72 năm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc: 'Công và tội' thế nào?
Nêu dự báo về tương lai của đảng Cộng sản Trung Quốc, học giả từ Đại học Maine, Hoa Kỳ nhận định: "Tôi nghĩ vấn đề đàn áp cùng với vấn đề kinh tế phát triển cùng với vấn đề vận động lòng yêu nước của người dân Trung Quốc sẽ làm cho ĐCSTQ kéo dài thời gian tồn tại, có thể là 50 năm nữa," Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC.Chính quyền Trung Quốc tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm
100 năm thành lập của đảng CSTQ hôm 01/7/2021
Thành tựu phát triển kinh tế là một trong những dấu ấn rõ nét và là yếu tố giúp duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong suốt 72 năm qua, ý kiến của các chuyên gia nói với BBC News Tiếng Việt tại một chương trình hội luận hôm thứ Năm ngày 01/07/2021 nhân dịp ĐCSTQ đánh dấu tròn một thế kỷ ra đời.Nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng chính sách cải cách kinh tế từ thời Đặng Tiểu Bình mà giúp Trung Quốc vượt qua được cuộc khủng hoảng xã hội đã giúp ĐCSTQ tồn tại cho đến ngày nay. Ông nói:
"ĐCSTQ không đi bước đi giống Liên Xô đã làm mà họ thực hiện cuộc cải cách kinh tế bằng cách mở cửa và đón đầu tư của Mỹ vào.
"Và Trung Quốc từ đó đến nay tạo ra nền kinh tế tư bản nhà nước do đảng Cộng sản lãnh đạo và họ đã vượt qua được thách đố đó."
Được học tập theo?
100 năm thành lập ĐCS TQ: Thay đổi xã hội qua năm tháng
Ông Sinh cũng liên hệ đến việc Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế giống với Trung Quốc để thoát khỏi khủng hoảng.
"Nếu nhìn vào tình hình Việt Nam chúng ta cũng thấy là trước năm 1986 thì xã hội Việt Nam cũng bị rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và toàn diện nhưng nhờ cuộc cải cách kinh tế mà Việt Nam cũng như Trung Quốc đã vượt qua được cuộc khủng hoảng xã hội trầm trọng đó và họ duy trì được quyền lực cho đến ngày hôm nay", nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nhận định.
Ngoài yếu tố kinh tế kể trên, nhà nghiên cứu Trung Quốc học Ngô Tuyết Lan, cũng tham gia chương trình từ Hà Nội, còn chỉ ra hai yếu tố khác, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất vì theo bà "người dân Trung Quốc cho phép điều đó xảy ra".
Yếu tố thứ hai là 'chính sách quản lý đất nước bằng bàn tay sắt' và vấn đề kiểm duyệt thông tin.
"Rất nhiều người Trung Quốc cả đời chưa từng đến Bắc Kinh chứ đừng nói đi ra ngoài đất nước Trung Quốc... và khi họ sống trong môi trường khép kín như vậy thì họ dễ dàng tuân thủ sự quản trị bằng bàn tay sắt của ĐCSTQ", bà Lan nêu dẫn chứng.
Đồng tình với nhận xét trên, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Maine, Hoa Kỳ nói:
"Vấn đề đàn áp các phần tử bất đồng ý kiến không những ngoài đảng mà ở trong đảng nữa. Ngay từ năm 1936 khi ông Mao Trạch Đông nắm quyền ĐCS thì ông bắt đầu đàn áp chính những người trong đảng."
Tuy vậy, sự đàn áp của ĐCSTQ với giới ngoài đảng lại nhận được sự đồng tình của những người trong đảng, Giáo sư Long nói:
"Đảng viên họ giàu có là vì sự cai trị và đàn áp của đảng Cộng sản cho nên nhiều người họ phải bỏ rất nhiều thời gian xin vào đảng chứ không phải xin ra đâu", GS Ngô Vĩnh Long bình luận.
"Một số người xin ra cũng có nhưng họ đi ra làm giàu thì cũng bị đập thôi, ví dụ như Jack Ma giàu như thế nhưng mới vừa rồi cũng bị Tập Cận Bình đập", ông Long nói thêm.
Ông Long cũng lưu ý sự phát triển nhanh của kinh tế TQ đã "làm cho dân chúng hãnh diện và vì hãnh diện cho nên có nhiều người họ bỏ qua vấn đề đàn áp".
Một yếu tố khác giúp ĐCSTQ duy trì lãnh đạo, theo GS Long, là họ đã vận động được lòng yêu nước của dân chúng hay còn gọi là 'chủ nghĩa quốc gia đại Hán'.
'Trung Quốc mộng'
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình là người đề cao 'Trung Quốc mộng' và thể hiện cao vọng đưa Trung Quốc phát triển vượt bậc trên thế giới
Nhà nghiên cứu Ngô Tuyết Lan đề cập và phân tích khái niệm 'Trung Quốc mộng' như sợi chỉ đỏ xuyên suốt của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ qua nhiều thế hệ.
"Lộ trình để Trung Quốc thực hiện được 'Trung Quốc mộng' là trong vòng 200 năm và chia làm hai giai đoạn. 100 năm đầu là từ năm 1840 đến 1949, đó là giai đoạn giải phóng đất nước giành lại độc lập và Mao Trạch Đông đã hoàn thành được giai đoạn đó. Giai đoạn thứ hai là từ 1949 đến 2049 là thực hiện nhiệm vụ phục hưng dân tộc Trung Hoa."
Tuy nhiên, bà Lan nhận định thêm rằng "mục tiêu ông Tập Cận Bình đưa ra không phải là khôi phục dân tộc Trung Hoa. Đó chỉ là một mỹ từ. Theo tôi, đến năm 2049 thì giấc mộng của ông Tập Cận Bình đưa ra là biến Trung Quốc trở thành siêu cường số một thế giới".
'Công và tội' ra sao?
Thành tựu kinh tế là một trong những dấu ấn rõ nét và không thể phủ nhận của ĐCSTQ, theo các khách mời của Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC News Tiếng Việt:
"Trung Quốc bây giờ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đi kèm theo đó là sức mạnh mềm cũng được nâng cao và vị thế các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa của TQ trên trường quốc tế được nâng cao", nhà nghiên cứu Ngô Tuyết Lan nhận định.
Một người bán hàng lưu niệm về đảng Cộng sản Trung Quốc và các nhà lãnh đạo đảng này đang ngủ trưa tại một khu chợ Bắc Kinh
Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh và Giáo sư Ngô Vĩnh Long chia sẻ quan điểm cho rằng chính sách cải tổ kinh tế từ năm 1978 dưới thời ông Đặng Tiểu Bình cho đến cuối thời Hồ Cẩm Đào là công của ĐCSTQ giúp 'kinh tế Trung Quốc cất cánh' và 'mở cửa tự do hơn cho cả trong nước'.
"Tuye nhiên ngoài công còn phải kể đến tội của ĐCSTQ là dưới thời Mao Trạch Đông với chính sách cai trị của ông ta đã gây ra nạn đói ở đất nước Trung Hoa làm cho nền văn minh vĩ đại của TQ bị tàn phá về kinh tế và nhân tâm", nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nhận xét.
Và sự siết chặt tự do trong nước dưới thời Mao, theo GS Ngô Vĩnh Long, đang được lặp lại dưới thời Tập.
Nêu dự báo về tương lai của đảng Cộng sản Trung Quốc, học giả từ Đại học Maine, Hoa Kỳ nhận định:
"Tôi nghĩ vấn đề đàn áp cùng với vấn đề kinh tế phát triển cùng với vấn đề vận động lòng yêu nước của người dân Trung Quốc sẽ làm cho ĐCSTQ kéo dài thời gian tồn tại, có thể là 50 năm nữa," Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-57690000
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét