THẾ HỆ MÌ ĂN LIỀN
Chị Vân đang kiên trì livestream để hướng dẫn cô con gái đang ở TP HCM cách làm món trứng rán. Cô con gái 30 tuổi giỏi giang của Vân đang làm chuyên viên cao cấp cho một công ty lớn ở TP HCM. Đã nhiều ngày rồi, Phương Anh làm việc online ngay tại căn hộ thuê, cách nơi làm việc ở Quận 1 hơn 4 kilomet. Món ăn duy nhất trong những ngày qua của Phương Anh là mì tôm – trứng.Tình huống giãn cách xã hội này không lường trước được, nhưng tầm quan trọng của nội trợ, mẹ Vân đã biết, nỗ lực hướng dẫn con, nhưng nó ngang ngạnh, không chịu nghe. Hơn thế, nó còn lý sự:
- Xã hội chuyên môn hóa rồi, những việc linh tinh ấy đã có người khác lo. Con làm việc mỗi ngày ra 2 triệu đồng, thuê người ta 200 nghìn đồng để được phục vụ từ nấu ăn đến giặt quần áo, từ lau nhà đến đi đổ rác, người ta còn sướng rơn lên ấy chứ?
- Mình vẫn phải biết việc con ạ. Chàng trai nào có thể yêu, kết hôn với một cô gái không biết nấu ăn chứ?
- Chuyện ấy xưa như trái đất rồi mẹ ơi! Giờ có tiền là có mọi dịch vụ, kể cả lau đít sau khi đi vệ sinh.
- Hức!
Thế nhưng cúm Tàu (Covid-19) ập tới bất ngờ đúng lúc người giúp việc xin về quê, không trở lại thành phố được. Mấy hôm giãn cách theo chỉ thị 15 còn mua được đồ ăn, từ hôm thành phố gián cách theo chỉ thị 16 rồi 16+ thì tắc tỵ luôn. shipper cũng giao hàng thất thường, rồi bị cấm nốt. Còn từ hôm nay, giới nghiêm ban đêm thì bài ca mì tôm được quay đi quay lại mãi không thôi.
Đống bát mì tôm của Phương Anh thải ra đã lù lù, chua loét ngay cạnh bàn làm việc. Căn hộ cô thuê đầy đủ tiện nghi, nhưng cái tủ lạnh chỉ có chức năng duy nhất là làm mát coca-cola, Phương Anh chưa đi siêu thị bao giờ. Hơn thế, cái lò vi sóng còn được dùng hâm sữa chứ cái bếp từ, bếp hồng ngoại cô cũng không biết cách dùng vì chưa hề động tới suốt nhiều năm qua.
Phương Anh cứ nghĩ khi cần, người giúp việc nhà sẽ hỗ trợ, đơn giản là chỉ cần mở Youtube ra là sẽ biết tất. Thế nhưng người giúp việc không tới được, bản thân chưa làm bao giờ, khiến món trứng rán của cô cháy thành than, phải gọi điện hỏi bố cách dùng bếp từ, bếp hồng ngoại, hỏi mẹ cách chế biến vài món dễ nhất.
Xưa, thời trước khi bà nội, bà ngoại của Phương Anh sinh ra ấy, khi nhận xét về một cô gái hay một nàng dâu tương lai, thì tiêu chuẩn “Công – Dung – Ngôn – Hạnh” được mang ra để chấm điểm. Thực ra, tiêu chuẩn khắt khe ấy vẫn rơi rớt đâu đó, chưa hết hẳn.
Nay, phức tạp hơn nhiều, nhưng nét dịu dàng nữ tính, sự đảm đang việc nhà vẫn được coi trọng. Còn đối với người nam thì sự giỏi giang, khoẻ mạnh, có ý chí và nghị lực luôn được đánh giá cao.
Có điều, xã hội đang vận hành ro ro thì bất cập không thể hiện ra. Thế nhưng đùng một cái, thành phố giãn cách theo chỉ thị 16 thì, thậm chí 16+ như TP HCM, giới nghiêm từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, thì đủ thứ bất cập mới toé loe ra, nhiều chuyện khôi hài, thật như bịa. Cô bé Phương Anh con nhà Vân là một điển hình.
Một tỷ lệ rất cao các nam thanh nữ tú lúng túng vì không biết lo bữa ăn như thế nào. Ngày thường trước kia, 99% số bữa là ở hàng quán, chỉ hoạ hoằn mới lỡ bữa thì ăn bánh mì hay mì tôm thôi, quá đơn giản. Giờ thì đương nhiên chỉ còn mì ăn liền triền miên.
Hoá ra, có cả một thế hệ mì ăn liền như vậy, thậm chí rất nhiều chàng trai, cô gái không hề biết nấu cơm, không biết lau nhà, quét nhà, thậm chí quần áo của chính mình không biết giặt, dù có máy giặt.
Rất đông, rất đông những người trẻ tuổi không có khả năng tự phục vụ, không có những kỹ năng sinh tồn tối thiểu, thật là buồn.
Một lỗ hổng giáo dục của xã hội, của gia đình, hay một sự méo mó trong nhận thức của từng cá nhân trong giới trẻ thời công nghệ 4.0?
Tác giả: Trương Thành Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét