Số phận con bò hay sự thờ ơ vô trách nhiệm?
01/10/2020 Cuối cùng, số phận của 11 con bò tót gầy giơ xương ở Ninh Thuận đã được định đoạt, khi UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định chuyển giao cho Vườn Quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) nuôi dưỡng, sau chuỗi ngày bị bỏ đói đến mức chỉ còn da bọc xương.Đàn bò tót F1 đói giơ xương.
Kết quả của một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước với kinh phí hàng tỷ đồng đã bị lãng quên không thương tiếc, không chỉ lãng phí tiền của đầu tư mà còn cho thấy một biểu hiện của sự thờ ơ và vô cảm.Năm 2008, một con bò tót đực (tên khoa học là Bos gaurus) đi hoang, tách đàn, đi xuống khu vực rẫy của người dân xã Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Sức mạnh hoang dã khiến con bò tót này chiến thắng tất cả lũ bò đực nhà, kết quả là các cô bò nhà sinh ra những con bê con có hình dáng y hệt bò tót rừng. Đến năm 2012, nhiều con bò lai lại ra đời, như một lẽ tự nhiên của quy luật sinh tồn.
Nhưng với những người làm công tác nghiên cứu, thì đây là một hiện tượng lạ, những con bò tót lai mang một nửa dòng máu hoang dã đã trở thành đề tài khoa học cấp Nhà nước nhằm khai thác và phát triển nguồn gene bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng – Khánh Hòa được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, thực hiện từ tháng 10/2015 và kết thúc vào tháng 9/2019 với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng.
Khi dự án kết thúc chưa ai nhìn thấy kết quả của việc khai thác và phát triển nguồn gene bò quý hiếm, chỉ biết, những gì còn lại của một thời chú bò tót dũng mãnh và hoang dại chinh chiến đàn bò nhà hiền lành chỉ là hơn 10 con bò gầy giơ xương và có thể chết bất cứ lúc nào do ốm yếu.
Vì đâu nên nỗi? Vì thiếu kinh phí hay vì sự vô cảm của những người lấy danh nghĩa nghiên cứu khoa học?
Là người trực tiếp chăm nuôi đàn bò lai này, ông Nguyễn Đình Tích ở Bạc Rây 2, xã Phước Bình cũng thừa nhận, đến hơn 1 năm nay, không còn duy trì kinh phí nuôi bò nên chúng chỉ được ăn rơm khô, uống nước suối cầm hơi, trong khi là động vật bán hoang dã nhu cầu của chúng rất lớn, một con bò tót có thể ăn đến 3 bao cỏ một ngày.
Đơn vị thực hiện dự án, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, khi dự án kết thúc, kinh phí không còn nên không thể duy trì việc nuôi dưỡng đàn bò.
Bày tỏ sự phẫn nộ về việc đàn bò tót giơ xương ở Ninh Thuận do bị bỏ đói, ông Trần Lê Trà, cán bộ chương trình của dự án bảo tồn đa dạng sinh học, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nói: "Tôi nghĩ nhìn hình ảnh đó, nhiều người sẽ thấy xót xa và phẫn nộ, nó thể hiện sự vô trách nhiệm, lãng phí ngân sách nhà nước. Một sự ứng xử với động vật hoang dã không thể chấp nhận được".
Đứng trên góc độ bảo tồn, ông Trà cho rằng, những con lai F1 từ heo rừng với heo nhà hay bò tót với bò nhà không có ý nghĩa về mặt bảo tồn động vật hoang dã.
"Bò lai F1 không có ý nghĩa về mặt bảo tồn, nó chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, nghĩa là có thể thử nghiệm nghiên cứu để tạo ra một giống bò mới có sức khỏe tốt hơn, năng suất thịt cao hơn, kháng bệnh tốt hơn, cho lợi ích kinh tế tốt hơn".
Cũng theo ông Trà, giá trị của đàn bò tót F1 chỉ có thể được nâng lên khi người ta làm khoa học một cách nghiêm túc. "Tôi nghĩ, không ai đánh giá việc thử nghiệm thành công hay không thành công, trong quá trình nghiên cứu có thể có sai sót, nhưng nếu không thực hiện được vì vô trách nhiệm thì đó là việc cần phải lên án. Đó không phải là nghiên cứu khoa học" – ông Trà nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), cho rằng đàn bò tót lai F1 không có giá trị về mặt bảo tồn vì đã mang một nửa dòng máu của bò nhà.
Một dự án không có nhiều ý nghĩa về mặt khoa học như mục đích nó đề ra là bảo tồn nguồn gene, bị thực hiện theo kiểu đánh trống bỏ dùi, vi phạm các nguyên tắc về phúc lợi của động vật, đối xử nhân đạo với vật nuôi đã được quy định trong Luật chăn nuôi, không hiểu những người thực hiện và tiếp quản nó nghĩ gì về tinh thần trách nhiệm với khoa học, với chính công việc của mình đã và đang làm? Phải chăng vì là tiền ngân sách nên họ dễ dàng bỏ lửng, làm qua quýt cũng xong?
Được biết, sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định chuyển giao đàn bò tót lai gầy trơ xương cho Vườn quốc gia Phước Bình nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo tồn.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã giao Sở Khoa học Công nghệ cùng Vườn quốc gia Phước Bình khẩn trương kiểm tra sự việc; yêu cầu các đơn vị liên quan có biện pháp chăm sóc, bảo vệ, phát triển nguồn gene bò tót lai F1 và triển khai các thủ tục để tiếp nhận đàn bò tót lai F1.
Khái niệm phúc lợi động vật vốn không còn xa lạ gì trên thế giới, thậm chí quyền lợi động vật đã bắt đầu xuất hiện trong chính sách công của nước Anh từ thế kỷ XIX. Đây là một vấn đề mà nếu không thực hiện tốt, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, đến việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Đừng để số phận của những con bò lai, vốn được tạo ra từ sự kết hợp giữa tự nhiên và thuần hóa, giữa sự hoang dã và hiền lành, như một biểu tượng của hài hòa lại trở nên bi thảm. Và đừng để cụm từ "nghiên cứu khoa học" bị lợi dụng chỉ để làm màu.
https://danviet.vn/so-phan-con-bo-20201001185257861.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét