Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

HẬU QUẢ CỦA PHONG TỎA VÀ GIÃN CÁCH XÃ HỘI

Bài dưới đây được viết cách đây gần 1 tháng nhưng nó vẫn còn nguyên giá trị thời sự nên tôi đăng lại.
HẬU QUẢ CỦA CHÍNH SÁCH PHONG TỎA VÀ GIÃN CÁCH XÃ HỘI
FB Mộc Trà • 15/07/21 Cái giá đau đớn của việc ‘ngăn sông cấm chợ’ chính là nỗi thống khổ của người dân mùa Covid. Bài học của các nước và thực tế VN đã chứng minh điều đó. Năm ngoái, Đại học Đan Mạch đã công bố kết quả của một nghiên cứu khoa học, trong đó so sánh các thành phố tự trị của Đan Mạch đã áp dụng lệnh giới nghiêm và những thành phố không bị phong tỏa. Kết luận: Các lệnh phong tỏa "có tác động hạn chế và không đáng kể về mặt thống kê trong việc hạn chế dịch bệnh".

Những người dân có hoàn cảnh khó khăn tới 
chợ 0 đồng nhận thực phẩm (Ảnh: tổng hợp)
Một nghiên cứu tương tự của Đại học Stanford đã so sánh 8 quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa và 2 quốc gia không áp dụng. Kết luận: "Chúng tôi không tìm thấy lợi ích thiết thực gì của các lệnh yêu cầu người dân ở tại nhà hoặc đóng cửa kinh doanh".

Tỷ lệ tự tử đã tăng chóng mặt trong năm qua do chính sách phong tỏa. Số ca tử vong do sa sút trí tuệ từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2020 đã tăng 13.000 do bệnh nhân không có đủ phương tiện giao tiếp xã hội. San Francisco báo cáo rằng số ca tử vong do sử dụng ma túy quá liều đã vượt quá số ca tử vong do COVID-19 vào năm 2020.

Theo Wall Street Journal, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã báo cáo số lượng người tử vong do các nguyên nhân không liên quan đến virus Vũ Hán cao gần gấp đôi so với những ca có liên quan. Nguyên nhân là gì? các vụ tự tử tăng vọt, tử vong do ma túy và rượu, giết người trong nước, tử vong liên quan đến cô lập, chậm khám sức khỏe, chậm điều trị sức khỏe và tử vong liên quan đến nghèo đói?

Đã có nhiều nghiên cứu khoa học đã đưa ra rất nhiều bằng chứng càng ngày càng rõ ràng, chứng minh rằng những biện pháp phong tỏa không những không cứu được mạng người mà ngược lại, còn khiến chúng ta phải trả giá bằng mạng sống của chính mình.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm người Canada, TS Ari Joffe, đã nói: “Hóa ra phí tổn của việc phong tỏa cao hơn ít nhất 10 lần so với lợi ích nó mang lại. Tức là, việc phong tỏa gây ra nhiều tác hại cho đời sống dân cư hơn những gì COVID-19 gây ra”.

Đó là bài học của thế giới, nhưng Việt Nam hiện nay, cụ thể là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, những thị trường lớn nhất cả nước, lại đang áp dụng hình thức phong tỏa “ngăn sông cấm chợ” này. Nên chăng, chúng ta cần xem xét lại cách thức chống dịch. Bởi vì, suy cho cùng, chống dịch là để bảo vệ người dân, nhất là chống tử vong, nhưng nếu chính cách chống dịch lại khiến người dân chết đói trước khi chết vì dịch bệnh thì khi bị đẩy đến đường cùng, sẽ rất khó lường trước các phản ứng của họ đối với chính quyền. Đừng để “Nỗi sợ hãi và lo lắng lan rộng, và chúng ta đã nâng COVID-19 lên trên mọi thứ khác cũng quan trọng không kém” (lời TS Joffe).


Thực trạng thành phố HCM

Chưa nói đến những trường hợp mưu sinh hàng ngày bằng lao động chân tay, dịch vụ đã mất sạch nguồn thu nhập do 'đóng cửa', các hộ gia đình còn khốn đốn vì thiếu lương thực, thực phẩm. Trong khi công tác logistic đang được triển khai rất tệ tại các vùng dịch thì một văn bản "phản cảm" về chỉ tiêu tối thiểu xử phạt dân bị tiết lộ tạo nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ của người dân. "Đóng cửa" có thật sự hiệu quả trong phòng chống Covid-19 như kỳ vọng?

1) Siêu thị… thời bao cấp

Ngồi trên vỉa hè, chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (quận Phú Nhuận) cho biết đã chạy tới 4-5 siêu thị, cửa hàng nhưng đều hẹn 5-6h sáng mai quay lại. Nhà cạn thực phẩm, nên chị đành ngồi đây chờ.

Vì đông khách, nên nhân viên cửa hàng này phát phiếu ghi số thứ tự, khi nào đến lượt mới gọi khách vào: "Mỗi người 10 phút, mua nhanh lên anh chị ơi, mua nhanh lên", nhân viên cửa hàng thường xuyên hối thúc.

Đứng trước cổng siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) vào giờ chiều, chỉ trong vòng 10 phút đã có hàng chục người tới, loay hoay rồi đành ra về vì siêu thị hết phát phiếu vào mua hàng trong ngày.

"10 ngày nay tôi chưa ra ngoài, bây giờ mới biết siêu thị có phát phiếu, sáng mai quay lại lấy phiếu mới mua được", chị Nga (35 tuổi) đứng bên ngoài, nói. Siêu thị Co.opmart này quy định khách hàng phải có phiếu và chỉ được mua trong 30 phút.

Ở cửa hàng Co.op Food trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), phía trước đặt hàng loạt rổ nhựa để chặn lại, không cho khách vào bên trong. Cửa hàng có ghi danh sách các loại thịt còn hàng. Khách muốn mua gì phải tự ghi vào phiếu, sau đó đặt vào trong rổ, nhân viên cửa hàng sẽ lấy giùm.

Ghi nhận tại nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh, Satra Food, Farmers’ Market tại các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh... nhiều khách cũng rồng rắn xếp hàng mua thực phẩm.

Một phần chợ Phú Nhuận bị phong toả gần đây. (Ảnh: Bạch Cúc)

Để tránh một số cá nhân gom hàng ra ngoài bán hưởng lợi, nhiều cửa hàng, siêu thị quy định mỗi khách hàng chỉ được mua 1 vỉ trứng, 2kg rau.

Những hình ảnh khiến người ta liên tưởng đến xếp hàng mậu dịch, tem phiếu thời bao cấp.

2) ‘Ngăn sông cấm chợ’ thời hiện đại

TP. Hồ Chí Minh hiện đã bị áp dụng chỉ thị 16 trên toàn thành phố. Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, ...giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Đây có thể coi như cuộc ngăn sông cấm chợ chưa từng có trong lịch sử kể từ khi Sài Gòn được hình thành. Nói “chưa từng có” vì vào thời kỳ ngăn sông cấm chợ 1975-1986, dù dân Sài Gòn chìm trong nghèo khó nhưng vẫn được phân phối một số hàng hoá, vẫn có “chợ đen” để sống nhúc nhích và một số nhà lãnh đạo có thể xé rào lo cho dân mà không bị ngồi tù.

Tất nhiên không ai nghi ngờ mục đích tốt đẹp là bảo vệ an toàn cho người dân chống lại dịch bệnh đang lây lan, nhưng trong nền kinh tế thị trường, có lẽ những người ra quyết định này đã không lường trước được khó khăn sẽ gặp phải, hay nói đơn giản, như một blogger nổi tiếng trên mạng xã hội nhận xét, cách làm này vẫn thuần tư duy kinh tế bao cấp, không bám sát và theo kịp sự vận hành của cơ chế thị trường.

Blogger này cho biết: “Sau 35 năm đổi mới, thị trường ở Sài Gòn vận hành trở lại gần bình thường như những năm 1960. Ngày nay người dân đã tự làm ăn sinh sống mà không cần sự can thiệp hoặc chỉ dẫn của nhà nước (nói “gần bình thường” vì vẫn còn 2 loại hàng hoá quan trọng phi thị trường là điện và xăng dầu).

Chính sự vận hành của thị trường tự do, tuy vẫn còn khập khiễng, đã biến một đất nước mà phần lớn người dân đói nghèo thành một đất nước phần lớn người dân no đủ và giàu có. Trong sự chuyển động đó, hễ nhà nước lùi xa thị trường một bước thì có thêm một bước no đủ và giàu có cho người dân”.

Đó là sự thật mà những người khởi xướng công cuộc đổi mới hiểu, nhưng các những người chỉ huy chống dịch ở TP.HCM khi áp dụng chỉ thị 16 trên toàn thành phố, không biết rằng họ có hiểu thấu đáo được thực trạng này hay ko?

Nghĩa là, hầu hết hàng hoá trên thị trường từ lâu đều là của tư nhân, nhà nước chỉ quản lý xăng dầu, điện và chi phối rất ít một số doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Vì thế, khi cấm chợ đầu mối, cấm chợ tự phát, thu hẹp chợ truyền thống, cấm bán hàng rong, áp dụng các biện pháp kiểm soát cực đoan làm ách tắc việc lưu thông nông sản thực phẩm vào thành phố, dồn hết người mua hàng vào siêu thị và những điểm do nhà nước chỉ định, thì Nhà nước có cái gì trong tay để bảo đảm hàng hoá không thiếu và không tăng giá?

Khi Việt Nam theo nền kinh tế thị trường, chịu sự điều tiết của sức mua và bán của thị trường thì liệu việc can thiệp, áp đặt bằng Chỉ thị 16 - vốn ko hợp lý trong thời buổi kinh tế hiện đại - có khiến tình hình ổn định được không? Hay nó sẽ có những tác động ngược lại? Liệu rằng việc người dân đổ xô đi mua tập trung một chỗ có thể dẫn tới lây nhiễm virus nhanh chóng hơn? Rồi việc ngăn sông cấm chợ bởi Chỉ thị 16 liệu sẽ dẫn đến đầu cơ tích trữ, đẩy các mặt hàng tăng giá không phanh hay không?....

Nếu vậy, khi áp dụng Chỉ thị 16, các quan chức dựa vào cơ sở gì ra tuyên bố rằng không thiếu hàng, hàng không tăng giá? Bộ Công thương dựa vào cơ sở nào khi liên tục ra công văn hoả tốc, yêu cầu địa phương, doanh nghiệp phải cung ứng đủ hàng?

Nhưng các công văn hỏa tốc lại cũng đồng thời quy định rằng các cơ sở kinh doanh chỉ được phép bán hàng "thiết yếu". Nhưng như thế nào là thiết yếu thì không có bất kỳ tiêu chí hướng dẫn nào. Một lãnh đạo chống dịch ở thành phố tuyên bố, cửa hàng tạp hoá “bán những mặt hàng thiết yếu thì được, ví dụ bán hiệu thuốc thì được nhưng nếu bán nồi niêu xoong chảo thì không” (theo báo Tuổi Trẻ).

Dân mạng hài hước bình luận: "Cái nồi không phải là vật dụng vĩnh cửu, chính quyền cũng không thể ra lệnh cho tất cả nồi niêu không được phép hỏng trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Nếu cái nồi bị hỏng mà cấm bán nồi thì lấy gì nấu?”

"Nếu không có nồi để nấu cơm, thì cái nồi có phải là hàng hóa thiết yếu không? Muốn biết nó có thiết yếu không, có thể người dân thử tịch thu hết nồi ở gia tư của cán bộ tuyên bố câu trên”.

ảnh Người dân TP. HCM đổ đi mua đồ tích trữ trước khi thành phố giãn cách xã hội từ ngày 31/5. (Ảnh: Trung tâm Y tế TP. HCM)

3) Giá cả leo thang

Không thiếu lương thực thực phẩm đã trở thành hiện tượng trên tivi, thực tế tình trạng thiếu lương thực thực phẩm đã thực sự diễn ra ở nhiều nơi. Người dân nhiều nơi ở Cần Thơ vẫn rất khó mua các loại thịt, cá; rau củ thiếu trầm trọng.

Bà Mười (ở phường An Cư, quận Ninh Kiều) cho hay nghe loa đài phát: "Bà con không nên mua hàng hóa, lương thực tích trữ, hàng hóa vẫn dồi dào...".

Bà nói bà tin tưởng không mua, "Vậy mà bữa nay ra chợ thì không ai bán, đi cửa hàng tiện lợi thì quầy thịt cá, rau củ trống trơn. Phường có phát phiếu đi siêu thị nhưng vô siêu thị lớn đông người nên tui sợ...".

Nhiều người dân ở các phường khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Chị Yến (ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) nói đi tìm mua rau xanh, đến các cửa hàng tiện ích thì không đâu có, nghe người quen chỉ tìm mua ở một vài chỗ dân bán tại nhà thì giá tăng khủng khiếp. Mua 1 trái bầu, trái bí, bó hẹ, 2 củ cà rốt mất 120.000 đồng.

Lý giải việc hàng hóa không kịp về siêu thị, cửa hàng tiện ích..., ông Trần Lê Bình - phó giám đốc Sở Công thương Cần Thơ - nói do tài xế nghỉ việc bất ngờ vì xét nghiệm COVID-19 nhiều lần, chịu không nổi.

Theo nhiều doanh nghiệp cung cấp trứng, ngoại trừ hàng bình ổn tăng nhẹ, hiện do nhu cầu tăng cao nên giá trứng được các nhà cung cấp bán ra tăng theo, và về các chợ, cửa hàng người bán đội thêm giá vì gánh thêm chi phí vận tải, làm giá nên có mức giá "trên trời".

4) Nỗi khổ ‘giấy thông hành’

Hiện nay, các tỉnh quanh TP. Hồ Chí Minh như Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, xa hơn là Khánh Hoà rồi Lâm Đồng, và xa hơn nữa là khả năng toàn quốc, họ đang xiết chặt lượng người Sài Gòn về các tỉnh đó bằng cách phải có giấy xét nghiệm âm tính (giấy thông hành).

Một số chủ doanh nghiệp đang kêu cứu vì quy định của thành phố Dĩ An, Bình Dương về phòng chống dịch Covid. Theo đó tất cả người lao động từ TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai muốn vào thành phố này phải có giấy xét nghiệm covid âm tính mới được vào. Và điều nghiệt ngã nhất là phải xét nghiệm 3 ngày một lần. Chủ một doanh nghiệp cho biết công ty anh có vài trăm lao động, mỗi lao động xét nghiệm mất 300 ngàn, như vậy mỗi lần phải mất gần 100 triệu. Đây là chi phí mà không một doanh nghiệp nào có thể chịu nổi, nhất là khi tình hình kinh tế ngày càng khó khăn như hiện nay.

Những người dân lao động ở vùng giáp ranh Sài Gòn đi làm chạy qua chạy lại, hay người Sài Gòn qua đó đi làm đều phải có tấm hộ chiếu này, nếu không thì không được qua. Tấm hộ chiếu này bắt buộc 3 ngày làm test một lần, giá thấp nhất 300 ngàn, nghĩa là một công nhân làm tháng 6 triệu đồng, thì bỏ ra 3 triệu để mua tấm hộ chiếu này.

5) Và ... tận thu

Theo Tuổi trẻ, vừa qua, mạng xã hội lan truyền văn của UBND phường 6, quận Gò Vấp về phân công nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện chỉ thị 16 với nhiều ý kiến trái chiều.

Theo văn bản, phường 6 đã thành lập tổ trực hành chính phản ứng nhanh, phân công 2 ca trực sáng và chiều. Tổ này tổ chức một chốt xử phạt trước cổng cơ quan UBND phường và có nội dung "mỗi ca xử phạt 20 trường hợp".

Bên cạnh đó, tổ tuần tra giám sát các hoạt động có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra địa bàn có nội dung: "Mỗi ca phải phạt 5 trường hợp".

Với chỉ tiêu nói trên thì người thi hành công vụ bị buộc phải hoàn thành chỉ tiêu, bất kể dân có vi phạm hay không, như vậy với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, liệu có phải ở đây đang mặc định coi dân là “giặc” để chống đến cùng?

Theo Zing, chỉ sau 5 ngày áp dụng Chỉ thị 16, các địa phương đã xử phạt 2.052 vụ vi phạm quy định giãn cách xã hội với tổng số tiền 4,9 tỷ đồng. Riêng TP. Hồ Chí Minh từ 9/7 đến 12/7 đã tổ chức 7.305 cuộc kiểm tra, lập biên bản 12.433 vụ, tổng số tiền xử phạt là hơn 3,3 tỷ đồng (theo báo Công an).

Giữa lúc nhân dân gần như không còn sức chống chọi vì dịch, mà đi làm thì cũng mất gần một nửa tiền lương để mua “giấy thông hành”, rồi cũng không đủ sống. Rồi họ lại gánh thêm những khoản phạt khủng khiếp như thế này. Vậy thì, phải chăng là, dù cho người dân lựa chọn hoặc đi làm hoặc ở nhà thì cuối cùng cũng chỉ có đường chết đói?

Người dân tụ tập đông đúc để chờ làm khai báo tại một chốt kiểm tra ở Gò Vấp. (Ảnh: Tâm Viên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét