Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

TIẾN SĨ VÀ TIỀN! VÔ CẢM ĐẾN TÀN ÁC!

TIẾN SĨ VÀ TIỀN! VÔ CẢM ĐẾN TÀN ÁC!
Nb Hoàng Nguyên Vũ - Đàn bò ốm đói trơ xương sau khi phục vụ quan chức tiêu tiền cho đề tài "nghiên cứu bảo tồn" và bộ mặt thật của cái gọi là Tiến sĩ xứ Việt.
Bài này, trước hết tôi xin lỗi những Tiến sĩ "thật sự" và có cống hiến, dù chỉ là số rất ít ỏi trong lực lượng đông như quân Nguyên của Tiến sĩ xứ Việt bây giờ. Số còn lại, chỉ chạy theo cái danh Tiến sĩ, không cống hiến được bất kỳ một đóng góp gì cho khoa học hay sự phát triển, mà thậm chí, còn ăn hại phá hại, mà trường hợp đàn bò gầy trơ xương là một ví dụ điển hình.

Đàn bò tót lai với số lượng 11 con, năm 2014 được đưa nhốt ở khu vực trại 200m2 ở huyện Bác Ái, Ninh Thuận để nhân giống theo một dự án bảo tồn nguồn gen và phục vụ nghiên cứu khoa học.

Theo Vườn quốc gia Phước Bình, 11 con bò tót F1 được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn giao cho Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Lâm Đồng nuôi, bảo tồn nhân giống tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái , tỉnh Ninh Thuận cho đến nay.

Chẳng biết người ta bảo tồn kiểu gì mà sau từng đó năm, đàn bò ốm trơ xương, mỗi con chỉ được ăn mỗi ngày một bó rơm, suy dinh dưỡng trầm trọng và có khả năng sẽ không trụ lại được vì quá ốm yếu. Nhìn thấy mà quá đau lòng.

Mang danh là đơn vị bảo tồn, nhưng đàn bò sống hay chết, Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng không hay biết. Kể cả khi báo chí đưa lên những hình ảnh quá thảm thương về chúng, ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm này còn cãi bằng một giọng rất quan liêu: "Không có chuyện bò tót ốm trơ xương đâu, chắc nó do gân cuộn nên nhìn vậy thôi"

Hỡi ơi, nhìn bằng mắt thường, ai cũng thấy đàn bò tiều tuỵ đến cỡ nào, còn ông quan này vẫn mở miệng ra mà nói được vậy thì hỏi sao dân tình không đói khổ dưới tay các ông mới lạ.
-------------------------

Thực sự thì đã có một ông quan chức tỉnh Lâm Đồng "lên đời tiến sĩ" nhờ đàn bò này với hai đề tài nghiên cứu khoa học về chúng. Đó là ông Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở khoa học Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, với đề tài: "Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hoà" và đề tài "Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà".

Đề tài đầu tiên của ông Thám là đề tài cấp Nhà nước, tiêu tốn 5 tỷ ngân sách. Và đúng như tên gọi, vị "tiến sĩ" này thật biết cách "khai thác" đàn bò đến mức không còn gì cho ông khai thác, ốm đói thế kia; còn "phát triển" thì chắc chắn là không rồi.

Tiêu xong 5 tỷ ngân sách cho đề tài, ông Thám cũng lặn mất tăm. "Nghiên cứu khoa học" của ông, cũng như bao nhiêu nghiên cứu khác của một lô một lốc "tiến sĩ" nước nhà, mãi mãi nằm trên giấy. 11 con bò ở đó rơm còn không đủ mà ăn chứ nói gì đến cỏ, té ra các ông "Tiến sĩ" và quan chức xứ nhà bảo tồn mọi thứ cũng chỉ bảo tồn trên giấy thôi, còn việc bảo tồn thật, không phải thuộc trách nhiệm của ông Thám đã đành, nhưng cũng không thuộc phạm trù lương tâm và đạo đức của một tiến sĩ, một quan chức như ông ta.

Sờ sờ trước mắt như đàn bò mà các ông ấy còn bỏ bê cho đến thảm thương như thế; còn những con trong rừng sâu núi thẳm, chắc nhiều tiến sĩ sẽ xúm vào làm đề tài nghiên cứu lắm nhỉ, vì vừa được tiêu tiền, vừa để củng cố học vị tiến sĩ cho oai, lại ai biết các con ấy ở đường nào mà tìm.

Hèn gì, nước nhà lắm tiến sĩ, lắm công trình nghiên cứu đến thế!
---------------

Hôm trước nói chuyện với một người bạn, nói xứ ta đông tiến sĩ nhất nhì thế giới, thử hỏi có cái rổ, cái rá, cái thìa cái bát hay mấy con vật nuôi, chứ chưa nói đến những thứ tân tiến công nghiệp như xe hơi hay máy bay, có bóng dáng gì của các Tiến sĩ hay các công trình nghiên cứu xứ ta không, thì chúng tôi đều không tìm thấy.

Vậy nếu bán thanh lý được mớ bằng tiến sĩ này đi để lo được vài việc nhỏ, ví dụ như mua cỏ cho đàn bò ăn, tôi thấy còn cần thiết hơn là việc để cho các ông bà ấy cầm lấy nó như một phong trào mà thực sự không giúp ích gì cho cuộc đời cả!

Ảnh trong bài: Báo Tuổi trẻ
Hoàng Nguyên Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét