Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng VN nói về đặc khu

Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng VN nói về đặc khu
6 tháng 6 2018 - Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang gây tranh cãi trong dư luận ở Việt Nam. Dự án luật đang được Quốc hội Việt Nam thảo luận trước khi thông qua vào cuối kỳ họp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp làm trưởng ban của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu về Dự án 
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Hôm 4/6, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, đăng bài trên báo nói có 5 lý do mô hình đặc khu kinh tế sẽ khó thành công. BBC tìm hiểu những phát ngôn công khai của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Việt Nam, gồm 15 thành viên, về chủ đề này.

Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ 2011 đến 2016

Trong vai trò Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh là một trong những người trực tiếp tham gia soạn thảo đề án.
Tháng 10/2013, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi đó cho hay Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang phối hợp với các địa phương xây dựng các đề án đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Khi đó ông nói đề án đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn đã hoàn thành, đang trình Thủ tướng xem xét.
Tháng 6/2014, ông Vinh có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, ông Vinh nói Bộ Kế hoạch Đầu tư ủng hộ Quảng Ninh xây dựng, phát triển Đặc khu kinh tế Vân Đồn và những năm tiếp theo sẽ phát triển các Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu Công nghiệp dịch vụ cảng biển Hải Hà để tạo sự kết nối kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực lan tỏa cho Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

Tháng 8/2017, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nói ba đặc khu phải được xây dựng thành nền kinh tế thị trường tự do, hiện đại và hội nhập.
"Thể chế cho ba đặc khu phải khác biệt so với phần còn lại của đất nước để chúng trở nên vượt trội và có khả năng cạnh tranh quốc tế," ông Cung góp ý tại một cuộc hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật này, tổ chức ở Quảng Ninh.
Theo ông Cung, cần có tòa án dân sự, thương mại độc lập; các cơ quan cạnh tranh công bằng và độc lập; trong khi nhà đầu tư được phép chọn trọng tài, tòa án để giải quyết tranh chấp thương mại.
Bên cạnh đó, đồng tiền sử dụng ở đặc khu là tất cả các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi và tiền đồng của Việt Nam, không hạn chế tiền mặt mang vào, mang ra.
Về thuế, ông đề nghị chỉ áp dụng thế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp, không thuế quan cho hoạt động xuất nhập khẩu, miễn visa cho phần lớn khách đến.
Về giáo dục, hệ thống nhà trường sau khi có đặc khu, cần theo cơ chế thị trường, và nội dung, cách thức, ngôn ngữ giảng dạy là tùy nhu cầu, cho nhà trường quyết định. Ủy ban hành chính đặc khu được thiết kế sao cho can thiệp hành chính ít nhất có thể.
Tháng 10/2017, báo Thanh Niên dẫn lời ông Cung nói: "Chính sách khuyến khích cũng có thể bắt đầu bằng đất đai, tiền tệ. Tại đặc khu, cần thiết có quy định tiêu tiền gì cũng được cả. Việc chuyển tiền vào hay ra, theo đó, cũng phải dễ dàng, như một trạm trung chuyển vậy."
"Vân Đồn, Phú Quốc ta đều dự định tổ chức thành những khu nghỉ dưỡng quy mô, những thiên đường mua sắm… vậy thì căn bản là hình thành được những "dòng" vận chuyển cho thật nhanh, thật thuận lợi, như Singapore vậy. Nếu muốn 2 khu đảo thành trung tâm tài chính thì lại phải vận dụng mô hình như ở Cayman, phải thuận tiện tối ưu cho dòng tiền dồn về, hợp thức hóa linh hoạt…"
Ông khẳng định: "Cái ta cần học không phải là cách thức ưu đãi như thế nào mà nên học cách quản trị để vận dụng thiết kế cho đặc khu của mình cho căn bản. Tư duy, theo tôi, phải tiếp cận theo hướng như vậy, đừng chỉ tính cộng một chút cái này, một chút cái kia vào thì không khác gì làm sẵn một cái lồng cho mình rồi tự chui vào đó.
Những việc này, cũng giống như nhiều chuyên gia đã nói đó, để thu hút được chim phượng hoàng đến làm tổ thì phải thiết kế được một cái tổ tương xứng với phượng hoàng chứ không thể chỉ làm tổ chim cút, chim sẻ…"
Vân Đồn
Image captionBiển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Pháp

Tháng 9/2017, theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Đức Khương nói: "Để Bắc Vân Phong cất cánh và trở thành thành phố có nền kinh tế phát triển cao so với khu vực, trong một diện tích đất không lớn, thì không nên phát triển đại trà, nhiều ngành nghề lĩnh vực, để thành nơi cái gì cũng có, mà cần tập trung vào một vài lĩnh vực trọng điểm, với nguyên tắc chủ đạo: tri thức là động lực chính."
"Trong ngắn và trung hạn nên tập trung đầu tư trọng điểm vào xây dựng trung tâm logistics cho cảng biển thương mại, cảng biển du lịch, dịch vụ quốc tế, do nước sâu và do vị trí chiến lược, cùng với các dịch vụ gắn với trung tâm logistics như khu vực giao dịch thương mại đầu mối cho khu vực Đông Nam Á và cửa ngõ thâm nhập thị trường quốc tế cho hàng hóa của khu vực miền Trung và miền Nam; trung tâm nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy hải sản; công nghiệp khai thác, lọc hóa và trung chuyển dầu, khí; trung tâm đào tạo nghề về logistics, năng lượng, chế biến thủy sản xuất khẩu.
Bên cạnh đó, một trung tâm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cũng nên là điểm nhấn trong chiến lược phát triển.
Về lâu dài, như đề cập trong nguyên tắc chủ đạo ở trên, để cạnh tranh được ở cấp khu vực và quốc tế, Bắc Vân Phong nên tìm cách bứt phá để vươn lên trở thành một thành phố có dân trí cao, là điểm đến của những doanh nghiệp khởi nghiệp."
Ông nói thêm: "Cũng cần chú ý là đặc khu không được xây dựng và thiết kế để phát triển một mình. Mỗi đặc khu nên tìm ra một số thành phố vệ tinh để cùng phát triển những ngành nghề mũi nhọn của đặc khu, đồng thời có điểm dự phòng về nhân lực, tính đến khả năng mở rộng về quy mô khi cần thiết."
Tháng 11/2017, báo Đại biểu Nhân dân dẫn lời tiến sĩ Nguyễn Đức Khương: "Các bài học thành công về mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới có 8 đặc điểm chung."
"Thứ nhất, thành công đến từ cam kết mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo quốc gia và địa phương. Thứ hai, chính sách phải riêng biệt. Thứ ba, hỗ trợ tích cực của Chính phủ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Thứ tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các loại hình đầu tư khác, đặc biệt huy động các nguồn lực từ nước ngoài. Thứ năm, tập trung phát triển kỹ thuật, công nghệ kết nối với các ngành, nghề ở địa phương. Thứ sáu, xây dựng và nuôi dưỡng mô hình văn hóa sáng tạo, ví dụ như Isarel. Thứ bảy, đề ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng, thúc đẩy cạnh tranh giữa các đặc khu kinh tế với nhau. Thứ tám, tận dụng ưu thế của các địa phương."
"Để xây dựng đặc khu kinh tế thành công ở nước ta, ngoài điều kiện tự nhiên, ưu đãi về thiên nhiên, thì cần có quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, cơ sở hạ tầng ưu việt gồm đô thị thông minh, năng lượng tái tạo, mô hình mô phỏng thiên nhiên để thể hiện tính bền vững."
"Nhiều đặc khu kinh tế trên thế giới đã phát triển cao về tri thức, công nghệ, nên cần đưa ra chính sách có đủ sức cạnh tranh với quốc tế khi xây dựng đặc khu kinh tế ở Việt Nam."
"Dự án Luật cần có một điều, khoản quy định về sự phát triển bền vững, dù thời gian đầu có thể là rào cản với doanh nghiệp, nhưng về lâu dài sẽ có lợi cho người dân và Nhà nước."

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tháng 9/2017, nói với Thời báo Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhắc về kiểm soát quyền lực ở các đặc khu Trung Quốc.
"Thực sự là quyền lực hành chính ở đó lớn lắm, cơ chế là tin và giao để người ta làm, nhưng có thể uy hiếp, bắt ngay.
Và cũng có sai phạm ở đó, sai nhiều chứ. Ở Thẩm Quyến sau này, những người trong bộ máy hành chính bị bắt, xử lý gần hết. Tốc độ vận hành kiểu một ngày thêm một tầng nhà, ba ngày thêm một con đường được làm xong thì đương nhiên nghĩa là vốn liếng, tiền bạc rơi ra nhiều, "dầu mỡ, mắm muối" cũng phải rơi rớt ra, dễ… dính dớp.
Hiện tượng chấm mút cũng nhiều, nhưng ở đó, ban đầu người ta cứ để cho làm, nhưng sau đó thì lần lượt đi tù, phát hiện chấm mút là đi tù.
Chúng ta thì đang lo nhiều quá, lo đủ thứ. Theo tôi thì cứ làm đi đã, vận hành thì rồi mới ra vấn đề mà xử lý.
Bởi, chúng ta nói và bàn về đặc khu 15 năm nay rồi, vẫn cứ loanh quanh lo như thế, thì rất khó.
Cá nhân tôi, ở góc độ kinh tế, tôi ủng hộ, thậm chí còn muốn tăng hơn nữa thẩm quyền cho trưởng đặc khu cơ. Tôi quan tâm trước hết đến tinh thần đổi mới, đột phá như thế nào."
Tháng 11/2017, ông Thiên nói với chuyên trang VietnamFinance: "Đặc khu phải có sự đặc biệt. Nhưng đặc biệt là so với cái gì? Có 2 lập luận cơ bản."
"Thứ nhất, phải khác hẳn phần không phải đặc khu của Việt Nam. Nếu chỉ cơi nới thêm không có ý nghĩa gì.
Thí dụ, chúng ta đang chuyển sang kinh tế thị trường thì đặc khu phải chuyển ngay lập tức sang kinh tế thị trường hiện đại. Thứ hai, đặc khu không phải so với trong nước mà phải tạo sự khác biệt để thu hút nguồn lực tốt nhất của thế giới.
Do đó luật phải nhằm vào hướng đó mới có thể so với thế giới, nếu không chúng ta làm đặc khu làm gì. Pháp luật, hành chính phải đảm bảo để kinh tế thị trường hiện đại phát triển, đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư hạng nhất vào đây."

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Theo trang Kiengiang.gov.vn, hôm 15/7/2017 tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học "Đề xuất cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức bộ máy nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo bước phát triển đột phá, bền vững cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc".
Tại đây, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn nói hiện thực hóa và phát triển Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc trong bối cảnh hiện nay cần tính đến thực tế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới.
Trang này tường thuật lời ông: "Trên cơ sở phân tích nội hàm, tác động, triển vọng, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phân tích thực tế huyện đảo Phú Quốc, cần định hướng, giải pháp trên các khía cạnh như: tầm nhìn phát triển, tạo lập thể chế vượt trội, nâng cao cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối, chính sách ưu đãi mang tính cạnh tranh khu vực và quốc tế, bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, cơ chế đãi ngộ phù hợp…"

Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh

Tháng 4/2018, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói tại hội thảo góp ý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức.
"Cả 3 đặc khu, nhất là Phú Quốc, việc cần làm trước tiên là chống đầu cơ đất, chứ nếu không thì nói miễn giảm phí đất là nói chơi. Phú Quốc giỏi nhất chỉ còn giữ được rừng. Ở Phú Quốc đất đâu nữa mà miễn giảm? Tất cả đầu cơ đất hết, chỉ làm lợi cho đầu cơ thôi."
"Mọi chính sách thành công hay thất bại, thông qua bộ máy tổ chức và con người. Chúng ta quy định cái gì quy định, nhưng nếu bộ máy tổ chức vận hành không tốt thì mô hình nào cũng thất bại hết."
Về thời gian sử dụng đất, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng theo dự thảo tại Điều 32, khoản 2 quy định những trường hợp Thủ tướng có thể cho thời hạn sử dụng đất đến 99 năm.
Đây là vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, nên theo ông cần cân nhắc.
"Quy định 99 năm có thể là do sự nhạy cảm về chính trị và tâm lý. Formosa 70 năm đã ồn ào lắm rồi. Tôi đề nghị cân nhắc bỏ 99 năm."
Mặc dù dự thảo Luật rất hạn chế các trường hợp sử dụng đất đến 99 năm, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị quy định này lợi bất cập hại, nên thống nhất thời hạn chung là 70 năm và không cần trường hợp nào phải xin Thủ tướng theo cơ chế xin cho.
Mới nhất hôm 6/6, tạp chí Tài chính của Bộ Tài chính dẫn lời ông Lịch rằng không phải dự án nào được triển khai trong 3 đặc khu đều được thuê đất 99 năm, chỉ những dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và phải được Thủ tướng quyết định mới được áp dụng ưu đãi này.
Các dự án đầu tư khác trong đặc khu sẽ hưởng ưu đãi tương đương với quy định hiện nay.
"Hiện nay chúng ta đã có cơ chế giao đất tối đa 70 năm, chúng ta có thể bàn đến 99 năm theo từng dự án và có thể nghĩ đến cách gia hạn sau mức 70 năm nếu dự án làm tốt."

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore

Tháng 5/2018, trả lời VTC News, Tiến sĩ Vũ Minh Khương cho rằng, dự thảo Luật về đặc khu kinh tế vẫn còn nhiều điểm "chưa thật sự khoa học".
"Bây giờ, đầu tư vào những lĩnh vực khoa học công nghệ cao thì dự án chỉ cần 50 năm, 70 năm là cùng. Còn những dự án như sản xuất hóa chất hay sản xuất gì đó cần lâu dài, thì đầu tư cũng chỉ nên tối đa là 70 năm, và cũng không nên vi phạm cái đó.
Còn đến đời sau có một hệ thống rất tốt rồi thì người ta lại sẽ yên tâm đầu tư.
Hiện nay, quy định thời gian thuê đất là 99 năm sẽ động chạm đến rất nhiều thứ, chưa kể là thu hút những doanh nghiệp đầu tư chưa chắc đã tốt mà còn đụng chạm đến vấn đề dân tộc nhạy cảm."
Trả lời câu hỏi về các ưu đãi trong dự thảo, ông Khương nói: "Chưa khoa học ở điểm là ta coi trọng quá nhiều về ưu đãi mà không coi trọng về ưu tú.
Ưu đãi về mặt thể chế thì phải rất tối đa, rằng chúng tôi sẽ cùng làm với anh để giải quyết các khó khăn, và tiền thuế 70 - 80% nhẽ ra miễn cho anh thì tôi sẽ dùng để hỗ trợ anh như về đội ngũ công nhân. Mà thông thường ưu đãi năm đầu rồi thì đến năm thứ hai doanh nghiệp sẽ xem là mặc nhiên, đến lúc đó nhà nước muốn thu lại một đồng cũng rất khó.
Tôi cảm thấy Việt Nam đang thất thu rất nhiều. Trước kia khi còn làm ở Hải Phòng tôi biết rõ điều này. Tức là mỗi năm mình cứ để thất thu hàng triệu USD, mà nhà đầu tư thì họ nói là do nhà nước quy định thế."
Ông Khương giải thích tiếp về ưu đãi thuế:
"Thứ nhất, là ưu đãi về thuế ở mức độ linh hoạt về mặt nhất định nào đó thôi. Nghĩa là 3 năm đầu còn nguyên thủy thì sẽ ưu đãi thuế, để kêu gọi hãy đầu tư vào đi. Sau đó từ năm thứ tư trở đi thì ổn định rồi, không phải ưu đãi đầu tư nữa.
Lúc đó thì lấy tiền đàng hoàng và chơi một cách bình đẳng, thì đó mới là chiến lược, song hiện giờ vấn đề này chưa được chúng ta coi trọng.
Thứ hai, là trong luật đặc khu, tôi đề nghị phải xem như là luật chung. Để khi nhà đầu tư họ thấy làm chỗ này không tốt thì họ vào chỗ khác. Ngay cả làm ở Hải Phòng, ở Thanh Hóa hay Quảng Ngãi cũng đều được, tức là nên cho một bộ luật nói chung và khi áp dụng vào một địa phương cụ thể nào đó thì phải rất là linh hoạt, hơn là chúng ta để áp vào một địa phương, vì đây là bài toán động."
Ông lo ngại: "Việt Nam hiện giờ ưu đãi đang rất cao. Chúng ta chỉ nghĩ đến ưu đãi cho doanh nghiệp. Thêm vào đó là lại dùng ngân sách để đầu tư cho phát triển các hạ tầng này khác. Cách làm này phải xem lại, cần phải có chiến lược dài hơi hơn."

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Hôm 4/6/2018, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh đăng bài trên Tuổi Trẻ, nói 5 lý do mô hình đặc khu khó thành công.
"Thứ nhất, chính sách nằm sau đạo luật này thiếu cơ sở thực tiễn. Một cách chính thống, Luật đặc khu nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối về "xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị".
Thứ hai, trong khi mục tiêu của cả ba đặc khu đều hướng tới thu hút các ngành công nghệ cao 4.0 thì tư duy chính sách chủ yếu vẫn chỉ là 1.0 - tức là cố thu hút thêm FDI bằng lợi thế so sánh tryền thống cùng những ưu đãi kịch trần và vượt khung, thậm chí không ngần ngại mở casino cho cả người Việt Nam vào chơi.
Thứ ba, với thiết kế như hiện nay, không có gì đảm bảo các đặc khu sẽ có tính bền vững về kinh tế và giúp tạo ra các ngoại tác tích cực như nâng cấp và chuyển đổi cơ cấu cũng như thúc đẩy cải cách kinh tế trên diện rộng.
Thứ tư, đưa ra một khuôn khổ pháp lý cho đặc khu mới chỉ là một bước khởi đầu, việc triển khai mô hình đặc khu trên thực tế chắc chắn sẽ còn lắm gian truân.
Thứ năm, với vị trí xung yếu và nhạy cảm của mình, liệu Phú Quốc, Bắc Vân Phong, và Vân Đồn có phải là những địa điểm thích hợp để thử nghiệm chính sách trong bối cảnh địa kinh tế và địa chính trị hiện nay hay không?"
Các thành viên còn lại trong Tổ Tư vấn kinh tế gồm: Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng - Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ; Tiến sĩ Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Tiến sĩ Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44370573

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét