Có hay không sự bao che cho hành vi bạo lực trong cái chết của quân nhân Trần Đức Đô?
RFA 2021-07-01- Theo nhận định cá nhân của Cựu Đại úy Võ Minh Đức, có thể có xuất hiện của sự bao che: “Đây có thể là một hành động bao che, thậm chí là bao che cho một vị sĩ quan nào đó đã lỡ tay đánh chết thanh niên này. Mà vị sĩ quan này có liên quan tới một ông quan lớn hàng ngũ cao cấp nào đó. Một phần là cũng muốn bưng bít thông tin dư luận việc cán bộ đánh chiến sĩ chết. Để lấp liếm hình ảnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam không có những việc đó.”Lễ mai táng quân nhân Trần Đức Đô hôm 1/7/2021 ở Bắc Ninh.
Sự thật cần được phơi bàyVào ngày 28/6/2021, anh Trần Đức Đô, sinh năm 2002, đã tử vong khi đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường Đại học quân sự Quân khu 1 (tỉnh Thái Nguyên). Trước khi đi bộ đội, anh Đô sống tại phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Sau cái chết của quân nhân Trần Đức Đô nhiều video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy có sự không đồng tình của gia đình nạn nhân khi phía quân đội xác định Trần Đức Đô tử vong trong tư thế treo cổ.
Để lắng dịu phẫn nộ của gia đình cũng như dư luận xã hội, Bộ Quốc phòng trong ngày 1/7 đã cho biết hiện bốn cơ quan đã vào cuộc để điều tra nguyên nhân vụ tử vong gồm Phòng Điều tra hình sự Quân khu 1, Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng), Công an tỉnh Thái Nguyên và Viện Pháp y Quân đội.
Mặc dù chưa rõ nguyên nhân cụ thể về cái chết của quân nhân trẻ Trần Đức Đô, tuy nhiên để rộng đường dư luận, RFA đã gọi cho ông Trần Bang, từ Sài Gòn -một người từng đi bộ đội nghĩa vụ hai lần, để hỏi nhận định của ông về vụ việc này:
“Vụ này thì thông tin mình cũng không được đọc hồ sơ, đến hiện trạng, chỉ có nhìn qua hình ảnh thôi. Hình ảnh người chết đã lâu, đã thâm tím như thế thì khó mà biết chính xác. nguyên nhân. Rõ ràng là cần phải có pháp y, chẳng hạn quân đội thì phải có pháp y bên công an hoặc là ngành y tế không thuộc quân đội. Phải điều tra chéo để xem nguyên nhân chết là do đâu? Từ đó mới có thể điều tra ai đánh đập hay là nguyên nhân khác... chứ qua mạng thì mình cũng không thể phán xét đúng hay sai.”
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, cựu quân nhân Trần Bang cho biết, mâu thuẫn giữa cán bộ khung với chiến sĩ mới gia nhập quân đội là thường xảy ra, không phải bây giờ mà ngay từ ngày xưa. Ông nói tiếp:
“Vì thế ngay khi nhận quân từ đơn vị huấn luyện sang đơn vị chiến đấu thì những sếp cũ như tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng, hoặc phó hay chính trị viên... của bộ khung huấn luyện trong ba tháng, sẽ không cùng đơn vị vì sợ đã huấn luyện khắc nghiệt có thể bị trả thù. Tôi vẫn thường nghe câu chuyện người tiểu đội trưởng mới được lên chức thường quan cách, nói không nghe là phạt, chẳng hạn như bắt lính mới bốc phân bằng tay, dọn vệ sinh bằng tay rất man rợ, hoặc là không bị đánh đập thì bị hình thức giống tra tấn, như thời tôi là đứng ngoài nắng, có thể ngất.”
Nhìn nhận về cái chết của quân nhân trẻ Trần Đức Đô dưới góc độ là một phụ huynh, Cựu Đại úy quân đội nhân dân Việt Nam - Võ Minh Đức, cho rằng:
“Thế hệ bọn tôi thì hơi khác bây giờ, nói chung là cũng có phân biệt, có những cái chuyện cấp trên cấp dưới, hoặc ma cũ ma mới, người cũ người mới thì cũng có chứ không phải không. Nhưng mức độ nghiêm trọng dẫn đến đánh nhau chết người, thậm chí xử nhau như gian hồ xã hội đen... thì nó không như bây giờ, thời tôi nhập ngũ thì còn chiến tranh gọi là quân tình nguyện ở Campuchia. Đến khi tôi ra trường làm sĩ quan thì vẫn còn tình trạng đó nhưng không đến mức nghiêm trọng như thế.”
Tuy nhiên theo Cựu Đại úy Võ Minh Đức, khi ông còn tại ngũ thì thông tin còn hạn chế, nên cũng không thể biết thật sự về cách hành xử giữa các quân nhân với nhau ra sao. Trong đơn vị ông chỉ huy, quản lý, sinh hoạt thì cũng có ăn hiếp nhau nhưng cũng chỉ là anh mới phải rửa chén cho anh cũ, hay pha nước mời anh già hơn... Còn hiện nay theo ông Đức, trong quân đội hay công an thì chế độ gia trưởng là có.
Có nghĩa là mệnh lệnh, cai trị, dù là một câu nói bâng quơ nhưng cũng phải nghe, không nghe là không xong.
Có thể thấy ý kiến của cựu Đại uý Võ Minh Đức hoàn toàn đúng vì ngay khi cái chết của quân nhân Trần Đức Đô được chính thức thông tin trên truyền thông Nhà nước thì trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện một video clip ghi lại cảnh đánh nhau “tàn bạo” giữa lính cũ và lính mới. Mặc dù video đó không ghi rõ ngày, tháng hoặc lính ở đơn vị nào nhưng cách họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt có thể thấy đó là một câu chuyện bạo hành trong quân đội (!?).
Có hay không sự không minh bạch?
Ngoài việc xác nhận trong quân đội có sự “gia trưởng” thì cựu Đại úy Võ Minh Đức cũng đưa thêm nhận định của ông về sự không minh bạch liên quan đến cái chết của Trần Đức Đô. Ông nói:
“Mấy hôm nay tôi theo dõi rất kỹ, theo nhận thức của tôi, chắc chắn trong vụ việc này thì sự không minh bạch cái chết của anh lính trẻ này là có. Còn lý do tại sao thì mình không nắm được. Bởi vì tôi căn cứ và thấy như thế này, lúc đầu thì nói đột quỵ, lúc sau thì nói là treo cổ tự tử. Nói treo cổ tự tử mà tại sao hình ảnh gia đình đưa lên mạng là bầm dập thân thể. Thậm chí trưa nay còn có thông tin có dấu hiệu chích điện ở sau lưng và ngực. Tại sao lại như thế? Chưa kể cả một hệ thống chính trị vào cuộc, răn đe gia đình phải chôn cất sớm, rồi cắt internet, cắt điện, không cho livestream... nói chung là bịt hết các con đường về viễn thông, không cho mọi người biết cụ thể sự việc như thế nào. Rõ ràng là để che giấu một vấn đề mờ ám gì đó thì mới như vậy."
Ông Đức cũng đưa ra phân tích khá cặn kẽ rằng nếu đó là một câu chuyện của một anh lính quèn đánh nhau với đồng đội bị chết thì đơn giản lắm, cứ luật pháp đem ra xử anh đó thôi, ai sai thì chịu trách nhiệm. Còn vụ của Trần Đức Đô, theo nhận định cá nhân của Cựu Đại úy Võ Minh Đức, có thể có xuất hiện của sự bao che:
“Đây có thể là một hành động bao che, thậm chí là bao che cho một vị sĩ quan nào đó đã lỡ tay đánh chết thanh niên này. Mà vị sĩ quan này có liên quan tới một ông quan lớn hàng ngũ cao cấp nào đó. Một phần là cũng muốn bưng bít thông tin dư luận việc cán bộ đánh chiến sĩ chết. Để lấp liếm hình ảnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam không có những việc đó.”
Để tìm hiểu thêm về mặt pháp luật liên quan vấn đề này, RFA hôm 1/7 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, và được ông giải thích:
“Tôi thấy Quân khu một đang điều tra vụ việc này, bởi vì theo quy định tại Khoản 2 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vụ việc này thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân. Bây giờ những tin như vậy thì gia đình hay bức xúc lắm, nói bị tác động thì phải đưa ra chứng cứ. Còn khởi kiện thì đây là vụ án đang điều tra về mặt hình sự, cho nên phải đợi kết luận của cơ quan điều tra.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, do quân nhân Trần Đức Đô tử vong trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, nên thẩm quyền điều tra thuộc về Cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân. Quá trình điều tra nguyên nhân cái chết của quân nhân Trần Đức Đô sẽ được thực hiện theo các bước được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói tiếp:
“Cụ thể, khi xác định có dấu hiệu tội phạm do cá nhân, pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định khoản 1 điều 432; điều 143 của Bộ Luật hình sự. Còn nếu không có dấu hiệu tội phạm liên quan đến cái chết của quân nhân như đã nêu ở trên thì cơ quan thẩm quyền sẽ không khởi tố và ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Biết rằng sự ra đi của người thân đột ngột như vậy là một cú sốc nhưng người nhà cũng nên tỉnh táo, không nên có những hành động quá khích. Nếu có hành động quá khích rất có thể dẫn đến những vi phạm pháp luật đáng tiếc.”
Việc quân nhân bị đánh khi thực hiện nghĩa vụ quân sự không phải là mới ở Việt Nam. Vào năm 2004, truyền thông Nhà nước cũng đăng thông tin sáu quân nhân đánh chết một quân nhân khác vì cho rằng quân nhân này vi phạm kỷ luật quân đội và phải bị xử phạt. Cơ quan Điều tra hình sự quân đội đã điều tra và đề nghị Viện kiểm sát Quân sự Quân đoàn 1 truy tố những người này về tội cố ý gây thương tích.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-there-violence-during-military-service-07012021130303.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét