Nhiều cơ quan đang cố tình cho chìm vụ AVG?
Cho đến lúc này, vụ ‘Mobifone mua AVG’ – mà quy mô và tính chất tham nhũng tinh vi và ghê gớm của nó phải dẫn đến một đại án – lại đang có vẻ rất gần với tương lai chìm xuồng. Mới đây, tác giả có bút danh rất quen thuộc là Nguyễn Văn Tung lại xuất hiện trên mạng xã hội với bài ‘Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG: đề nghị Tổng Bí thư, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh việc xử lý kết luận thanh tra (kỳ 29)’.Theo bài ‘sơ kết’ trên, ‘cho đến nay, đã hơn 2 tháng kể từ ngày Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra vụ AVG (thông báo kết luận số 356/TB-TCCP ngày 14/3/2018) nhưng việc xử lý kết luận thanh tra đang diễn ra rất chậm chạp, có dấu hiệu chống lệnh cấp trên và chìm xuồng’. Bài viết trên cũng liệt kê rất rõ về các ‘đầu việc’ mà nhiều cơ quan đảng và chính quyền vẫn đang ‘ngâm tôm’:
Về xử lý hành chính, cho đến nay, đã hơn 2 tháng trôi qua, Bộ TTTT vẫn chưa tiến hành việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan tại Mobifone (Chủ tịch HĐTV, các thành viên HĐTV, TGĐ, các PTGĐ, Kế toán trưởng, các tổ đàm phán…)… Hiện nay, ở Bộ TTTT và Mobifone, các cá nhân sai phạm trong vụ AVG đang rất phấn khởi vì vụ AVG đang có dấu hiệu chìm xuồng, việc họ câu kết và thông đồng với Phạm Nhật Vũ trong âm mưu rút ruột hơn 7.000 tỷ của Nhà nước sẽ không bị xử lý.
Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của Bộ TTTT trong việc ký quyết định số 236 phê duyệt việc Mobifone mua AVG và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TTTT phải hủy bỏ quyết định số 236 này, nhưng cho đến nay thì Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vẫn không chịu hủy quyết định này, để từ đó nên Mobifone không đủ sở cứ pháp lý bàn giao lại cổ phần AVG cho Phạm Nhật Vũ.
Về xử lý về mặt Đảng: Trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thẩm vấn Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải… và nhiều cá nhân liên quan tại Bộ TTTT và Mobifone về các sai phạm và trách nhiệm trong vụ AVG. Tuy vậy, trong 2 tuần qua, Ủy ban Kiểm tra trung ương lại đang im ắng một cách khó hiểu về vụ AVG. Có lẽ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà đã “chạy án” thành công để Ủy ban Kiểm tra trung ương không ra quyết định xử lý nữa.
Về xử lý hình sự: Mặc dù Thanh tra Chính phủ ra kết luận toàn văn vụ AVG vào ngày 20/3 nhưng Bộ Công an đã chùng chình trong việc nhận bàn giao hồ sơ AVG từ Thanh tra Chính phủ từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 (mục đích là để Phạm Nhật Vũ kịp gấp gáp gom đủ số tiền 8.500 tỷ đồng để trả lại cho Mobifone).
Ông Trọng chỉ “chống tham nhũng một bên” nhằm thanh trừng nhân sự và thu hồi một phần tài sản tham nhũng nhằm kéo được ngày nào hay ngày nấy chế độ độc đảng của ông ta?
Sau hơn 1 tháng tiếp nhận hồ sơ AVG từ Thanh tra Chính phủ, C46 vẫn tiếp tục “ngâm cứu” hồ sơ (mặc dù theo quy định, trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ điều tra, C46 phải ra quyết định khởi tố vụ án). Việc C46 trì hoãn khởi tố vụ án AVG cũng cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không thực sự chi phối được Bộ Công an mặc dù hai lãnh đạo này nằm trong Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương…
Nguyễn Văn Tung cũng là tác giả của loạt bài điều tra vụ “Mobifone mua AVG”, được tung lên mạng xã hội từ năm 2015 và cho tới nay đã có đến khoảng gần 30 bài.
Cho tới nay, dư luận vẫn không biết Nguyễn Văn Tung là ai và tính xác cứ ra sao đối với rất nhiều cáo buộc mà tác giả này đã nhắm vào các quan chức tham nhũng. Nhưng bằng vào sự trùng khớp giữa nhiều chi tiết, tình tiết mà tác giả này cung cấp trong các bài viết từ năm 2015 với kết luận thanh tra vụ “Mobifone mua AVG” được Thanh tra chính phủ công bố vào đầu tháng Ba năm 2018, cho thấy Nguyễn Văn Tung rất có thể là bút danh của một nhóm quan chức trong nội bộ đảng CSVN và nắm được nhiều tài liệu thực tế, và nhiều thông tin lẫn chi tiết mà tác giả này công bố là có thể tin cậy được.
Mối lo ngại của tác giả Nguyễn Văn Tung về khả năng vụ “Mobifone mua AVG” chìm xuồng là có cơ sở.
Quả đúng như bản ‘sơ kết’ của tác giả Nguyễn Văn Tung, thời gian đã trôi qua đến hai tháng rưỡi kể từ ngày Thanh tra chính phủ ồn ào công bố kết luận thanh tra vụ AVG, nhưng cho tới nay vụ việc vẫn im bặt, không có bất kỳ thông tin hay động thái nào được công bố từ phía các cơ quan chức năng, bất chấp việc Nguyễn Phú Trọng khá thuờng tuyên bố về ‘công khai thông tin’ đối với các vụ việc và vụ án tham nhũng trong thời gian gần đây.
Nửa năm sau những triệu chứng nguội lạnh bất thường tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017, một lần nữa lại xuất hiện dấu hiệu đổ bệnh của ‘lò ông Trọng’ ở Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018.
‘Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa’ và ‘mở đường cho người ta tiến’ là những phát ngôn đượm nét xuôi xị của Tổng bí thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau Hội nghị trung ương 7, cho dù ông Trọng vẫn không quên dùng bổ túc từ ‘lò đã nóng rực’.
Bất chấp chiến dịch tấn công “phe củi” thậm chí đã được cả quốc tế biết đến, người ta vẫn tự hỏi liệu Nguyễn Phú Trọng có “chống tham nhũng công bằng,” hoặc phải “chống tham nhũng cả phe ta” như người dân mong mỏi và đòi hỏi? Hay ông Trọng chỉ “chống tham nhũng một bên” nhằm thanh trừng nhân sự và thu hồi một phần tài sản tham nhũng nhằm kéo được ngày nào hay ngày nấy chế độ độc đảng của ông ta?
Thiền Lâm
(Cali Today)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét