Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Trần Tố Nga - người phụ nữ kiên cường và dịu dàng

Ngày 28/6, tôi đã đăng một bài về cô Trần Tố Nga trên Blog này và trên trang FB của tôi, đến nay bài này đã có 466 người like, 140 bình luận và 202 lượt chia sẻ. Cô Nga là người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 và chính cô là một trong những người đã xuống thuyền tại chính bến Sầm Sơn nơi dự định xây dựng tượng đài kỷ niệm người miền Nam tập kết ra Bắc đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cám ơn cô đã viết bài phê phán dự án này. Cô khẳng định "Một tượng đài hơn 300 tỷ trên hơn 35 ha đất cần cho ai ? Những người miền Nam tập kết có đồng tình với việc làm này không ? Xin thưa là KHÔNG. Đề nghị dừng ngay việc này". Cô Nga năm nay 79 tuổi, từ năm 2014 đã thay mặt 4 triệu người dân VN đệ đơn lên các tòa án phương Tây kiện 14 công ty Mỹ đã cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ chất da cam để sử dụng trong Cuộc chiến tranh Việt Nam. Cô Nga từng tham gia lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và bị phơi nhiễm với chất da cam do quân đội Mỹ thả xuống căn cứ Củ Chi năm 1966. Dưới đây là một bài mới nhất viết về cô, đăng để mọi người tham khảo.
Trần Tố Nga - người phụ nữ kiên cường và dịu dàng
29 Tháng Sáu 2021 MAI QUỐC LIÊN - Năm 1962, phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do ông Nguyễn Văn Hiếu và bà Mã Thị Chu dẫn đầu ra thăm miền Bắc, đến thăm Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tố Nga sà vào lòng ông Hiếu và bà Chu, vì là người thân: bà Nguyễn Thị Tú, mẹ của Tố Nga, là Chủ tịch Hội Phụ nữ giải phóng miền Nam. Sau đó mấy năm, ra trường, Tố Nga đi B.
Có thể là hình ảnh về 1 người, ngoài trời và văn bản cho biết '466 Bao Thanh Hóa Yêu thích 140 bình luận 202 lượt chia sẻ Bình luận Chia sẻ'
1964, ra đời bài thơ kiệt tác của Nguyễn Mỹ: Cuộc chia ly màu đỏ. Nhiều người quen với Nguyễn Mỹ nói bài thơ lấy cảm hứng từ cuộc chia tay của Tố Nga và người yêu. Anh đã về Nam trước Tố Nga mấy năm, và giờ đây Tố Nga lại lên đường.

… Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa

Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly

...

Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau...”

Hồi đó, việc đi B được giữ bí mật, và bạn bè rỉ tai nhau tin tức: Tố Nga đã đi B rồi, nghĩa là vượt Trường Sơn trong mấy tháng, qua các đèo dốc cheo leo, những cánh rừng, bom đạn và về tới chiến khu Nam Bộ. Tố Nga lúc ấy ngoài 20, rất xinh đẹp, dáng vẻ tươi thắm.

Có thể là hình ảnh về 6 người và mọi người đang đứng

Vào Nam, Tố Nga làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Cô là bạn học phổ thông cùng lớp với nhà thơ Ca Lê Hiến, và bây giờ họ là bạn cùng chiến trường. Năm 1967 xảy ra trận càn Junction City của Mỹ vào chiến khu Giải phóng, và tất cả lực lượng trong các cơ quan đều được huy động để chống càn. Tố Nga cùng các bạn cầm súng. Một người bạn của Tố Nga, anh Phan Hoài Nam, con trai nhà thơ Thơ mới Xuân Tâm quê Quảng Nam, vừa tốt nghiệp báo chí ở Moskva về, đã hy sinh trên chiến trường.

Sau đó, Tố Nga về hoạt động nội thành Sài Gòn và bị địch bắt. Cô sinh con ở trong tù.

Giải phóng Sài Gòn rồi, Tố Nga trở thành cô giáo, Hiệu trưởng một trường nữ trung học lớn ở Sài Gòn: Marie Curie. Tố Nga học trường Tây, giỏi tiếng Pháp, sau này cô làm du lịch, đưa các cựu sĩ quan Pháp sang thăm Việt Nam, và cô có quốc tịch Pháp từ đó.

Kể cũng lạ, số phận của Tố Nga là một số phận không bình yên. Cô trở thành người đứng đầu kiện các công ty Mỹ đã cung cấp dioxin cho chính quyền Mỹ để rải xuống Việt Nam. Cô và hàng triệu người Việt Nam trở thành nạn nhân của vụ rải chất độc này.

Chính phủ Mỹ thừa nhận một phần trách nhiệm của họ khi họ phải bỏ ra hàng trăm triệu đô la để tẩy rửa chất độc ở sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, trợ giúp phần nào các nạn nhân chất độc da cam - nhưng các công ty Mỹ đã thu lợi trong chiến tranh Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm. Tố Nga và các con mình bị phơi nhiễm dioxin, có giấy chứng nhận của các cơ quan y tế Pháp, và vì có quốc tịch Pháp, Tố Nga đứng ra kiện ở Tòa án Pháp, nơi có quyền xử vụ kiện này.

Phiên tòa làm xôn xao dư luận thế giới, nhiều tờ báo lớn, nhiều hãng thông tấn đưa tin và ủng hộ vụ kiện. Phía các công ty Mỹ huy động mấy chục luật sư để bảo vệ, trong khi Tố Nga chỉ có vài luật sư Pháp đứng ra bảo vệ miễn phí. Phía các công ty Mỹ cũng tạo ra một sự chống phá mạnh mẽ, công kích Tố Nga. Đến tháng 5 này thì Tòa sẽ tuyên. Nhưng thắng lợi lớn là dư luận, là lương tâm của toàn thế giới đều đứng về phía Tố Nga, phía nhân dân Việt Nam nạn nhân.

Báo chí Pháp tường thuật vụ kiện, miêu tả Tố Nga là một người phụ nữ kiên cường nhưng dịu dàng. Phải, dù nay đã ngoài 70, Tố Nga vẫn còn phảng phất nét đẹp ngày xưa, thời còn là nữ học sinh miền Nam, với tất cả sự dịu dàng, cao quý. Tố Nga xuất thân trong một gia đình “quý tộc”: ông tổ là tướng Trần Thượng Xuyên, một vị tướng triều Minh đầu quân theo nhà Nguyễn, có công và được thờ tự, hương khói ở quận 5 TP.Hồ Chí Minh ngày nay.

Vợ tôi là bạn thân của Tố Nga từ hồi mới ra Bắc, cùng học lớp 6 Trường Học sinh miền Nam, cùng học phổ thông Nguyễn Trãi - Hà Nội. Ở Paris, Tố Nga vẫn thường xuyên gọi điện thoại về tâm sự. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Chiến tranh cũng đã qua nhưng vẫn còn lại vĩnh viễn trong lòng mỗi chúng tôi tình bạn, tình yêu mến và cảm thông nhau - Trần Tố Nga luôn luôn là một khuôn mặt phụ nữ dịu dàng, xinh đẹp của một thời đại vĩ đại, bi tráng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét