Bao nhiêu áo giáp thì đủ, thưa anh Nhân?
Thật bi hài chuyện mấy “hiệp sĩ đường phố” khi truy đuổi toán cướp để bảo vệ cái xe máy cho một nhân viên ngành công an, rồi bị đâm chết 2 người và bị thương mấy người thành tiêu điểm nóng của xã hội ngày hôm qua và hôm nay.Ở đó, báo chí và ý kiến người dân đã chỉ ra rằng: Việc dùng các cá nhân tự đứng lên tổ chức thành các nhóm “Hiệp sĩ” rồi trao cho họ việc tự đi bắt người mà họ cho là cướp thay việc của cơ quan cảnh sát và công an là việc làm phi luật pháp. Trong một nhà nước pháp quyền, việc đó không hề nên khuyến khích. Dù rằng việc nêu cao tinh thần trượng nghĩa và loại bỏ thói vô cảm trong xã hội là điều cần thiết.
Chúng tôi đã có bài viết: “Tại sao lại là hiệp sĩ? Công an để làm gì?” Ở đó, chúng tôi đã phân tích các khía cạnh pháp lý, hậu quả của việc cho một số công dân không được đào tạo chuyên nghiệp đi bắt cướp trên đường phố.
Bởi, những người không được đào tạo chuyên nghiệp, không có kỹ năng, không được sử dụng vũ khí để hỗ trợ mà đi bắt cướp thì gây nguy hiểm cho tính mạng của chính họ và những người dân xung quanh.
Đặc biệt, nguy hiểm hơn, là trao cho những người không đủ quyền hành, không hiểu biết đầy đủ luật pháp một cách chuyên nghiệp đi bắt giữ người là trái luật pháp cũng là việc coi thường quyền tự do, tính mạng của người dân.
Và nếu như trong những người gọi là “hiệp sĩ” kia nếu có những người không tốt, thì đây là cơ hội ngàn vàng cho việc trấn cướp được thực hiện cách hoàn hảo.
Đó là chưa nói đến việc nếu dùng những người dân bắt cướp thì lực lượng công an, cảnh sát chuyên nghiệp được đào tạo, ăn lương và các chế độ khác cũng như các thiết bị hỗ trợ để làm gì?
Và nhỡ một số trong họ khi bắt cướp mà tấn công chết người nghi là cướp thì họ có phải chịu trách nhiệm với pháp luật hay không? Cũng như, nếu họ bị chết, hoặc bị thương thì nhà nước có bớt những đồng lương đã cấp cho công an, cảnh sát để trả cho họ hoặc nuôi vợ con, bố mẹ họ?
Tất cả những điều đó, đã được xã hội lên tiếng, mà không chỉ bây giờ, từ rất lâu nhưng đều bị các cơ quan, quan chức nhà nước bỏ ngoài tai.
Tưởng chừng như, sau cái chết của một số “hiệp sĩ” bắt cướp vừa qua, các quan chức và nhà cầm quyền đã biết rút ra bài học cho mình về việc nhà nước pháp quyền không cho phép giao cho người dân việc của chuyên ngành cảnh sát, công an. Nếu có, thì chỉ có việc người dân hỗ trợ trong khả năng có thể để các lực lượng chuyên nghiệp hoàn thành nhiệm vụ của mình mà thôi.
Thế nhưng, không. Khi đến thăm các “Hiệp sĩ” bị thương, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với những “hiệp sĩ đường phố” như anh Hoàng và nhiều người khác, khi làm “nhiệm vụ” cần có áo giáp bảo vệ, không thể tay không bắt giặc, nhất là khi các đối tượng có hung khí nguy hiểm. Và ông yêu cầu Công an TP cần nghiên cứu hỗ trợ, trang bị áo giáp cho các ‘hiệp sĩ’ đường phố để giảm thiểu rủi ro khi bắt tội phạm.
Nghe những lời này từ Bí thư Thành ủy, người dân không khỏi lắc đầu ngao ngán với cách nghĩ của ông Bí thư Thành ủy này.
Người ta đặt ra những câu hỏi:
Vậy thì khi phong trào “hiệp sĩ” được nhân rộng với quy chế, quyền được giao một cách dễ dãi, bao nhiêu áo giáp cho đủ đáp ứng được nhu cầu của người dân khi “Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”? Thậm chí, khi những đối tượng xã hội, côn đồ nhân dịp này xung phong làm “hiệp sĩ” và được cấp áo giáp rồi “giữa đường thấy kẻ đeo vàng chẳng tha” thì ai sẽ làm hiệp sĩ để đi bắt các “hiệp sĩ” này?
Đặt ra điều này không phải không có lý, khi mà nhiều năm gần đây, việc công an giả dạng côn đồ ngày càng nhiều nhằm trấn áp những người yêu nước cũng như nhiều công an dùng súng để trấn lột dọc đường và đặc biệt là nạn tham nhũng, mãi lộ… cũng là những hình thức cướp có tổ chức và được bảo kê.
Mặt khác, nhiều đối tượng cướp ngày càng hung hãn, tinh vi và hết sức manh động không chỉ đi cướp bằng dao búa, mà bằng súng đạn, bằng mìn, lựu đạn… thì có tiếp tục trang bị súng, lựu đạn, mìn cho các “hiệp sĩ”?
Đặt ra câu hỏi này cũng không phải vô cớ, bởi ngay gần đây, còn có cán bộ công an trộm súng để bán cả trăm triệu đồng.
Những năm gần đây, Hà Nội đã tổ chức những Tổ công tác 141 chặn dọc các đường phố, ngã tư, căng dây và hung hãn bắt bất cứ ai mà họ thích vào lục lọi từ quần áo, tư trang đến xe cộ mà không cần bất cứ lệnh bắt bớ, khám xét nào. Không khí Hà Nội cứ như thời chiến hoặc vùng bị tạm chiếm. Người dân đi đường bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành đối tượng và họ đối xử với người dân không khác gì những kẻ có quyền phán xét, lục soát như đối với các tội đồ.
Hẳn nhiên, đã sinh ra công an được trao nhiều đặc quyền, họ bất chấp tất cả mọi vấn đề về luật pháp, về quyền tự do, quyền con người… cũng như việc lạm dụng là điều hết sức dễ hiểu. Biết bao nhiêu sự phẫn nộ, bức xúc bởi lực lượng này đã nhiều khi biến thành những toán cướp có tổ chức và được bảo kê, ngang nhiên giữa đường.
Cũng như trước đây, nhà nước đã tổ chức nhiều đội săn bắt cướp, nhiều khu vực bị thi hành các quyết sách bất chấp sự đối chiếu với các văn bản luật pháp trong nước và quốc tế.
Thế nhưng, nạn cướp không hề giảm xuống.
Và vấn đề sẽ tiếp tục là vấn đề, những vòng luẩn quẩn cứ tiếp tục luẩn quẩn đưa xã hội đến sự hỗn loạn bởi luật pháp không nghiêm, bởi hệ thống suy đồi và tham nhũng, từ trên xuống dưới thi nhau… cướp. Bởi cha ông ta vẫn thường nói: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” là vậy.
Do đó, việc cần làm hiện nay, là nhanh chóng thay đổi chế độ độc tài – một chế độ dung túng cho cướp bóc và nhiều khi của cải cướp được lại được làm thước đo giá trị con người.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng: Lẽ nào Nguyễn Thiện Nhân không biết việc tổ chức các nhóm “Hiệp sĩ” như trên là bất hợp tình và bất hợp lý gây nhiều hậu quả tai hại?
Tôi vẫn nghĩ rằng ông ta biết. Bởi hầu hết mọi người đều biết điều này: Chính cơ chế cộng sản đã tạo nên tư tưởng “cướp” trong xã hội.
Thế nhưng, điều này thì tôi không hy vọng có cơ hội thành hiện thực từ những người như Nguyễn Thiện Nhân.
Bởi, ông ta cũng chỉ là một người cộng sản – một tư bản đỏ thời nay.
Mà với họ, thì chiếc ghế sinh lợi, sinh ra tiền bạc từ những hành động tối tăm như những đặc ân của đảng mới là quan trọng.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Blog RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét