, làm việc tại các địa phương khác tạm thời ở yên tại chỗ, cho đến khi tình hình dịch bệnh trên toàn quốc, một số tỉnh lân cận tỉnh nhà được khống chế, kiểm soát và tỉnh Bình Định hoàn thành việc chuẩn bị, bổ sung thêm các cơ sở vật chất, nhân lực để chủ động tiếp đón, cách ly, điều trị, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, thì tỉnh sẽ tiếp tục đón bà con trở về”. 

Hỡi ôi, đang trong dịch giã đồng bào mới bỏ chạy về quê trốn dịch trốn đói, mà chính quyền thì nói chờ cho dịch bệnh trên toàn quốc và các tỉnh lân cận tạm lắng và tỉnh nhà làm xong các cơ sở vật chất mới cho về quê, thì lúc đó dân quê ta xanh cỏ xứ người rồi!

Vậy hỏi các lãnh đạo Bình Định: Đến khi nào các thứ đó sẽ được hoàn thành, có mốc thời gian nào không? Chờ đến khi địa phương hoàn thành các thứ này thì ai gánh vác cho nỗi vật và vì thiếu đói, dịch bệnh cho người dân quê mình tại Sài Gòn? Lãnh đạo Bình Định có giúp người dân quê mình sống bình ổn và tránh được dịch không?

Người dân chạy xe máy gần ngàn cây số, về đến cửa ngõ tỉnh nhà bị chốt chặn lại không cho về nhà, thì biết đâm đầu vào đâu?

Đừng lấy cớ vì tỉnh thiếu cơ sở vật chất nên không cho dân về. Đó là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương chứ không phải trách nhiệm của người dân.

Chủ trương của lãnh đạo Bình Định cũng trái với công điện số 1063 của Thủ tướng chính phủ. Công điện số 1063 do Thủ tướng ký ngày 31/7 có đoạn chỉ đạo việc các địa phương phải tiếp đón, đón nhận người dân “tự phát” trở về quê: “Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh liên quan phải tổ chức tiếp đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân đi xe gắn máy), thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định...”

Và cuối cùng, ‘công dân Việt Nam có quyền đi lại, làm việc, sinh sống trên toàn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam’, là quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Việc tỉnh Bình Định ra văn bản dừng tiếp nhận công dân mình trở về quê (dù gọi là “tạm dừng”) là hành vi vi hiến.

Đặng Vỹ
*********************

PHƯƠNG XA
(Vũ Hoàng Chương)

Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng,
Xô về đông hay giạt tới phương đoài,
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng,
Lòng cô đơn cay đắng hoạ dần vơi.

Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa,
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.

Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt,
Treo buồm cao cùng hát tiếng hò khoan.
Gió đã nổi nhịp trăng chiều hiu hắt,
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét