Tại sao Trịnh Xuân Thanh sẽ được áp dụng luật đặc xá để đoàn tụ với vợ con tại Đức?
Trần Vũ Hải - Chỉ cần Chính Phủ để nghị, với lý do cần đáp ứng yêu cầu của nước Đức để sớm ký kết hiệp định thương mại tự do Việt nam-EU, Chủ tịch nước sẽ ra lệnh đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với Trịnh Xuân Thanh. Bù lại, Trịnh Xuân Thanh cũng phải “xuống nước” rút kháng cáo kêu oan và chấp nhận mất một số tài sản khủng đứng tên con trai để thi hành án. Khả năng Trịnh Xuân Thanh sẽ được áp dụng luật đặc xá để đoàn tụ với vợ con tại Đức là trong tầm tay và đúng luật Việt nam?
Hình minh họa
Ngày hôm qua 7/5/2018, có hai sự kiện pháp lý quan trọng liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, tại Hà nội, thủ đô của Việt nam lẫn Berlin , thủ đô của Đức. Tại Hà nôi, Toà án cấp cao xét xử phúc thẩm vụ Đinh La Thăng- Trịnh Xuân Thăng đã thông báo nhận đơn rút kháng cáo kêu oan của Trịnh Xuân Thanh (với cả hai vụ án mà Thanh bị tuyên án sơ thẩm chung thân).
Con trai của Thanh cũng rút đơn kháng cáo đòi trả lại tài sản kê biên (là biệt thự và xe sang do ông bà cho, được coi không liên quan đến bố). Đồng thời, tại một Toà án ở Berlin , Đưc, vợ của Trịnh Xuân Thanh đã khai với tư cách nhân chứng về việc “biến mất” của chồng tại Berlin vào tháng 7/2016, với nhiều tình tiết “khá nhạy cảm” đối với Việt nam.
Bà Schalagenhauf, Luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh đã trả lời trên BBC cùng ngày 7/5/2018 với nội dung như sau:
‘Phiên tòa Hà Nội xử ông Trịnh Xuân Thanh là không hợp lệ’
BBC: Trong phiên tòa sơ thẩm, ông Thanh đề đạt nguyện vọng được sang Đức thăm vợ con. Về mặt logic, việc một bị cáo đang đối diện với mức án tù nặng lại đưa ra đề xuất như vậy, liệu có phải là điều gì bất thường không, hay liệu có thể coi đó là một thông điệp nào đó mà thân chủ của bà muốn gửi ra bên ngoài?
Luật sư Schalagenhauf: Theo tôi, việc ông Thanh đề nghị như vậy là hoàn toàn hợp lý bởi lẽ nếu không có vụ bắt cóc thì vấn đề đã khác.
Còn ở đây đã xảy ra vụ bắt cóc bằng bạo lực đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Việc bắt cóc này là một hành vi phạm tội. Việt Nam đã vi phạm luật Đức và luật pháp quốc tế.
Với việc thực hiện hành vi tội phạm như thế, Việt Nam đã tự đánh mất quyền tố tụng xét xử thân chủ tôi. Phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh tại Hà Nội là không hợp lệ. Và một khi phiên tòa không hợp lệ rồi thì tất cả những phán quyết tòa đưa ra sau đó cũng đều không hợp lệ.
Vì thế, việc ông Thanh muốn quay trở lại Đức và việc đưa ông Thanh quay trở lại Đức là điều có thể làm và hoàn toàn nên làm.
Điều này liên quan đến những đòi hỏi mà phía Đức đặt ra với Việt Nam và phía Việt Nam cần tuân thủ, để qua đó hàn gắn quan hệ song phương. Quan hệ giữa hai nhà nước là phải theo luật pháp chứ không thể dùng hành vi bạo lực phạm pháp như thế được.
Chúng ta biết rằng trước khi xảy ra vụ bắt cóc, quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Đức đã đạt được nhiều tiến triển tốt đẹp. Nhưng chỉ vì vụ bắt cóc mà quan hệ đối tác chiến lược đã bị đình chỉ, một loạt các dự án hợp tác bị dừng lại, đó là chuyện rất đáng tiếc.
Theo tôi, cách tốt nhất là phải tìm mọi biện pháp để bình thường hóa trở lại – chính phủ Đức đã đưa ra một loạt các yêu cầu đối với phía Việt Nam, và việc để thân chủ tôi được quay trở lại nước Đức là một trong những đòi hỏi của Đức.
Theo tôi, sự thông minh và xử sự tốt nhất là bằng con đường ngoại giao để giải quyết chuyện này càng nhanh càng tốt. Điều đó sẽ có lợi cho cả hai nước. Đây không chỉ là quan hệ giữa Đức với Việt Nam không thôi, mà còn là quan hệ giữa Việt Nam với cả khối EU nữa.
Dù bản thân phiên tòa ở Berlin không cứu được quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức, nhưng điều mà nó làm được là nó sẽ đưa đến kết luận cuối cùng rằng đây là một vụ bắt cóc hay không, để đưa ra công luận một cách rõ ràng.
Vụ này, ngay sau khi xảy ra chỉ một thời gian ngắn, thay vì công tố viện của Berlin thì công tố viện của liên bang đã đảm nhận việc điều tra. Điều đó chứng tỏ nước Đức rất chú trọng vụ này và sẽ làm đến cùng.
Từ đó, quan hệ ngoại giao giữa hai nước ra sao sẽ còn tùy thuộc vào cách ứng xử của chính phủ hai nước sau đó. Nhưng công luận cần biết chính xác điều gì đã xảy ra. Giới chức cần phải chứng minh được đó có phải là vụ bắt cóc hay là không.
Qua nội dung trả lời của bà luật sư này và những phát biểu của bà Thủ tướng Đức Merkel khi trao đổi với thủ tướng Slovakia mấy ngày trước , cho thấy phía Đức coi việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc giữa thủ đô Berlin là việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quan hệ Đức Việt( đã diễn ra tốt đẹp trước đó) và đặc biệt đến việc ký kết chính thức một hiệp định thương mại tự do Việt nam- EU (EFVTA) dự kiến vào mùa hè năm nay.
Tất nhiên Trịnh Xuân Thanh không phải là kẻ ngốc, khi tại phiên toà sơ thẩm ở Hà nội tỏ lòng mong muốn đoàn tụ với gia đình tại Đức. Đây là thông điệp của Thanh gửi đến cho bà luật sư Đức giờ đã nổi tiếng nước Đức lẫn Việt nam, rằng Thanh vẫn muốn tiếp tục xin tỵ nạn tại Đức. Thanh cũng hiểu, nước Đức cũng đã yêu cầu Việt nam trả lại Trịnh Xuân Thanh trở lại nước Đức (như trước khi Thanh bị bắt cóc theo quan điểm của Đức).
Và các nhà lãnh đạo Việt nam, sau khi đã xử Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt ông anh của Trịnh Xuân Thanh là Đinh La Thăng, cũng phần nào đáp ứng nguyện vọng “trừng trị những kẻ tham nhũng” trong một bộ phận dân chúng, cũng thể hiện được uy quyền “đốt lò” của mình. Con bài Trịnh Xuân Thanh đã hết hạn sử dụng, không nên là vật cản cho quan hệ hai nước Việt – Đức, đặc biệt quan hệ Việt nam- EU. Hiệp định thương mai tự do Việt nam- EU phải được ký kết sớm, và cần giải toả con bài TXT càng sớm càng tốt.
Theo luật Việt nam, giải quyết cho Trịnh Xuân Thanh sang Đức theo yêu cầu của Đức có khả thi không và diễn ra như thế nào? Luật Đặc xá năm 2007 của Việt nam đã dự trù tình huống đó như sau:
Chương 3: ĐẶC XÁ TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
Điều 21. Người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt
Trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đang chấp hành hình phạt tù, người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật này.
Điều 22. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đặc xá trong trường hợp đặc biệt
Theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc theo đề nghị của Chính phủ về đặc xá được Chủ tịch nước chấp nhận, Chính phủ chủ trì phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Như vậy, chỉ cần Chính Phủ để nghị, với lý do cần đáp ứng yêu cầu của nước Đức để sớm ký kết hiệp định thương mại tự do Việt nam-EU, Chủ tịch nước sẽ ra lệnh đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với Trịnh Xuân Thanh. Bù lại, Trịnh Xuân Thanh cũng phải “xuống nước” rút kháng cáo kêu oan và chấp nhận mất một số tài sản khủng đứng tên con trai để thi hành án.
Khả năng Trịnh Xuân Thanh sẽ được áp dụng luật đặc xá để đoàn tụ với vợ con tại Đức là trong tầm tay và đúng luật Việt nam? Chúng ta hãy chờ xem!
Trần Vũ Hải
(FB trần Vũ Hải)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét