Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

Những Đứa Trẻ Không Trung Thu

Những Đứa Trẻ Không Trung Thu
FB Thảo Ngọc - Công bằng mà nói thì mỗi dịp Trung Thu có rất nhiều chương trình thiện nguyện mang Trung thu đến trẻ em nghèo, cơ nhỡ đã được nhiều cá nhân, tổ chức phát động và thực hiện sôi nổi cả nửa tháng qua. Đã lần lượt có những phần quà ý nghĩa gửi đến tay các em, với mong muốn các em cảm thấy vui và ấm áp trong ngày tết của mình.
Từ những đứa trẻ vùng cao, vùng dân tộc thiểu số cho đến đồng bằng và ngay cả trong những đô thị sầm uất nhất nước, ta vẫn dễ dàng bắt gặp những khuôn mặt của “những đứa trẻ không Trung Thu” ấy. Những đứa trẻ mà cha mẹ chúng không có tiền mua một chiếc áo mới cho con trong ngày tựu trường thì làm sao có thể mua cho chúng lồng đèn hay bánh Trung thu với giá thấp nhất cũng gần bằng với giá trị của một chiếc áo mới?!

Mọi người hay nghe đến những dự án tượng đài nghìn tỷ được chính quyền địa phương ở nhiều nơi đề xuất xây dựng, những ngàn tỉ ném qua cửa sổ, những ngàn tỉ đắp chiếu, Lắm khi, ngay bên cạnh những nơi có tượng đài nghìn tỷ ấy, có những đứa trẻ không thể có một tấm áo mới để đến trường. Và dĩ nhiên, chúng cũng không thể nhìn những tượng đài mà hy vọng về tương lai tươi sáng được.

Thực tế thì hàng năm, những chính sách phục vụ xã hội, chính sách cho người nghèo rất nhiều. Nhưng những chính sách đó lại không có tiếng nói từ nhu cầu của người nghèo. Cho nên chính sách hầu như trở nên méo mó và khó lòng tiếp cận với thực tiễn. Giá như xóa nghèo không phải chỉ là những chỉ số tròn trịa đẹp đẽ trên giấy.

Hẳn là người ta chưa quên một câu chuyện đã lâu rất đau lòng về cậu bé Ksor Sôn 11 tuổi ở Gia Lai treo cổ tự tử vì không có tiền mua áo mới đến trường.

Một đứa trẻ phải tự tử vì nghèo là một câu chuyện rất buồn. Có lẽ, không chỉ mình cậu bé ấy không có áo mới đến trường mà sẽ còn nhiều những trường hợp tương tự như Sôn. Nhưng Sôn đã chọn cách tự tử vì những trải nghiệm tuyệt vọng của cậu với cái nghèo khó của gia đình mình. 

Mấy năm trước, cơ hội thoát nghèo đã theo nhau ra đi cùng với anh trai và cái chết của con bò rồi. Những cơ hội khác thì không thấy đến.

Rồi đến mong ước có một chiếc áo mới đến trường mà cha mẹ Sôn cũng không thể lo cho nó. Ở đây, chiếc áo mới không chỉ có ý nghĩa là một chiếc áo với cậu bé Sôn, nó còn là một hiện thực đầy chua xót của toàn xã hội.

Thảo Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét