Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Ngậm ngùi tiễn đưa một nhân cách lớn: GS Diệu

Ngậm ngùi tiễn đưa một nhân cách lớn
18/05/2018 - Sáng 18/5, nhiều người đã tới nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông để tiễn đưa GS Phan Đình Diệu. Ông là GS Phan Đình Diệu, một trí thức được người đương thời, đồng nghiệp và hậu thế kính trọng vì khí phách, tầm vóc trí tuệ và nhân cách. GS Phan Đình Diệu từ trần hồi 10h ngày 13/5, hưởng thọ 83 tuổi. Lễ viếng và truy điệu diễn ra từ 9h15 sáng ngày 18/5; lễ an táng được tổ chức cùng ngày.

Người thân nghẹn ngào trước di hài 
GS. Phan Đình Diệu. Ảnh: Lê Anh Dũng
GS.TSKH Phan Đình Diệu sinh ngày 12/6/1936 tại Can Lộc, Hà Tĩnh; thường trú tại quận Ba Đình (Hà Nội). Ông là chuyên gia cao cấp của ĐHQG Hà Nội; Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam); Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin); Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin; Đại biểu Quốc hội khoá 5, 6; uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các khoá 3, 4, 5, 6, 7; Chủ tịch sáng lập Hội Tin học Việt Nam.

Trong điếu văn đọc tại tang lễ, GS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội nói rằng: Ở Trường ĐH Công nghệ của ĐHQG Hà Nội, GS Phan Đình Diệu đã dạy nhiều học trò….nhiều giáo viên, đặc biệt là những môn học có tính khai mở, dự báo, những hướng đi mới của phát triển khoa học tính toán như logic toán, cơ sở toán học, tin học, lý thuyết học. Những cuốn sách đều được ông nghiên cứu sâu sắc, chặt chẽ và đầy tính sư phạm.

“Không chỉ là một nhà khoa học, nhà giáo, suốt cuộc đời GS Phan Đinh Diệucòn là một nhà trí thức đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho đất nước. Là đại biểu Quốc hội khóa 5, 6, tham gia Ủy viên của Ủy ban khoa học, Ủy ban văn hóa giáo dục Quốc hội với tư duy độc, logic, kết hợp với sự tìm hiểu sâu sắc dạy học, GS Phan Đình Diệu đã có cách nhìn sâu rộng với thời cuộc về xu thế phát triển và những sự đổi thay cần thiết cho đất nước. Các ý tưởng của ông luôn được hình thành trên cơ sở khoa học với thực tế và vấn đề cốt lõi của sự phát triển kinh tế xã hội luôn có sự tính toán, xuyên suốt, mang tính tầm nhìn xa, có giá trị qua nhiều thế hệ. Ở mọi diễn đàn trong nước hay quốc tế, ngay ở diễn đàn Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, GS Phan Đình Diệu luôn thể hiện là một trí thức thẳng thắn, chân thành vì sự phát triển của đất nước”.



GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ thời kỳ internet được đưa vào Việt Nam tưởng nhớ: "Lại thêm một người tử tế nữa ra đi. Lại thêm một nhân cách của giới khoa học phiêu du về nơi vĩnh hằng. Nơi ngàn thu chín suối anh hãy an nhiên. Có chúng tôi và các thế hệ làm khoa học mai sau sẽ noi gương anh sống một cuộc đời trung thực, sáng tạo, dũng cảm biểu đạt và bảo vệ quan điểm riêng của mình trong mọi vấn đề, kể cả trong những thời điểm được coi là “nhạy cảm” nhất”.

GS Hà Huy Khoái bày tỏ: "Đọc lại những bài viết của Anh về khoa học, về con đường phát triển của xã hội Việt Nam, không thể không ngạc nhiên về những kiến giải sâu sắc, độc đáo, về tầm nhìn của anh. Sự phát triển, những vấn đề mà xã hội đang phải đối mặt gần như là “minh hoạ” những gì Anh nói đã vài chục năm. Và trên hết, ta cảm nhận tấm lòng Anh, một kẻ sỹ của thời đại mới, luôn trăn trở với con đường đi của đất nước. Anh không chỉ là nhà khoa học, nhà tư tưởng, Anh là người say mê tất cả những gì thuộc về tri thức nhân loại".



Ông Trần Hồng Tâm, cựu sinh viên Trường ĐH quốc gia Moscow (MGU) – nơi GS Diệu bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ – nhớ lại: “Một cách tự nhiên, ông đã trở thành thần tượng, người truyền cảm hứng cho chúng tôi”.

Nhìn lại cả cuộc đời tâm huyết và khảng khái của GS Diệu, anh Tâm viết: “"Những ý kiến phản biện của ông Phan Đình Diệu tuy cứng rắn, nhưng lại xuất phát từ một tấm lòng ngay thẳng, trung thực và thiết tha với đất nước, từ một thái độ thiện chí và xây dựng của người “trong cuộc”. Vì vậy, ông Phan Đình Diệu luôn có được sự kính trọng và chú ý của toàn thể xã hội. Và ông sẽ không bao giờ bị quên lãng”.

Trong lời phát biểu cảm tạ cuối tang lễ, PGS Phan Dương Hiệu, con trai của GS Phan Đình Diệu đã nói:

"Đối với chúng con, sự say mê đối với khoa học, sự trăn trở của bố đối với đất nước là lời dạy vô giá. Bố nói với con, cuộc sống cần nhất sự trung thực. tưởng chừng đơn giản nhưng trung thực bao gồm sự dũng cảm, trung thực với chình mình để có những chính kiến độc lập, trung thực trong cuộc đời để dũng cảm để nói lên ý kiến tâm huyết

Những lời phát biểu chân thành của bố thật dũng cảm, giản dị nhưng đầy mạnh mẽ về sự phát triển của đất nước.

Những mong ước của bố, những ý kiến của mình sẽ như một giọt nước nhỏ bé hòa vào nhiều chiều khác của dân tộc để tạo thành dòng thác đổi mới cho nhân dân.

Giọt nước nhỏ bé ấy như có cái tên là những bài viết nghĩ suy cùng đất nước.
Giọt nước ấy sẽ không tan đi khi bố chia xa".

Dưới đây là những hình ảnh tại buổi tang lễ:



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi vòng hoa chia buồn



GS Phan Huy Lê ghi sổ tang


Các ông Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ kính viếng


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ kính viếng


Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng ghi sổ tang.




GS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội chia buồn với gia quyến.







Con trai Phan Dương Hiệu nói lời cảm tạ trong tang lễ



Lê Anh Dũng - Hạ Anh
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/ngam-ngui-tien-dua-gs-phan-dinh-dieu-451710.html


GS Phan Đình Diệu: Tâm và tầm của một trí thức Việt

Hồi đầu Xuân 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bỗng đi thăm một số trí thức lão thành, trong đó có GS. Phan Đình Diệu.

GS Phan Đình Diệu: Một khối nghĩ suy đã đi xa...

Triết lý sống và tâm trạng của anh đã được đúc kết cô đọng và sáng rõ trong hai bài thơ ( Phan Đình Diệu là một nhà thơ thực thụ!).

GS Phan Đình Diệu, một trí thức lớn của Việt Nam đã qua đời

GS Phan Đình Diệu, một trí thức lớn của Việt Nam đã qua đời sáng nay sau một thời gian lâm bệnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét