"Mẹ ơi tại sao mẹ đi làm?"
"Mẹ ơi tại sao mẹ đi làm. Sao mẹ không ở nhà với con?”. Khi gặp phải câu hỏi này, bạn sẽ trả lời con mình thế nào?Gần đây trên mạng xã hội có một câu chuyện thế này. Một đứa trẻ hỏi: “Mẹ ơi, tại sao mẹ bỏ con để đi làm?”. Người mẹ trả lời: “Mẹ cần kiếm tiền để mua thức ăn và đóng học cho con”. Đứa trẻ nghe xong chỉ lặng lẽ cúi đầu: “Hóa ra con gây ra sự mệt mỏi cho mẹ”.
Cũng với câu hỏi này, một bà mẹ khác đáp: “Mẹ đi làm để học kiến thức mới, để kết bạn và tìm niềm vui. Giống như con là học sinh, con phải học tập chăm chỉ và hòa đồng với bạn bè”. Đứa trẻ nghe xong lại mỉm cười nói “Vâng, con hiểu rồi”.
Cũng với câu hỏi này, một bà mẹ khác đáp: “Mẹ đi làm để học kiến thức mới, để kết bạn và tìm niềm vui. Giống như con là học sinh, con phải học tập chăm chỉ và hòa đồng với bạn bè”. Đứa trẻ nghe xong lại mỉm cười nói “Vâng, con hiểu rồi”.
Adele Farber, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ từng nói: “Đừng đánh giá thấp tác động của lời nói đến cuộc sống của trẻ”.
Hai câu trả lời trên phản ánh hai giá trị khác nhau. Khi đứa trẻ đặt câu hỏi “Tại sao bố mẹ phải đi làm” nó phản ánh suy nghĩ của trẻ về thế giới bên ngoài. Câu trả lời của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến quan điểm ban đầu của trẻ về nghề nghiệp và cuộc sống sau này.
Có lẽ, khi đề cập đến vấn đề này, nhiều phụ huynh sẽ thấy buồn cười và cho rằng nó không đáng mang ra bàn luận. Nhiều người cảm thấy con cái đang gây rắc rối một cách vô lý bởi câu hỏi đã có đáp án hiển nhiên.
“Nếu không đi làm, lấy tiền đâu mà tiêu. Đồ ăn, đồ chơi của con chắc từ trên trời rơi xuống chắc” hay “Những cuốn sách con đọc, quần áo con mặc và ngôi nhà con sống đều được mua bằng tiền? Mẹ không đi làm, tiền đâu để mua những thứ đó”…, nhiều người sẽ trả lời như vậy.
Thế nhưng hãy suy nghĩ kỹ, con bạn sẽ cảm thấy thế nào khi nghe câu trả lời “phũ phàng” như thế.
Một bé gái 5 tuổi đã khóc thét và ném kẹo về phía mẹ khi nhận được câu trả lời “Mẹ đi làm để mua kẹo cho con”. Vừa ném cô bé vừa hét: “Từ giờ trở đi con sẽ không ăn kẹo nữa. Con muốn mẹ ở nhà với con”.
Cảnh tượng như vậy thật đáng buồn. Trong tâm trí trẻ, chúng chỉ mong muốn cha mẹ ở bên mình nhiều hơn. Bởi vậy khi người lớn đi làm, trẻ không được gặp thường xuyên, trong lòng sẽ cảm thấy bất an.
Với câu hỏi này, bạn có thể trả lời con: "Mẹ không muốn bỏ con ở lại nhưng mẹ phải đi làm, và mẹ sẽ trở về nhà với con vào buổi chiều. Chúng mình sẽ ôm nhau và rất vui, nhớ kể cho mẹ xem con đã chơi những trò gì ở nhà khi mẹ đi làm nhé!".
Hay: "Bố mẹ thích làm việc, có thể học những kiến thức mới lạ và mang lại hạnh phúc cho người khác. Bố mẹ không thể mang con đi làm cùng nhưng sẽ luôn nhớ tới con".
Một câu trả lời như vậy có thể không thỏa mãn mong muốn luôn ở cùng bố mẹ, nhưng nó sẽ mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và được yêu thương. Đồng thời bằng cách này, trẻ sẽ có động lực hơn trong học tập, khi mong muốn có được niềm hạnh phúc khi đi làm như bố mẹ mình.
Trong lá thư gửi con gái, một người cha đã từng viết: "Bố không bao giờ nói rằng đi làm để kiếm tiền, vì bố sợ con sẽ nghĩ tiền quan trọng hơn con". Bức thư này sau đó được người con lưu giữ nhiều năm, kể cả sau khi người cha mất vì một tai nạn lao động.
"Bố luôn cho tôi cảm giác rằng, dù ông làm gì, đi đâu thì tình yêu dành cho con vẫn luôn trọn vẹn", cô con gái chia sẻ.
Hãy để trẻ biết, ngay cả khi bố mẹ làm việc, họ vẫn yêu con!
Trong chương trình "Thiếu niên nói" gần đây, một cô bé đã hét lên: "Mẹ ơi mẹ có yêu con không? Tại sao mẹ có thể nói nhiều chuyện với người lạ nhưng không thể nói chuyện với con. Khi con muốn nói chuyện, mẹ lại luôn bận rộn và chỉ hỏi con những câu hỏi lạnh lùng. Con không biết mẹ có còn yêu con nữa không"?
Tiếng khóc của cô bé đã khiến khán giả rơi nước mắt. Trên thực tế, nhiều phụ huynh vất vả làm việc với mong muốn cho con có cuộc sống và điều kiện giáo dục tốt nhất. Tuy nhiên không phải sự cố gắng nào cũng được trẻ thấu hiểu. Bởi những gì trẻ nhìn thấy là cha mẹ chỉ quan tâm tới công việc mà nhiều khi quên mất sự có mặt của chúng.
Trong mắt trẻ, cha mẹ là cả thế giới. Với mong muốn luôn được đồng hành cùng cha mẹ, đừng vì công việc mà bỏ qua thái độ của con. Chỉ cần một cái ôm, một lời nói nhẹ nhàng: "Mặc dù mẹ rất bận rộn, nhưng con sẽ là người mẹ luôn yêu thương nhất", khiến trẻ cảm thấy cả thế giới này đều thuộc về chúng.
Cha mẹ thường phàn nàn về công việc khó khăn trước mặt con cái. Nó sẽ gây ra tác động gì?
Có một câu chuyện được chia sẻ trên mạng gần đây. Một người mẹ hay than phiền mệt mỏi sau giờ làm trước mặt con gái. Lúc thì cô chê người sếp mới khó tính, bắt làm thêm không có lương. Lúc thì cô than đau đầu vì công việc căng thẳng.
Một ngày cô con gái nói với mẹ. "Mẹ ơi học nhiều khiến con đau đầu. Giáo viên toán của con giao rất nhiều bài tập về nhà, con thực sự ghét đi học. Thật tuyệt nếu không phải đến trường mẹ ạ".
Người mẹ tức giận nói với con: "Con còn nhỏ mà đã không muốn đi học. Con thật hư đốn". Ngay lập tức, con gái hỏi mẹ: "Tại sao mẹ được phép ghét đi làm còn con thì không?".
Bởi vậy mới nói, truyền áp lực công việc cho con cái sẽ chỉ tạo ra một khối u ác tính trong trái tim của trẻ.
"Đừng nên truyền năng lượng tiêu cực của cuộc sống cho con bạn bởi nó sẽ làm sâu sắc thêm sự ác cảm của trẻ với việc học hành và ảnh hưởng tới tương lai của chúng", một nhà xã hội học từng nói.
Tôi từng chứng kiến câu chuyện của một người lao công gần nhà.
Sáng sớm mùa đông khi trời vẫn lờ mờ tối, người mẹ chia tay con trai đi làm.
Đứa con 5 tuổi với đôi mắt còn ngái ngủ, mếu máo khóc: "Mẹ ơi, tại sao mẹ bỏ con để đi làm sớm như thế?".
Người mẹ ôm con vào lòng, mỉm cười giải thích: "Con có phải đi bộ trên đường mỗi ngày để đến trường không? Con có thích con đường mình đi đầy bùn đất và rác thải không?"
Đứa trẻ nói: "Không ạ". Bà mẹ xoa đầu con: "Một đứa trẻ thích sạch sẽ như con luôn là một đứa con ngoan". Rồi bà tiếp lời: "Bởi vậy mẹ phải ra ngoài sớm để dọn đường.
Bằng cách này, những bạn nhỏ như con sẽ rất sạch sẽ và hạnh phúc mỗi khi bước qua con đường đó hàng ngày".
Cậu con trai 5 tuổi cười tít mắt khi nghe câu trả lời của mẹ. Cậu đưa ngón tay cái lên hào hứng: "Mẹ ơi, mẹ thật vĩ đại".
Đôi khi thái độ của cha mẹ với công việc cũng là thái độ của họ với cuộc sống. Những người có cách nhìn hạn chế luôn bị ám ảnh bởi hiện trạng của chính họ, phàn nàn về bản thân và những bất công trong xã hội.
Trái lại, những người có kiến thức rộng, thậm chí khi ở những vị trí bình thường nhất, họ lại có thể tạo ra những thành tựu vượt quá tầm hiểu biết của người thường và có được hạnh phúc mà họ mong muốn.
Như câu chuyện trên, đứa trẻ rất hạnh phúc khi nghe câu trả lời của mẹ mình. Trẻ em chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ. Như mẹ của tỷ phú Mỹ Elon Musk từng nói: "Hãy để những đứa trẻ lớn lên trong môi trường mà cha mẹ luôn chăm chỉ làm việc. Để chúng hiểu được càng làm việc chăm chỉ sẽ đạt được thành tích càng lớn và có cơ hội thành công càng nhiều".
Cha mẹ là người hướng dẫn cuộc sống của trẻ. Bất kỳ lời nào cha mẹ nói sẽ để lại dấu ấn trên hành trình trưởng thành của mỗi đứa con.
Do đó khi con hỏi "Mẹ ơi, tại sao mẹ lại đi làm", xin hãy cúi xuống và giải thích một cách kiên nhẫn. Câu trả lời và thái độ của bạn đối với công việc sẽ quyết định thái độ và ý thức tương lai của con đối với nghề nghiệp và cuộc sống.
Ngay cả khi có một chút mệt mỏi, bạn cũng nên tạo ra một câu chuyện cổ tích đẹp cho đứa con của mình, để chúng có cơ hội nắm lấy thế giới tương lai bằng chính tình yêu thương của cha mẹ mình.
Bài viết của tác giả Khải Thúc, đăng trên một diễn đàn dành cho cha mẹ tại Trung Quốc.
Nguồn: trên mạng, Hải Hiền dịch
Ảnh minh họa: Mẹ và con trai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét